Cập nhật:  GMT+7

Lưu ý trong áp dụng văn bản và thực hiện chỉ đạo của cơ quan thẩm quyền

Những ngày qua báo chí và dư luận quan tâm việc Thanh tra huyện Hướng Hóa ban hành các thông báo khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024, gửi một số trường học trên địa bàn.

Lưu ý trong áp dụng văn bản và thực hiện chỉ đạo của cơ quan thẩm quyền

Các thông báo này gây tranh luận về đối tượng và quy trình khảo sát để lập kế hoạch thanh tra chưa đúng quy định, sau đó cơ quan thẩm quyền đã lắng nghe báo chí, chỉ đạo thu hồi thông báo. Chấp hành chỉ đạo, Thanh tra huyện Hướng Hóa thu hồi các văn bản này, nhưng có lẽ vẫn còn băn khoăn!

Bởi, qua theo dõi toàn bộ vụ việc, trong đó có Báo cáo số 60/BC-TTr ngày 3/11/2023 của Thanh tra huyện Hướng Hóa cho thấy, sau khi viện dẫn các căn cứ pháp luật và văn bản hướng dẫn của ngành, tại báo cáo này vẫn khẳng định việc ban hành các thông báo để phục vụ xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2024 là hoàn toàn phù hợp, đúng quy định pháp luật hiện hành.

Nhận thấy, không chỉ với Thanh tra huyện huyện Hướng Hóa mà trong phạm vi cả nước, những trường hợp tương tự cũng xảy ra không ít. Ở đây có cách hiểu khác nhau về áp dụng văn bản làm căn cứ và thực hiện chỉ đạo của cơ quan thẩm quyền, trở thành vấn đề chung nên đưa ra bàn luận để rõ hơn, nhằm cùng rút kinh nghiệm trong công tác quản lý.

Thứ nhất, về thời điểm hết hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Thời điểm hết hiệu lực của văn bản xác định là ngày chấm dứt sự điều chỉnh của văn bản đối với các quan hệ xã hội mà nó quy định. Điều 154, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2015) quy định bốn trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần, gồm: hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.

Báo cáo số 60/BC-TTr viện dẫn Thông tư 07/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra, trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Khoản 1, Điều 9 của Thông tư 07 quy định: “Thanh tra huyện thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, UBND xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị khác do chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập”.

Từ đó cho rằng việc khảo sát để lập kế hoạch thanh tra tại các trường học là đúng đối tượng, vì trường học là đơn vị sự nghiệp công lập (xin chưa bàn đến cách hiểu nội dung quy định tại khoản 1, Điều 9 Thông tư 07). Tuy nhiên, một trong những căn cứ quan trọng để ban hành Thông tư 07 là Luật Thanh tra 2010, nhưng luật này đã được thay thế bằng Luật Thanh tra 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023).

Như vậy, mặc dù không được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng một văn bản khác nhưng Thông tư 07 mặc nhiên hết hiệu lực do thuộc trường hợp “văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Theo Luật Thanh tra 2022 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện được quy định tại Điều 31 là: “Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của thanh tra huyện trong kế hoạch thanh tra của tỉnh; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và của UBND cấp xã”. Chiếu theo quy định này thì đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có trường học không còn là đối tượng thuộc thẩm quyền của thanh tra huyện.

Thứ hai, khi xảy ra tình huống cơ quan thẩm quyền ban hành văn bản trái quy định pháp luật thì có chấp hành không? Trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân liên quan vẫn triển khai thực hiện, vì cho rằng làm theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nên không chịu trách nhiệm. Hiểu như vậy là chưa đúng.

Trường hợp này các tổ chức, cá nhân thi hành nhiệm vụ vẫn chịu trách nhiệm bình thường, có chăng chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Bởi vì, pháp luật buộc mọi người đều phải nhận thức và thực hiện đúng quy định pháp luật (theo thứ tự hiệu lực pháp lý của văn bản từ cao xuống thấp), nên không thể vin vào việc thực hiện theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để cho rằng không chịu trách nhiệm.

Vậy nên, khi gặp trường hợp văn bản của cơ quan thẩm quyền trái pháp luật, thì tổ chức, cá nhân liên quan trao đổi trở lại với cơ quan ban hành (như việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa đã có văn bản phúc đáp Thanh tra huyện Hướng Hóa, khẳng định việc Thanh tra huyện ban hành các thông báo khảo sát nói trên là không phù hợp với Luật Thanh tra năm 2022).

Nếu vẫn không được chấp nhận thì trước khi triển khai thực hiện phải bảo lưu ý kiến, đồng thời báo cáo sự việc với cấp trên của cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, như vậy mới không phải chịu trách nhiệm.

Quốc Anh


Quốc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết