Cập nhật: Thứ 7, 27/04/2019 | 06:44 GMT+7

Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên

(QT) - Mỗi học sinh “hóa thân” thành một chiến sĩ, thi đua học tập, rèn luyện để vươn tới thành tích được thầy cô gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Với ý nghĩa đặc biệt ấy, chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên” do giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Đông Hà tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh nhà trường.

Các học sinh hóa thân thành những chiến sĩ Điện Biên trong buổi lễ xuất quân chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên”​

Tiếng gọi từ Điện Biên

Đến Trường THCS Nguyễn Du những ngày này, ai cũng ngạc nhiên khi nghe học sinh nhắc tới những sự kiện, địa danh, nhân vật lịch sử liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các lớp thi đua có thật nhiều giờ học tốt để đạt được mục tiêu là đơn vị đầu tiên cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát, giải phóng sân bay Mường Thanh, giành chiến thắng cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo… như cha ông mình đã lập công cách đây tròn 65 năm. Trong từng lớp, học sinh nỗ lực đạt thật nhiều điểm 10 để trở thành “Dũng sĩ diệt xe tăng”. Không khí thi đua sôi nổi ấy giúp chất lượng dạy và học ở trường được nâng lên đáng kể.

Mới đây, đúng vào dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đội Trường THCS Nguyễn Du đã tổ chức lễ xuất quân chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên” nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong học sinh và đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, rèn luyện trong toàn trường. Tham gia chiến dịch, toàn liên đội của trường thành lập một đại đoàn mang tên “Thạch Hãn” với 16 đơn vị trực thuộc, tương ứng 16 chi đội. Mỗi khối lớp trở thành một binh chủng gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và dân quân hỏa tuyến. Thời gian diễn ra chiến dịch từ ngày 26/3 - 7/5/2019, gồm 120 tiết học theo lịch báo giảng của nhà trường.

Theo lịch trình, đại đoàn Thạch Hãn sẽ hành quân vượt khoảng 1.100 km từ thành phố Đông Hà đi Điện Biên Phủ. Quãng đường hành quân được tính bằng điểm số những giờ học, cụ thể: 1 giờ học tốt tương đương với 10 km, 1 giờ học khá 0 km, giờ học trung bình trừ 10 km, giờ học yếu trừ 20 km. Đơn vị hoàn thành 1.100 km sớm nhất sẽ được cắm cờ trên trên nóc hầm Đờ Cát; về thứ hai sẽ giải phóng sân bay Mường Thanh; về thứ ba được công nhận đã đánh chiếm và giành chiến thắng cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. 3 đại đội có tổng điểm nền nếp cao nhất có quyền lựa chọn 3 học sinh để đại đoàn trao tặng danh hiệu “Kiện tướng thồ hàng ra mặt trận”. Trong mỗi đại đội, các học sinh thi đua nhau đạt nhiều điểm 10 để sớm được công nhận là “Dũng sĩ diệt xe tăng”.

Ngay ngày đầu triển khai, chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên” đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ học sinh Trường THCS Nguyễn Du. Ai cũng bất ngờ với ý tưởng tái hiện một sự kiện lịch sử lớn của đất nước gắn với phong trào dạy và học. Vì thế, sau lễ xuất quân, học sinh trong toàn trường đã nhanh chóng thi đua học tập, rèn luyện. Em Hồ Thảo Nhi, lớp trưởng lớp 8D, Đại đội Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: “Chưa bao giờ em thấy không khí thi đua học tập của lớp sôi nổi đến thế. Trong tầm 3 tuần lễ, hơn nửa các bạn trong lớp em đã có điểm 10, có bạn sắp trở thành “Dũng sĩ diệt xe tăng”. Chúng em sẽ cố gắng nhiều hơn để về đích sớm, xứng đáng là chiến sĩ Điện Biên”.

Chia sẻ về tín hiệu vui từ chiến dịch, Tổng Phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Du Trần Thị Thu Hà, Chính trị viên Ban Chỉ huy chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên” cho biết, chỉ ít tuần sau lễ xuất quân, chiến dịch đã gặt hái thành quả đáng mừng. Các đại đội: Vừ A Dính, Phan Đình Giót, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi… thay phiên nhau vươn lên vị trí dẫn đầu. Chỉ 3 tuần sau lễ xuất quân, “Dũng sĩ diệt xe tăng” đầu tiên đã xuất hiện ở đại đội Phan Đình Giót với 9 điểm 10. Tại đại đội này, hơn 92% số học sinh đã có điểm 10.

Trăn trở với học trò

Trong căn phòng làm việc ngăn nắp, thầy giáo Nguyễn Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ những câu chuyện xoay quanh chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên”. Thời niên thiếu, thầy Lợi là học sinh, Liên đội trưởng của Trường THCS Nguyễn Du. Năm 1989, thầy trở về trường, trở thành giáo viên, tổng phụ trách đội. Bấy giờ, quyết tâm lớn nhất của thầy là cùng đồng nghiệp đưa ngôi trường có bề dày truyền thống của tỉnh lên tầm cao hơn. Cùng với các thế hệ giáo viên khác, thầy Lợi đã thai nghén nhiều ý tưởng để thúc đẩy phong trào dạy và học trong toàn trường. Thầy cho biết: “Thực ra, chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên” chỉ là một trong rất nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa mà các thế hệ giáo viên Trường THCS Nguyễn Du từng khởi xướng, triển khai. Điểm hay của hoạt động này là giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, các em sẽ nhận thức sâu sắc rằng, ngày xưa ông cha ta đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì thế, hôm nay, mỗi học sinh cần học tập thật tốt để chung tay dựng xây quê hương, đất nước”.

Ngay sau khi đưa ra ý tưởng chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên”, lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Du và các giáo viên phụ trách đoàn, đội của trường đã nhiều lần nhóm họp với nhau để trao đổi, thảo luận. Các thầy cô nghiên cứu từng trang sử, gắn kết hài hòa với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Họ cũng không ngại chia sẻ sớm thông tin về chiến dịch để lắng nghe ý kiến từ học sinh. Thực ra, ngay từ những ngày đầu tổ chức chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên”, các thầy cô Trường THCS Nguyễn Du đã xác định, để chiến dịch thành công, giáo viên cũng phải vào cuộc. Không chỉ thường xuyên động viên, khuyến khích, thông báo tình hình cho học sinh, các thầy cô còn tích cực đổi mới phương pháp dạy; tăng cường thao giảng, dự giờ rút kinh nghiệm; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy… Một nguyên tắc chung mà giáo viên trong trường đặt ra là không buông lỏng việc cho điểm để có phong trào. Ai cũng chấm điểm một cách khách quan, công tâm và chính xác để mỗi học sinh là một “chiến sĩ” đúng nghĩa.

Cuối năm học này, chiến dịch “Em là chiến sĩ Điện Biên” của Trường THCS Nguyễn Du sẽ kết thúc. Tuy nhiên, điều chắc chắn là nó sẽ được tiếp nối bằng nhiều chiến dịch ý nghĩa, thiết thực khác để học sinh yêu thêm trang sử quê hương, đất nước mình. Rồi đây, từ ngôi trường giàu truyền thống mang tên đại thi hào Nguyễn Du sẽ có những “chiến sĩ” thực thụ, thành công trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Quang Hiệp



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Gặp những chiến sĩ Điện Biên năm xưa
22:30 06/05/2024

Tròn 70 năm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, những ký ức về một thời “mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” đầy khí thế vẫn ...

Trao trả nguồn sử liệu quý cho cán bộ đi B

Trao trả nguồn sử liệu quý cho cán bộ đi B
23:39 26/04/2019

(QT) - Thời gian qua Sở Nội vụ, Chi cục Văn thư - Lưu trữ và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai công tác trao trả hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi...

Vững tin dưới cờ Tổ quốc

Vững tin dưới cờ Tổ quốc
23:36 26/04/2019

(QT) - Hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức trang nghiêm, chỉnh tề hát vang bài hát Quốc ca ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vào mỗi sáng thứ 2, tuần đầu của tháng...

Báo Đảng, kênh thông tin quan trọng

Báo Đảng, kênh thông tin quan trọng
23:33 26/04/2019

(QT) - Trong thời buổi bùng nổ và nhiễu loạn thông tin, nhất là các thông tin thiếu kiểm chứng từ mạng xã hội, thì báo Đảng trở thành kênh thông tin đặc biệt quan trọng, cần...

Nơi bờ nam “sông Tuyến”

Nơi bờ nam “sông Tuyến”
23:25 25/04/2019

(QT) - Bờ nam “sông Tuyến” là vùng đất một thời chịu chung nỗi đau chia cắt giữa đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải. Nhưng bằng tinh thần yêu nước và lòng quả cảm, quân dân Gio Linh đã...

Thời tiết

17°C - 20°C
Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 16°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
POWERED BY
Việt Long