Trầm tích Gio Linh (kỳ 2)
(QT) - Ngày Quảng Trị mới giải phóng, đi qua vùng đất Gio Linh, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “ Anh về Quảng Trị...Gio Linh Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang Bời bời cỏ lút đồng hoang Chim kêu cành cụt chang chang nắng cồn Tả tơi mấy ấp khu dồn Mái tôn, rào kẽm, tháp đồn chơ vơ ” ( Nước non ngàn dặm - Tố Hữu )
Tin, bài liên quan: |
>>> Trầm tích Gio Linh ( kỳ 1) |
Gần 40 năm sau ngày giải phóng, dẫu vẫn còn bao nhọc nhằn, gian khó nhưng mảnh đất chiến trường xưa từng mệnh danh là khu phi quân sự bên bờ nam sông Bến Hải đã có bao đổi thay. Tôi đã nhiều lần đi dọc theo con đường ven biển Quảng Trị và rất ấn tượng về hai cây cầu bắc qua sông Bến Hải và Hiếu Giang. Khởi đầu là cầu Cửa Tùng, tiếp đến là cầu Cửa Việt, những cây cầu hoành tráng nối liền hai cửa biển quan trọng của tỉnh. Một con đường thảm nhựa rộng dài dọc theo bờ biển vừa là con đường chiến lược quốc phòng, vừa phục vụ cho du lịch đã thành hình. Ngày khánh thành cầu Cửa Tùng, tôi gặp bác Trương Đức Nam, ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, khi bác cùng nhiều người dân ra ngắm cây cầu hiện đại nối hai bờ cuối dòng Bến Hải.
 |
Tấp nập bến cảng Cửa Việt. |
Bác nói với tôi những lời xúc động: “Bác đã sống với vùng biển Trung Giang này qua gần đời người mới thấy mơ ước ngàn đời hôm nay trở thành hiện thực. Bây giờ cầu đã bắc qua, không chỉ tiện cho việc đi lại của cư dân vùng biển mà còn làm cho con cá, con tôm đánh bắt, nuôi trồng từ vùng đất này trở nên có giá nhờ giao thương thông suốt”. Còn Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Dững, một người con của quê hương, hiện đang giảng dạy tại Học viện Báo chí- Tuyên truyền Hà Nội hễ có dịp là anh vù xe về quê, chạy băng qua con đường ven biển mà tuổi thơ của anh phải lội qua những trảng cát như hoang mạc. Dù ở xa quê, anh vẫn thường tranh thủ thời gian để về thăm lại người thân, để nắm lấy cái vai có nốt u to và bàn tay chai sần của người thím già nua mà hỏi han, tâm sự; anh về để thở hít không khí trong lành của vùng biển quê hương. Anh ước ao vùng biển này môi trường sống mãi trong lành, không bị bàn tay con người đào xới khai thác khoáng sản, hủy hoại môi trường. Anh tự đặt câu hỏi trong một bài báo mà anh gửi cho tôi: Hãy cứ để những hàng dương kia xanh mãi được không? Đứng trên những cây cầu vĩnh cửu này, ai ai cũng cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê biển. Khi có đường thông thương, phố thị bắt đầu đã hình thành dọc biển. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch đang được đầu tư phát triển. Bến cảng Cửa Việt, tàu thuyền đánh cá, vận chuyển hàng hóa tấp nập ra khơi vào lộng. Từ nơi này nhìn rộng ra, trên những địa danh một thời chịu sự tàn phá ác liệt của chiến tranh như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang... đã hình thành các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh, của huyện. Cao su, hồ tiêu phát triển rộng khắp ở các xã miền tây, lan rộng đến các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Linh Thượng, Vĩnh Trường. Các vùng lúa chất lượng cao được hình thành ở các xã đồng bằng chiêm trũng với quy mô trên 3.000 ha; nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh trên vùng cát ven biển; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng chống cát bay cát lấp ven biển phát triển xanh tốt. Hệ thống giao thông, thủy lợi được quy hoạch, đầu tư, xây dựng kiên cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuyến du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng đang hình thành, trong tương lai không xa sẽ kết nối với đảo Cồn Cỏ thành tam giác du lịch, hứa hẹn là địa chỉ nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách mọi miền đất nước và quốc tế. Từ những ngã đường Gio Linh, nhịp sống mới đang dự báo về một ngày mai tươi sáng. Cùng với niềm tự hào về truyền thống anh dũng, quật cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế, Gio Linh còn ẩn chứa trong lòng mình biết bao giá trị văn hóa, lịch sử. Đã mấy ngàn năm nay, kể từ khi có dấu chân của cha ông đi mở cõi, bao thế hệ người dân Gio Linh không chỉ biết miệt mài, sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, mà còn biết nối tiếp nhau giữ gìn, lưu truyền, phát huy những giá trị văn hóa do tiền nhân để lại.
 |
Cầu Cửa Việt bắc qua sông Hiếu nối hai huyện Gio Linh và Triệu Phong - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Từ hệ thống giếng cổ Gio An luôn cho nguồn nước ngọt lành, đến chùa Bảo Đông xây dựng từ trước thế kỷ thứ X và lăng mộ Trần Đình Ân ở thôn Hà Trung, Gio Châu - di tích văn hóa cấp quốc gia được phụng thờ trang nghiêm, tôn kính. Di tích đình làng Hà Thượng, nơi thành lập chi bộ đầu tiên được tôn tạo, nâng cấp... Khi đời sống được cải thiện, con em trong huyện, trong xã có điều kiện học hành thành danh. Chỉ tính riêng một làng như làng Mai Xá Chánh ở xã Gio Mai hiện chỉ có hơn 700 hộ gia đình với 3.700 nhân khẩu nhưng đã có hơn 800 con em là cán bộ các cấp, ngành có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 22 tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, 12 vị mang hàm cấp tá trong quân đội nhân dân Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, Gio Linh đang được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như Khu công nghiệp Quán Ngang, Cụm công nghiệp - làng nghề vùng Đông, Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt... Cùng với bề dày của truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa đã tạo nên một diện mạo mới, thời cơ mới để toàn huyện khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, đưa nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xứng đáng với công lao, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh vì sự hồi sinh và phát triển của mảnh đất này. Những thành quả đạt được trong gần 40 năm qua tuy chưa nhiều nhưng đã khẳng định được sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của một vùng quê, dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn vững vàng vượt qua, tồn tại và không ngừng phát triển. Hôm trước khi về nói chuyện với anh chị em Văn nghệ sĩ Quảng Trị tại Cửa Việt, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Hùng đã trăn trở thật nhiều. Là đứa con của đất mẹ Gio Linh, được lớn lên, vào học đại học rồi đi đây đi đó với nghề dạy học, nhưng rồi như là duyên phận, anh trở về mảnh đất Thành Cổ Quảng Trị với chức trách được giao là Chánh văn phòng Thị ủy Quảng Trị.
Ngồi trong nhà khách Công ty cao su Quảng Trị ở Cửa Việt nhìn ra biển, ngoài kia sóng cứ vỗ miên man. Bên con đường du lịch, con đường phòng thủ quốc phòng chạy ven biển, những công trình khu nghỉ mát với nhiều kiểu dáng kiến trúc tân kỳ đang thi nhau vươn lên trời cao. Chuyến đi của chúng tôi đã khép lại với nhiều thông tin thu thập được từ Gio Linh để làm sinh động thêm cho bài thu hoạch cuối khóa học quân sự. |
Một thời gian sau anh được điều động về làm Phó văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị và giờ đây anh lại được điều động trở về quê trong cương vị là người đứng đầu chính quyền cấp huyện. Khi được hỏi anh nghĩ gì về nét riêng của người Gio Linh, anh suy nghĩ hồi lâu rồi phác vẽ mấy dòng: “Nếu chúng ta cất công đi tìm để định hình cho cái tinh túy làm nên cái “chất Gio Linh” thì quả thật là khó, bởi không thể lấy cái hữu hạn để đo cái vô hạn. Nhưng có thể là một “Hội cù An Mỹ”; một câu ca “Mẹ già cuốc đất trồng khoai/ Con đi mua ngọn hôm mai mới về”; cũng có thể là hình ảnh chiếc áo the thấp thoáng đi về sau phiên chợ Bạn; hay hình ảnh bà mẹ Gio Linh gói đầu con trên đồn giặc năm nào; như cây dương, cây mít trong vườn cả nghìn năm lặng lẽ đi qua miền đất này... đã làm nên nét hào sảng của đất và người Gio Linh, tích hợp nên một sắc riêng không lẫn vào đâu được”. Vâng, cái chất Gio Linh như anh cắt nghĩa thật nhẹ nhàng nhưng thẳm sâu, là trầm tích của vùng đất, được kết tụ từ thuở ông cha ta đã mở cõi đất Minh Linh cho đến ngày quê hương sạch bóng quân thù, người Gio Linh bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, chắt chiu “gom góp dựng cơ đồ”. Để có được giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 14,4%, bình quân thu nhập đầu người đạt 9,5 triệu đồng/người/năm; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích trong 5 năm qua là kết quả sự nỗ lực lớn lao của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu tổng quát 5 năm tới sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông- lâm- ngư nghiệp; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và vững chắc hơn. Cùng với nâng cao chất lượng các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là miền núi, vùng khó khăn; tăng cường quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Với cam kết chính trị đã đề ra, cho chúng ta hy vọng về sự trỗi dậy của vùng đất phía nam sông Bến Hải đang mang trên mình bao lợi thế về đất đai vùng gò đồi, vùng đồng bằng và cả một vùng biển trải dài ra Thái Bình Dương. Gio Linh không chỉ có đường xuyên Á, đường Trường Sơn, Quốc lộ đi qua, có bãi tắm đẹp, khu du lịch Cửa Việt, Gio Hải để du khách trong nước, nước ngoài tìm về thăm thú, nghỉ dưỡng mà rồi đây sẽ có cả sân bay lưỡng dụng kết nối giao thương, là nơi có triển vọng thu hút nhiều doanh nhân đến tìm cơ hội hợp tác đầu tư với những dự tính làm ăn dài lâu. Dĩ nhiên trên đường phát triển, Gio Linh còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng con đường phát triển với vùng đất này đã mở ra phía trước, nhất là mở hướng ra biển lớn. Phải thế chăng mà hôm về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV, Bí thư Huyện ủy Gio Linh Phan Văn Phụng đã chọn chủ đề kinh tế biển để tham luận. Anh phân tích: Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, vùng cát cần quan tâm đầu tư đúng mức công tác quy hoạch tổng thể và chi tiết về phát triển kinh tế biển, gắn với quản lý quy hoạch nhằm chủ động trong việc đầu tư phát triển, đảm bảo tính khoa học và tính chiến lược. Anh đề nghị tỉnh quan tâm tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực gắn với các chính sách thu hút đầu tư để sớm phát triển hệ thống giao thông vận tải đường biển, đáp ứng yêu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa và hành khách tham quan du lịch bằng đường biển; đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng, giải trí ven biển, đảo Cồn Cỏ. Thực tế cho thấy, hiệu quả của các dự án đánh bắt xa bờ, trung bờ đang mở ra hướng phát triển mang lại lợi nhuận cao đối với kinh tế biển và rất phù hợp với chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Vì vậy, cần có các chính sách thích hợp, kịp thời nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế và ngư dân tiếp tục đầu tư để tăng năng lực khai thác, đánh bắt thủy sản, hải sản nhằm thực hiện chỉ tiêu đánh bắt thủy hải sản đến năm 2015 đạt 32 - 33 ngàn tấn. Anh cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư cụm làng nghề phía đông của huyện để xây dựng các cơ sở chế biến gắn với việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất chế biến hải sản, bảo vệ môi trường; có chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp để sớm thu hút đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cát ven biển... * Ngồi trong nhà khách Công ty cao su Quảng Trị ở Cửa Việt nhìn ra biển, ngoài kia sóng cứ vỗ miên man. Bên con đường du lịch, con đường phòng thủ quốc phòng chạy ven biển, những công trình khu nghỉ mát với nhiều kiểu dáng kiến trúc tân kỳ đang thi nhau vươn lên trời cao. Chuyến đi của chúng tôi đã khép lại với nhiều thông tin thu thập được từ Gio Linh để làm sinh động thêm cho bài thu hoạch cuối khóa học quân sự. Nhưng đó là chuyện khác, còn chiều nay tôi ra biển, đã nghe trong nhịp sống từ khu du lịch, từ bãi biển với tấp nập khách đến tắm biển; đã thấy những thương nhân trong và ngoài nước đến Cửa Việt mua bán sản phẩm từ biển khơi...hiển hiện một hướng đi mới của Gio Linh. Bây giờ ngoài chiến lược khai thác vùng gò đồi, vùng đồng bằng, Gio Linh đang mở hướng ra Thái Bình Dương. Chợt nghĩ, người Gio Linh đang hối hả ra biển lớn mà hành trang mang theo là trầm tích từ đất nước, sông hồ, trong hồn đất, tình người bao đời nay kết tụ trên mảnh đất này. Từ Cửa Việt, đã thấy bình minh hiển hiện phía chân trời. Trại viết Gio Linh, tháng 7/2011 MINH TỨ