Tự hào về những chiến công
(QT) - Thế là họ được gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi sau bao nhiêu năm xa cách. Những cái ôm thật chặt, những nụ cười rạng rỡ và những giọt nước mắt đầy mãn nguyện. Và rồi họ lại kể cho nhau nghe về cuộc sống, cùng nhau ôn lại những ngày tháng xuyên rừng mở lối chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Và họ lại hát cho nhau nghe những bài ca đi cùng năm tháng, những bài ca mà họ đã sáng tác để hát phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ ở các trận địa, trên các chiến trường.
.jpg) |
Tác giả (ngồi giữa, hàng đầu) cùng các anh chị em nguyên là diễn viên trong đội văn nghệ Tỉnh đội Quảng Trị |
Đầu năm 1970, thời điểm quân dân ta trên chiến trường Quảng Trị phải đối mặt với bao gian nan thử thách. Với dã tâm “Dùng người Đông Dương giết người Đông Dương, dùng người Việt trị người Việt”, đế quốc Mỹ hối thúc quân đội Sài Gòn mở các trận càn quét, tiến hành hoạt động lấn chiếm, giành dân... Không cho địch thực hiện âm mưu của chúng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có chủ trương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, động viên bộ đội kiên cường bám trụ chiến đấu, thực hiện công tác binh vận, địch vận, tạo điều kiện cho ta trong việc mở vùng, mở mảng, giành dân, giữ đất... Thực hiện ý định của trên, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên đã có quyết định thành lập Đội tuyên truyền văn hóa, văn nghệ Tỉnh đội Quảng Trị để kịp thời tuyên truyền, phục vụ cho bộ đội trên các chốt và các địa bàn vùng mới giải phóng . Đội được biên chế 25 cán bộ, diễn viên được tuyển chọn từ các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh có năng khiếu đàn hát. Đội có 2/3 diễn viên là nữ, do Trung úy Bảy Trà phụ trách, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Tỉnh đội Quảng Trị. Sau khi thành lập, mặc dù trong bộn bề khó khăn, cán bộ, chiến sĩ của đội đã nhanh chóng ổn định đội hình, xây dựng chương trình cơ động về các địa bàn biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Từ năm 1970 đến năm 1972 đội đã biểu diễn hàng trăm lượt trên các điểm chốt phục vụ đồng bào, đồng chí và cán bộ, chiến sĩ. Năm 1973 và đầu năm 1974, trên chiến trường Trị Thiên nói chung, địa bàn Quảng Trị nói riêng rất ác liệt, kẻ địch tìm đủ trăm phương nghìn kế nhằm lấy lại các địa bàn bị mất, quyết tâm giành dân. Chúng thường xuyên mở các trận chiến đấu để lấy lại “uy tín” trên chiến trường, nên bộ đội ta cũng phải ra sức đối phó và tìm mọi cách đánh bại ý định của chúng. Đúng lúc đang “nước sôi, lửa bỏng” thì Đoàn văn công Quân khu Trị Thiên được trên gọi đi tập huấn tại Hà Nội. Vì vậy trên chiến trường Trị Thiên chỉ còn duy nhất một đội văn nghệ là Đội tuyên truyền văn nghệ Tỉnh đội Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền văn nghệ, chính vì vậy nên đội phải đảm nhiệm cả phần việc của Đoàn văn công Quân khu. Để kịp thời động viên nhân dân và lực lượng vũ trang kiên cường bám trụ, chuẩn bị đầy đủ tinh thần, vật chất quyết chiến giải phóng quê hương, Đội đã xây dựng nhiều chương trình tổng hợp, gồm: ca, múa, nhạc, kịch, hoạt cảnh dân ca... phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ chốt Cửa Việt, Long Quang, Chợ Sãi, Thành Cổ Quảng Trị, biểu diễn phục vụ bộ đội tại căn cứ Vũng Tròn, động Ông Do, điểm cao 367... trên 200 lượt. Đây là thời điểm các vùng giải phóng của ta và các điểm do địch chiếm giữ đan xen, nên có lúc ta tổ chức biểu diễn gần nơi địch đóng quân. Bọn địch nghi ngờ hành động của ta, vì vậy chúng luôn chĩa súng về diễn viên của đội sẵn sàng nhả đạn. Trước hành động khiêu khích của địch, các diễn viên vẫn động viên nhau bình tĩnh, tự tin biểu diễn phục vụ cho đồng bào, đồng chí đến hết chương trình không chút đắn đo. Chị Lâm Bảo Vân, “em út” của đội tâm sự: “Là em út của đội, em út cả tuổi đời lẫn sức khỏe nên mỗi lần hành quân có lúc đi không kịp đội hình để các anh, chị phải chờ, cũng có lúc gặp suối sâu, nước chảy xiết, cầu bắc qua suối chỉ là một cây gỗ nhỏ, sợ không dám sang, phải nhờ các anh cõng đi lần từng bước một để qua suối. Nhiều chị không muốn phiền các anh tự động qua, bị ngã, nước cuốn trôi, khi các diễn viên nam kéo được vào bờ thì bụng đã đầy nước...” . Năm 1972, để ngăn chặn sự tiến công của địch ra thị xã Quảng Trị, Tỉnh đội đã bố trí đơn vị K10, K14, K8, C12 dọc hai bên sông Nhùng cùng phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu đập tan âm mưu tái chiếm thị xã Quảng Trị của Mỹ - ngụy. Để kịp thời động viên khích lệ cán bộ, chiến sĩ tại các điểm chốt, các diễn viên của đội đã nghĩ ra sáng kiến, dùng bọc ni lông gói quân tư trang vào và cùng với súng đạn thả mình trôi trên sông, cứ đến đơn vị nào là cán bộ, chiến sĩ của đội lại lên biểu diễn rồi lại tiếp tục hành quân. Nhiều đồng chí ngâm nước lâu nên khi lên bờ bị ốm nhưng vẫn gắng hết sức mình biểu diễn. Có đồng chí sau khi diễn xong thì bị ngất, đồng đội phải cấp cứu. Có lúc phải dầm mình trong nước cả ngày, nhưng cũng có lúc tình hình căng thẳng, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nước uống, cơn khát đến cháy cả cổ họng hay nhiều ngày phải hành quân liên tục không có lấy một hạt cơm vào bụng. Mệt và đói, nhiều anh, chị em cứ ước ao có một củ khoai, củ sắn ăn lót dạ... Khốn khổ thay cho các chị vào mùa nắng nóng, khi đến các chốt nước uống không đủ, lấy đâu ra nước mà tắm giặt, thế là cả ngày mồ hôi nhễ nhại, khi biểu diễn xong vẫn cứ để luôn quần áo chui xuống hầm mà ngủ. Có lúc hành quân đi biểu diễn thì bị máy bay địch đánh phá, nhiều diễn viên đã phải hy sinh hay để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường. Gian khổ, ác liệt là vậy, thế mà các anh, các chị vẫn hiên ngang bất khuất, hàng ngày vẫn tích cực luyện tập chương trình để hành quân biểu diễn phục vụ đồng bào, đồng chí. Cuối năm 1974 và đầu năm 1975, tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh đội “Xây dựng gấp chương trình để kịp thời tuyên truyền cho các đơn vị và nhân dân vùng mới giải phóng”, cán bộ, diễn viên của đội đã tranh thủ ngày đêm luyện tập chương trình để cơ động về các đơn vị biểu diễn phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Thượng tá Mai Xuân Ngà, nguyên diễn viên của đội tâm sự: “Chúng tôi không phải cầm súng trực tiếp chiến đấu như các chiến sĩ ở các điểm chốt, nhưng chúng tôi cũng đã có mặt ở hầu hết các điểm chốt trên chiến trường Quảng Trị vào những thời khắc ác liệt nhất để đem lời ca tiếng hát phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ, giúp các chiến sĩ luôn vững vàng tay súng chiến đấu chống quân thù. Tự hào hơn là được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ biểu diễn phục vụ hàng chục lượt cho Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình khen ngợi và biểu dương; biểu diễn phục vụ Đoàn cán bộ nước Cộng hòa nhân dân Cuba, do Chủ tịch Phiđen Cattơrô làm Trưởng đoàn sang thăm; biểu diễn phục vụ Đoàn yêu chuộng hòa bình Nhật Bản; Đoàn nước Ý phản đối chiến tranh; Đoàn người Mỹ yêu chuộng hòa bình Zenphônđa và nhiều lần được sang biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Savannakhet, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào...”. Với những chiến công của cán bộ, diễn viên của đội, ngày 12/6/1976, Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba cho đội; năm 1974, Quân khu Trị Thiên - Huế tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu; được Quân khu Trị Thiên công nhận “Đội truyên truyền văn hóa Quảng Trị là một đơn vị hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng tốt” và nhiều cá nhân được Nhà nước khen thưởng về thành tích phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập, Nam – Bắc sum họp một nhà, các anh chị lại về với đời thường, đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, đất nước Việt Nam đã liền một dải, nhưng những gì các anh, các chị đã làm mãi là niềm tự hào cho bao thế hệ người Việt Nam. Những chiến công ấy vẫn còn thắp sáng cho muôn đời về một Việt Nam bao dung độ lượng, cần cù trong lao động, anh dũng trong đấu tranh, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ giang sơn gấm vóc. Bài, ảnh: QUỐC TRẦN