Cập nhật: Thứ 4, 02/05/2018 | 06:58 GMT+7

Vĩnh Linh chú trọng công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân

(QT) - Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho lao động nông thôn. Từ việc làm này đã góp phần nâng cao số lao động được đào tạo nghề, tạo bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, phát triển sản xuất, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây hồ tiêu

Là một trong những nông dân được tham gia lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây hồ tiêu tại xã Vĩnh Tân, anh Nguyễn Quang Huy ở thôn An Du Nam 1 cho biết, gia đình anh trồng cây hồ tiêu đã hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, trước đây anh và người dân trong xã chỉ trồng tiêu theo kinh nghiệm và phương thức truyền thống nên cây tiêu phát triển chậm, dễ bị các loại bệnh, năng suất thu được không cao. Năm 2015, khi nghe tin Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện tuyển sinh lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây hồ tiêu ngay tại xã, anh đã cùng với 30 hộ dân trên địa bàn xã đăng ký tham gia. Sau 2 tháng được “cầm tay chỉ việc” trực tiếp trên cây hồ tiêu, anh đã nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, nhất là biện pháp chống ngập úng... Nhờ vận dụng tốt những kiến thức đã học vào quá trình canh tác nên vườn tiêu của gia đình anh luôn phát triển tốt, cho năng suất cao. Hiện tại, mỗi năm từ vườn tiêu hơn 7 sào của gia đình anh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. “Trước đây, tôi chăm sóc, phòng bệnh cho vườn tiêu chỉ theo kinh nghiệm, nhiều khi bón phân hoặc phòng trừ sâu bệnh hại không kịp thời, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao. Sau khi được tạo điều kiện tham gia học nghề, tôi đã nhận biết được những dấu hiệu trên cây tiêu và tự xử lý được những bệnh đơn giản, nhờ đó chủ động trong việc chăm sóc, giảm chi phí đầu tư. Hiện vườn tiêu của gia đình tôi cho năng suất cao hơn rất nhiều. Tôi mong muốn tiếp tục được tham gia những lớp học như vậy để có thêm nhiều kiến thức bổ ích”, anh Huy cho hay.

Tại thôn Xóm Muội, xã Vĩnh Long, lâu nay ngoài trồng lúa, bà Nguyễn Thị Dúng nuôi thêm một số gà, vịt... Tuy nhiên, bà chủ yếu nuôi các loại gà cỏ địa phương và thả rông nên chất lượng và hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2016, bà Dúng đăng ký theo học lớp sơ cấp nghề chăn nuôi gà thương phẩm do Trung tâm GDTX - GDNN huyện phối hợp tổ chức tại xã. Tại lớp học này, trên những khu chăn nuôi của mình, người dân được giáo viên hướng dẫn cụ thể phương pháp làm chuồng trại, kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học, chế biến khẩu phần ăn cho từng giai đoạn phát triển của gà, cách vệ sinh phòng trị bệnh. Trao đổi với chúng tôi, bà Dúng cho biết: “Trước đây người dân thường nuôi gà theo phương pháp truyền thống, không nắm được các quy trình kỹ thuật, cách chọn giống, cách sử dụng thuốc thú y nên chi phí sản xuất cao, năng suất thấp lại gây ô nhiễm môi trường. Từ khi được tham dự lớp đào tạo nghề, tôi đã chủ động được việc phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà và áp dụng kỹ thuật nuôi một cách bài bản nên đàn gà phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm gia đình tôi thả nuôi và xuất chuồng 3 lứa với gần 1.000 con gà lai chọi và lai ri, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, tôi quyết định nuôi theo phương thức khép kín, sử dụng đệm lót sinh học nên bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Anh Huy, bà Dúng chỉ là 2 trong số nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã tạo việc làm, có thu nhập khá sau khi được đào tạo nghề. Theo báo cáo của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh, từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 91 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 2.750 lao động nông thôn. Các nghề được đào tạo gồm: Trồng và chăm sóc, khai thác cao su; kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch hồ tiêu; trồng rau an toàn; trồng hoa; trồng và chăm sóc cây ném, cây sả; kỹ thuật nuôi gà thả vườn; nuôi và phòng trừ bệnh cho lợn; kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi trang trại; nuôi và phòng trừ bệnh cho trâu, bò, dê; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật xây dựng; sửa chữa vận hành máy nông - ngư nghiệp; pha chế đồ uống; cắt tóc, trang điểm... Qua các lớp đào tạo nghề, người dân không chỉ nâng cao trình độ trong sản xuất - kinh doanh mà còn chủ động việc làm, vận dụng được những kiến thức cơ bản vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất lao động và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Xuân Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh cho biết: “Hằng năm, trung tâm tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân các địa phương từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần”. Đồng thời, thay vì đào tạo tại trung tâm, chúng tôi triển khai các lớp đào tạo nghề lưu động, giảng dạy ngay tại địa phương cho nông dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các trung tâm dạy nghề còn liên kết, phối hợp với các trường cao đẳng nghề, trạm khuyến nông, trạm thú y đào tạo lớp chuyên ngành lái xe, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, thú y, mộc dân dụng…; đồng thời chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn cho nông dân. Nhờ vậy, sau khi kết thúc các lớp học, 100% học viên nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, áp dụng vào các mô hình của gia đình, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả kinh tế”. Cụ thể, đối với các nghề may mặc, tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa máy móc sau khi học nghề, học viên được giới thiệu, tạo điều kiện vào làm việc ngay tại các công ty, cơ sở sản xuất tại địa phương, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống theo phương châm “ly nông bất ly hương”. đối với dạy nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, bảo vệ thực vật…, trung tâm phối hợp với các địa phương lựa chọn đối tượng học nghề là chủ trang trại, gia trại nhằm trang bị cho họ những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vận dụng kiến thức có được trong hoạt động sản xuất của gia đình, các học viên còn là những tuyên truyền viên tích cực phổ biến kiến thức đã học, chia sẻ kinh nghiệm đến các gia đình hội viên nông dân khác giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiếu, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, để công tác dạy nghề trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu của cả người học và thị trường lao động, Trung tâm GDNN - GDTX huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất; gắn dạy nghề với các chương trình hỗ trợ khác như vay vốn sản xuất sau đào tạo; giúp người nông dân tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Lê An



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cải cách hành chính ở Triệu Vân

Cải cách hành chính ở Triệu Vân
23:54 01/05/2018

(QT) - Thời gian qua, xã bãi ngang ven biển Triệu Vân (Triệu Phong) đã có nhiều đổi thay trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Đặc biệt, Triệu Vân là một trong những địa phương...

Khởi nghiệp với tinh dầu tràm

Khởi nghiệp với tinh dầu tràm
23:45 01/05/2018

(QT) - Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, hai anh em Nguyễn Phúc Hoàng (40 tuổi) và Nguyễn Phúc Minh (32 tuổi) ở thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng đã...

Nông dân liên kết phát triển kinh tế

Nông dân liên kết phát triển kinh tế
23:08 29/04/2018

(QT) - Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, thời gian qua, nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị đã cùng nhau liên kết, thành lập HTX và Tổ hợp tác để phát triển kinh tế....

Thời tiết

23°C - 31°C
Có mây, không mưa
  • 22°C - 29°C
    Có mây, không mưa
  • 23°C - 30°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long