Cập nhật: Thứ 6, 05/12/2014 | 06:56 GMT+7

Trường Tiểu học số 1 Hướng Hiệp thực hiện hiệu quả mô hình VNEN

(QT) - Trường Tiểu học số 1 Hướng Hiệp (huyện Đakrông, Quảng Trị) được thành lập tháng 9/2006, là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Năm 2013-2014, Trường Tiểu học số 1 Hướng Hiệp có 10 lớp tham gia thực hiện mô hình giáo dục VNEN. Vượt qua nhiều khó khăn, tập thể giáo viên, học sinh nhà trường đã đạt được một số thành quả bước đầu, tạo tiền đề nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Với nguyên tắc lấy quá trình tự học của học sinh là trung tâm hoạt động giáo dục, giáo viên là người hướng dẫn, đồng hành với học sinh, mô hình VNEN vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy, học. Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về tổ chức lớp học.

Một tiết học theo mô hình VNEN tại trường
Theo mô hình mới, quản lý lớp học bằng “hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, gồm học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Hội đồng tự quản được thành lập đảm bảo cho học sinh tham gia một cách dân chủ, tích cực vào đời sống học đường, khuyến khích tham gia một cách toàn diện vào các hoạt động của nhà trường, phát triển tính tự chủ, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết của học sinh. Cô giáo Trần Thị Năm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hướng Hiệp cho biết: “Chuyển đổi từ phương pháp truyền đạt của giáo viên sang phương pháp tự học, tự nghiên cứu của học sinh mô hình này một số phụ huynh băn khoăn tâm lý sợ học sinh không tiếp thu được kiến thức bài học. Yêu cầu của chương trình là học sinh khi học lên lớp 2 phải biết đọc và viết thành thạo thì mới tự học được, nhưng thực tế tỉ lệ học sinh yếu tiếng Việt lại khá phổ biến bởi đại đa số là học sinh người Vân Kiều, Pa Cô vốn tiếng Việt còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu tham khảo còn thiếu. Sách dự án không đủ cho mỗi em 1 bộ, lại chỉ được học trên lớp không được mang về nhà nên học sinh không có thời gian xem bài trước, không phát huy được tính cộng đồng như ý đồ của dự án. Mô hình học nhóm trong suốt buổi học nên tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội được nói chuyện riêng và luôn ỷ lại vào những em nhóm trưởng”. Trước những khó khăn ban đầu đó, nhà trường động viên tập thể giáo viên học sinh khắc phục để dạy tốt, học tốt theo mục tiêu mô hình đề ra. Các lớp học được trang bị các bảng biểu như: sơ đồ cộng đồng, theo dõi chuyên cần, nội quy lớp học, trưng bày sản phẩm, hội đồng tự quản, các góc học tập. Học sinh đã chủ động trong việc học, bước đầu biết cách tự học, tìm hiểu kiến thức trong bài và qua tài liệu, biết tự đánh giá mình và bạn trong nhóm. Ngoài ra, các em tự tin hơn, mạnh dạn phát biểu ý kiến của mình trước lớp, trao đổi vướng mắc với giáo viên bằng cách đưa phao cứu trợ khi cần giúp đỡ. Học sinh được rèn luyện các kỹ năng một cách khá thành thạo. Ở mô hình này, giáo viên và học sinh tương tác, trao đổi với nhau nhiều hơn, vốn tiếng Việt của các em có sự chuyển biến rõ rệt, phát âm chuẩn hơn, lưu loát hơn. Những em khá, giỏi biết cách hướng dẫn và giúp giáo viên kiểm tra kết quả làm việc của nhóm bạn. Đội ngũ giáo viên đã linh hoạt chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập tùy theo đối tượng học sinh của mình không còn bị lệ thuộc quá nhiều vào tài liệu hướng dẫn học như trước đây nữa. Các góc học tập theo các môn học, hoạt động giáo dục, có góc cộng đồng thư viện, lớp học dần dần phát huy hết tác dụng của nó. Năm học 2013-2014 chất lượng giáo dục của nhà trường đã từng bước được tăng lên so với năm học trước. Số lượng học sinh lưu ban giảm đáng kể. Qua cách dạy và cách học theo phương pháp dạy học mới đã rèn cho học sinh bước đầu một số kỹ năng như: làm việc theo nhóm, giao tiếp, điều hành tổ chức các hoạt động, trình bày vấn đề, trao đổi, đặt câu hỏi, tự học. Cô giáo Hồ Thị Chung, giáo viên lớp 2A cho biết: “Với mô hình mới này, học sinh phải tự hoạt động, tự rút ra kiến thức cho mình, giáo viên chỉ tổ chức các hoạt động, hướng dẫn thu nhận, chứ không trực tiếp truyền thụ kiến thức trong sách vở như trước. Bên cạnh đó, kiến thức mà học sinh thu nhận được qua các tiết học phải gắn liền với kinh nghiệm đã có của học sinh, từ đó kiến thức sẽ thực sự biến thành cuộc sống, chứ không chỉ khô khan trên sách vở”. Chị Hồ Ngắn, phụ huynh của trường chia sẻ: “Lúc đầu theo học mô hình này gia đình tôi thấy lo lắng, nhưng sau một thời gian thì hoàn toàn yên tâm. Bản thân tôi thấy con mình tự học cùng với gia đình, cháu có tính sáng tạo hơn, tự sáng tạo ra nhiều thứ. Các em mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập. Việc tiếp xúc với bạn bè, người thân có nhiều sự thay đổi”. Ngày 3/12/2014, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Phạm Vũ Luận, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Đây là phương pháp mới nên ban đầu sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Đặc biệt những địa bàn vùng núi khó khăn như ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, qua một thời gian thí điểm ở một số đơn vị trên toàn quốc, chúng tôi đánh giá chất giáo dục nâng lên rõ rệt. Học sinh tự tin, mạnh dạn hơn khi đến trường. Điểm nổi bật ở mô hình là sự đổi mới của quá trình sư phạm với việc học sinh tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp. Mỗi tiết học không tạo áp lực đối với các em. Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, nhận thấy ưu điểm của bạn, được học hỏi bạn để tự hoàn thiện mình. Mô hình VNEN đề cao tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo nên sự hứng thú khi học tập, tạo nên phong cách học tập thường xuyên. Cách học mới sẽ nâng cao tính hợp tác, tập thể trong làm việc nhóm hoặc nhóm tự quản, giúp gắn kết các học sinh với nhau”. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục theo mô hình mới, Trường Tiểu học số 1 Hướng Hiệp đã thực hiện tốt cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Nhà trường tìm nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ quan trọng. Chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giáo viên, có chế độ khuyến khích đãi ngộ giáo viên giỏi. Cô giáo Trần Thị Năm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Trong những năm học tiếp theo nhà trường sẽ cố gắng phấn đấu và quyết tâm duy trì trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, từng bước phấn đấu đạt các tiêu chí xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Học sinh có thái độ học tập đúng đắn, giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên được nâng lên. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã được phát động mạnh mẽ trong nhà trường, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao”. Bài, ảnh: MINH PHƯƠNG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thành Lập trường Đại học Kiên Giang

Thành Lập trường Đại học Kiên Giang
23:20 03/12/2014

(SGGPO) - Ngày 3-12, tại thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố thành lập Trường Đại...

Cách giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai

Cách giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai
23:19 03/12/2014

(TT) - Tin mới từ các nhà khoa học Anh cho rằng thời điểm bổ sung axit folic cho thai phụ là yếu tố quan trọng góp phần giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.

Thời tiết

23°C - 31°C
Có mây, không mưa
  • 23°C - 28°C
    Có mây, có mưa rào
  • 23°C - 27°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long