Cập nhật:  GMT+7

Truyện ngắn: Trăng 17

Chỉ một chút nữa thôi sẽ thấy lấp lánh những sợi nắng chạy dài thẳng tắp xuyên qua lớp lá cây chiếu thẳng xuống chỗ trống này. Sen nhắm nghiền mắt, hai hàm răng cắn vào nhau nhức nhối; vết thương hở ở hông khô rát, phập phồng, dính bết những lá cỏ khô. Mặt trời đã lên cao, mùi hoa dẻ phảng phất xung quanh, mùi thuốc súng và mùi gỗ cháy bị sưởi nóng nồng nặc bốc lên. Không gian yên ắng.

Con cu gáy đã nghỉ từ khi nào, con gà rừng bây giờ chắc cũng bận kiếm ăn. Thỉnh thoảng nghe tiếng động của con chồn hấp tấp chạy qua, sột soạt trên lá khô và tiếng gió lao xao ở lùm lau lách... Sen thấy nóng ở mặt và toàn thân, một thứ ánh sáng chói chang vàng hoa lên trước mắt. Mặt trời đứng bóng, những vết máu khô lại, cứng đơ. Sen cựa quậy định bò vào chỗ có bóng râm nhưng không thể, nước mắt trào ra...

Sen nhớ thằng cu Tý, nhớ mẹ... Giờ còn ai, bố hy sinh từ trận đầu của đợt Mỹ bắn phá miền Bắc, từ đó mẹ rất sợ mất thêm các con nhưng không ngăn được quyết định vào chiến trường của cô con gái sinh vào ngày rằm.

***

Đêm rừng vằng vặc, Sen được các chị quây quần, lắng nghe: Mẹ thường nói em rằng “trai mùng một, gái hôm rằm”, em chẳng hiểu gì cả, chỉ thấy thích vì mỗi năm đến ngày sinh âm lịch là có trăng.

Ở quê của em có trăng thì thật tuyệt, bởi vậy mà anh bạn cùng trường làng đã dè dặt viết vào lưu bút hồi cuối cấp như này:“...Ai tới ai sang với làng tôi/Thấy trăng soi sáng bóng ai ngồi/Sáng con đường lá khô xào xạc/Sáng ngọn gió nồm mát...chao ôi!”.

Truyện ngắn: Trăng 17

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Thế mà cái ngày anh hy sinh, đồng đội còn lại đi về qua làng, mẹ anh khóc vật vã khi đón người cuối cùng không phải con của mình. Em mở lưu bút đọc mấy vần thơ còn nguyên nét chữ đó rồi cũng thích đi bộ đội... Yên lặng một lát, Sen nói: Mà tối mai là đến ngày sinh của em đấy nhé!

Sen nói xong thì cả nhóm cũng nhao lên: Đúng rồi, đúng rồi, ngày mai chúng mình sẽ làm sinh nhật cho cái Sen tại đây, sẽ chọn một khoảng rừng trống để cho ánh trăng rọi xuống được... “Sinh nhật của tớ cũng sắp đến rồi đấy”, “Tớ cũng vậy...Tớ cũng thế...Tớ cũng thế”. Tất cả đồng thanh giữa lung linh của trăng và gió, giữa màu vàng óng mật của đêm rằm gợi nhớ quê hương.

Rồi đột nhiên tất cả im lặng, chỉ nghe tiếng thở và nhịp tim đập mạnh của người bên cạnh, cơn gió về đêm thổi như mưa xối. Từ đâu tiếng động cơ rù rù rồi to dần, chỉ trong chốc lát ập đến bất ngờ, xé tan bóng tối nhập nhoạng bởi tiếng rú kinh hoàng của một tốp máy bay. Liền đó, tiếng nổ kèm theo những ánh chớp như rung núi xé trời. Sen chỉ nghe tiếng chị Nguyệt tổ trưởng hét lên rất gấp nhưng chưa nói hết câu: “Tất cả...” thì ánh sáng chớp lên phía chị. Một luồng khí nén táp vào ngực, tưởng chừng như tắt thở. Không thấy đau, Sen khụy xuống mà không còn nghe tiếng nổ, chỉ nghe bên tai tiếng “bin boong” ù đặc với ánh sáng chớp lóe xé hỏng cả một khoảng rừng...

***

Sen cựa mình tỉnh dậy, thấy đau và nhức ở đâu cũng không biết nữa, ánh mắt đờ đẫn nhìn quanh: “Sao chẳng còn ai, đi đâu cả rồi? Ngày này là sinh nhật mình mà...các chị...?”. Sen nhắm mắt lại, cơn đau ở đâu đó trên cơ thể cũng nhói lên. Chỗ Sen nằm bên một triền núi nghiêng nghiêng gần bờ suối, um tùm những lùm dây leo bấu vào cây cổ thụ, lỗ chỗ những hố bom còn mới màu đất đá lẫn mùi thuốc súng hăng hắc của trận bom lúc chập tối hôm qua...

Một cánh tay không còn cảm giác. Sen sờ soạng, chiếc ba lô còn vướng một quai ở khủy tay rớm máu có đám kiến đất bu kín. Nước mắt tràn qua khóe mắt và chảy âm ấm xuống thái dương, thấm vào từng lọn tóc bê bết máu. Sen đã hiểu hoàn cảnh của mình, rồi miên man về một khung trời đầm ấm...

“Mẹ ơi, bây giờ mẹ làm gì, mẹ có nhớ cũng ngày này mẹ làm bánh sinh nhật cho con không. Tối đó trăng sáng lắm! Còn bây giờ không phải là trăng mà là mặt trời đó mẹ ạ. Nó đang rọi vào người con, ngay giữa đất này, còn chỉ mình con thôi...Con thấy đau quá, nhức buốt cả người, cân cấn ở bụng một cái gì khó chịu lắm... Ngày này nữa là con tròn mười bảy tuổi, đã đến cái tuổi mà mẹ nói bẻ gãy sừng trâu. Vậy mà giờ con không đứng dậy nổi...Con muốn viết thư cho mẹ kể hết những ngày xa nhà...Con khó thở quá!...

Chị Nguyệt bảo rằng thanh niên xung phong là không được nhớ nhà, không được khóc, phải cứng cỏi, mạnh mẽ. Biết thế nhưng nhiều khi nhớ mẹ quá, con trốn ra rừng ngồi khóc đó mẹ ạ! Con không dám nói với ai, sợ chị tổ trưởng báo cáo cấp trên bắt con về, nhưng chỉ nhớ một lúc thôi, mẹ đừng thất vọng, vì ai cũng nhớ...”.

***

Tiếng con cu gáy nào đó còn quanh quẩn ở bên kia đồi vọng sang từng đợt ba tiếng một. Thỉnh thoảng tiếng gà rừng le te gáy ở dưới khe vẳng lên. Mới sáng sớm mà ve đã đồng ca từng hồi rền rĩ. Không trung là khoảng trời cao lồng lộng không một gợn mây. Đằng đông đã hửng lên một màu hồng nhàn nhạt. Luồng gió đem hơi ấm luồn theo thung lũng thổi lên vách đá, thoang thoảng mùi hương của bông hoa dẻ còn đẫm sương.

Sen vẫn nằm im. Tiếng nói cười vang lên trong đầu cô. Gương mặt của các chị hiện về, câu chuyện của chị Nguyệt nói về một đất nước thanh bình cứ văng vẳng... Sen muốn đứng lên, muốn tiếp tục làm cô giao liên cho các trạm này để được nhìn thấy ngày thống nhất, thấy được một đêm trăng bình yên. Sen cầm khẩu súng, bây giờ nó nặng quá...

Cô nghĩ về mẹ: “Mẹ ơi, con phải tiếp tục đưa những chuyến hàng của mẹ vào được miền Nam. Con có đủ sức như mẹ nói ở tuổi mười bảy nữa không? Con chợt thấy khó thở, có phải lúc bắt đầu rời cõi thực thì ai cũng tỉnh táo phải không mẹ? Bây giờ con thấy mẹ rất rõ. Đêm đó, trước sân nhà, trăng cũng rất sáng, có mẹ, chiếc bánh sinh nhật mẹ làm bằng bột nếp thơm phức, ở giữa rắc mấy hạt đậu đỏ là nhụy hoa, đặt trên cái thúng úp lại để lên tấm phản trước hiên nhà... Có phải tối mẹ sinh con trăng cũng sáng lắm phải không, thế thì đêm nay ở đây trăng sẽ rất sáng. Không biết mấy giờ rồi mà con thấy tối, mắt con không mở ra được nữa, con muốn nhìn thấy tối nay - tối sinh nhật của con...”.

Sen thiếp đi khi trời bắt đầu nhá nhem tối. Gió hoàng hôn thổi mang theo hơi đá núi mát lạnh. Tia nắng cuối cùng cũng tắt sau làn sương mỏng bắt đầu rũ xuống. Sự đổi thay của ngày và đêm được hình thành bởi ánh trăng rằm sáng hồng lên phía đầu nguồn. Sen cố mở mắt một lần nữa, thứ ánh sáng nhè nhẹ lấp lóa trước mặt rọi vào thân hình cô dìu dịu, rõ dần rồi tỏa rộng ra.

Sen bắt đầu thấy lạnh - một làn sóng từ dưới chân tê dần, tê dần lên, cảm giác rất rõ. Tất cả chỉ sống lại trong giây lát... Sen hé mắt ra. Ánh sáng ngập tràn lung linh... Mẹ ngồi đó, ánh sáng rọi trên mái đầu đã bạc. Mẹ già rồi, mẹ chỉ sống một mình. Thằng cu Tí đã đi bộ đội. Một túp lều tranh xưa cũ, một hũ gạo nuôi quân ngay ngắn đầu hồi... Chỉ chốc lát thế thôi, Sen đắm chìm vào giấc ngủ của tối sinh nhật cuối cùng... Có chị Nguyệt, chị Tuyết, chị Mai, chị Hà... tất cả quây quần.

***

Bím tóc được buộc bằng chiếc khăn tay còn xõa xuống quanh vành mũ, cánh tay tròn mềm mại gác lên chiếc ba lô nhàu bụi đất. Ánh trăng rọi vào khuôn mặt bầu bĩnh, một vùng ánh sáng cùng những giọt sương hồng hồng như lồng Sen vào giữa tháp pha lê trong suốt thông từ mặt đất lên thiên đàng.

Giữa đêm rừng thanh vắng, dưới những tán cây rậm rạp, ánh trăng lấp lánh sau vòm lá theo từng làn gió nhẹ thổi qua như những ngọn nến lung linh, thi nhau tắt rồi sáng.

Những ngọn cây quanh đồi cũng rũ xuống lặng im như bức tường đá bàng bạc. Chỉ còn tiếng lao xao của gió lùa qua ngọn lau lách bơ vơ khắp miền rừng núi.

Uống những giọt sương đêm, bông hoa dẻ ban sáng cũng tỏa mùi thơm ngào ngạt, con cu gáy nào đó buồn bạn cất tiếng gáy “cúc cù cù”.

Đoàn Duy Long


Đoàn Duy Long

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khi thơ đã sang sông...

Khi thơ đã sang sông...
2024-10-19 05:45:00

QTO - Nhà thơ Võ Văn Luyến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị vừa cho ra mắt thêm một đứa con tinh thần “Từ độ...

Đến với bài thơ hay: Bờ sông vẫn gió

Đến với bài thơ hay: Bờ sông vẫn gió
2024-10-12 17:27:00

QTO - Nhà thơ Trúc Thông (tên thật là Đào Mạnh Thông) quê ở Hà Nam, vùng đồng bãi, sông ngòi của Nam Cao. Ông học Đại học Tổng hợp Hà Nội - ngành Văn học,...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long