Cập nhật: Thứ 5, 09/10/2014 | 05:14 GMT+7

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước khởi sắc

(QT) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có 41 xã, thị trấn, phân bổ ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân và bộ mặt nông thôn miền núi đã có bước phát triển vượt bậc, xóa bỏ dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi. Sau chiến tranh, cũng như bao miền quê khác ở Quảng Trị, làng xóm ở miền núi bị bom đạn địch tàn phá nặng nề, nhà cửa đổ nát, hố bom, hố pháo mọc lên nhan nhãn trong vườn, trên nương rẫy. Để có được cuộc sống như hôm nay, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã phải trải qua bao khó khăn, vất vả trong khai hoang phục hóa đất đai và lao động sản xuất. Nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương và tỉnh đã tập trung cho miền núi, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục…Tổng kinh phí thực hiện một số chương trình mục tiêu trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị trong giai đoạn 2005-2012 hơn 754 tỷ đồng, từ năm 2013 đến nay hàng trăm tỷ đồng.

Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi và ruộng nước tại khu tái định cư Sông Ngân, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh

Giờ đây, đi dọc theo các xã vùng Lìa: Thanh, Thuận, Xi, A Xing, A Dơi, huyện Hướng Hóa và các xã dọc tuyến quốc lộ 9, đường Trường Sơn như Hướng Hiệp, thị trấn Krông Klang, A Ngo, Tà Rụt (Đakrông) mới thấy hết được sự đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của những vườn chuối trải dài trên các triền đồi; những vườn cà phê, xoài, tiêu xanh um tùm; cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, nhà đổ mái bằng, nhà xây lợp ngói của người dân mọc lên ngày càng nhiều. Xã Thuận, nơi đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô chiếm hơn 80% dân số địa phương là một điển hình trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Về xã Thuận hôm nay, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay ở khắp bản làng và trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đã một thời, tình trạng thiếu lương thực trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã Thuận đã lặn lội đến các địa phương học tập kinh nghiệm thoát nghèo và vận động người dân ngoài trồng cây lúa nước phải trồng thêm ngô, sắn và các loại cây ăn quả để giải quyết bài toán lương thực. Đến nay, toàn xã có hơn 90 ha ngô, gần 700 ha sắn và hàng chục héc ta các giống cây trồng khác như: chuối, hồ tiêu, cà phê, xoài, nhãn, vải...Ước tính, thu nhập từ các loại cây trồng của người dân xã Thuận đạt hơn 20 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình ở xã Thuận đã giảm được nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, hàng chục hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Bên vườn cây ăn quả xanh tốt đang vào mùa thu hoạch của mình, Pỉ Thiết, ở thôn A Ho, xã Thanh (Hướng Hoá) bồi hồi nhớ lại: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có cuộc sống khấm khá như hôm nay. Sau ngày đất nước mới thống nhất, cuộc sống ở vùng đất này khổ cực không sao kể xiết. Giêng hai, giáp hạt hàng trăm hộ gia đình thiếu đói. Tôi còn nhớ hồi mới khai hoang đất đai, thỉnh thoảng đâu đó bom đạn còn sót lại phát nổ làm nhiều người chết và bị thương. Người dân ở đây rất sợ mỗi khi lên nương rẫy sản xuất. Nhưng nay xã Thanh đã khác rồi. Màu xanh của cà phê, chuối và các loại cây ăn quả đã phủ khắp những quả đồi xưa nham nhở vì bom đạn. Xã Thanh cùng huyện Hướng Hóa đã trở thành một trong những vùng cây công nghiệp trọng điểm của tỉnh”. Hội Nông dân các huyện Hướng Hóa và Đakrông đã có những hoạt động thiết thực và thực sự trở thành người bạn đồng hành trợ giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa cho biết: Những năm qua, cùng với đổi mới nội dung phương thức hoạt động tạo sự gắn bó mật thiết giữa bà con với tổ chức hội, Hội Nông dân mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người dân áp dụng vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Mai Hoa Sen, ở bản Ka Hẹp, xã Tà Rụt, huyện Ðakrông đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi cho biết, trước đây cuộc sống gia đình luôn bị đói nghèo đeo bám. Ðời sống sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào mấy rẫy lúa, bắp thường xuyên mất mùa. Từ trong nghèo khó, ông đã nghĩ ra cách làm mới, vẫn khai thác rừng nhưng không theo phương pháp truyền thống như săn bắt thú, khai thác gỗ mà lập trang trại chăn nuôi, trồng rừng để dựa vào đó thoát nghèo. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập vài chục triệu đồng từ khai thác rừng trồng và chăn nuôi. Mô hình kinh tế của gia đình ông Sen là một điển hình trong việc thay đổi tập quán khai thác rừng được nhân rộng trên địa bàn huyện miền núi Ðakrông. Lên xã A Dơi, huyện Hướng Hóa hỏi về chuyện phát triển kinh tế, mọi người ai cũng nhắc đến gia đình ông Hồ Dơn, trú tại thôn Pa Roi. Ông Dơn cho biết: “Trước đây, đời sống gia đình tôi rất khó khăn vì chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, nên cứ luẩn quẩn đói nghèo. Cuộc sống của gia đình thực sự thay đổi kể từ khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa mọc lên trên địa bàn. Trong lúc nhiều hộ gia đình khác còn chần chừ với loại cây trồng mới này thì tôi mạnh dạn khai hoang thêm hơn 4 ha đất để trồng sắn, thu hoạch được hơn 70 tấn, bán gần 100 triệu đồng”. Quyết chí làm giàu, ông tiếp tục khai hoang thêm 3 ha đất trồng cây cà phê và cây bời lời. Nhờ được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn về kỹ thuật chăm bón nên vườn cây của gia đình ông luôn tươi tốt, cho năng suất cao. Ông Hồ Dơn là một trong những điển hình xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất ở địa phương, có thu nhập hàng năm hơn 200 triệu đồng. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, ông Dơn có điều kiện chăm lo cho các con ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Tận mắt chứng kiến hiệu quả kinh tế do các loại cây trồng mang lại cho gia đình ông Dơn, nhiều hộ gia đình ở xã A Dơi học tập ông khai hoang đất đai mở rộng diện tích trồng sắn. Phong trào trồng sắn đã mở hướng làm ăn mới, có thu nhập cao cho bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở xã A Dơi nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung... A Dơi đang ngày một đổi thay, người dân ngày càng tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bản làng yên ấm, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh biên giới của Tổ quốc . Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước nên kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng phục vụ tốt đời sống sản xuất và dân sinh. Các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới, điện thoại, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi cơ bản hoàn thiện; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí. Nhờ kết nối vùng tiện lợi thông qua hệ thống giao thông và thông tin liên lạc nên khoảng cách giữa miền núi, vùng nông thôn và thành thị trở nên gần gũi hơn. Theo đó, trình độ dân trí, kỹ năng canh tác trong sản xuất nông nghiệp, cơ hội mở mang ngành nghề dịch vụ của người dân đã được nâng lên. Nhiều thôn, bản được công nhận làng văn hóa, nhiều gia đình đạt chuẩn văn hóa; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn giỏi, nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, toàn quốc... Với những cố gắng lớn, sự nỗ lực đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị đang ngày càng phát triển đi lên, góp phần xây dựng các huyện miền núi trên địa bàn vững về kinh tế, ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đẹp về văn hoá. Bài, ảnh: NGUYỄN VIỆT HOÀNG


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Trên 750.000 trẻ đã được tiêm vaccine sởi-rubella

Trên 750.000 trẻ đã được tiêm vaccine sởi-rubella
22:11 08/10/2014

(SGGPO) - Đây là thông tin mới nhất được Bộ Y tế công bố tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phối hợp sởi-rubella cho hơn 20 triệu trẻ em từ 1-14...

Góp phần xây dựng biên giới bình yên

Góp phần xây dựng biên giới bình yên
22:10 08/10/2014

(QT) - Xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được thành lập theo Nghị định số 08/2004/NĐ-CP ngày 2/1/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn xã hiện có 5 thôn với 286 hộ, 1.360...

Thời tiết

26°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long