{title}
{publish}
{head}
Chúng tôi là lớp lính trẻ của những năm tháng hành quân và đánh giặc ở Trường Sơn. Những năm chúng tôi cầm súng, phải nói cuộc đời chiến sĩ đã là phong phú lắm. Ngoài ba lô và súng đạn, còn có biết bao những bài ca, khỏe khoắn và đầy yêu mến, như để dành riêng cho chiến sĩ chúng tôi. Những bài ca ấy thật náo nức và tràn đầy khí thế. Một trong những bài ca ấy, mà dường như ở bất cứ đơn vị nào, chiến sĩ nào cũng thường hát trước mỗi lúc hội họp, sinh hoạt hay hành quân... là Qua miền Tây Bắc.
Có một điều rất lạ là cứ hát, nhưng chẳng mấy người biết đến tác giả. Hát, thấy náo nức lòng, thấy đánh giặc hăng say hơn, và thế là đủ. Bài ca viết về những ngày đánh Pháp, viết về miền Tây Bắc xa xôi, mà hát trên Trường Sơn ngày đánh Mỹ vẫn gần gũi, thân thiết, hệt như núi vút ngàn trùng xa, bao khó khăn vượt qua, chính là Trường Sơn này, chính là những ngày tháng này, kể cả lối diễn đạt chân thành, mộc mạc bộ đội ta vâng lệnh Cha Già vẫn được tiếp nhận với một tình cảm chân thành, xúc động.
Nhạc sĩ Nguyễn Thành - Ảnh: N.N.T
Tôi có một thích thú riêng: tìm đến tác giả những bài ca giàu sức chiến đấu, tác động mạnh đến đời sống chiến sĩ. Và vì thế, một chiều, tôi đã gặp Nguyễn Thành - tác giả bài Qua miền Tây Bắc ...
Nhạc sĩ Nguyễn Thành kể: “Bài hát Qua miền Tây Bắc mình viết trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ, trên đỉnh đèo Khâu Vác, vào một đêm hành quân ...”.
Một tiếng đồng hồ, nhưng bài hát của anh đã và sẽ có sức sống gấp bao lần khoảng thời gian ấy. Để có một tiếng đồng hồ đó, ít nhất anh cũng đã hai lần hành quân đánh giặc nơi Tây Bắc, và có một cuộc đời Vệ quốc quân từ khi tuổi đời chưa tròn mười lăm. Ấy là vào năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Nguyễn Thành đang là một cậu học trò ở Hà Nội. Có một ngày, cờ đỏ sao vàng và khúc hát Tiến quân ca cuốn hút cậu theo những đoàn tuần hành biểu tình, đi từ Nhà hát lớn, tràn vào Bắc Bộ phủ giành chính quyền.
Cuộc đời chiến sĩ của Nguyễn Thành bắt đầu từ ngày ấy, và rồi ngay sau đó anh trở trung đội phó của một trung đội thiếu sinh quân với chiếc mũ ca lô có đính ngôi sao viền vàng, quần soóc và bít tất xanh, áo sơ mi vàng. Âm vang của đời lính này là nhịp giày vàng gõ đều trên mặt đường, và tiếng lách cách của khẩu súng khai hậu bên thắt lưng...
Cuộc kháng chiến bùng nổ. Chú bé thiếu sinh quân ấy theo đoàn quân Tây tiến, lên mặt trận. Anh tham gia những trận đọ sức với đoàn quân do tên Curiăng chỉ huy với huyền thoại do chúng bịa ra: súng bắn không thủng...
Vượt mốc băng sông lưng núi mây ngàn
Đoàn quân Tây tiến dồn chân bước.
Chiến trường đầu tiên, ít nhất cũng có một lần, Nguyễn Thành với vốn nhạc non nớt thuở học sinh của mình đã viết bài ca Tây Bắc ấy. Đó là năm 1946, anh mới chân ướt chân ráo lên với Tây Bắc. Nhạc điệu bài hát cũng lãng mạng như tâm hồn đầy lãng mạng của anh.
Rồi những năm tháng chiến đấu trôi qua. Anh đi đến bao chiến dịch, bao miền đất khác. Năm 1949 anh trở thành một cán bộ của văn công xung kích sư đoàn Quân tiên phong, tức sư đoàn 308. Thu Đông năm 1952, anh cùng đội văn công của mình trở lại Tây Bắc tham gia chiến dịch. Đêm trước ngày giải phóng Nghĩa Lộ, đội văn công xung kích với mười ba người dừng chân giữa lưng đèo Khâu Vác. Đào hầm, nhóm lửa, ngồi bàn tán với nhau về chiến dịch, rồi ôm nhau nằm chờ sáng, Nguyễn Thành không chợp được mắt. Xúc động lớn nhất của anh là: Lệnh Bác Hồ cử bộ đội lên giải phóng Tây Bắc. Trong thư Bác gửi, nói nhiều đến nỗi thống khổ của nhân dân Tây Bắc - miền đất và con người mà Nguyễn Thành đã có bao kỷ niệm...
Bộ đội tiến quân lên Tây Bắc - Ảnh: Thanh Nguyễn
Những lời ca vụt đến. Măng-đô-lin trong tay gẩy theo, và Nguyễn Thành ngồi hát. Qua miền Tây Bắc được hiện lên chữ, lên giấy đêm ấy, bên ngọn lửa bập bùng giữa căn hầm đào vội, trong tiếng nhịp chân rầm rập vào chiến dịch, và trong tiếng gió hú dài trên đỉnh đèo... Viết xong, mệt quá, tác giả của nó ngủ thiếp đi. Sáng dậy, thấy Hoán, Phùng Đệ, Vũ Hướng... những người bạn trong đội ngồi hát say sưa. Họ đã nhặt được bản thảo của anh, từ trong bếp lửa! Cũng may, than đã nguội, nên giấy không bị cháy...
Ngay sáng ấy, bài hát lập tức được trình diễn phục vụ bộ đội vào chiến dịch, với măng-đô-lin, ghi ta, sáo tre... và tác giả cùng các bạn mình đứng hát ngay trên đỉnh đèo, phục vụ những đoàn quân đi qua. Bài hát như ngọn lửa, qua mỗi người lính, lại bùng lên. Và ngọn lửa ấy dần lan suốt các đoàn quân, đi hết chiến dịch này sang chiến dịch kia...
Trẻ chăn trâu thấy các chú bộ đội hát, cũng nhập tâm và í ới hát theo tiếng mõ trâu vang khắp cánh đồng Tây Bắc giải phóng. Lại có cả những bác xẩm cũng dùng nó để hát ngay trong nội thành Hà Nội lúc ấy còn bị giặc chiếm. Bài hát còn được truyền đến những thế hệ sau, ấy là lớp chiến sĩ Trường Sơn chúng tôi, đã dùng nó như một chiến sĩ ca những năm đi đánh giặc...
Nhạc sĩ Nguyễn Thành kể tiếp:
- Năm 1954 chúng mình được đi phục vụ chiến dịch Điện Biên. Một chiều, trong hầm bộ Tổng chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo hát cho nghe hai bài, trong đó có Qua miền Tây Bắc. Nghe xong, Đại tướng nói: Cậu nào sáng tác bài này đáng được thưởng! Lương Ngọc Trác báo cáo với Đại tướng mình là tác giả Qua miền Tây Bắc. Đại tướng xiết chặt tay mình, hỏi cuộc đời chiến sĩ của mình. Sau đó ít lâu, mình được tặng thưởng một huân chương chiến công...
Những năm tháng Tây Bắc để lại nhiều ấn tượng trong Nguyễn Thành đến hôm nay, dẫu rằng hơn ba mươi năm đã trôi qua. Khuôn mặt anh thuần phác, thâm trầm. Những gì mãnh liệt nhất thường ấp ủ bên trong, ít được thổ lộ thành lời. Anh nói về mình khó khăn, nhưng đã nói, thì thật thà, nhiều khi hồn nhiên dễ yêu, dễ mến. Cuộc đời chiến sĩ, cuộc đời nghệ thuật của anh từ ấy. Và cả cái phần đời của anh cũng từ ấy. Vợ anh, chị Ngọc Thảo, nữ diễn viên múa, nữ đạo diễn truyền hình cũng là diễn viên văn công của Sư đoàn 316, và buổi đầu hai người gặp nhau cũng chính bởi những kỷ niệm về Tây Bắc, một chiến trường mà hai người đã gắn bó.
Tôi gặp lại Nguyễn Thành một chiều ở Tây Bắc. Một cuộc chiến đấu mới đến với rừng núi nơi này. Và Nguyễn Thành lại có mặt. Trước núi rừng, anh lại trở về với cái hồn nhiên, cái xúc động của tuổi mười lăm, mười sáu trong đoàn quân Tây tiến...
- Thế mà cũng đã hai cuộc kháng chiến, mình mới trở lại đây - Anh nói, giọng thoáng ân hận.
Tôi cảm thông được những gì đang xúc động mãnh liệt trong anh. Hòa bình, anh trở về Hà Nội, trong đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Kháng chiến chống Mỹ, anh có mặt ở Trường Sơn, lãnh đạo một đoàn văn công ở mặt trận này. Hồi anh được cử sang phụ trách phần âm nhạc của các chương trình binh vận Đài Tiếng nói Việt Nam, Tây Bắc còn trở lại một lần nữa với ca khúc anh viết vào năm 1956: Tiếng sáo Mèo gửi người chiến sĩ (Lời thơ : Khắc Tuế ).
Với các nhạc sĩ quân đội, miền đất nào, chiến trường nào nóng bỏng, dữ dội nhất là nơi các anh đi. Một Trường Sơn đến với Nguyễn Thành cũng đầy hấp dẫn và lý tưởng như năm xưa ca lô đội lệch lên Tây Bắc. Nhưng giai đoạn này, với công việc của một đoàn văn công, Nguyễn Thành quá ít thời gian để sáng tác. Tuy chưa sáng tác, nhưng hồn nhạc của anh đã quyện với Trường Sơn, và anh đã âm thầm tích lũy khá nhiều cảm xúc và tư liệu.
Cho đến khi giã từ, nhận một nhiệm vụ mới, thì những gì là kỷ niệm, là gắn bó... bùng dậy mạnh mẽ. Suốt nhiều năm sau, dù là có nhiều đề tài khác lôi cuốn, Nguyễn Thành vẫn dành nhiều tình cảm, thời gian của mình để viết về Trường Sơn: Con sư tử số 3 (lời thơ: Tạ Hữu Yên) ; Ngôi sao, ngọn đèn, ánh mắt (lời thơ: Lưu Quang Hà) ; Tôi có một Trường Sơn (lời thơ: Châu La Việt) và cả bản giao hưởng Ký ức Trường Sơn...
Nguyễn Thành có lẽ là loại nhạc sĩ sợ những cảm xúc hời hợt, thoáng qua. Anh thường chỉ dám cầm bút, cầm đàn khi những cảm xúc thấm sâu, lắng đọng vào hồn. Cách làm việc này khó đưa lại cho anh số lượng cao về tác phẩm, nhưng tự loại cho anh những sáng tác dễ làm, dễ quên. Đó cũng là trường hợp anh làm Cảm xúc tháng Mười (lời thơ: Tạ Hữu Yên). Cho đến hơn hai mươi năm sau, anh mới lại viết về Sư đoàn 308 thân thiết từ ngày chống Pháp của anh, với lời ghi: Kính tặng sư đoàn Quân tiên phong.
Đêm, cái đêm anh vút qua gầm cầu
Anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ xa hát mãi
Ca từ đẹp, giai điệu đẹp, giàu sức âm vang tự tâm hồn. Qua Cảm xúc tháng Mười, thấy sự đa dạng của Nguyễn Thành. Anh viết trữ tình, mê say, nhưng khỏe khoắn trong nhịp hành quân. Các nhịp 6/8 và 2/4 nối tiếp nhau giúp anh thể hiện tốt những tình cảm ấy. Khi viết xong bài ca, chính Nguyễn Thành tự đàn piano, tự hát, và trên má anh có những dòng nước mắt. Những kỷ niệm tươi nguyên của cuộc đời chiến đấu, càng sâu sắc thêm qua nhiều năm tháng, sao không khiến anh xúc động và nhớ thương đến vậy được! Cảm xúc tháng Mười xứng đáng với giải thưởng dành cho nó: sự yêu mến, lưu truyền của đông đảo người nghe.
*
Những kỷ niệm của cuộc đời và những năm tháng chiến đấu một lần nữa lại bừng dậy trong anh, khi chiều nay anh và chúng tôi ngồi giữa mặt trận Tây Bắc
Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa...
Ba mươi năm hành quân trong khúc ca
Sớm nay lại qua miền Tây Bắc
Nhạc sĩ viết bài ca mái đầu giờ điểm bạc
Ra đi từ thuở Vệ quốc tóc xanh
Hành quân qua bao thác bao ghềnh
Hồn ba mươi năm vẫn xanh trời Tây Bắc
Một bạn trẻ làm thơ cùng ngồi với chúng tôi chiều ấy đã viết tặng Nguyễn Thành những câu này, khi Nguyễn Thành kể lại câu chuyện trên. Một lần nữa súng lại nổ nơi miền biên giới, và những nhạc sĩ quân đội lại hành quân ra trận. Nguyễn Thành đã có mặt rất sớm ở đây . Anh đã kịp viết tặng những đoàn quân ra trận hôm nay Hành khúc bảo vệ biên cương Tổ quốc (Thơ Trần Đăng Khoa):
Những đoàn quân lại trùng trùng ra đi
Ta đã quen rồi gian khổ trường kỳ
Ròng rã mấy ngàn năm đánh giặc...
Đất nước của ông cha là máu thịt của chúng ta
Đất nước Bạch Đằng đất nước Đống Đa
Lại mở tiếp Bạch Đằng lại mở tiếp Đống Đa...
Bài hát vừa ráo mực, lại đã được các đoàn quân truyền đi dọc chiến hào. Tôi nghĩ, Hành khúc bảo vệ biên cương Tổ quốc chính là một sự tiếp nối của Qua miền Tây Bắc và cũng sẽ là một “chiến sĩ ca” của những năm năm đánh giặc bảo vệ biên cương. Và từ Qua miền Tây Bắc đến Hành khúc bảo vệ biên cương Tổ quốc hôm nay là hai cột mốc, mà khoảng giữa nó là một cuộc đời nghệ sĩ, giản dị, mộc mạc, sâu sắc, như cuộc đời chiến sĩ Nguyễn Thành...
Châu La Việt
Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo
Nếu trước đây, trường ca sử thi trong dòng chảy văn học cách mạng trong vắt, gần như nguyên chất, nguyên khối, hình tượng người lính hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng...
QTO - Sáng nay 11/3, tại TP. Đông Hà, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức khai mạc Giải Bóng đá nam, nữ thanh niên năm 2024.
VOV.VN - Cập nhật bảng xếp hạng V-League 2023/2024 mới nhất, HAGL và Thể Công Viettel nới rộng cách biệt với Khánh Hoà trong cuộc chiến trụ hạng lên thành 4 điểm.
QTO - Ngay từ xa xưa tâm thức núi rừng đã chiếm ưu thế trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Lý giải điều này không đơn giản và khá dài nhưng đó...
QTO - Sáng nay 9/3, Trường Trưng Vương (TP. Đông Hà) khai mạc Đại hội Thể thao lần thứ I, năm 2024. Gần 1.700 học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường tham dự lễ.
QTO - Thể thao trong nữ giới đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Việc tập luyện để nâng cao sức khỏe, vui chơi giải trí và thể hiện tài năng thể...
QTO - Tháng 6-2011, nhân đêm thơ Tố Hữu “Theo chân Bác” kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tôi và nhà thơ Phạm Xuân Đương - Bí thư Tỉnh...
QTO - Những vần thơ tháng giêng luôn mang lại nhiều cảm xúc, nhiều suy ngẫm cho người đọc, tháng giêng là tháng có nhiều dự cảm, nhiều hy vọng tốt lành cho...
QTO - Trong một ca khúc khá nổi tiếng viết về thành phố Buôn Ma Thuột, nhạc sĩ Nguyễn Cường-người gắn bó sâu nặng với vùng đất cao nguyên, nói đại ý rằng:...
GD&TĐ - Nguyễn Minh Đình Thiên đến từ Trường THPT Đông Hà, Quảng Trị đã có chiến thắng thuyết phục tại cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia.
QTO - Sáng nay 6/3, TP. Đông Hà tổ chức khai mạc Hội khỏe Phù Đổng thành phố Đông Hà năm 2024. Bí thư Thành ủy Đông Hà Lê Quang Chiến; Giám đốc Sở...