Dấu ấn văn hóa và con người trong "Cánh sóng miền xa"
(Nhân đọc tập bút ký Cánh sóng miền xa của Thúy Sâm, NXB Thuận Hóa, 2009) Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các nhà thơ, nhà văn chân chính luôn có những đứa con tinh thần dành cho quê hương như một sự tri ân nơi mảnh đất sinh thành. Hòa cùng khuynh hướng đó, Thúy Sâm đã dành trọn vẹn nghiệp bút của mình để viết về mảnh đất và con người Quảng Trị trong thời kỳ chiến tranh và trong thời kỳ đổi mới. Tập bút ký-ghi chép Cánh sóng miền xa là một món quà tinh thần mà Thúy Sâm dành tặng riêng cho quê hương Quảng Trị anh hùng, nặng nghĩa ân tình. Bút ký của Thúy Sâm là sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại trong một phương thức biểu hiện vừa quen thuộc vừa đổi mới. Hiện đại đến từ truyền thống, nhưng truyền thống luôn là những cái gì ẩn ngầm, lặn sâu, được hun đúc nên bằng những tinh hoa. Bút ký của chị vì thế có được chiều sâu, khi viết về con người và văn hóa Quảng Trị.
 |
|
Thúy Sâm khởi đầu con đường văn học bằng những bài bút ký ngắn như Cánh sóng miền xa, Một chiều dưới chân Trường Sơn, Cồ Bại làng Thử… Có lẽ, chị chỉ muốn cắm những cái mốc nhỏ nhoi của những mẫu chuyện cảm động về xã hội, đời sống của quê hương trước và sau chiến tranh, bởi Thúy Sâm đến với văn học thật là giản dị, chân mộc. Chị tâm sự “Viết văn không nhằm trải một manh chiếu giữa làng văn cả nước, chỉ viết bằng tình yêu và trách nhiệm”. Mục đích, quan niệm viết văn của chị cũng thật rõ ràng: “Tác phẩm vì con người, có ý nghĩa sâu sắc tác động tới cuộc sống con người và xã hội, được đông đảo công chúng độc giả ghi nhận, đấy chính là văn. Còn viết những lời văn hoa, làm duyên câu chữ, trau chuốt ngôn từ, nhưng ý cạn, lời nhạt, vô bổ, đấy không phải là văn”. Những bút ký trong Cánh sóng miền xa là những trang ký họa về những miền quê khác nhau của Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ và trong công cuộc đổi mới đất nước. Qua những tên đất, tên người gợi nơi bạn đọc một vùng quê gió Lào cát trắng với những con người hiền lành, chất phác như củ sắn, củ khoai, hạt lúa, nhưng cũng lắm anh hùng, dũng khí, gan dạ trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống kẻ thù ác liệt và thiên nhiên dữ dội nhất. Cảm hứng chủ đạo trong Cánh sóng miền xa là cảm hứng hồi sinh. Mở đầu tập bút ký là hình ảnh của làng quê tác giả - Vĩnh Linh. Một làng quê lưng tựa vào Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông. Người dân quê chị sống trên cát, ở ăn cùng cát, lớp lớp cha ông phải đương đầu với những bất trắc, gian nguy, phải chống chọi với quân thù, với bão tố: “Những người con của quê hương tôi đã ngã xuống, thịt xương của cha anh chúng tôi đã hòa vào sóng biển”(Trong âm vang Cồn Cỏ), “Sóng thần chồm tới… dân làng ào ra theo những con sóng, may rủi theo những con sóng khác ập vào để cứu cháu con”, “sóng thần ào lên bưng cả ngôi nhà của bác tôi nén xuống vụn nát không còn nguyên vẹn một viên gạch. Một nửa xóm làng và vườn dừa trĩu quả bị phạt ngang tận gốc…”(Cồ Bại làng Thử). Giờ đây, quê chị thực sự đổi thịt thay da, đời sống nhân dân được cải thiện, cái nghèo, cái khổ đang dần đẩy lùi, những ngôi nhà được xây dựng khang trang, những tuyến đường, những cây cầu đã được khai thông, mở rộng. Trong chiến tranh, mảnh đất Quảng Trị chịu nhiều mất mát, đau thương nhất như chết chóc, đói rét… Nơi mà mỗi tấc đất, ngọn cỏ là máu, là xương của chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống qua hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Không diện kiến cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ, nhưng qua những trang ký của Thúy Sâm, bạn đọc thấy kinh hoàng, tri ân trước sự chịu đựng, hi sinh của quân và dân Quảng Trị: “Một thị xã nhỏ bé chưa đầy bảy cây số vuông, đã phải hứng chịu hơn tám mươi vạn tấn bom đạn của giặc Mỹ, mà sức công phá của chúng được ví bằng bảy quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hirôsima và Nagisiki của Nhật Bản trong đại chiến thứ II” (Có một đô thị trẻ bên sông). Với tinh thần anh hùng cách mạng của những người con trung trinh với quê hương đã quyết tử cho Tổ quốc trường tồn, làm nên một đại thắng mùa Xuân 1975, mở ra trang sử mới: độc lập và tự do... Thúy Sâm không đứng ngoài lề mà nhập cuộc với cuộc sống hôm nay, có những sự thật tiêu biểu, điển hình đến mức hầu như tác giả không cần phải tô vẽ thêm bớt gì hơn nữa. Đó là những hoàn cảnh, những số phận điển hình trong những câu chuyện hoàn toàn có thực. Những sự thật ấy đã vượt qua cả sự tưởng tượng của chị và chỉ riêng việc tái hiện nó một cách trung thực đã làm rung lên nỗi xúc cảm sâu xa về cuộc đời và thân phận con người như Một chiều dưới chân Trường Sơn, Người mẹ bên bến đò Ca Cút, Lê Xuân Vi, người lính đầu tiên nghĩ ra cách đào địa đạo… Ở đó, hiện lên hình ảnh của những bà mẹ, người vợ, người chị đã hi sinh thầm lặng cả cuộc đời để cốt mong sao những người con, người chồng nơi chiến trường, biên cương, nơi xa xôi hẻo lánh yên tâm chiến đấu, dựng xây đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Bạn đọc xót xa trước số phận của bà mẹ Nguyễn Thị Loan trong bút ký Người mẹ bên bến đò Ca Cút. Là một người con gái xinh đẹp, đoan trang, nết na nhất thôn Đại Áng kết duyên xe tơ với chiến sĩ trẻ Lê Đương khi chưa đầy hai mươi tuổi. Hạnh phúc đến với mẹ thật là ngắn ngủi khi chưa đầy hai bốn tiếng đồng hồ thì chồng lên đường vào Vệ quốc đoàn, sau đó đã hi sinh trong trận đánh Điện Biên Phủ lẫy lừng. Từ đó, mẹ sống một mình đơn chiếc, lẻ loi, tủi hổ khi mẹ chưa kịp có con, một mình chèo chống nuôi bố mẹ chồng trong sự o ép, tra tấn, đánh đập, ve vãn của lũ giặc và tay sai. Thế nhưng, mẹ Loan một lòng, một dạ thủy chung với chồng, với cách mạng. Chiến tranh đã đi qua, thời gian đã hằn lên từng vết chân chim trên khuôn mặt của mẹ Loan, và vẫn sớm hôm một mình đi về trong sự đơn chiếc, cô quạnh.Với một tình yêu da diết, đau đáu và thật tâm huyết, nặng lòng với quê hương Thúy Sâm mới có những trang văn day dứt, ân tình đến thế! Nếu góp ý cho tập bút ký Cánh sóng miền xa, tôi thiết nghĩ tác giả không xây dựng thành công những hình tượng nhân vật điển hình với những tính cách đa dạng và phong phú, vì thế nhân vật của chị trở nên một chiều, đơn điệu, xơ cứng, không như nó vốn có; kết cấu không linh hoạt… Bù lại chị có cái nhìn hiện thực sắc sảo, khả năng phát hiện vấn đề hết sức nhạy bén, ngôn ngữ giàu chất văn, giàu bút pháp, giọng điệu, góp phần chắp cánh cho tác phẩm đến với trái tim bạn đọc. Bút ký là một thể loại khó viết, khó hay chứ không dễ như một số người đã từng nghĩ. Là địa hạt thường dành cho những người từng có sự trải nghiệm, có trường sức và vững tay nghề. Cánh sóng miền xa tuy chưa phải là một chùm quả chín đều, nhưng tác giả đã tạo được phong cách riêng, đứng được trong lòng bạn đọc. Đây không chỉ là kết quả của một tấm lòng, mà còn là kết quả từ sự am hiểu tường tận, cặn kẽ về vùng đất Quảng Trị nơi chị đã từng sinh ra và lớn lên. Gấp lại tập Cánh sóng miền xa của Thúy Sâm khiến tôi xúc động và ngạc nhiên. Bởi bút ký của Thúy Sâm đã bắt rễ từ cuộc sống, từ mạch nguồn văn hóa dân của vùng đất Quảng Trị. Cái khéo của tác giả là tạo nên cảm xúc mãnh liệt, dồi dào để vun bồi những trang ký thêm sống động. Khi đào sâu vào văn hóa của một vùng ta bắt gặp văn hóa của cả dân tộc và nhân loại. Bùi Như Hải