Cập nhật: Thứ 5, 23/10/2014 | 06:39 GMT+7

“Tỷ phú miền sơn cước”

(QT) - Năm nay vừa bước sang tuổi 45, là người Vân Kiều đầu tiên ở xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị mua xe tải để kinh doanh, có trong tay đàn trâu lên đến 30 con, 4 mẫu lúa nước, 2 ao cá diện tích gần 1.000 m 2 , đàn lợn 15 con và một cánh rừng tràm 15 ha đang tuổi thu hoạch, nếu quy ra tiền thì khối tài sản đó trị giá cả tỷ đồng. Đó là những gì tôi biết về “tỷ phú miền sơn cước Tà Long” Hồ Văn Dơ hay Pả Liên “xe tải”, cái tên gần gũi mà người dân ở vùng Tà Long này dành cho anh. Và để có được cơ ngơi đáng kể như ngày hôm nay là cả một câu chuyện dài, một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Tuổi thơ bất hạnh Trong cơn mưa rừng rả rích, trong ngôi nhà sàn nằm cách không xa con đường Hồ Chí Minh là mấy, giọng Pả Liên như trầm hẳn lại khi nhắc lại những kỷ niệm thời ấu thơ đầy gian khổ, nhọc nhằn. Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Vân Kiều ở bản Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, năm Hồ Văn Dơ vừa tròn 5 tuổi thì mẹ mất đi sau một cơn bạo bệnh để lại người chồng và đứa con thơ dại trong cảnh nghèo khó. Vậy mà nỗi bất hạnh của anh vẫn chưa dứt khi chưa đầy 8 năm sau, bố cũng ra đi, bỏ lại anh côi cút giữa cuộc đời. Hồ Văn Dơ lớn lên như cây dại giữa rừng, tuổi thơ của anh trôi qua trong sự thiếu thốn tình cảm của những người thân nhất nhưng lại thừa sự cơ cực.

Pả Liên lên xe đi chở hàng theo yêu cầu của khách
Năm 18 tuổi chàng thanh niên Hồ Văn Dơ sau một cuộc tình duyên đầy trắc trở vì mồ côi, nghèo khó không có của hồi môn, anh bỏ vào làm thuê ở bản Khe Lu, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thương anh thật thà, chăm chỉ, cô sơn nữ Hồ Thị Dờng, con gái của chủ nhà nơi anh làm đã kết nghĩa trăm năm với anh. Cưới nhau xong, hai vợ chồng dắt díu nhau về quê, được bà con thương tình giúp đỡ dựng một ngôi nhà sàn ở cuối bản làm nơi ăn chốn ở cho đôi vợ chồng trẻ. Từ đây họ bắt đầu xây dựng cơ ngơi trong muôn vàn gian khổ. Vốn làm ăn chẳng có bao nhiêu, Pả Liên nhận giữ đàn trâu cho một người ở bản Tà Lao với công được tính mỗi năm sẽ được nhận một con trâu nghé trong đàn, còn chị Dờng hàng ngày lên rừng bẻ măng, hái đót…rồi gùi bộ mấy chục cây số ra bán dọc đường 9 kiếm mỗi ngày vài chục nghìn đủ để rau cháo qua ngày. Thời gian thấm thoắt trôi qua, nhờ sự chăm chỉ của anh, đàn trâu nhanh chóng sinh sôi, chủ nhà trả công cho anh 5 con trâu như đã giao kèo. Có được số vốn anh quyết định tách ra làm ăn riêng. Trong khi nhiều người có thói quen nuôi lợn thả rông thì anh lại đầu tư hệ thống chuồng trại để thả 10 con lợn và sắm sửa dụng cụ để vợ nấu rượu vừa để bán vừa phục vụ chăn nuôi. Nhờ sự tảo tần và chăm sóc tốt, lứa lợn đầu tiên đã đem về cho vợ chồng anh 20 triệu đồng, số tiền tuy không lớn nhưng là nguồn động viên rất lớn dành cho gia đình Pả Liên trong bước đầu làm ăn. Công việc làm ăn tiến triển theo hướng thuận lợi, bên cạnh việc từng bước gầy dựng đàn trâu của mình, sau khi có chủ trương trồng tràm nguyên liệu với mục đích phủ xanh đất trống đồi núi trọc và tạo sinh kế cho người dân, Pả Liên nhận trồng 15 ha, đồng thời bỏ tiền khai hoang mấy mẫu đất ven suối để trồng lúa nước. Pả Liên nhớ lại: “Trong khi nhiều người ở đây vẫn khư khư làm lúa rẫy thì tôi đã chuyển sang làm lúa nước gần 15 năm nay, nhờ vậy không chỉ đủ ăn mà hàng năm còn dư trên chục tạ thóc để bán”. Người Vân Kiều đầu tiên “tậu” xe tải Từ khi cây sắn, cây tràm được đưa vào trồng ở các bản làng người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Đakrông thì lối làm ăn “tự cung tự cấp” dần được thay thế bằng sản xuất hàng hóa, kéo theo đó là nhu cầu vận tải cũng tăng cao. Với đầu óc nhạy bén, sớm nắm bắt nhu cầu của người dân quanh vùng trong việc vận chuyển hàng hóa, Pả Liên bàn ngay với vợ gom góp tiền để tìm mua xe tải về kinh doanh. Anh tâm sự: “Cứ mỗi lần đến mùa thu hoạch sắn hay khai thác gỗ tràm, tôi và nhiều người dân xã Tà Long và các xã lân cận phải ra tới thị trấn Krông Klang mới thuê được xe, tất nhiên giá cả bao giờ cũng đắt hơn nhiều làm chi phí sản xuất tăng cao nên lợi nhuận cho một vụ chẳng còn bao nhiêu”. Nghĩ là làm, sau khi cùng vợ tính toán thiệt hơn, anh bán bớt 4 con trâu được gần 200 triệu đồng, cộng với số tiền hơn 100 triệu đồng của hai vợ chồng tích góp được, anh quyết định “tậu” chiếc xe tải trước sự ngỡ ngàng và thán phục của người dân quanh vùng. Pả Liên cho biết: “Những tháng cao điểm khi người dân quanh vùng đồng loạt khai thác gỗ tràm hay nhổ sắn tôi phải chạy xe từ sáng đến tối mịt vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của người thuê”. Giá cả phải chăng, cách làm ăn có uy tín đã giúp cho Pả Liên có thêm nhiều khách hàng, có những ngày riêng tiền chở thuê đã đem về cho anh trên một triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí. Từ ngày Pả Liên đưa chiếc xe tải về, bản Tà Lao với 115 nóc nhà khép mình bên dãy Trường Sơn bao đời nay yên ắng chỉ có tiếng xào xạc của gió, tiếng kêu của thú rừng thì nay có thêm “tiếng động lạ”, đó chính là tiếng động cơ của chiếc xe tải nhà Pả Liên hàng ngày hối hả chở sắn, chở tràm…cho người dân quanh vùng. Người Vân Kiều bao đời nay sinh sống giữa thăm thẳm núi rừng Trường Sơn, từ ngày có con đường Hồ Chí Minh đi qua thì cuộc sống nơi đây như bừng tỉnh. Nhờ có điện, trường, trường, trạm mà ánh sáng văn minh đã về tới tận bản làng. Chuyện làm ăn kinh tế như thế nào cho hiệu quả, chuyện học chữ, học nghề... để có công việc ổn định nay đã trở thành chủ đề thường trực trong nhiều câu chuyện của họ. Nói đâu xa, chuyện của nhà Pả Liên đã ít nhiều minh chứng cho điều đó. Không chỉ say sưa nói về chuyện làm kinh tế, Pả Liên còn rất tự hào khi kể về những đứa con của mình. “Hai trong số bốn đứa con của tôi đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng giờ đều đã có công việc ổn định. Đứa thứ ba vừa học năm nhất một trường trung cấp nghề ở Huế đã tranh thủ học thêm cái bằng lái xe B2 nay đã có thể giúp tôi chạy xe, đứa trai con út năm nay học lớp 11, nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi và năm sau dự định sẽ thi vào trường sư phạm để được làm thầy giáo như chị của nó”, Pả Liên phấn khởi khoe. Giờ đây, có trong tay tài sản tiền tỷ, một ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi, ít ai ngờ được người đàn ông này từng có một tuổi thơ bất hạnh với bao khổ cực, cay đắng. Với những thành tích đạt được, Pả Liên nhiều năm qua đã liên tục nhận giấy khen trong công tác giảm nghèo do các cấp, các ngành trao tặng và cũng rất xứng đáng với danh hiệu “tỷ phú miền sơn cước” mà cán bộ và người dân xã Tà Long trìu mến dành cho anh. Bài, ảnh: CÔNG ĐIỀN



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Ước mong có một cây cầu
22:50 25/12/2022

Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Pa Kô của bản Trại Cá, Pa Hy (xã Tà Long, huyện Đakrông) hằng ngày phải dùng săm xe ô tô bơm đầy hơi vượt sông Đakrông để sang ...

Những triệu phú họ Hồ
03:40 06/07/2023

Thời gian qua, cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời từ cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng người ...

Khởi sắc Tà Rụt
22:45 08/05/2025

Mặc dù là địa phương ở vùng núi, phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng những năm gần đây, bức tranh KT-XH ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông đã ...

Những “triệu phú” mang họ Bác Hồ
01:30 18/11/2024

Với những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho vùng dân tộc miền núi, cùng tinh thần chịu khó học hỏi, nỗ lực vươn lên, thời gian qua, trên địa ...

Tà Rụt nơi tôi bắt đầu viết báo
03:10 17/06/2025

Sau gần một năm điều trị vết thương ở K69 Ban B Quảng Bình và an dưỡng tại K15 Hà Đông (Hà Nội bây giờ), tôi được lệnh trở lại chiến trường. Và đúng 4 giờ 30 ...

Chuyến đi nghĩa nặng tình sâu

Chuyến đi nghĩa nặng tình sâu
23:38 22/10/2014

(QT) - Vượt qua những cơn mưa rào cuối tháng 9/2014, đoàn công tác UBMTTQ Việt Nam tỉnh do đồng chí Hoàng Đức Thắng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đến thăm tặng quà...

Những người thầy đam mê sáng tạo

Những người thầy đam mê sáng tạo
23:17 21/10/2014

(QT) - Trước thực trạng nhiều đồ dùng dạy học, thiết bị thí nghiệm bị xuống cấp, hư hỏng do thời tiết cũng như với mong muốn giúp học sinh được học tập, thí nghiệm một cách...

POWERED BY
Việt Long