{title}
{publish}
{head}
Vậy là đã 45 năm, trong ký ức của Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy phó Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hà Giang về một thời chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi phát hiện ra mấy từ Tờ “Hà Tuyên Mặt trận”. Theo mạch ký ức, chúng tôi bắt đầu hướng đến câu chuyện ít được biết tới về một ấn phẩm đặc biệt có tên “Hà Tuyên Mặt trận”.
Đại tá Nguyễn Kim Chung, người được coi là “phát ngôn viên” của Mặt trận Hà Tuyên những ngày kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới Hà Giang, chắc nịch chất lính, kể lại một thời chiến đấu anh hùng. Trong cuộc chiến đấu ấy, cùng với vai trò của lực lượng vũ trang, sức mạnh của nhân dân, còn có vai trò những người cầm bút của tờ báo Đảng bộ Hà Tuyên (nay là Báo Hà Giang và Tuyên Quang). Để từ đó, góp phần làm nên sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc
Những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trên “tuyến lửa” Hà Tuyên, ngoài thiếu thốn về vật chất, những người lính và nhân dân nơi tiền tuyến còn rất thiếu báo chí và các phương tiện thông tin. Trong điều kiện chiến đấu, mọi thứ đều phải rất cơ động, nhanh, gọn. Tờ báo Hà Tuyên khi đó khổ to, cung cấp thông tin chủ yếu về KT - XH và hậu phương.
Những tờ “Hà Tuyên Mặt trận” ngày đó - Ảnh: Phương Hoa
Đại tá Nguyễn Kim Chung nhớ lại: Một buổi sáng sớm tinh mơ năm 1984, đồng chí Nguyễn Văn Đức, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên trong lúc đi thể dục qua khu vực của Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh, đóng ở khu vực Tỉnh ủy Hà Giang ngày nay. Ông ghé vào để hỏi thăm tình hình chiến sự. Thấy anh em của Phòng Chính trị đang ngồi quanh đống lửa, ông liền hỏi anh em không làm gì sao mà ngồi tán gẫu thế!?. Anh em trả lời, sáng sớm chẳng có gì để xem, đọc nên ngồi tán gẫu thôi bác ạ. Sau một lúc trao đổi với cán bộ, chiến sỹ về công tác thông tin và đời sống tinh thần ở nơi tiền phương, Bí thư Nguyễn Văn Đức có nói, tờ báo Hà Tuyên khổ to quá, khó có thể đưa lên mặt trận, xuống hầm hào, công sự được, có lẽ cần thu nhỏ khổ hơn, các bài viết còn dài quá, cần rút gọn lại để cán bộ, chiến sỹ và nhân dân dễ tiếp nhận.
Ngay sau lần nói chuyện với các cán bộ, chiến sỹ của Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Tuyên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đức đã đưa vấn đề ra bàn với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tại cuộc họp, ông có chỉ đạo và giao cho các đồng chí Đặng Quang Tiết, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Tuyên và đồng chí Phí Văn Tường, Tổng biên tập Báo Hà Tuyên nghiên cứu, xây dựng một ấn phẩm báo Hà Tuyên khổ nhỏ để chuyên phục vụ cho mặt trận. Qua quá trình nghiên cứu, trao đổi giữa Ban Tuyên huấn và Báo Hà Tuyên, đặc biệt là vai trò của các ông Đặng Quang Tiết và Phí Văn Tường; tháng 4.1984, tờ “Hà Tuyên Mặt trận”, một ấn phẩm của Báo Hà Tuyên được ra đời với 8 trang khổ nhỏ, cỡ 23 x 34 cm. Báo phát hành 3 số/ tháng. Nội dung tin tức tóm tắt về tình hình kinh tế – xã hội ở hậu phương, được cô lại rất dễ đọc. Đồng thời dành dung lượng lớn về tình hình chiến sự ở mặt trận.
Để kịp thời nắm bắt thông tin từ mặt trận, Báo Hà Tuyên cử một tốp phóng viên tác nghiệp ở mặt trận Hà Giang. Nhóm phóng viên ban đầu gồm các đồng chí: Phí Văn Chiến, Hồng Quân, Dương Thị Phúc, Lê Văn Đang; tiếp đó là Chu Thái Tinh, Đoàn Thị Ký, Văn Phát, Đỗ Hùng... Cùng với đó, một số anh chị em văn nghệ sỹ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Tuyên tác nghiệp trên mặt trận, thường cung cấp thông tin cho tờ Hà Tuyên Mặt trận như: Gia Dũng, Phù Ninh...
Nhà báo Phí Văn Chiến, nguyên phóng viên Báo Hà Tuyên, kể lại: Thời chiến làm cái gì cũng vất vả, khó khăn, làm báo cũng vậy. Làm một tờ Hà Tuyên đã vất vả, làm thêm tờ Hà Tuyên Mặt trận càng vất vả hơn cho anh em cán bộ, nhân viên Báo Hà Tuyên. Ngày ấy việc lấy tin tức, ảnh từ cơ sở, mặt trận về rất khó khăn, hơn nữa công nghệ in sắp chữ chì, rất chậm. Nhiều cán bộ, nhân viên của Báo Hà Tuyên vẫn còn nhớ hình ảnh về cơ quan Báo Hà Tuyên những năm 1984- 1985, Báo thường nổ máy phát điện, sáng điện, uống nước chè đặc, miệt mài làm báo thâu đêm.
Được biết với anh em phóng viên, việc gửi tin bài từ mặt trận về tòa soạn đã khó, gửi ảnh càng vất vả hơn, bởi phương tiện đi lại không như bây giờ, phim chụp song phải gửi qua xe ô - tô về thị xã Tuyên Quang (cách 160 Km). Với tin, bài thì có thể gửi qua bưu điện. Có lần do yêu cầu thời sự phải đưa tin gấp, phóng viên phải trực tiếp chuyển bằng... tín hiệu mật mã. Tín hiệu về tòa soạn lập tức được nhà báo Nguyễn Trọng Hùng dịch. Làm được điều đó là bởi 2 nhà báo Phí Văn Chiến và Nguyễn Trọng Hùng từng là phóng viên chiến trường miền Nam. Và cho đến giờ, nhà báo Phí Văn Chiến vẫn còn giữ được bản dịch mật mã của một số bài báo ngày đó.
Mặt trận Hà Tuyên từ năm 1984 khá ác liệt. Để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, sáng nào Bộ CHQS tỉnh Hà Tuyên cũng duy trì việc cung cấp thông tin về tình hình chiến sự từ 4h sáng cho phóng viên các cơ quan báo chí. Không chỉ có báo chí trong nước như Thông tấn xã Việt Nam, Quân đội Nhân dân, Báo Nhân Dân, Sài Gòn Giải phóng..., nhiều phóng viên nước ngoài cũng có mặt ở mặt trận Hà Tuyên như phóng viên của Cu Ba, Áo, Đan Mạch..., tất cả đều rất quả cảm, sẵn sàng xông ra chiến trường săn tin tức. Mỗi buổi sáng chỉ có 15 phút để cung cấp thông tin từ các điểm nóng chuyển về rồi định hướng cho phóng viên đi các điểm, các đơn vị. Đại tá Nguyễn Kim Chung cho biết: Việc duy trì cung cấp thông tin kiểu này kéo dài đến hết năm 1985.
Tờ “Hà Tuyên Mặt trận”ra đời với mục tiêu hướng ra mặt trận như khẳng định một sự sâu sát, thực tiễn và chỉ đạo kịp thời của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đức. Không chỉ thấu hiểu được nhu cầu thông tin của anh em chiến sỹ trên mặt trận mà còn góp phần tiếp thêm sức mạnh tư tưởng, tinh thần cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc của quân và dân ta. Tờ “Hà Tuyên Mặt trận”sau khi phát hành, được chuyển qua các kênh như bưu điện để đến với các huyện biên giới phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi tiền tuyến. Cùng với đó, qua kênh Quân bưu, tờ báo được chuyển đến các đơn vị quân đội, chuyển lên tận các chốt tiền tiêu.
Nhiều cán bộ, chiến sỹ kể với chúng tôi, tờ “Hà Tuyên Mặt trận” đến với các đơn vị, được anh em cán bộ, chiến sỹ đón nhận như “đặc sản” nơi mặt trận. Lính trên mặt trận rất thiếu và quý tin tức, trong khi các tờ báo khổ to chỉ đến được với các doanh trại lớn thì tờ “Hà Tuyên Mặt trận” có thể luồn sâu vào chiến trường. Mỗi khi có báo đến, cán bộ, chiến sỹ thường truyền tay nhau đọc tờ “Hà Tuyên Mặt trận”khổ nhỏ đến nát, nhàu không đọc được mới thôi. Tờ báo là một sự động viên về tinh thần cho người lính chắc tay súng, bảo vệ Tổ quốc.
Ông Đặng Quang Tiết, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Tuyên, cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã thường xuyên phối hợp với Tòa soạn Báo Hà Tuyên để kịp thời có những định hướng cho tờ báo và cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Phải khẳng định rằng, tờ “Hà Tuyên Mặt trận”ra đời được và độc giả đánh giá cao, kịp thời định hướng tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận, động viên cán bộ, nhân dân các huyện phía sau thi đua sản xuất, phát triển kinh tế hỗ trợ cho tiền tuyến.
Trong thời gian từ 1984- 1985, 72 số báo “Hà Tuyên Mặt trận”được phát hành và ra trận, ghi lại một thời kỳ đầy anh dũng của quân, dân ta. Hơn 40 năm nhìn lại, thế hệ làm báo thời Hà Tuyên Mặt trận nay cũng đã xế bóng, đa phần đã nghỉ chế độ, có người đã ra đi về cõi vĩnh hằng.
Sau 15 năm hợp nhất, cuối năm 1991, tỉnh Hà Tuyên tách và tái lập 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Theo đó, tờ báo Hà Tuyên đã tách ra thành báo Hà Giang và báo Tuyên Quang phục vụ nhiệm vụ chính trị của 2 tỉnh. Nhưng, tinh thần “ra trận” của người làm báo Đảng Hà Tuyên vẫn còn vẹn nguyên. “Hà Tuyên Mặt trận”, đó là một ký ức đẹp của những người cầm bút trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, một truyền thống đáng tự hào của những người làm báo Đảng Hà Tuyên.
Phương Hoa- Huy Toán
QTO - Hôm nay 14/12, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị đã diễn ra các hoạt động: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục truyền...
VOV.VN - Với chiến thắng nghẹt thở trước Thái Nguyên T&T, Than Khoáng Sản Việt Nam (Than KSVN) đã giành chức vô địch giải bóng đá Nữ Cúp Quốc gia 2024.
QTO - Sáng nay 18/2, huyện Cam Lộ tổ chức khai mạc Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Giải Việt dã truyền thống lần thứ XIV, năm 2024.
QTO - Dáng người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn, Phùng Phan Thế Lâm sớm bộc lộ năng khiếu với môn bóng bàn. Không chỉ vậy, ở em luôn có đức tính khiêm tốn, biết...
QTO - Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn - 2024, trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh, nhiều hoạt động thể thao lành mạnh, bổ ích diễn ra khá sôi nổi....
QTO - Dịp tháng 12/2023, tôi và Đại tá, nhạc sĩ Ngọc Khuê, tác giả của bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa” nổi tiếng, người thì từ Hà Nội vào (nhạc sĩ...
QTO - Đầu những năm 60 thế kỷ XX, Nghệ sĩ Tân Nhân là diễn viên xuất sắc của Đoàn Ca múa Trung ương. Ngoài đơn ca, bà cũng thường tham gia hát trong tốp ca nữ Đoàn Ca múa Trung...
QTO - Thời trẻ tôi được nghe tên tuổi và say đắm tiếng hát của ca sĩ Diệu Thuý. Bởi chị chính là đơn ca nữ đầu tiên thu thanh bài hát này trên làm sóng Đài Tiếng nói Việt Nam,...
QTO - Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần Tết đến, đợi lúc cả nhà đông đủ, mẹ sẽ gọi chú Sáu về chụp ảnh. Thời đó, tiệm của chú là hiệu ảnh duy nhất trong vùng. Năm...
QTO - Trong đời sống tâm linh của đồng bào Pa Kô không thể thiếu nghi lễ cúng “Mừng lúa mới” bởi theo quan niệm của bà con, nghi lễ này sẽ mang lại cho họ...
QTO - Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Tại nhiều địa phương, các dòng họ, chi, phái đều xây dựng nhà thờ làm nơi thờ tự tổ...
QTO - Với niềm đam mê dòng tranh Trúc Chỉ, hơn 10 năm qua, họa sĩ Nguyễn Phước Nhật - một người con của quê hương Quảng Trị - luôn miệt mài để sáng tạo nên...