Vị trí, vai trò của báo chí trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(QT) - Nhu cầu thông tin của xã hội ngày càng tăng, nhất là trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa; chức năng và hiệu quả xã hội của báo chí được nâng lên. Do đó, báo chí có vị trí, vai trò quan trọng trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013. Vị trí của báo chí, trước tiên, được xác định nằm trong quyền công dân, được quy định tại Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Điều 25 của Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Quy định này nằm ở Chương II, nhưng gốc gác của quy định này đã nằm ở Chương I Chế độ chính trị, Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Đối chiếu Điều 3 với Điều 25 cho thấy, trong quyền công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin (Hiến pháp đã nêu “công dân có quyền”) và quyền này được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Điều đó cũng có nghĩa là vị trí của báo chí được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Đặc biệt, vị trí này còn được xây dựng, vun đắp, tăng cường, phát triển, Khoản 2, Điều 60 đã nêu, Nhà nước, xã hội “phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 |
Báo chí Việt Nam ngày càng khởi sắc - Ảnh: PV |
Cùng với việc thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, báo chí phải “phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Điều đó cho thấy, vị trí của báo chí được Hiến pháp xác định không chỉ nằm trong quyền công dân mà còn nằm trong lợi ích của quốc gia, dân tộc (“phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”). Điều này hoàn toàn thống nhất với một nguyên tắc cốt lõi, xuyên suốt trong Hiến pháp: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (Khoản 4, Điều 15). Vị trí nào, vai trò ấy. Báo chí trong Hiến pháp có vai trò “đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân”. Không có thông tin, xã hội sẽ không phát triển được. Không có thông tin sẽ không thực hiện được việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc “đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân” là nhằm “bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Để tạo ra khung pháp lý “bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”, Hiến pháp đã có các quy định về “sự giám sát của Nhân dân”, về “chế độ báo cáo trước Nhân dân”. Về việc giám sát, Hiến pháp quy định Đảng, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải chịu sự giám sát của nhân dân: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4); “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân” (Điều 8). Việc giám sát của nhân dân được thực hiện bằng nhiều phương thức: thông qua các cơ quan nhà nước, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, thông qua thanh tra, kiểm tra… và thông qua báo chí. Vai trò giám sát của báo chí đã được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Coi trọng và nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; cổ vũ, động viên phong trào tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 254). Về “chế độ báo cáo trước Nhân dân” thông qua báo chí, Hiến pháp quy định, Thủ tướng Chính phủ: “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” (Điều 98). Cùng với việc “đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân”, báo chí có vai trò “phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thực hiện vai trò phục vụ sự nghiệp lớn lao đó, báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các nội dung của Hiến pháp về chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… tức là tuyên truyền tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không thể kể hết vai trò của báo chí đối với từng lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ xin nêu ra đây vai trò của báo chí đối với một số lĩnh vực thiết yếu, quan trọng. Phải nói rằng, đó là vai trò không thể thiếu, vai trò nổi bật, vai trò xung kích, tiên phong của báo chí đối với các lĩnh vực này, do chức năng và lợi khí đặc thù của báo chí mang lại. Đối với lĩnh vực văn hóa, Hiến pháp có các quy định về quyền nghiên cứu, sáng tạo, quyền hưởng thụ, về trách nhiệm xây dựng và phát triển văn hóa: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó” (Điều 40), “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa” (Điều 41), “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” (Điều 60). Báo chí là một lĩnh vực năng động, nhạy cảm, tinh tế của văn hóa. Do đó, báo chí có vai trò góp phần trực tiếp “hiện thực hóa” các quyền và trách nhiệm nêu trên. Thông qua báo chí, mọi người có điều kiện để phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các tác phẩm văn học nghệ thuật, để thụ hưởng những lợi ích do khoa học và công nghệ, văn học nghệ thuật mang lại như: được tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; được tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại; được nuôi dưỡng, vun đắp tâm hồn, nhân cách, nâng cao đời sống tinh thần do các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật mang lại… Về trách nhiệm của báo chí đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014) đã nêu rõ các cơ quan truyền thông phải “nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”. Đối với lĩnh vực đối ngoại, Hiến pháp đã nêu rõ các nguyên tắc, yêu cầu, mục đích của đường lối đối ngoại, trong đó có việc “chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế”, “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Điều 12). Đặc biệt, Hiến pháp dành hẳn một điều riêng đề cập về chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước” (Điều 18). Phát triển các quan hệ, các hoạt động đối ngoại không thể thiếu vai trò của một kênh thông tin đối ngoại quan trọng, đó là báo chí. Theo Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, thông tin đối ngoại là “thông tin quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam ra thế giới và thông tin về thế giới vào Việt Nam”. Để đưa thông tin đối ngoại của Việt Nam đến với nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và đưa thông tin quốc tế vào Việt Nam, báo chí được coi là một trong những lực lượng chủ lực, là phương tiện đắc dụng đáp ứng cùng lúc các yêu cầu: tức thời, nhanh nhạy, chính xác (dĩ nhiên, báo chí phải được hướng dẫn nội dung thông tin, cung cấp thông tin kịp thời), lan tỏa nhanh, quảng bá sâu rộng… Như vậy, báo chí đóng vai trò là “cầu nối” thông tin giữa Việt Nam với thế giới, góp phần bắc nhịp cho “cầu nối” hữu nghị, hợp tác và hội nhập quốc tế. Đối với lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp yêu cầu Nhà nước phải “phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” (Điều 64). Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng. Nhưng cùng với sức mạnh quân sự, quốc phòng, cần phát huy những nguồn sức mạnh khác như: sức mạnh truyền thống, sức mạnh tinh thần, sức mạnh lòng dân, sức mạnh đấu tranh ngoại giao, sức mạnh của dư luận thế giới, của cộng đồng quốc tế… để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Việc góp phần phát huy những nguồn sức mạnh “mạnh hơn đạn bom” này rõ ràng phải cần đến lợi khí báo chí. Trong thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, báo chí cả nước đã lên tiếng đấu tranh, phản đối mạnh mẽ, nêu rõ trước công luận và dư luận quốc tế rằng hành vi này không chỉ xâm phạm chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Việt Nam mà còn đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới. Từ đó, cùng với đấu tranh ngoại giao, tiếng nói của báo chí đã giúp cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ vấn đề, thấy rõ công lý, từ đó có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời cũng là để bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới. Để tăng cường sức mạnh, nguồn lực bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp định rõ cho Nhà nước vai trò, trách nhiệm “phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân” (Điều 68). Báo chí góp phần quan trọng giúp Nhà nước thực hiện vai trò, trách nhiệm này. Vì tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống bất khuất của dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên của báo chí; mặt khác, báo chí với thế mạnh đặc thù của mình sẽ thực hiện việc tuyên truyền những nội dung này một cách sinh động, ấn tượng, có sức truyền cảm, lay động, nghĩa là đạt hiệu quả cao. Vị trí, vai trò quan trọng của báo chí đã được Hiến pháp công nhận, khẳng định. Nhà nước có cơ chế, chính sách phát triển báo chí. Trách nhiệm của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên là nỗ lực sáng tạo nên nhiều tác phẩm, nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, hiệu quả, xây dựng một nền báo chí phát triển tương xứng với vị trí, vai trò đã nêu trong Hiến pháp, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. NGUYỄN HOÀN