Cập nhật: Thứ 6, 22/08/2014 | 02:23 GMT+7

Trường THPT Vĩnh Linh, 55 năm xây dựng và phát triển

(QT) - Cách đây 55 năm, ngày 15/9/1959, Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh đã ra Quyết định số 919/ QĐUB về việc thành lập Trường Cấp 2, 3 Vĩnh Linh. Năm học 1960 - 1961, trường chính thức mang tên Trường Cấp 3 Vĩnh Linh. Đây là trường THPT đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, là mốc son lịch sử của trường THPT Vĩnh Linh anh hùng. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trường có nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là tiếp nhận học sinh Vĩnh Linh và học sinh miền Nam tập kết, thực hiện công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lâu dài cho đất nước. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bác Hồ đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đặc khu giới tuyến, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Địa điểm chọn xây dựng trường được đặt tại đồi Lèo Heo, cạnh quốc lộ 1A, thị trấn Hồ Xá. Ở vào thời điểm đất nước chia cắt, Vĩnh Linh mới giải phóng được 5 năm, cơ sở vật chất của trường chỉ có một dãy nhà hai tầng, 8 phòng làm phòng học và phòng thí nghiệm. 14 thầy, cô giáo vừa làm công tác quản lý vừa đảm nhận giảng dạy 2 lớp với 83 học sinh. Những ngày đầu cam go và thử thách ấy, các thầy: Đặng Khắc Nhân, Lê Duy Minh, Nguyễn Trọng Điều, Nguyễn Đề, Hoàng Lê Sơn, Trần Văn Trà đã vượt lên khó khăn gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp trồng người để đặt nền móng vững chắc cho sự trưởng thành và phát triển của trường. Bên cạnh sự điều động của Bộ Giáo dục, nhiều thầy cô giáo đã tình nguyện về công tác ở Trường Cấp 3 Vĩnh Linh như cô Nguyễn Thị Mai, thầy Nguyễn Khuân, Vũ Hùng, Lê Thanh Tuân, Trương Đình Lai, Trần Văn Bổng, Trần Tân, Lê Khắc Tương, Nguyễn Đại Giởn... Các thầy cô đến với trường cấp 3 vùng giới tuyến này bằng cả tấm lòng yêu quý học trò, sự tâm huyết với nghề. Kể từ viên gạch hồng đầu tiên ấy, thầy và trò Trường Cấp 3 Vĩnh Linh đã nỗ lực thi đua xây dựng trường hai tốt và đã trở thành địa chỉ tin cậy, có sức lan tỏa và là điểm sáng văn hóa, giáo dục của Đặc khu Vĩnh Linh.

Hội đồng sư phạm Trường THPT Vĩnh Linh - Ảnh: PM

Từ những ngày đầu mới thành lập, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt rồi chiến tranh, được sự chăm lo của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh, sự chi viện của Trung ương và các tỉnh bạn phía Bắc, thầy và trò nhà trường đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”. Ngày đó, Trường Cấp 3 Vĩnh Linh không chỉ là điểm sáng văn hoá của Vĩnh Linh mà còn là của miền Bắc XHCN, là cái gai trong mắt Mỹ - ngụy vì chúng cho rằng đây là “nơi đào tạo cộng sản”. Chính vì thế, khi tiến hành đánh phá miền Bắc thì mục tiêu đầu tiên của Mỹ - ngụy là Trường Cấp 3 Vĩnh Linh. Các thế hệ thầy và trò không thể nào quên thời khắc 15 giờ ngày 8/2/1965 giặc Mỹ đã dội bom xuống Trường Cấp 3 Vĩnh Linh, ngôi trường 2 tầng khang trang bị huỷ diệt hoàn toàn, thầy giáo Lê Duy Minh cùng 7 học sinh đã hy sinh trong loạt bom đầu tiên. Trường phải sơ tán về các xã, chia làm 3 phân hiệu với 5 địa điểm (Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Hoà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Tân), tổ chức dạy và học dưới hầm trong lòng đất. Thầy giáo vừa cầm bút vừa cầm súng, học sinh đi học không chỉ học chữ mà còn học cách tránh luồng đạn địch, cách băng bó vết thương và cao hơn là học cách làm người nơi tuyến lửa. Vượt lên khó khăn gian khổ nhiều học sinh vẫn đạt giải học sinh giỏi miền Bắc như: Nguyễn Xuân Phùng, Nguyễn Thị Bích Hải. Vượt lên đau thương mất mát, thầy và trò Trường Cấp 3 Vĩnh Linh vẫn duy trì tốt hoạt động dạy và học với những lớp học trong lòng đất - nét đặc thù của giáo dục Vĩnh Linh thời bấy giờ. Trong gian lao, vất vả, phong trào thi đua “Hai tốt”của nhà trường vẫn được giữ vững và giành nhiều thành tích to lớn, góp phần xứng đáng vào chiến công vang dội của quân và dân Vĩnh Linh. Chiến tranh ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc XHCN, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, trường được lệnh sơ tán ra Tân Kỳ - Nghệ An để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dạy và học. Sáu năm ở nơi sơ tán là thời kỳ đầy thử thách nhưng cũng là những năm tháng ghi dấu sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của tình thầy trò với quê hương Tân Kỳ -Nghệ An. Những năm tháng trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, những “hạt giống đỏ” của Vĩnh Linh đã vững vươn lên trong bão táp cách mạng. Năm 1971, 34 học sinh đã gia nhập lực lượng Công an vũ trang bảo vệ giới tuyến, năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 182 học sinh viết đơn bằng máu tình nguyện xếp bút nghiên hăng hái lên đường nhập ngũ, thành lập Đại đội K8... Nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo hàng ngàn học sinh có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN và cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của xã hội, lãnh đạo trường đã xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành và Nghị quyết của Huyện ủy về việc “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường phổ thông”, “Giảng dạy theo đặc trưng bộ môn”, “Giảng dạy khắc sâu kiến thức cơ bản - tinh giản - vững chắc - sát đối tượng”, “Giảng dạy gây hứng thú cho học sinh” và thực hiện cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”... Chính vì vậy, hàng năm trung bình tỷ lệ lên lớp đạt 98,5%, tốt nghiệp 93,5 %, 25 - 35 % đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, 312 giải học sinh giỏi, trong đó có 11 giải quốc gia, 301 giải học sinh giỏi tỉnh. Các hoạt động VHVN - TDTT được đẩy mạnh tạo không khí sôi nổi, lành mạnh, có sức cuốn hút đối với học sinh. Hội cha mẹ học sinh được củng cố, tham gia tích cực vào việc quản lý học sinh, tạo điều kiện cho con em học tốt hơn. Trong quá trình xây dựng và phát triển, có 463 thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên đã từng giảng dạy, công tác tại trường qua các thời kỳ. Nhà trường giành được các danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001 - 2010 cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác của các bộ, ngành trung ương; được công nhận đơn vị văn hóa cấp tỉnh năm 2010. Trên 150 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến, trên 170 huy chương, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, 5 huy chương “Vì sự nghiệp Công đoàn”, 8 huy chương, kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”. 7 nhà giáo đã từng công tác tại trường được phong tặng “Nhà giáo ưu tú”, 1 nhà giáo được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người; 45 chiến sĩ thi đua- giáo viên giỏi các cấp, trong đó có 2 chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đặc biệt, năm 2000, trường vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới . 55 năm qua, nhiều thế hệ học sinh của trường đã trưởng thành và giữ các cương vị lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước từ trung ương đến địa phương như: TS Lê Hữu Phúc, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; TS Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KHĐT; GS-TSKH Trần Đức Vân, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam; hàng chục người là Vụ trưởng, Cục trưởng; Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tổng giám đốc một số công ty, xí nghiệp, các sở, ban, ngành, hiệu trưởng các trường đại học cùng hàng trăm sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, hàng chục nhà văn, nhà báo, hàng chục nghìn nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, cán bộ nghiên cức khoa học, các nhà doanh nghiệp cùng đông đảo những người lao động trên nhiều lĩnh vực, đã góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội trên mọi miền đất nước. Ngày 13/9/2014, Trường THPT Vĩnh Linh sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường. Đây là một trong những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển và đổi mới không ngừng của nhà trường. Tự hào với truyền thống anh hùng, các thế hệ thầy và trò của trường cùng với 83 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 1.500 học sinh đang theo học tại trường nguyện viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương Vĩnh Linh lũy thép anh hùng trên chặng đường đổi mới và phát triển. ThS NGUYỄN HOÀI NAM



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tiếp nối nghĩa tình tháng 7

Tiếp nối nghĩa tình tháng 7
3 giờ trước

QTO - Nghĩa tình tháng 7 là hành trình tri ân của Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Quảng Trị để nhân lên tình cảm, sự ghi nhớ công lao của các gia đình chính...

Xếp hàng nộp hồ sơ xét tuyển

Xếp hàng nộp hồ sơ xét tuyển
02:01 21/08/2014

(TNO) - Hôm qua 20.8 là ngày đầu tiên các trường ĐH, CĐ trong cả nước nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh theo quy định. Ghi nhận từ các trường, rất đông thí sinh nộp hồ sơ trong...

Lợi ích của việc làm sạch ruột già

Lợi ích của việc làm sạch ruột già
02:00 21/08/2014

(TNO) - Làm sạch ruột già giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, thậm chí có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết, theo Myhealthtip. Dưới đây là những lợi ích chính của việc làm...

Một chương trình nhiều ý nghĩa

Một chương trình nhiều ý nghĩa
01:49 21/08/2014

(QT) - Chúng tôi có dịp theo đoàn công tác của Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Chi nhánh Viettel Quảng Trị về với bà con nhân dân huyện Đakrông để...

Ghi nhận từ một hội thi

Ghi nhận từ một hội thi
01:49 21/08/2014

(QT) - Thực hiện Kế hoạch số 165/KH-BTM ngày 12/02/2014 của Bộ Tham mưu Quân khu 4 về tổ chức hội thi Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn năm 2014, sau một...

Hướng Hóa sẵn sàng cho ngày giao quân

Hướng Hóa sẵn sàng cho ngày giao quân
01:49 21/08/2014

(QT) - Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sẽ tổ chức lễ giao nhận quân đợt 2 năm 2014. Tính đến thời điểm này, mọi...

Thời tiết

26°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long