Cập nhật:  GMT+7

Tiếp tục mang thông điệp và nguồn động lực đánh thức những điều tử tế trong mỗi con người

Nhà văn Trần Trà My sinh ra ở Quảng Trị. Khi mới ba tháng tuổi, một biến cố từ ca phẫu thuật khiến cô bị tổn thương hệ thần kinh vận động và chức năng nói. Năm 10 tuổi, cô được em gái dạy chữ, năm 14 tuổi biết làm thơ và bắt đầu viết sách vào năm 16 tuổi. Cô chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu cuộc sống tự lập năm 21 tuổi bằng viết văn, làm báo và tìm học các lớp truyền thông để làm thêm. Sau đây là những chia sẻ của nhà văn TRẦN TRÀ MY về câu chuyện truyền cảm hứng của mình.

Tiếp tục mang thông điệp và nguồn động lực đánh thức những điều tử tế trong mỗi con người

Hành trình vượt khó và lan tỏa điều tử tế của Trần Trà My là niềm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ - Ảnh: M.T

Mơ ước về một thế giới đề cao sự tử tế

- Xin chào nhà văn Trần Trà My! Trước hết chúc mừng bạn về những quả ngọt gặt hái được trong năm 2024 và rộng ra là cả hành trình khó khăn mà bạn đã vượt qua trước đó. Điểm nhấn của năm 2024 có phải là việc nhà văn được mời tham gia hội thảo “Phụ nữ Việt Nam sáng tạo và dấn thân” tổ chức tại Trường Collège De France, Paris?

- Đúng vậy. Thật may mắn khi tôi nằm trong số 100 người phụ nữ được phỏng vấn và top 12 người phụ nữ được chọn xuất hiện tại hội thảo.

Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam, sáng tạo và dấn thân” diễn ra vào hai thời điểm: ngày 8/6/2023 tổ chức tại Trường Collège de France và ngày 12/10/2024 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo đã lắng nghe chia sẻ của 12 nữ diễn giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau, có đặc điểm chung là dấn thân vì những giá trị mà họ đã chọn với sức sáng tạo đặc biệt.

Đây là công trình nghiên cứu của Giáo sư Bùi Trân Phượng suốt nhiều năm qua. Giáo sư đã phỏng vấn 100 người phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước có những đóng góp tích cực cho xã hội để phục vụ quá trình giảng dạy về lịch sử phụ nữ Việt Nam tại Trường Collège De France. Giáo sư giảng dạy chuyên đề từ tháng 3-6/2023 và kết thúc bằng hội thảo trên.

Xin chia sẻ thêm rằng Giáo sư Bùi Trân Phượng mất rất nhiều thời gian mới thuyết phục Trường Collège De France đồng ý cho tôi một mình bay qua Pháp. Lý do ở nước ngoài, những người như tôi thuộc nhóm đối tượng luôn có người bảo hộ bên cạnh 24 giờ trong ngày.

Trong khi đó, chặng đường bay từ Việt Nam sang Pháp kéo dài gần 13 giờ đồng hồ. Tôi thuyết phục Giáo sư Phượng rằng: “Ở Việt Nam, em vẫn có thể đi 10 tiếng trên xe khách một mình được, vậy thì phương tiện máy bay không quá khó đối với em”.

- Hành trình 13 giờ đồng hồ hẳn chưa phải là khó khăn nhất đối với nhà văn. Một mình nơi xứ người, bạn phải chuẩn bị tâm thế như thế nào để xuất hiện trước nhiều đại biểu ở ngôi trường này?

- Collège De France là một ngôi trường cổ được xây từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, nó lại rất hiện đại như chỉ mới xây dựng vài chục năm trở lại đây. Tôi cảm thấy tự hào khi biết rằng Giáo sư Bùi Trân Phượng là người Việt Nam thứ 2, sau Giáo sư Ngô Bảo Châu được vinh dự dạy ở ngôi trường này.

Tôi thấy mọi thứ diễn ra ở đây khá thuận lợi vì vừa xuống máy bay, cô Phượng đã liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đón tôi về khách sạn. Tới khách sạn, một số kiều bào ở Pháp đón và hỗ trợ tôi nhận phòng. Tôi còn được mọi người dẫn đi chơi ngay khi vừa sang Pháp.

Tiếp tục mang thông điệp và nguồn động lực đánh thức những điều tử tế trong mỗi con người

Trà My và các bạn nhỏ ở nước Pháp - Ảnh: NVCC

Ngoài ra, có một chi tiết thú vị khi hôm diễn ra hội thảo, tôi chọn trang phục áo dài đỏ, ở giữa có vẽ lá cờ Việt Nam do một nhà thiết kế may tặng. Giáo sư Bùi Trân Phượng kể với tôi rằng, một nữ đại biểu nói với cô ấy khi nhìn thấy tôi mang bộ áo dài, người này nhớ đến những tháng ngày thanh xuân đã tham gia vào cuộc biểu tình để yêu cầu chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam. Đây là chi tiết khiến tôi vô cùng xúc động.

- Tại hội thảo này, Trà My chia sẻ điều gì với mọi người?

- Tôi kể lại hành trình của cuộc đời mình, từ một cô gái miền Trung nghèo, phải sống trong nhiều định kiến, tới hành trình trở thành người phụ nữ truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Tôi cũng chia sẻ lý do mình chọn dấn thân vào những dự án ngày càng rộng lớn hơn, để không những hoàn toàn tự lực, tự chủ trong cuộc sống mà còn có nhiều đóng góp ý nghĩa cho xã hội. Đó còn là mơ ước của tôi về một thế giới đề cao sự tử tế, để chiến tranh, bạo lực và những vấn nạn liên quan đến việc tàn phá môi trường phần nào được giảm đi.

Viết tiếp câu chuyện truyền cảm hứng

- Ở tuổi 23, Trà My đã xuất bản cuốn sách đầu tay. Từ đó đến nay, “gia tài sách” của bạn đã tăng lên như thế nào?

- Lần lượt sau đó tôi đã xuất bản được các tuyển tập truyện ngắn, tản văn: “Giấc mơ đôi chân thiên thần” (NXB Lao động, năm 2009); “Chúng ta chính là mùa xuân” (NXB Dân trí, năm 2010); “Yêu trên từng ngón tay” (NXB Văn học, năm 2013); “Tin vào điều tử tế “(NXB Văn hóa-Văn nghệ, năm 2018); “Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế” (NXB Tổng hợp Hồ Chí Minh, năm 2022).

“Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế” là tác phẩm mà tôi rất tâm đắc. Sách dày hơn 200 trang, được chia làm hai phần. Phần một là tạp văn, ghi chép hơn 30 chuyến đi trải nghiệm thực tế của tôi. Còn ở phần hai của cuốn sách là tập hợp những bài thơ góp nhặt từ ký ức, đã từng được đăng trên các báo từ những năm tôi mới tập tễnh bước vào con đường văn chương.

Tiếp tục mang thông điệp và nguồn động lực đánh thức những điều tử tế trong mỗi con người

Nhà văn Trần Trà My (bên phải) và Giáo sư Bùi Trân Phượng tại Trường Collège De France - nơi cô chia sẻ câu chuyện dấn thân đầy cảm hứng của mình -Ảnh: NVCC

Tôi mong muốn “Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế” sẽ tiếp tục mang thông điệp và nguồn động lực đánh thức những điều tử tế còn đầy ắp trong mỗi chúng ta. Những điều tử tế giúp con người hướng thiện hơn mỗi ngày. Và tôi cũng luôn tâm niệm rằng, nếu cuộc đời là một chuyến phiêu lưu thì hãy chọn cho mình những trải nghiệm tử tế, hoặc chuyển hóa trong mình một tâm thức tử tế.

- Cảm hứng sáng tác, càng về sau càng khó hay dễ hơn đối với bạn?

- Thật ra, tôi đã qua giai đoạn viết khó hay dễ, vì đã có trên 20 năm viết sách. Với tôi, cảm hứng đến từ những chuyến đi hay từ câu chuyện của người khác. Đó là lý do tôi thích đi và giao du với nhiều người cũng như tham gia các hoạt động thiện nguyện. Tôi thuộc dạng không ngồi được một chỗ quá lâu.

- Năm 2024, Trà My có mặt ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để truyền cảm hứng. Trà My đã chuyển tải thông điệp gì trong những chuyến đi đó?

- Năm nay tôi ít hoạt động hơn mọi năm một chút. Lý do tôi muốn dành thời gian để hàm dưỡng tâm hồn. Tôi dành thời gian cho yoga, thiền định và tìm ý tưởng cho bản thảo sách mới. Tháng 9/2024, tôi có chuỗi “truyền lửa” tại quê nhà. Tiếc là do thời gian eo hẹp nên tôi chỉ đến được 5 trường học. Tại đây, cũng như nhiều địa điểm trước đó, tôi chia sẻ hành trình vượt khó, về ước mơ và nỗ lực của bản thân cũng như hướng các bạn trẻ tin vào những điều tử tế trong cuộc sống để nuôi dưỡng tâm hồn đẹp đẽ.

- Nhưng từ rất lâu trước đó, vào năm 2013, Trà My đã có ý tưởng cho những chuyến đi trên con “siêu xe” của mình (cây nạng bốn chân). Bạn đã đi khắp Việt Nam và góp nhặt những câu chuyện tử tế như thế nào?

- Đó là một phép thử thì đúng hơn. Thật ra, xã hội đã bớt khắt khe, kỳ thị đối với người khuyết tật nhưng không phải người khuyết tật nào cũng dám làm những gì mình muốn. Riêng tôi luôn buộc bản thân phải gặp gỡ, va chạm với những người xa lạ để có nhiều hơn cơ hội học hỏi. Hơn hết, tôi thấy không có gì phải lo sợ vì xã hội còn vô vàn người tử tế. Đó là động lực để tôi dám bước đi.

Trên hành trình đi gom nhặt những điều tử tế của mình, một trong những địa điểm tôi chọn là trại giam, nơi thường không ai muốn đến. Bởi tôi nghĩ, cuộc đời này ranh giới giữa cái tốt và xấu mong manh lắm. Mỗi câu chuyện, mỗi số phận đằng sau song sắt nhà tù đều chứa nhiều trắc ẩn. Vậy nên, mình đến được với họ thì cứ đến, có khi chỉ để lắng nghe, hay chia sẻ chứ không phải để phán xét.

- Được biết vào năm 2023, tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023, Trần Trà My được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì liên tục nhiều năm đạt thành tích xuất sắc. Nhà văn có thể chia sẻ cảm nhận của mình về sự ghi nhận này?

- Tôi cũng rất bất ngờ khi nhận được vinh dự này. Bởi lẽ tôi thấy mình chưa làm được gì nhiều mà ngược lại, thành phố này có quá nhiều ân tình dành cho tôi. Mỗi ngày trôi qua, được hòa mình vào nhịp sống sôi động của thành phố mang tên Bác, với tôi là một sự biết ơn sâu sắc.

- Cảm ơn nhà văn Trần Trà My về những chia sẻ của bạn!

Phan Hoài Hương (thực hiện)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nhiều quy định mới về dạy thêm, học thêm

Nhiều quy định mới về dạy thêm, học thêm
2025-02-04 16:34:00

QTO - Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư mới này kế thừa các quy định...

Giữ gìn những tập tục đẹp ngày Tết

Giữ gìn những tập tục đẹp ngày Tết
2025-02-04 05:45:00

QTO - Mua muối lộc cầu may, lì xì đầu năm mới, đi lễ chùa để dâng hương, cầu nguyện những điều may mắn cho bản thân, gia đình, xin chữ - cho chữ thư pháp,...

Vẽ ước mơ từ bàn tay... một ngón

Vẽ ước mơ từ bàn tay... một ngón
2024-12-30 13:40:00

QTO - Là một học sinh khuyết tật vận động nặng nhưng em Hoàng Đức Sơn, lớp 10A10, Trường THPT Vĩnh Linh đã du ngoạn khắp nơi qua những trang sách mà mình...

Hai ngày trải nghiệm làm bộ trưởng

Hai ngày trải nghiệm làm bộ trưởng
2024-12-30 09:30:00

QTO - Không phải ngẫu nhiên khi em Nguyễn Thủy Tiên (sinh năm 2010), học sinh lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Vĩnh Linh được thầy cô, bạn bè đùa gọi...

Chắp cánh những ước mơ xanh

Chắp cánh những ước mơ xanh
2024-12-29 09:07:00

QTO - Vượt qua hàng trăm thí sinh, em Nguyễn Dương Yến My, Trần Phương Nhi và Bùi Dương Minh Châu đã vinh dự góp mặt, giành giải cao tại vòng chung kết...

Lời cảm ơn từ người bệnh

Lời cảm ơn từ người bệnh
2024-12-28 13:54:00

QTO - Biết ơn sự cứu chữa, chăm sóc của cán bộ, y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, rất nhiều lá thư tay, lời cảm ơn của người bệnh được gửi tới...

“Mái nhà chung” cho thanh niên khuyết tật

“Mái nhà chung” cho thanh niên khuyết tật
2024-12-28 06:00:00

QTO - Sau hơn 1,5 năm đi vào hoạt động, đến nay 2 câu lạc bộ (CLB) thanh niên khuyết tật ở thị trấn Hồ Xá và xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh đã đồng hành, hỗ...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long