Vài suy nghĩ xung quanh các đề án trình kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VI
(QT) - Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI diễn ra trong 2 ngày cuối tháng 5/2013 vừa qua. Đây là kỳ họp chuyên đề, các đại biểu được cung cấp tài liệu để nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều đề án liên quan đến các vấn đề kinh tế- xã hội của địa phương, từ Đề án giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Đề án quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đến Đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Đề án nâng cao năng lực hệ thống y tế cấp huyện, xã, thôn bản đến năm 2020; Đề án một số chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của Quảng Trị giai đoạn 2013-2020…Trước khi các đề án được trình lên HĐND tỉnh, đã được các sở, ngành, địa phương chuẩn bị công phu, khảo sát đánh giá hiện trạng với những số liệu thuyết phục. Một số đề án thể hiện được tính khoa học, chính xác tương đối cao, trở thành những tư liệu tham khảo, hoạch định được các chính sách thực hiện rất có giá trị đối với nhiều ngành, địa phương, song cũng không tránh khỏi những sơ suất, vội vã, thậm chí có một số ít đề án có những sai sót cơ bản cần được khắc phục.
 |
Thành phố Đông Hà ngày càng phát triển - Ảnh: MINH HOÀN |
Trong Đề án Quy hoạch phát triển Thương mại Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, phần danh mục các dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011-2015 có tên chợ Tân Long, Hướng Hóa, thực tế là chợ này đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trước năm 2011. Vậy thì tại sao lại phải đưa vào quy hoạch xây dựng? Phải chăng người viết đề án không nắm rõ hiện trạng, bỏ sót khâu quan trọng về khảo sát thực tế. Có đại biểu cho rằng trong phần “hiện trạng phát triển thương mại Quảng Trị” đề án này đã lấy dẫn chứng nhiều số liệu thống kê năm 2010 là không phù hợp, số liệu cũ vì thế làm sao đánh giá đầy đủ hoạt động thương mại, tại sao đến năm 2013 rồi mà phải lấy số liệu của năm 2010, như vậy có tính thuyết phục không. Tiêu chí để xác định quy hoạch chợ nêu tại đề án là 3,5 km 2 là không khả thi mà phải xác định theo quy mô dân số, chính quy mô dân số lớn là nhu cầu để hình thành nên các chợ mới. Thêm nữa không nên đặt vấn đề xóa bỏ chợ dân sinh mà để nó tồn tại, vận động theo nhu cầu thị trường. Phần nhận định, đánh giá có nhiều nội dung chưa đạt chuẩn thuộc về “Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020”, đề án bao quát nhiều vấn đề về phát triển đô thị, dài tới 48 trang. Ban Pháp chế- HĐND tỉnh được giao thẩm định về đề án này đã chỉ ra nhiều “lỗ hổng” về kiến thức thực tế. Trang 31 của đề án có nêu vấn đề “xây dựng mới tuyến đường sắt nối Cảng Cửa Việt- Ga Ngã Tư Sòng nối vào đường sắt chuyên phục vụ cho Nhà máy xi măng ở An Thái, Cam Tuyền, huyện Cam Lộ”. Nhiều người không khỏi băn khoăn có nhà máy xi măng ở An Thái, Cam Tuyền không? Hình như nhà máy mà bản đề án muốn nói tới là Dự án nhà máy xi măng Rôly, hay là một dự án nhà máy xi măng khác mà một doanh nghiệp đặt ra nhưng không thực hiện được. Vậy thì tại sao lại đặt vấn đề xây dựng đường sắt vào một nhà máy xi măng không có thực? Phải chăng đây là ý tưởng “cóp” lại một quy hoạch năm nào đó của Sở Xây dựng mà nay thực tế đã khác, những người viết đề án vẫn cứ bê vào, khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Trang 13 của đề án này viết: “ đô thị Hồ Xá là trung tâm tiểu vùng Bắc sông Thạch Hãn” như vậy có đúng không? Ai cũng biết Hồ Xá là thị trấn thuộc huyện Vĩnh Linh, còn sông Thạch Hãn chảy qua địa phận huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, có liên quan gì với nhau mà lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”?. Phải chăng người viết đề án đã làm việc cẩu thả hay có sự nhầm lẫn kiến thức về địa lý sông ngòi của quê hương(!) Cũng Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, trang 14 khi bàn về xây dựng phát triển du lịch, dự án ghi rõ: “Khu vực Cửa Việt- Cửa Tùng- Cồn Cỏ là trung tâm du lịch biển lớn của vùng Bắc Trung bộ”, sao mà lớn, mà to thế, liệu có làm được không, khi mà các hình thái du lịch ở đây chưa phát triển, chỉ mang tầm địa phương; về triển vọng trong tương lai gần cũng chưa thấy có gì đột biến. Như trên đã nói, Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 là đề án đề cập đến nhiều vấn đề về phát triển đô thị ở các địa phương trong tỉnh, và có nhiều vấn đề về chất lượng, tính lôgic của đề án này, lãnh đạo Sở Xây dựng phải trình bày, giải trình, làm rõ đề án với thời gian hơn 50 phút tại hội trường kỳ họp mà vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu muốn tìm hiểu của đại biểu và chủ tọa kỳ họp. Vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu đó là việc nâng cấp đô thị ở Đông Hà và thị xã Quảng Trị như thế nào cho phù hợp. Về quy hoạch phát triển thị xã Quảng Trị không ít đại biểu cho rằng đây là đô thị có từ lâu đời, nằm về phía Nam của tỉnh, là trung tâm kinh tế- thương mại khu vực phía Nam, vì thế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2020 phải nâng cấp thị xã Quảng Trị trở thành đô thị loại III, để có điều kiện kêu gọi đầu tư phát triển. Về quy hoạch phát triển thành phố Đông Hà cũng có những nét tương tự. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và sau này tại Kết luận số 10 ngày 12/1/2012 của Tỉnh ủy về Quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị Quảng Trị đến năm 2020 đã nêu quyết tâm xây dựng Đông Hà thành đô thị loại II trước năm 2020, UBND thành phố Đông Hà cũng đã chuẩn bị đề án trình kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 8. Nhưng tại Quyết định số 1659, ngày 7/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 thì đến năm 2020 Đông Hà vẫn là đô thị loại III. Có lẽ chính vì thế trong đề án của Sở Xây dựng trình lần này không đề cập đến việc nâng cấp thành phố Đông Hà từ đô thị loại III lên loại II với những lý do là nhiều tiêu chí của đô thị loại III Đông Hà vẫn chưa đạt được. Nếu so sánh các điều kiện tiêu chuẩn của đô thị loại II, Đông Hà có 26/49 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí quy mô dân số, mật độ dân số của đô thị loại II đến năm 2020 Đông Hà cũng không thể đạt được, rồi các tiêu chí về thu, cân đối ngân sách; hệ thống công trình đô thị, cơ sở giáo dục đào tạo, khu đô thị mới kiểu mẫu, tuyến phố văn minh... cũng khó đạt được. Phát biểu tại kỳ họp, lãnh đạo UBND thành phố Đông Hà cho rằng: Mặc dù còn hàng chục tiêu chí chưa đạt nhưng cần đặt ra vấn đề xây dựng Đông Hà trở thành đô thị loại II trước năm 2020 để có điều kiện huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Mặt khác Đông Hà là đô thị tỉnh lỵ, nằm trong mối tương quan với các tỉnh, thành phố khác, vì thế đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung thành phố Đông Hà thành đô thị loại II vào danh mục nâng loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2012-2020. Như vậy ở đây có sự khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá giữa địa phương và trung ương, giữa các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đạt được với ý chí, nguyện vọng của một số đại biểu và UBND thành phố Đông Hà. Về vấn đề xã hội, Đề án một số chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của Quảng Trị giai đoạn 2013-2020 cũng thu hút sự quan tâm của một số đại biểu. Thực tế là về chính sách đào tạo và thu hút của tỉnh qua nhiều lần chỉnh sửa song chưa đạt mục tiêu đề ra, thậm chí có một số chính sách không thực hiện được. Có ý kiến cho rằng đề án còn rườm ra, thiếu chặt chẽ, đối tượng thu hút trong đề án quá rộng, chưa tập trung, việc sắp xếp các đối tượng ưu tiên đào tạo trong nước, ngoài nước, các loại hình trường công lập cũng phải được thể hiện hợp lý hơn; việc thực hiện chế độ phụ cấp với cán bộ làm công tác dự phòng cao hơn y tế điều trị là chưa hợp lý… Điều mà nhiều đại biểu băn khoăn đó là việc soạn thảo nhiều đề án nhưng lấy kinh phí ở đâu để thực hiện khi mà nguồn thu của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng chi hàng năm. Để xây dựng Đông Hà thành đô thị loại II vào năm 2020 cần tới 11.000 tỉ đồng, đề án quy hoạch phát triển Thương mại Quảng Trị nhu cầu vốn đầu tư phát triển bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2020 là 315 tỉ đồng, có khả thi không? Đề án xử lý chất thải rắn nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020 là hơn 700 tỉ đồng, có đủ nguồn kinh phí để thực hiện? Từ thực tế trên cho thấy, việc chuẩn bị nội dung các đề án của một số ngành, địa phương trình kỳ họp HĐND lần thứ 8 là chưa được chu đáo, cẩn trọng, còn quá nhiều vấn đề sơ suất. Đề nghị thời gian tới các cấp, các ngành cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc xây dựng các văn bản, đề án, đặc biệt là các đề án trình HĐND tỉnh vì nội dung các đề án này vừa thể hiện năng lực, trách nhiệm đơn vị xây dựng đề án, vừa đảm bảo tính khoa học, thực tiễn để khi triển khai thực hiện phải đạt được các yêu cầu đề ra. QUỲNH ANH