Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị 30 năm hình thành và phát triển
* Th.S DƯƠNG MẠNH HÙNG, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường
 |
Ngày 7/10/1986, UBND tỉnh Bình Trị Thiên có quyết định thành lập Trường Thanh niên dân tộc (TNDT) Bình Trị Thiên. Đây là quyết định quan trọng đối với sự phát triển của ngành Giáo dục- Đào tạo địa phương, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bồi dưỡng đào tạo nguồn cán bộ cho các huyện miền núi. Lúc mới thành lập, trường có tên nhưng không có trường riêng. Hội đồng giáo dục nhà trường có 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên, mọi hoạt động của nhà trường đều dựa vào Trường Trung học sư phạm 12+2 Bình Trị Thiên đóng tại Đông Hà. Năm học đầu tiên 1986-1987, trường có 6 lớp, bắt đầu từ lớp 4 đến lớp 9 với tổng số 140 học sinh. Học sinh là con em các dân tộc: Vân Kiều, Pa Kô, Ka Tu, Rục, Sách, Pa Hy thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Các em ở nội trú được hưởng chế độ học bổng 33.000 đồng/ tháng/em. Chương trình học tập cũng rất khác nhau. Cấp 1 học theo chương trình cải cách giáo dục, cấp 2 học theo chương trình bổ túc văn hóa tập trung. Mặc dù còn thiếu thốn lại chưa quen sống xa gia đình, bản làng, nhưng các em đã rất cố gắng, say mê học tập. Ngày 30/6/1989, Quốc hội quyết định chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Theo đó, tháng 7/ 1989, Trường TNDT Bình Trị Thiên chia tách thành 3 trường: Trường TNDT Quảng Trị, Trường TNDT Quảng Bình và Trường TNDT Thừa Thiên- Huế. Để phù hợp với đặc điểm tình hình mới, ngày 17/11/1989, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đổi tên Trường TNDT tỉnh Bình Trị Thiên thành Trường TNDT tỉnh Quảng Trị. Thầy giáo Nguyễn Văn Minh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng là cô giáo Trần Thị Nhuận và thầy giáo Hồ Chư. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB, GV, NV) của Trường TNDT Bình Trị Thiên được giữ lại công tác tại Trường TNDT tỉnh Quảng Trị. Tuy đã được đổi tên thành Trường TNDT Quảng Trị nhưng vẫn chưa có trường riêng. Năm học 1989-1990, trường vẫn tiếp tục học chung với Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Trị tại Đông Hà. Tổng số CB, GV, NV có 29 người. Học sinh có 59 em, chia thành 5 lớp. Các em là con em các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và Pa Hy trong tỉnh, cùng với 6 em học sinh của tỉnh Quảng Bình. Tháng 6/ 1990, trường tiếp nhận cơ sở Công an huyện Triệu Hải để làm trường học. Năm học 1990- 1991, Trường từ Đông Hà chuyển vào thị xã Quảng Trị. Từ đây, Trường TNDT Quảng Trị có cơ sở riêng để dạy và học. Thời điểm đó, lớp học và nhà làm việc xen kẽ nhau chỉ có 400m 2 , nhà ở học sinh 300m 2 và nhà ở CB, GV, NV chỉ có 150m 2 . Tất cả đều đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Thiết bị, đồ dùng dạy học vừa thiếu, vừa lạc hậu và không đồng bộ. Cuộc sống của CB, GV, NV và học sinh đều khó khăn, vất vả. Tuy vậy, được sự quan tâm của tỉnh, của địa phương, sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Sở Giáo dục- Đào tạo (GD- ĐT), Trường TNDT Quảng Trị trong 10 năm từ sau ngày lập lại tỉnh đã không ngừng phát triển cả về cơ sở vật chất trường lớp, đến quy mô và chất lượng đào tạo.
 |
Quyết tâm thi đua dạy tốt- học tốt - Ảnh: NT |
Ngày 4/1/1992, Trường TNDT tỉnh Quảng Trị tiếp tục được đổi tên thành Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị. Thực hiện mục tiêu theo đường lối đổi mới của Đảng, Bộ GD- ĐT đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Theo đó, ngành GD- ĐT Quảng Trị tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng yêu cầu học tập và ăn ở nội trú cho học sinh. Từ đây đã thu hút con em đồng bào các dân tộc ở miền núi Quảng Trị về học ngày càng đông. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên. Từ năm 2003, nhà trường bước sang một giai đoạn mới, Sở GD- ĐT đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất và ổn định tổ chức cán bộ. Trung ương và tỉnh tiếp tục đầu tư kinh phí theo chế độ mới. Học bổng học sinh được nâng lên. Trang thiết bị dạy học được trang cấp nhiều hơn. Đội ngũ quản lý được đề bạt đủ 3 đồng chí, 1 đồng chí đã có trình độ lý luận chính trị cao cấp, một đồng chí tốt nghiệp thạc sĩ quản lý giáo dục. Với cách nghĩ, cách làm sáng tạo, năng động, đổi mới tích cực và tâm huyết, Ban giám hiệu nhà trường đã phát huy sức mạnh tập thể sư phạm, từng bước đưa nhà trường vào các hoạt động bảo đảm nền nếp, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Bên cạnh đó, trường đã xây dựng kế hoạch đầu tư cho chất lượng văn hóa, quan tâm giáo dục toàn diện cho học sinh. Trường đã xây dựng các tổ chức đoàn thể trong CB, GV, NV và các khối lớp học sinh vững mạnh làm nòng cốt trong các hoạt động của nhà trường. Các hội thi, các phong trào thi đua do ngành phát động đều hưởng ứng tích cực. Học sinh yêu mến gắn bó với trường, bà con các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị tin tưởng, chính quyền địa phương và nhân dân thị xã Quảng Trị đánh giá cao về sự phát triển của trường, nhất là về an ninh học đường. Sở GD- ĐT đánh giá, ghi nhận những nỗ lực lớn của Hội đồng sư phạm nhà trường. Hiện nay, trường đã có đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn, các phòng thực hành thí nghiệm, thư viện đạt chuẩn, phòng y tế, nhà đa chức năng, sân tập thể thao đa năng cùng 32 phòng ở kí túc xá thoáng mát, sạch sẽ, bếp ăn tập thể đủ chỗ cho 320 em học sinh cùng khuôn viên xanh-sạch-đẹp. Đội ngũ CB, GV, NV biên chế đã có 35 người, trong đó có 3 thạc sĩ, 27 đại học, 5 trung cấp, với 8 tổ chuyên môn. Đến nay, trường đã giảng dạy 1.669 học sinh ra trường bổ sung nguồn lao động có trình độ văn hoá THPT cho các huyện miền núi của tỉnh, trong đó có 567 học sinh vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, nhiều học sinh là cán bộ chủ chốt, có năng lực, uy tín ở các huyện, xã vùng miền núi của tỉnh. Đặc biệt, trong những năm học gần đây, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT và các trường đại học tương đối cao. Đặc biệt năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 98,92%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học đợt 1 đạt 88,46%. Trong 30 năm hình thành và phát triển, Trường TNDT Bình Trị Thiên nay là Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị vinh dự được nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến thăm và tặng quà. Đến nay, trường đã có 1 cán bộ quản lý được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, 9 lượt cán bộ, giáo viên được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 24 lượt cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 5 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Tham gia học sinh giỏi cấp tỉnh, toàn trường đã đoạt 3 giải nhì, 9 giải ba, 18 giải khuyến khích, học sinh giỏi thực hành thí nghiệm cấp tỉnh đoạt 1 giải nhất, 2 giải nhì, 7 giải ba, 2 giải khuyến khích. Về thể dục- thể thao toàn trường đoạt 15 huy chương vàng, 18 huy chương bạc, 30 huy chương đồng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Giải khuyến khích đồng đội văn hóa cấp tỉnh môn Địa lý (2011-2012), giải nhất đồng đội văn hóa cấp tỉnh môn Giáo dục công dân (2013-2014), giải ba đồng đội văn hóa cấp tỉnh môn GDCD (2014-2015). Ghi nhận thành tích đạt được của trường, Bộ GD- ĐT tặng bằng khen năm 2000 và năm 2008 vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển hệ thống Trường Phổ thông dân tộc nội trú. Nhiều năm trường được UBND tỉnh tặng bằng khen và Cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2010; đơn vị điển hình tiên tiến giai đoạn 2005- 2010, giai đoạn 2010- 2015. Trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc trong nhiều năm. Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, Công đoàn vững mạnh xuất sắc, Đoàn thanh niên vững mạnh xuất sắc, nhiều năm được các cấp khen thưởng.