{title}
{publish}
{head}
Là một học sinh khuyết tật vận động nặng nhưng em Hoàng Đức Sơn, lớp 10A10, Trường THPT Vĩnh Linh đã du ngoạn khắp nơi qua những trang sách mà mình được đọc. Không chỉ vượt qua số phận tật nguyền, vươn lên hòa nhập cùng bạn bè, mới đây, Sơn còn gây ấn tượng khi giành giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba toàn quốc cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Hoàng Đức Sơn (thứ 6, từ phải sang) nhận giải Ba cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2024 - Ảnh: L.T
Từ tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký
Quyển sách mà Sơn mang đến giới thiệu tại các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc vừa qua là quyển tự truyện “Tôi đi học” của nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Qua bài giới thiệu của Sơn, những câu chuyện của thầy Ký cứ thấp thoáng trong hình dáng của em - một học sinh tật nguyền thoăn thoắt, nhanh nhẹn đi lại trên đôi chân không có bàn chân khiến nhiều người xúc động.
Sơn biết những câu chuyện trong “Tôi đi học” của thầy Ký từ khi mới lớp 1. “Lúc đó em đọc chưa nhanh, viết chưa thành thạo như bây giờ nhưng câu chuyện của thầy Nguyễn Ngọc Ký mà mẹ đọc cho nghe khiến em nhớ mãi. Em ngưỡng mộ khi nghe tới chuyện “Đôi bàn chân kỳ diệu” của thầy. Thầy Ký có một tuổi thơ không may mắn nhưng đã vượt lên nghịch cảnh, trở thành một hình tượng người thầy mà bao người ngưỡng mộ, trong đó có em”, Sơn bộc bạch.
Chúng tôi đến thăm gia đình Sơn ở Đội 7, thôn Nam Hùng, xã Trung Nam, khi em vừa trở về từ lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2024. Cuộc thi này được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ vào ngày 24/10/2024. Trong niềm vui của gia đình, chị Trần Thị Hoa - mẹ Sơn kể cho chúng tôi nghe về hành trình vượt lên số phận cùng con.
Chị Hoa cho biết, thời điểm chị quyết định lấy anh Hoàng Đức Bốn (ba của Sơn) đã gặp sự phản đối của gia đình vì anh Bốn là người bị khuyết tật vận động nặng (không có bàn chân, bàn tay chỉ có một ngón). Đến khi sinh Sơn, phát hiện con cũng bị dị tật giống chồng, chị đã khóc hết nước mắt, vừa thương con, vừa tủi phận. May mắn, anh Bốn là người nghị lực nên vợ chồng đã động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Gần 2,5 tuổi, Sơn bò cho hai đầu gối chai sạn chứ không thể tập đi được vì không có bàn chân để giữ thăng bằng cơ thể. “Tôi không thể nào quên cảnh tập đi cho con. Để giữ thăng bằng trên đôi chân không có bàn chân không hề dễ dàng, người Sơn cứ ngã lên ngã xuống, lắc lư như chim cánh cụt rồi bổ nhào xuống đất. Lúc đó, da thịt còn non nên mỗi lần tập đi là đôi chân Sơn trầy xước, rướm máu, rất đau đớn. Thương con, vợ chồng tôi đã nghĩ ra cách lấy những miếng vải quấn vào chân để con bước đi đỡ đau rát hơn”, chị Hoa chia sẻ.
Cô Trần Thị Thu Hải (ngoài cùng bên phải) trao sách của các nhà tài trợ tặng cho Sơn - Ảnh: L.T
Không chỉ việc đi lại, để Sơn có thể tự lập trong các sinh hoạt hằng ngày từ việc đánh răng rửa mặt, tắm rửa đến xúc cơm ăn, tập viết, đi học... cũng là cả một quá trình gian nan, thử thách. Trong đó việc viết chữ trên đôi bàn tay chỉ có một ngón cũng là câu chuyện thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của vợ chồng chị và con.
Ban đầu, Sơn dùng hai tay kẹp viên phấn nhưng hai tay cứng đơ, không điều khiển được theo ý muốn, những viên phấn cứ vỡ vụn vì lực siết mạnh rồi rơi xuống đất. Sau một thời gian dài tập cầm được phấn, em mới bắt đầu tập tô các nét ngang, nét dọc ở khoảng sân láng xi măng trước nhà, rồi dần dần tập tô bảng chữ cái, học viết số...
“Lần nào tập viết em cũng gồng mình, còng lưng theo con chữ, mồ hôi nhễ nhại, chỗ kẹp phấn ở tay sưng phồng, rướm máu, còn hai chân chuột rút, tê cứng không thể cử động được. Nhiều đêm đau quá ba mẹ phải xoa bóp chân tay cho em dễ ngủ. Không ít lần em muốn bỏ cuộc, không viết nữa nhưng nhớ đến hình ảnh thầy Ký em lại tiếp tục. Cảm ơn người thầy đã truyền cho em động lực qua những trang sách. Cảm ơn ba mẹ và thầy cô ở trường đã tận tâm dạy bảo em”, Sơn chia sẻ.
Những ngày đầu tập viết đối với Sơn thật khó khăn nhưng rồi từng ngày, từng tuần trôi qua Sơn đã viết được chữ cỡ lớn rồi cỡ chữ nhỏ. Hai năm sau thì viên phấn, cái bút không còn làm khó được đôi tay cụt lủn của Sơn. Không còn tập viết trên sân, Sơn dần làm quen với bảng đen, vở ô ly. Nét chữ bắt đầu ngay ngắn, thẳng hàng hơn để con đường đến trường của em vơi bớt nhọc nhằn. Từ đây, Sơn bắt đầu tự tin để vẽ thêm những ước mơ.
Cảm nhận cuộc đời bằng tâm hồn rộng mở
Để mở ra thế giới tươi đẹp từ những trang sách đối với cậu học trò tật nguyền còn có tâm huyết của cô Trần Thị Thu Hải, cán bộ phụ trách Thư viện Trường Tiểu học và THCS Trung Nam. Từ cảm phục ý chí, nghị lực của Sơn, cô Hải đã dìu dắt, hướng dẫn em tìm niềm vui trên những trang sách, đồng hành với em trong các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc. Cách đây không lâu, cô Hải còn kết nối một số nhà tài trợ tặng sách nhằm động viên, khích lệ Sơn tiếp tục vươn lên, trong đó có tác giả Nguyễn Bích Lan, người viết quyển tự truyện “Không gục ngã”.
Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên em tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” và chia sẻ về bản thân mình. Đến với cuộc thi em mong muốn lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến các bạn, niềm hạnh phúc của em khi được cắp sách đến trường. Em mong muốn bản thân mình sẽ là một “đại sứ nhỏ” tuyên truyền với bạn bè, đặc biệt những bạn khuyết tật hãy tự tin, học tập tốt, vượt lên số phận để không làm gánh nặng cho gia đình, xã hội và sẽ trở thành người có ích.
“Dù gặp khó khăn trong đi lại, sinh hoạt và học tập nhưng bù lại em có đôi mắt sáng để nhìn, một tâm hồn rộng mở để cảm nhận cuộc sống tươi đẹp này. Em có ba mẹ yêu thương, có mái trường, thầy cô và bạn bè yêu mến. Cuộc sống không cho các bạn tất cả nhưng cũng không lấy đi của bạn tất cả”, Sơn chia sẻ trong bài dự thi của mình.
Hoàng Đức Sơn (thứ 3, từ trái sang) trao đổi cùng các bạn trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa - Ảnh: L.T
Cô giáo Trương Thị Cẩm Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A10, Trường THPT Vĩnh Linh cho hay, lần đầu tiên ở trường có một học sinh khuyết tật vận động nặng như Sơn đến học. Trong lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, Sơn đã làm thầy cô và các bạn học sinh trong trường ấn tượng bởi tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát.
“Sơn được trao 1 suất học bổng vượt khó trong ngày lễ khai giảng năm học mới. Ban đầu, tôi hơi lo lắng vì sợ việc di chuyển của em gặp khó khăn. Tuy nhiên, vừa nghe gọi đến tên thì em đã đứng dậy thoăn thoắt đi lên sân khấu với một tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin, trong khi một số học sinh bình thường khác còn ngập ngừng, chưa chịu lên để thầy cô giáo phải thúc giục, nhắc nhở.
Sơn là học sinh ngoan, lễ phép, bản thân thiệt thòi nhưng đã vượt lên nghịch cảnh, có ý chí, nghị lực mạnh mẽ. Chưa hết một học kỳ tham gia học tập, rèn luyện ở ngôi trường mới, cấp học mới nhưng em đã hòa nhập rất nhanh, được thầy cô, bạn bè quý mến”, cô Vân chia sẻ.
Gần 10 năm đến trường, Sơn không ngừng cố gắng, ngoài sự chăm sóc, dạy bảo của ba mẹ, thầy cô thì từng trang sách đã giúp Sơn lớn khôn. Đọc sách giúp Sơn trưởng thành hơn trong suy nghĩ, không ỷ lại và phụ thuộc vào người khác, tự tin sống để trở thành người có ích. Những trang sách cũng giúp em cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Sơn đặt mục tiêu mỗi ngày đọc ít nhất là 10 trang sách, 1 tháng đọc xong 1 quyển sách (trừ sách giáo khoa học trên lớp). Ước mơ của Sơn là sau này trưởng thành sẽ mở một nhà sách, có thể không lớn lắm nhưng sẽ thu hút những bạn trẻ đến đọc sách. Đặc biệt, nhà sách này sẽ là nơi kết nối các bạn khuyết tật, truyền cho nhau cảm hứng đọc sách và năng lượng sống tích cực.
Lâm Thanh
QTO - Ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo điện phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn, những năm qua, Công ty Điện lực Quảng Trị có nhiều hoạt động...
QTO - Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, thời gian qua huyện Đakrông tích cực triển khai xây dựng nhà ở cho hộ...
QTO - Những năm qua, cùng với phát triển giáo dục đại trà, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đặc biệt chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục...
QTO - Không phải ngẫu nhiên khi em Nguyễn Thủy Tiên (sinh năm 2010), học sinh lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Vĩnh Linh được thầy cô, bạn bè đùa gọi...
QTO - Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thông tin cơ sở của huyện Vĩnh Linh năm 2024 đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, các hoạt động...
QTO - Vượt qua hàng trăm thí sinh, em Nguyễn Dương Yến My, Trần Phương Nhi và Bùi Dương Minh Châu đã vinh dự góp mặt, giành giải cao tại vòng chung kết...
QTO - Tiếp cận, áp dụng những thành quả của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào việc dạy và học là xu thế tất yếu của nền giáo dục hiện đại. Những năm gần...
QTO - Biết ơn sự cứu chữa, chăm sóc của cán bộ, y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, rất nhiều lá thư tay, lời cảm ơn của người bệnh được gửi tới...
Trong bối cảnh thị trường tài chính cạnh tranh sôi động, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) khẳng định vị thế là “ngân hàng bán lẻ hàng đầu, ngân hàng của mọi người” thông...
QTO - Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Triệu Hải đã chú trọng ứng dụng các...
QTO - Sau hơn 1,5 năm đi vào hoạt động, đến nay 2 câu lạc bộ (CLB) thanh niên khuyết tật ở thị trấn Hồ Xá và xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh đã đồng hành, hỗ...
QTO - Sau 5 năm thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về cơ sở, đội ngũ công an xã cùng công an phường, thị trấn đã trở thành lực lượng nòng cốt trong...