Cập nhật: Thứ 2, 08/02/2021 | 09:06 GMT+7

Tiến sĩ Phương Thảo: Mong muốn có nhiều đóng góp khoa học được thế giới công nhận

(QT Xuân) - Mô hình tiên lượng sống sót cho bệnh nhân lao màng não-công trình khoa học của nữ tiến sĩ trẻ Phương Thảo cho kết quả dự đoán chính xác hơn thang đánh giá bệnh của hội đồng y khoa Anh - dù đã ra đời trên 70 năm nhưng đến nay vẫn là thang đánh giá duy nhất, được sử dụng rộng rãi và chưa có mô hình thay thế. Hai mô hình của Phương Thảo đều được công bố trên tạp chí Clinical infectious diseases, tạp chí uy tín đứng thứ 2 thế giới trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm. Mô hình được sử dụng trong lâm sàng để hỗ trợ bác sĩ trong phân loại bệnh nhân, tiên lượng bệnh và đưa ra những quyết định điều trị phù hợp.

Tiến sĩ, bác sĩ Arjan van Laarhoven (thứ nhất, trái sang) ở Trung tâm Y tế Đại học Radboud, Hà Lan và Giáo sư thống kê và dịch tễ Sarah Walkerc (thứ nhất, bên phải) Đại học Oxford - thành viên Hội đồng bảo vệ tiến sĩ của Phương Thảo -Ảnh: NVCC​

Công trình khoa học

Xin bắt đầu câu chuyện từ công trình nghiên cứu khoa học bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Thảo - người con của quê hương Quảng Trị sinh ra và lớn lên ở Phường 5, thành phố Đông Hà.

Theo tác giả công trình, lao màng não là một dạng hiếm gặp của bệnh lao, chiếm khoảng 1% số lượng ca nhiễm lao, nhưng đây là dạng lao rất nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao nhất. Tổ chức Y tế thế giới ước tính trong năm 2016, có 10,4 triệu người mắc lao, trong đó khoảng 1,7 triệu người chết vì bệnh lao, cao hơn nhiều số người nhiễm và tử vong do đại dịch COVID-19 gây ra. Vi khuẩn lao do nhà khoa học, bác sĩ người Đức Robert Koch phát hiện vào năm 1882, đến nay đã gần 140 năm trôi qua, bệnh lao vẫn là một trong 10 căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vi khuẩn lao có thể ký sinh ở nhiều bộ phận trong cơ thể, chủ yếu là ở phổi, gây ra lao phổi. Khi vi khuẩn lao cư trú tại màng não, chúng gây ra bệnh lao màng não. Ngay cả khi được điều trị đúng cách, tỉ lệ tử vong có thể từ 35% đến 75% số người mắc bệnh và tỉ lệ này còn cao hơn ở trẻ em và người nhiễm HIV. Bệnh để lại di chứng thần kinh không hồi phục và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau chữa trị.

Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, năm 1948, Hội đồng nghiên cứu Y khoa Anh quốc cho ra đời thang đánh giá bệnh lao màng não. Thang đánh giá này được xây dựng chủ yếu dựa trên kiến thức lâm sàng từ các bác sĩ chuyên ngành. Dù đã ra đời rất lâu, trên 70 năm nhưng đến nay vẫn là thang đánh giá duy nhất, được sử dụng rộng rãi và chưa có mô hình thay thế, trong lúc đó sự tiến bộ vượt bậc của y học về phòng, chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh, quản trị y tế đối với bệnh lao màng não cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào y học đòi hỏi phải nghiên cứu lại thang đánh giá bệnh lao màng não để hỗ trợ bác sĩ trong phân loại bệnh nhân, tiên lượng bệnh và đưa ra những quyết định điều trị phù hợp. Đây vừa là yêu cầu của Hội đồng nghiên cứu Y khoa Anh quốc, vừa là động lực để tác giả lựa chọn nghiên cứu, góp phần trong điều trị bệnh.

Để phục vụ cho quá trình nghiên cứu, tác giả đã sử dụng một trong những kho dữ liệu lớn nhất thế giới về lao màng não và kho dữ liệu tại các bệnh viện nhiệt đới Việt Nam. Công trình nghiên cứu với mục đích xây dựng mô hình tiên lượng sống sót cho bệnh nhân lao màng não, bao gồm: Mô hình thứ nhất dựa vào thông tin lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán bệnh để đưa ra dự đoán về khả năng sống sót của bệnh nhân sau 9 tháng điều trị; mô hình thứ hai dựa vào thông tin tại thời điểm chẩn đoán bệnh, thông tin về lượng natri trong huyết tương và thang hôn mê Glasgow trong điều trị để cập nhật dự đoán ban đầu. Hai mô hình trên cho dự đoán chính xác hơn thang đánh giá bệnh của Hội đồng Y khoa Anh. Hai mô hình đều được công bố trên tạp chí Clinical infectious diseases, tạp chí uy tín đứng thứ 2 thế giới trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm. Mô hình được sử dụng trong lâm sàng để hỗ trợ bác sĩ trong phân loại bệnh nhân, tiên lượng bệnh và đưa ra những quyết định điều trị phù hợp.

Phương Thảo nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Oxford -Ảnh: NVCC​

Bên cạnh ứng dụng trong thực tiễn lâm sàng, công trình còn tập trung nghiên cứu các biện pháp lựa chọn biến trong dữ liệu không đầy đủ. Các bài báo của tác giả được đăng trên tạp chí Biometrical, một tạp chí quen thuộc dành cho các nhà thống kê y học và được lọt vào danh mục các bài báo được tải (download) nhiều nhất trong năm 2018-2019. Công trình nghiên cứu cũng đã xuất bản 10 bài báo và được nhận giải thưởng của Khoa Y Nuffield Đại học Oxford trên cơ sở số lượng bài báo xuất bản, tác động và tính mới của công trình đã góp phần quan trọng trong điều trị bệnh lao màng não.

Áp lực và cô đơn

Lê Thị Phương Thảo bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Oxford - Vương quốc Anh năm 2019 khi mới 32 tuổi, thuộc tốp nữ trẻ có học vị tiến sĩ và hiện đang công tác tại Trường Y tế công cộng và Y học dự phòng, Đại học Monash, Melbourne, Australia.

Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống hiếu học, Phương Thảo đã từng đạt nhiều giải cao qua các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp thành phố, cấp tỉnh về các môn Toán, Lý. Đặc biệt là đoạt giải Nhì quốc gia về môn Toán, mang về niềm tự hào cho ngành Giáo dục Quảng Trị. Là học sinh có thành tích xuất sắc trong suốt 12 năm học phổ thông, năm 2005, Phương Thảo - học sinh chuyên Toán của Trường chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đông Hà đã tự tin đăng ký dự tuyển vào trường đại học danh giá tốp đầu Việt Nam - Đại học Dược Hà Nội. Năm đó, thương hiệu Đại học Dược Hà Nội một lần nữa được khẳng định khi báo chí viết nhiều về câu chuyện điểm thi “3 con 9 vẫn rớt đại học”. Đây có lẽ là trường đầu tiên có mức điểm chuẩn đậu đại học cao như vậy nên báo chí mới quan tâm. Tuy vậy, Phương Thảo dễ dàng vượt ngưỡng để trở thành sinh viên Đại học Dược Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học, Phương Thảo công tác tại Khoa Y Dược, Đại học Đà Nẵng (nay là Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng). Với phần nhiều phụ nữ, khi đã có công việc ổn định thường nghĩ đến việc lập gia đình, sau đó mới tính tiếp chuyện học hành, sự nghiệp. Nhưng với Phương Thảo, sự học vẫn thôi thúc, vẫn tràn đầy năng lượng nên chị quyết định tìm kiếm cơ hội. Và rồi, được sự tài trợ của học bổng song phương Việt Bỉ, Phương Thảo đã theo học chương trình thạc sĩ tại Đại học Hasselt Vương quốc Bỉ. Học bổng yêu cầu rất cao về kết quả học tập và phải vượt qua nhiều lần sát hạch nhưng đã không làm khó được Phương Thảo. Học tập, nghiên cứu khoa học đã trở thành niềm đam mê nên sau khi lấy bằng thạc sĩ, Phương Thảo tìm đến Đại học Oxford - một trong những trường đại học danh giá hàng đầu của thế giới và đứng đầu Anh quốc để hoàn thành chương trình tiến sĩ với sự tài trợ của học bổng nghiên cứu của Khoa Y Nuffield Đại học Oxford - học bổng ưu ái chỉ dành cho 3 sinh viên quốc tế, trong đó có Phương Thảo.

Chia sẻ với chúng tôi, Phương Thảo cho biết đã đặt chân đến gần 30 quốc gia, sống và làm việc tại 3 châu lục: châu Á, châu Âu và châu Úc. Trong hành trình sự nghiệp của mình, để có được kết quả như hôm nay, chị đã vượt qua biết bao thách thức, nhất là thời gian học thạc sĩ ở Bỉ vì chương trình quá nặng, lại gặp khó khăn về ngôn ngữ, sinh hoạt chưa quen do mới lần đầu ra sống ở nước ngoài. Nhưng với bản tính cần cù và tư duy logic toán học được rèn luyện từ những năm tháng học chuyên Toán ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Phương Thảo đã vượt qua và tốt nghiệp loại giỏi.

Vậy nhưng, với công trình nghiên cứu bảo vệ tiến sĩ thì còn khó khăn và chông gai hơn nhiều. Mong muốn trở thành một nhà nghiên cứu độc lập, Phương Thảo phải tự mình tìm hiểu, phát triển ý tưởng nghiên cứu ban đầu nên gặp nhiều thách thức và sự cô đơn trong công việc là điều hiển nhiên. Do phần lớn thời gian đều tập trung cho hoạt động nghiên cứu khoa học nên gần như chị cũng không có nhiều mối quan hệ xã hội. "Trên thực tế, một số trường hợp nghiên cứu sinh nước ngoài đã bị trầm cảm do áp lực từ nhiều phía cùng với kết quả nghiên cứu không như ý. Rất may, Phương Thảo luôn có sự ủng hộ, động viên chia sẻ thường xuyên của gia đình, cùng với truyền thống chịu khó, hiếu học của quê hương là động lực để từng bước vượt qua" - Phương Thảo tâm sự.

Khi hỏi về hoài bão, Phương Thảo không giấu giếm: “Mong muốn lớn nhất của tôi là trở thành một nhà nghiên cứu độc lập có nhiều đóng góp khoa học được công nhận trên toàn thế giới”.

Tùng Lâm



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mang mùa xuân về với đồng bào vùng cao

Mang mùa xuân về với đồng bào vùng cao
22:41 07/02/2021

QTO - Hòa chung với không khí phấn khởi chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản...

Đổi thay trên vùng quê cách mạng

Đổi thay trên vùng quê cách mạng
08:12 05/02/2021

QTO - Xã Triệu An, huyện Triệu Phong là vùng quê cách mạng ghi dấu những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tháng...

Triệu Phong nỗ lực để đón Tết an lành

Triệu Phong nỗ lực để đón Tết an lành
08:09 05/02/2021

QTO - Những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, người dân huyện Triệu Phong vừa hân hoan trong niềm vui thành...

Lan tỏa tình thương trước thềm xuân mới

Lan tỏa tình thương trước thềm xuân mới
08:03 05/02/2021

QTO - Bước chân vào ngôi nhà mới vừa được khánh thành, vợ chồng ông Phan Ngọc Các ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh không khỏi xúc động và luôn miệng...

Một đời nuôi con bệnh tật

Một đời nuôi con bệnh tật
23:08 04/02/2021

QTO - 40 năm qua, vợ chồng ông Lê Việt và bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa vất vả nuôi 2 người con bị nhiễm chất độc da...

POWERED BY
Việt Long