Cập nhật:  GMT+7

Sử dụng ngôn ngữ Gen Z như thế nào cho hợp lý?

Gen Z (hay còn gọi là thế hệ Z) là cụm từ dùng để nói tới những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 - 2012. Ngôn ngữ Gen Z là loại ngôn ngữ do thế hệ này sáng tạo ra, thường được giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên sử dụng để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội hay trong nói chuyện, giao tiếp hằng ngày. Nhiều phụ huynh và giáo viên lo ngại rằng việc sử dụng tràn lan ngôn ngữ Gen Z sẽ dẫn đến mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy ngôn ngữ này nên được sử dụng như thế nào cho hợp lý?

Sử dụng ngôn ngữ Gen Z như thế nào cho hợp lý?

Nhiều bạn trẻ thường sử dụng ngôn ngữ Gen Z trong chuyện trò hay nhắn tin qua điện thoại - Ảnh: M.T

Vốn hướng con theo học chuyên văn nên từ khi con bước vào lớp 6, chị Nguyễn Thị Tú (TP. Đông Hà) đã chú trọng rèn dũa cách sử dụng ngôn ngữ của con. Ngoài việc gửi con theo học giáo viên dạy Văn giỏi, chị còn tìm mua nhiều sách văn học để con bồi bổ kiến thức và làm giàu thêm về ngôn ngữ tiếng Việt. Vậy nhưng trong giao tiếp của con với bạn bè thì chị không thể kiểm soát được.

Chị Tú chia sẻ: Trước đó tôi chưa hề nghe đến khái niệm về ngôn ngữ Gen Z cho đến một lần tình cờ nghe con nói chuyện điện thoại với bạn, sử dụng nhiều từ ngữ rất lạ. Từ đó tôi tìm hiểu thì mới thấy hầu hết các tin nhắn của các bạn trong lớp con đều sử dụng một số từ ngữ mà chỉ có “người trong cuộc” mới hiểu. Tôi nhắc nhở con thì cháu lại phê bình về sự lạc hậu của mẹ. Theo cháu, đó là ngôn ngữ Gen Z và chúng được sử dụng phổ biến trong giao tiếp hằng ngày của các cháu, không ảnh hưởng gì đến việc học.

Chị Tú lên mạng tìm hiểu để xem sự ảnh hưởng của loại ngôn ngữ này đối với giới trẻ như thế nào. Nhưng với một người sinh ra ở thế hệ 7x thì càng tìm hiểu, chị lại càng rối bởi dường như ngôn ngữ này không tuân theo bất cứ quy tắc nào. Đó có thể là những từ được biến tấu từ tiếng Việt nguyên gốc hoặc là từ rút gọn, nói lái. Cũng có những từ bắt nguồn từ các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng như facebook hay tik tok. Có khi, phát ngôn của ai đó nổi tiếng cũng được thêm vào từ điển Gen Z nhưng nhiều trong số đó là những từ pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh.

Ví dụ từ big c, ngôn ngữ Gen Z có nghĩa là cáu gắt (big (tiếng Anh) có nghĩa là to; c là viết tắt từ đầu của từ cáu trong tiếng Việt)… “Hay với từ chảnh, tiếng Việt chỉ ngắn gọn vậy là người đối diện ai cũng hiểu. Nhưng với ngôn ngữ Gen Z, nó lại được gọi bởi từ lemỏn (lemon trong tiếng Anh là quả chanh, thêm dấu hỏi của tiếng Việt là biến thành chảnh). Thứ ngôn ngữ này không thể thích hợp với những người thuộc thế hệ chúng tôi nhưng tôi không thể ngăn cản con sử dụng. Tôi chỉ hướng con sử dụng phù hợp và tuyệt đối không được đưa vào trong các bài viết văn”, chị Tú chia sẻ.

Kiểu ngôn ngữ “tự chế” này hiện rất phổ biến và thịnh hành trong giới trẻ. Dù không theo bất cứ quy ước nào, song với ngôn ngữ này, đa số các bạn thuộc thế hệ Gen Z đều dễ dàng nhận biết. Cùng một câu hỏi: bạn biết gì về ngôn ngữ Gen Z?, hầu hết các em học sinh mà chúng tôi gặp đều có cùng câu trả lời: đó chính là ngôn ngữ được chúng em thường xuyên sử dụng. Học sinh mà không biết sử dụng ngôn ngữ này là không sành điệu.

Hà Linh, học sinh chuyên Anh, Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: ngôn ngữ Gen Z được chúng em biết đến từ khi học tiểu học; lên cấp 2 thì được sử dụng phổ biến. Chúng em học ngôn ngữ này nhiều nhất là trên mạng (và thường thì học rất nhanh) nhưng cũng có những từ được một nhóm nào đó tự quy ước và hiểu với nhau.

Tiếng Việt có những chữ rất dài nên chúng em thường rút gọn lại để giản lược số chữ, miễn sao hiểu là được”. Hà Linh lấy ví dụ về ngôn ngữ Gen Z mà mình và các bạn hay sử dụng, như: “pà con” (bà con), hok (không); “gato” (ghen ăn tức ở), “g9” (goodnight - chúc ngủ ngon). Có những kiểu viết được đổi từ chữ “y” thành “i”, chữ “c” thành “k”, chữ “q” thành “w” như “iu wá” (yêu quá), “lun lun” (luôn luôn)... “Theo em nghĩ, ngôn ngữ Gen Z dùng vừa phải thì dễ thương, dùng nhiều quá thì thành... trẻ trâu”, Hà Linh chia sẻ.

Một số phụ huynh than phiền dù đã giải thích cho con hiểu việc dùng những từ không thuộc tiếng Việt, cũng không phải là một ngoại ngữ nào khác như vậy là lệch chuẩn nhưng hầu như những đứa trẻ lại không mấy quan tâm. Với thế hệ sinh ra trong thời đại công nghệ số phát triển, được đón nhận những luồng văn hóa mới, từ đó sáng tạo ra mảng ngôn ngữ để giao tiếp với nhau là điều dễ hiểu và khó có thể ngăn cản. Theo chị Liễu, dù không khuyến khích nhưng chị vẫn phải cập nhật để làm bạn với con và nhất là luôn nhắc nhở con sử dụng đúng ngữ cảnh.

Dưới góc nhìn của một giáo viên dạy văn, cô Nguyễn Phong Thư, Trường THPT Chế Lan Viên, cho biết: ngôn ngữ Gen Z được học sinh sử dụng hàng ngày, nhiều từ phổ biến đến mức giáo viên nghe là hiểu ngay. Với học sinh bậc THPT, ngôn ngữ này cũng thường được các em sử dụng nhưng chỉ mang tính riêng tư. Tôi chưa bắt gặp trường hợp học sinh nào sử dụng ngôn ngữ Gen Z trong bài văn của mình.

Tuy nhiên theo cô Thư, một tin nhắn đúng chính tả, có thông điệp rõ ràng, nội dung mạch lạc... sẽ làm người đọc, người nhận hiểu đúng, tiếp nhận nhanh, tránh được tình trạng hiểu lầm vì không phải ai cũng hiểu được ngôn ngữ “thập cẩm”. “Học sinh không được đưa ngôn ngữ đó vào trong các bài kiểm tra vì đó là những từ không có nghĩa. Trong giao tiếp, chúng tôi cũng thường khuyên học sinh nên sử dụng phù hợp, đúng bối cảnh và không nên lạm dụng ngôn ngữ Gen Z”, cô Thư chia sẻ.

Hoài Nam


Hoài Nam

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chị Dạ

Chị Dạ
2023-07-08 13:54:00

TP - Chị đã “trả nhớ về không” (thơ Đỗ Trung Quân) tính đến nay đã 14 năm rồi, không biết ánh chớp cuối cùng còn lưu đọng trong cõi nhớ của một thi sĩ như chị, là gì? Có phải...

Ba giây

Ba giây
2023-07-08 05:50:00

QTO - Lúc ấy tầm mười hai giờ trưa một ngày đầu hè. Con đường liên xã vào giờ chính ngọ khá vắng vẻ. Trước cổng trường tiểu học chỉ có cô bé tám tuổi học...

Nhớ một làng quê cát trắng

Nhớ một làng quê cát trắng
2023-07-01 05:37:00

QTO - Ai cũng có một làng quê để nhớ, để về. Tôi trở về Cửa Việt, miền quê cát trắng vào những ngày hè khi nắng nóng đang ở đỉnh điểm. Những đồi cát trắng...

Những bức tranh ngựa của Lê Trí Dũng

Những bức tranh ngựa của Lê Trí Dũng
2023-06-11 17:48:00

QTO - Ngày ấy, từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tôi hay đến Nhà hát Tuổi trẻ thăm Trương Nhuận, từ thuở Nhuận mới chuyển về làm tổ chức biểu diễn cho đến lúc...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết