Cập nhật:  GMT+7

Ước nguyện hòa bình từ đất thiêng Quảng Trị - Bài 2: Những kết nối ân tình

Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính ở hai bên chiến tuyến không bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ đặt chân đến đất nước của nhau để nói về câu chuyện chiến tranh và hàn gắn vết thương mà nó để lại. Vậy nhưng, có những cơ duyên khiến họ thực hiện được điều đó để góp phần xóa đi thù hận do chiến tranh gây ra bằng nỗ lực hàn gắn và sẻ chia. Câu chuyện của ông Toàn, gia đình viên phi công người Mỹ cuối cùng bị bắt ở Việt Nam và nhiều cựu chiến binh Mỹ đã minh chứng cho điều đó.

Cuộc gặp gỡ xúc động trên cánh đồng xóm Cộ

Một ngày đầu năm 2007, tròn 34 năm sau sự kiện bắn máy bay nói trên, người dân ở làng Cao Hy, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong tò mò khi thấy hai người phụ nữ Mỹ ôm nhau khóc trên cánh đồng xóm Cộ. Họ chính là những người vợ của Phillip A. Kientzler - viên phi công đầu hàng trên cánh đồng xóm Cộ vào thời điểm năm 1973 - thực hiện ước nguyện lúc còn sống của chồng mình.

Nyla Kientzler - một trong hai người phụ nữ đó là người vợ thứ 3 của Phillip A. Kientzler. Khi Phillip A. Kientzler đi lính, bà không có trong phần đời của ông. Tuy nhiên về sau, trong suốt 20 năm chung sống cùng chồng, bà là người được nghe ông kể nhiều nhất về những năm tháng chiến tranh, về câu chuyện người lính Việt Nam đã cứu mình.

Ước nguyện hòa bình từ đất thiêng Quảng Trị - Bài 2: Những kết nối ân tình

Cuộc gặp gỡ xúc động giữa bà Nyla Kientzler (mang áo xanh) - người vợ thứ 3 của Phillip A. Kientzler cùng gia đình với ông Nguyễn Đức Toàn (ngoài cùng, bên phải) trên cánh đồng xóm Cộ vào năm 2007 -Ảnh: HOÀI NAM

Nyla Kientzler hiểu đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi của chồng, đồng thời cũng là khao khát được trở lại Việt Nam tìm gặp ân nhân của mình. “Tôi bắt gặp câu chuyện về sự kiện ngày 27/1/1973 của chồng mình tại làng Cao Hy trong đoạn Nhật ký chiến trường của một người lính Việt Nam trên mạng xã hội ở Mỹ và đã liên lạc với tác giả của nó.

Tôi đã thay chồng viết những bức thư gửi ông Toàn - người lính Việt Nam đã cứu chồng tôi năm xưa và đứng ra sắp xếp cuộc gặp gỡ ý nghĩa này. Giá như chồng tôi có mặt ở đây, với chúng tôi lúc này, ông ấy hẳn sẽ rất xúc động”, bà Nyla Kientzler chia sẻ trong lần về gặp ông Toàn tại làng Cao Hy.

Nói về lý do vì sao đoạn trích trong cuốn Nhật ký chiến trường của mình xuất hiện ở Mỹ, ông Toàn cho biết: Trong một lần tiếp xúc với đoàn “Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Hoa Kỳ” tại thị xã Quảng Trị, tôi có dịp làm quen với chủ tịch của quỹ tưởng niệm này là ông Jan Scruggs. Tôi đã nhờ Jan Scruggs liên lạc với Phillip A. Kientzler và gia đình của ông ấy”. Phillip A. Kientzler mất vì một cơn đau tim tại Mỹ vào năm 2005.

Ông chưa kịp thực hiện được ước mơ lớn của đời mình là trở về chiến trường xưa, thăm cánh đồng xóm Cộ, nơi mình bị bắt và được cứu sống. Nhưng gia đình đã thay ông làm việc đó. Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên vào năm 2007 đã mở ra một mối quan hệ thân tình giữa ông Toàn và người thân của Phillip A. Kientzler.

Còn với bà Chiến, gần 50 năm sau chiến tranh, bà cũng đã gặp lại người lính Việt Nam cộng hòa có tên Bùi Trọng Nghĩa - người đứng chung một khuôn hình với mình trong bức ảnh “Tay bắt mặt mừng”. Cuộc gặp gỡ sau gần nửa thế kỷ ngập tràn xúc động.

“Tác giả bức ảnh đã kết nối để chúng tôi có cuộc gặp này. Với tôi, sau gần nửa thế kỷ mới biết mình có mặt trong bức ảnh đó nhưng tôi nhớ rất rõ về người lính bên kia chiến tuyến mà mình đã có dịp chuyện trò, vận động. Tôi rất mừng khi ông ấy hiện có cuộc sống hạnh phúc bên gia đình ở TP. Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện của chúng tôi không có bóng dáng của chiến tranh, chỉ có thực tại...”, bà Chiến chia sẻ.

Nói về chiến tranh Việt Nam trên đất Mỹ

Tháng 9/2012, tại Đại học Indiana, nước Mỹ, một người đàn ông tuổi lục tuần tự tin đứng trước hàng trăm sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để nói về đề tài chiến tranh. Đó chính là ông Nguyễn Đức Toàn.

Tại buổi đầu tiên này, một sinh viên Mỹ hỏi ông: Chiến tranh gây ra bao đau thương, chết chóc đối với người dân của quốc gia ông. Tại sao ông không lấy đó làm hận thù, mà lại cứu phi công của quân đội Mỹ?. “Trước khi cầm súng ra chiến trường, mỗi người lính trong quân đội của chúng tôi đều được giáo dục cẩn thận, nhất là trong vấn đề đối xử với tù binh. Hơn nữa, người Việt Nam chúng tôi vốn có tấm lòng nhân hậu”, câu trả lời của ông Toàn nhận được tràng pháo tay của tất cả những người có mặt ở giảng đường.

Ước nguyện hòa bình từ đất thiêng Quảng Trị - Bài 2: Những kết nối ân tình

Ông Toàn rất trân quý món quà được gửi tặng từ Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain - Ảnh: H.N

Cơ duyên để ông đến với nước Mỹ bắt nguồn từ lời giới thiệu của hai cựu nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, họ trở về nước, làm việc tại Đại học Indiana. Khi trường thực hiện bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử chiến tranh, hai cựu nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã giới thiệu ông làm nhân vật trả lời phỏng vấn.

Buổi phỏng vấn được thực hiện tại quê hương của ông Toàn ở xã Triệu Phước. Sau đó, Hội đồng Tổng hội sinh viên và Hội đồng Giáo sư của Trường Đại học Indiana đã đề nghị ông Toàn tham gia viết dự án Nhân chứng sự kiện lịch sử chiến tranh Việt Nam (từ năm 1959-1975) và gửi thư mời ông thuyết trình trước sinh viên của trường về nội dung đó. Cũng nhân dịp này, ông Toàn đã đến thăm gia đình của Phillip A. Kientzler và được người thân của viên phi công này dẫn đi tham quan một số thành phố nổi tiếng của nước Mỹ.

Từ năm 2012-2017, ông Toàn liên tục được mời sang Mỹ, đến các trường đại học và bảo tàng để giao lưu, diễn thuyết. Mỗi buổi thuyết trình tại trường đại học thường kéo dài 2 giờ đồng hồ nhưng lúc nào sinh viên cũng xin thêm 30 phút để phỏng vấn ông Toàn.

“Sinh viên của Đại học Indiana đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Những câu hỏi của sinh viên xoay quanh nội dung liên quan đến cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Là người lính bước ra từ cuộc chiến, tôi hiểu rất rõ sự tàn phá, hủy hoại do chiến tranh gây ra. Vì thế, những câu trả lời của tôi trước sinh viên cũng chỉ để làm rõ thông điệp, chiến tranh luôn mang đến đau thương, mất mát cho người dân, vì vậy nó cần được chấm dứt hoàn toàn”, ông Toàn chia sẻ.

Năm 2017, ông bất ngờ nhận được món quà đặc biệt được chuyển đến từ vợ của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain. Đó là một chiếc áo pilot mà ông trân quý, gìn giữ cho đến bây giờ. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain là bạn của Phillip A. Kientzler. Ông ấy biết đến câu chuyện người lính Việt Nam cứu bạn mình từ những ngày sau khi chiến tranh kết thúc cũng như cuộc gặp gỡ giữa ông Toàn và gia đình Phillip. Trước khi qua đời, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã đưa món quà đó cho người vợ, dặn nếu có cơ hội thì trao tặng ông Toàn. Người vợ đem câu chuyện này kể với Bác sĩ Dalton Somith - người lái máy bay riêng cho vợ chồng bà. Chính người này đã kết nối, gặp gỡ và trao món quà ý nghĩa đó cho ông Toàn.

Đất kiên cường từ núi đến biển!”

Ở chiều “ngược lại”, nhiều cựu chiến binh Mỹ cũng đã đến Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh do quân đội của nước họ gây ra.

Chuck Searcy (76 tuổi) - Chủ tịch Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ chi nhánh tại Việt Nam - khi nói đến tình cảm với mảnh đất, con người Quảng Trị đã thốt lên rằng: “Đất kiên cường từ núi đến biển. Người dân Quảng Trị đã chứng tỏ được điều đó. Họ đã kiên cường, quyết tồn tại và phát triển, luôn cam kết vì một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu”. Quảng Trị không phải là “chiến trường xưa” của Chuck Searcy nhưng là địa phương mà ông biết hậu quả chiến tranh để lại nặng nề nhất.

Năm 2001, ông Chuck là người đồng sáng lập dự án rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chiến tranh là RENEW/NPA ở Quảng Trị với mục tiêu rà phá bom mìn, cung cấp hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng và tạo thu nhập cho nạn nhân bom mìn.

Ước nguyện hòa bình từ đất thiêng Quảng Trị - Bài 2: Những kết nối ân tình

Ông Chuck Searcy (thứ 3 từ trái sang) cùng phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm hiện trường rà phá bom mìn của RENEW/NPA tại thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh ngày 16/5/2024 -Ảnh: NGÔ XUÂN HIỀN (Dự án RENEW)

Sau gần 20 năm, RENEW cùng nhiều dự án phi chính phủ khác đã di dời hàng tấn bom đạn, giúp người dân Quảng Trị được an toàn hơn. “Trong hai thập kỷ qua, các tổ chức của chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, phá hủy hơn 800.000 quả bom ở tỉnh Quảng Trị”, ông Chuck chia sẻ.

Từ tháng 6/1967 đến 6/1968, Chuck đến Việt Nam với vai trò quân nhân của một đơn vị tình báo đóng quân ở Sài Gòn. Ngay cả trong thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, ông vẫn nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ quay trở lại Việt Nam và hy vọng đó là thời điểm hòa bình. Sau khi trở về Mỹ, Chuck tham gia Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam, đấu tranh để cuộc chiến dừng lại. Năm 1992, ông trở lại Việt Nam trong một chuyến du lịch cùng với những cựu chiến binh khác và trở lại lần nữa vào năm 1993, rồi quyết định gắn bó với đất nước này.

Khác với Chuck Searcy, Kem Hunter (sinh năm 1946) không nghĩ sẽ trở lại quốc gia đã hằn sâu trong ký ức tuổi trẻ của mình mùi chết chóc và bom đạn. “Chứng kiến thảm kịch chiến tranh hơn 50 năm trước, tôi chưa bao giờ có ý định sẽ quay trở lại Việt Nam. Nhưng sau đó tôi biết đến các chuyến tham quan Ngoại giao Công dân do Tổ chức PeaceTrees Vietnam (PTVN) thực hiện từ một người bạn cũng là cựu chiến binh trong chiến tranh ở Việt Nam. Tôi nhận thấy đây là cơ hội duy nhất để mình được trải nghiệm Việt Nam trong hòa bình và góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh”, ông Kem Hunter chia sẻ.

45 năm sau chiến tranh, vào tháng 1/2020, Kem Hunter mới có dịp đến Việt Nam. Trong ký ức của ông, hình ảnh về Việt Nam là sự tàn phá và hủy diệt. Vậy nhưng trước mắt ông, tàn tích của chiến tranh hầu như biến mất.

Những cánh đồng lúa chín vàng, những vườn cây trĩu quả như xóa đi phần ký ức về vùng đất từng bị tàn phá bởi bom đạn và chất làm rụng lá trong ông. “Điều quan trọng nhất là người dân Việt Nam đã chấp nhận tôi, một người lính Mỹ trong chiến tranh, như một người bạn và đối tác trong nỗ lực chung giải quyết hậu quả chiến tranh”, Kem Hunter xúc động.

Sau khi trở lại Hoa Kỳ vào năm 2020, ông quyết định dành thời gian của mình để hỗ trợ PeaceTrees trong công tác rà phá bom mìn và nhân đạo ở tỉnh Quảng Trị. Kem Hunter lý giải: “Đây là cách để tôi có thể khắc phục những thiệt hại mà quân đội của chúng tôi gây ra từ nhiều thập kỷ trước. Hơn nữa, việc hỗ trợ Quảng Trị rà phá bom mìn, với tôi là một việc làm ý nghĩa. Trong chiến tranh, nhiệm vụ chính của đơn vị chúng tôi là vận chuyển quân nhu từ Đà Nẵng đến Cửa Việt, căn cứ quân sự ở cửa sông dẫn vào Đông Hà”.

Kem Hunter đang chuẩn bị cho chuyến trở lại Quảng Trị lần thứ 2. “Thật tuyệt vời nếu thời gian đó trùng với thời điểm diễn ra Lễ hội Vì Hòa bình ở mảnh đất này”, ông chia sẻ.

28 NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI QUẢNG TRỊ TRONG CÔNG CUỘC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH

PTVN là tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ việc tháo gỡ bom mìn, vật nổ tại Việt Nam. Tại Quảng Trị, năm 1996, được sự đồng ý của Chính phủ, PTVN thực hiện thành công chương trình rà phá bom mìn tại thị xã Đông Hà (nay là TP. Đông Hà). Hiện tại, PTVN đang hợp tác với tỉnh triển khai dự án “Rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nhằm giảm thiểu các mối nguy hiểm và hỗ trợ kế hoạch phát triển KT - XH tỉnh, giai đoạn X (2021-2025)” với tổng kinh phí trên 10 triệu USD do tổ chức PTVN tài trợ.

Hoài Hương - Lâm Thanh - Tú Linh

Bài 3: Cây xanh tỏa bóng đất hòa bình

Tin liên quan:
  • Ước nguyện hòa bình từ đất thiêng Quảng Trị - Bài 2: Những kết nối ân tình
    Ước nguyện hòa bình từ đất thiêng Quảng Trị. Bài 1: Hòa bình là khát khao chung

    Chỉ còn ít ngày nữa là chạm vào tháng 7. Quảng Trị sẽ đón dòng người từ muôn phương trở về để tri ân những người nằm xuống vì hòa bình của dân tộc. Năm nay, sự tri ân càng trở nên ý nghĩa hơn khi cùng thời điểm, một sự kiện lần đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Quảng Trị: Lễ hội Vì Hòa bình. Từ thời khắc lịch sử này, tiếng chuông tri ân, tưởng niệm của tháng 7 sẽ mang theo nguyện ước hòa bình để ngân xa hơn, không chỉ ở Việt Nam mà đến những vùng đất của thế giới vẫn còn chìm trong bom đạn chiến tranh.


Hoài Hương - Lâm Thanh - Tú Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mượn chỗ học vì trường xuống cấp nặng

Mượn chỗ học vì trường xuống cấp nặng
2024-11-05 05:50:00

QTO - Đã bước sang năm học thứ 2, hàng trăm học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh phải học nhờ ở trường khác, do dãy phòng học chính 2...

Thành quả từ niềm đam mê bơi lội

Thành quả từ niềm đam mê bơi lội
2024-06-27 05:10:00

QTO - Tuy chỉ mới 11 tuổi nhưng em Phan Đình Hùng, học sinh Trường Trưng Vương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã sở hữu một bộ sưu tập huy chương đáng ngưỡng...

Quyết liệt đẩy lùi tệ nạn ma túy

Quyết liệt đẩy lùi tệ nạn ma túy
2024-06-26 05:50:00

QTO - Ma túy được xem là hiểm họa của nhân loại vì nó làm hủy hoại con người, làm băng hoại các giá trị đạo đức xã hội. Chính vì vậy, cuộc chiến chống ma...

Nguyện góp sức trẻ cho Lễ hội Vì hòa bình

Nguyện góp sức trẻ cho Lễ hội Vì hòa bình
2024-06-26 05:30:00

QTO - Những ngày này, muôn con tim người dân Quảng Trị đang hướng đến lễ hội Vì hòa bình. Hòa chung nhịp đập ấy, tuổi trẻ Quảng Trị cũng chạy đua với thời...

Phát triển văn hóa đọc cho trẻ trong dịp hè

Phát triển văn hóa đọc cho trẻ trong dịp hè
2024-06-25 05:47:00

QTO - Mùa hè đến, Thư viện tỉnh Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều thiếu nhi. Bên cạnh kho sách thiếu nhi phong phú, đa dạng, Thư viện tỉnh đã...

Xã A Vao nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Xã A Vao nỗ lực nâng cao chất lượng dân số
2024-06-25 05:40:00

QTO - Khắc phục khó khăn của một xã vùng đặc biệt khó khăn, thời gian qua, đội ngũ cán bộ y tế - dân số ở xã A Vao, huyện Đakrông luôn triển khai các giải...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long