{title}
{publish}
{head}
Tròn 70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về “vọng gác Cửa Tùng” nơi cửa biển vẫn còn sống động trong tâm trí của một vị nguyên chỉ huy trưởng lực lượng biên phòng Quảng Trị. Hoài niệm về vọng gác này vẫn như đâu đây khi trong khuôn viên Đồn Biên phòng Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, vẫn còn lưu giữ di tích Trạm kiểm soát liên hợp năm xưa.
Ký ức về một tiền đồn giới tuyến
Cửa Tùng là một địa danh đặc biệt trong thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Hiện nay, trong khuôn viên của Đồn Biên phòng Cửa Tùng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị vẫn còn lưu giữ di tích Trạm kiểm soát liên hợp.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng viếng, thắp hương trước Tượng đài chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến - Ảnh: BPCT
Trước năm 1975, lực lượng công an nhân dân vũ trang ở bờ Bắc và lực lượng cảnh sát của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam cùng liên hợp kiểm soát tàu thuyền qua lại nơi đây. Đại tá Nguyễn Thanh Hà - nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị - là một trong số những người đặt viên gạch đầu tiên để thành lập nên Đồn Biên phòng Cửa Tùng ngày nay. Đã ở tuổi 93 tuổi nhưng Đại tá Nguyễn Thanh Hà vẫn rất minh mẫn, ông nhớ rành mạch những sự kiện đáng nhớ trong quãng đời binh nghiệp của mình.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lấy sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Đại tá Hà kể, thời điểm đó Đại đội Công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến được thành lập với 100 chiến sĩ đầu tiên, được tuyển chọn từ những chiến sĩ ưu tú của các Đại đội 340, 348 bộ đội địa phương các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và chiến sĩ quân đội, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Trị.
Ông Hà là một trong số những cán bộ đầu tiên đó. Đại đội được cấp 100 khẩu súng, trong đó có 50 súng ngắn, 5 súng tiểu liên; phân thành 2 phân đội, trong đó ông Hà được phân công làm Phân đội trưởng Phân đội 1. Phân đội 1 phụ trách tuyến từ Cửa Tùng lên Hiền Lương, gồm các đồn, trạm: Cửa Tùng, Tùng Luật, Phước Lý, Tân Trại Hạ, Hiền Lương. Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ thực thi, ngày 25/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc qua cầu Hiền Lương, Phân đội 1 của ông Hà được lệnh chiếm lĩnh các vị trí dọc bờ Bắc sông Bến Hải. Cũng từ lúc này, các phân đội bắt đầu làm nhiệm vụ kiểm soát qua lại sông Bến Hải theo quy chế Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Do là khu phi quân sự nên người dân được qua lại sông Bến Hải tự do. Riêng ở Cửa Tùng có việc ra vào cửa sông, biển nên phải tổ chức đồn liên hợp. Vì thế, ngày 23/11/1954, Đồn Kiểm soát liên hợp Cửa Tùng hình thành và hoạt động, kiểm soát thuyền bè ra vào cửa sông. Hằng ngày, công an vũ trang giới tuyến của ta ở bờ Bắc và cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam liên hợp kiểm soát thuyền bè mỗi bên. Hằng tuần, hai bên tiến hành đổi bờ để thực thi nhiệm vụ.
Quá trình thực thi nhiệm vụ đã âm thầm diễn ra nhiều cuộc chiến không tiếng súng giữa hai bên. Ngày 26/4/1959, chấp hành Nghị quyết 58/CT-TW của Bộ Chính trị, Bộ Công an ra Nghị định số 183/ CA thành lập Khu công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh. Đồn Kiểm soát liên hợp Cửa Tùng từ đây mang tên Đồn Công an nhân dân vũ trang Cửa Tùng, chuyên trách công tác liên hợp và cảnh vệ nội địa, bảo vệ biên giới, trực thuộc Khu công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh.
Trải qua nhiều tên gọi khác nhau, đến tháng 9/1998 Đồn Biên phòng 204 được thành lập và sau này đổi tên thành Đồn Biên phòng Cửa Tùng. Ngày 3/9/1973, đơn vị vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Gắn bó từ những ngày đầu với tiền đồn nơi giới tuyến này, Đại tá Nguyễn Thanh Hà có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là ngày 25/8/1954, khi chuẩn bị cho lễ Quốc khánh 2/9, Phân đội 1 của ông được phân công dựng lá cờ ở đầu cầu giới tuyến. “Tôi giao nhiệm vụ cho anh em kiếm một cây cột gỗ về dựng treo cờ. Thấy ta treo cờ ở bờ Bắc thì phía bờ Nam, phái đoàn Liên hiệp Pháp và cảnh sát Việt Nam Cộng hòa ở khu vực phi quân sự lợi dụng lô cốt cắm cờ tam tài (Quốc kỳ của Pháp) cao hơn.
Thấy vậy, bà con phía ta đi dự lễ Quốc khánh đề nghị ta phải cắm cờ cao hơn. Đây cũng là sự việc đánh dấu cuộc “đấu cờ” nổi tiếng của hai bên bắt đầu. Sau đó, tôi phân công một tiểu đội về rú Đơn Thầm (thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa) chặt một cây gỗ to, cao hơn về cắm lá cờ lớn đã được cấp. Cuộc “đấu cờ” qua lại giữa hai bên ròng rã trong nhiều năm, mãi cho đến năm 1967 mới kết thúc, đó là khi máy bay B52 ném bom làm gãy cột cờ Hiền Lương. Cũng trong đêm đó, quân ta đã kéo qua đánh sập cột cờ phía bờ Nam...”, ông Hà nhớ lại.
Cuộc chiến không tiếng súng
Trong những năm 1962-1964, nhiều lần Mỹ - ngụy cố tình vi phạm quy chế khu phi quân sự và những quy định về công tác liên hợp. Đây là thời gian cán bộ, chiến sĩ ta phát huy bản lĩnh đấu tranh vững vàng, dũng cảm và sắc sảo mới buộc được đối phương lùi bước.
Trong cuộc chiến không tiếng súng này, tiêu biểu có một số cuộc đấu trí thắng lợi rất đáng nhớ. Đó là lúc 12 giờ ngày 28/4/1962, Thượng sĩ Nguyễn Xuân Dưỡng và Binh nhất Nguyễn Trọng Vinh sang bờ Nam nhận phiên gác và nhận thấy ở đồn cảnh sát có những hiện tượng khác lạ. Toàn thể bọn lính hối hả làm vệ sinh doanh trại, khẩn trương trang hoàng nhà câu lạc bộ; ở nhà liên hợp vắng bóng những tên cảnh sát, dường như có lệnh cấm trại để đón khách.
Hai đồng chí bàn nhau dựa vào sức mạnh pháp lý, vào những quy chế và biên bản về khu quân sự, quyết tâm là “Nếu người Việt Nam thì ta hỏi giấy, nếu người nước ngoài thì ta kiên quyết đuổi”. Đến 14 giờ, một đoàn xe gồm 13 chiếc lớn nhỏ kéo đến. Đoàn có 6 người nước ngoài (cố vấn Mỹ đội lốt dân sự) và Trung tướng Trần Văn Đôn, Bộ trưởng Quốc phòng chính phủ Ngô Đình Diệm; Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng Công dân vụ.
Để Nguyễn Trọng Vinh đi quanh vòng ngoài yểm hộ, đồng chí Nguyễn Xuân Dưỡng đã trực tiếp dùng lời lẽ pháp lý đấu tranh với địch. Cuối cùng đoàn người nói trên đành lên xe chuồn thẳng sau chưa đầy 10 phút từ khi đến, không kịp vào nghỉ chân. Sau khi xảy ra sự việc “làm mất thể diện quốc gia”, toàn bộ đồn cảnh sát của chúng gần 30 tên từ đồn trưởng đến binh lính đều bị đổi đi nơi khác.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng trao tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho ngư dân địa phương - Ảnh: BPCT
Một sự kiện đáng nhớ khác. Đó là ngày 24/4/1962, lúc 11 giờ, địch cho 4 xe chở 4 linh mục và 150 tín đồ Thiên Chúa giáo phần lớn ở miền Bắc di cư vào Nam, đến Cát Sơn ở bờ Nam. Mục đích của chúng là tìm cách xuyên tạc tình hình miền Bắc và bố trí bọn phản động khiêu khích, làm giảm uy tín của chế độ ta trước giáo dân.
Khi hai chiến sĩ Phan Đá và Nguyễn Hữu Triều sang gác liên hợp ở bờ Nam, bọn cảnh sát và một số tên phản động đã lôi kéo đồng bào đến vây quanh, đưa ra nhiều câu hỏi châm chọc để đồng chí nổi nóng, mất bình tĩnh dẫn đến nói năng và xử sự không đúng mực. Biết rõ âm mưu đó, đồng chí Đá phớt lờ, tiến đến hỏi thăm đồng bào.
Đồng chí Đá chỉ về phía những ngôi nhà ngói mới mọc bên kia sông, kể lại những thay đổi to lớn ở các xóm đạo Di Loan, An Ninh, chuyện nhà máy, nông trường, hợp tác xã ở Vĩnh Linh... Đồng bào ai nấy yên lặng nghe. Cuối cùng, biết không thực hiện được âm mưu, tên đồn trưởng vội gom tất cả lên xe chuồn đi.
“Đồn nằm trong lòng dân”
Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Tùng, Thiếu tá Thái Anh Tú cho biết, truyền thống đấu tranh cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng thể hiện tinh thần vì Nhân dân phục vụ, gắn chặt với địa bàn phụ trách với khẩu hiệu, phương châm hoạt động là “Đồn nằm trong lòng dân”, nên trong những lúc gian khổ ác liệt, người chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng bao giờ cũng xác định nhiệm vụ của mình là đứng ở tuyến trước để bảo vệ Nhân dân. Những chiến công mà đồn giành được trong đó có công sức của Nhân dân thuộc địa bàn đồn phụ trách và ngược lại.
Hiện nay, Đồn Biên phòng Cửa Tùng được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn bờ biển dài hơn 27,5 km; phụ trách địa bàn 2 xã Kim Thạch, Vĩnh Thái và thị trấn Cửa Tùng. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh cũng như phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo do đơn vị phụ trách, thời gian qua cán bộ, chiến sĩ luôn nhận thức sâu sắc: giúp Nhân dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần thì người dân cũng giúp bộ đội nắm chắc tình hình trên biển, trên bờ, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Với vai trò nòng cốt của mình, Đồn đã tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không sử dụng chất nổ, xung điện trong khai thác thủy sản. Vận động Nhân dân cung cấp thông tin, tố giác các đối tượng vi phạm để có biện pháp xử lý. Hướng dẫn bà con cách xử lý khi có tàu thuyền nước ngoài đe dọa tới tài sản và tính mạng của ngư dân...
Bên cạnh đó, đồn đã làm tốt công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tích cực bám nắm địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát ven biển, quản lý, kiểm soát tàu thuyền xuất nhập lạch, chủ động nắm bắt tình hình trên biển thông qua các tàu cá đánh bắt xa bờ.
Kịp thời phối hợp với lực lượng kiểm ngư tỉnh và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ xử lý các trường hợp đánh bắt hải sản trái phép; phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành đúng các quy định của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm trong kinh doanh, góp sức cùng chính quyền và các lực lượng xây dựng môi trường an ninh ổn định, biến Khu du lịch Cửa Tùng là điểm đến tin cậy, an toàn để thu hút khách du lịch.
Thường xuyên phối hợp các ngành chức năng làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các hoạt động trên biển.
Trung úy Trương Hữu Hoàng, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa Tùng chia sẻ: “Là một sĩ quan trẻ về công tác tại Đồn Biên phòng Cửa Tùng giàu truyền thống, tôi cảm thấy rất tự hào.
Bản thân tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và tiếp bước cha anh xây dựng đồn ngày càng vững mạnh. Cùng với nhiệm vụ thường trực, là một đoàn viên trẻ, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động, phong trào đoàn của đơn vị và địa phương với nhiều phần việc thiết thực”.
Hiếu Giang
QTO - Từ ngày thành lập đến nay, dù ở thời điểm nào, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng cũng luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách...
Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội.
QTO - Trong nghề cầm bút của mình, một trong những niềm tự hào của bản thân là đã có 5 chuyến hải trình ra Trường Sa và thềm lục địa, nếm được bão biển...
QTO - Mạch nguồn ao cá bên nhà sàn Bác Hồ lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc, hòa vào mạch sống chung của người dân đất Việt. Câu chuyện về đàn cá được lấy từ ao...
QTO - Những ngày này, khi xuân vừa chạm ngõ, trên những vùng quê cách mạng, chúng ta cảm nhận rõ không khí náo nức trong những sắc màu của sự ấm no, trù...
QTO - Năm 2024 là năm đánh dấu sự kiện 35 năm lập lại tỉnh Quảng Trị, cũng là năm tăng tốc, đột phá hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh...
QTO - Trên rẻo cao miền biên ải, “tiết học biên giới” đều đặn diễn ra mỗi tháng 1 lần. Điều thú vị ở đây là học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
QTO - Đồn Biên phòng Hướng Lập được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 29 km với 16 vị trí mốc quốc giới và 5 cọc dấu nhận biết đường...
QTO - Nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 (1930-2024), chiều nay 3/2, Chi bộ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn long trọng tổ chức lễ...
(Chinhphu.vn) - Đảng ta - một danh xưng gần gũi của không chỉ mỗi đảng viên, cán bộ, mà còn là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam về một Đảng của dân tộc, mà sinh thời Chủ tịch...
QTO - Một mùa xuân mới lại về trên quê hương Quảng Trị mang theo bao kỳ vọng về năm mới an lành, hạnh phúc. Để giúp mọi nhà vui Tết, đón xuân, cùng với...