Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để giảm nghèo nhanh và bền vững
(QT) - Những năm qua, cùng với các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo đã được triển khai và giành được những kết quả rất quan trọng. Thành tựu xóa đói giảm nghèo đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, trên bình diện chung, kết quả xóa đói giảm nghèo vẫn chưa vững chắc, chưa tương xứng với nguồn đầu tư to lớn và những chính sách đặc biệt ưu đãi đã được ban hành; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn chưa được thu hẹp, đời sống người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống vẫn còn yếu kém, các công trình đã được đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, manh mún, chất lượng không cao.
Để giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, những năm qua nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hết sức ưu đãi, nhiều người cho rằng Nghị quyết 30a của Chính phủ như là một liều thuốc đặc hiệu và đây là cơ hội tốt nhất mà người nghèo cần phải nắm lấy. |
Tại huyện Đakrông, một trong 62 huyện nghèo nhất nước, thực trạng đói nghèo đã được nhìn nhận nghiêm túc với những số liệu hết sức cụ thể và sinh động. Tính đến nay, trong số 6940 hộ toàn huyện (80% là đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa cô) thì có đến 3331 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc ít người gần 2800 hộ. Ngoài ra, đối tượng giáp ranh nghèo cũng chiếm trên 35%. Như vậy những gia đình có cuộc sống khá giả, ổn định thực sự cũng chỉ chưa đầy 20%. Nêu ra những con số trên đây để thấy rằng nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Đakrông vẫn đang còn rất nan giải và chắc chắn không thể giải quyết trong ngày một ngày hai và điều quan trọng là phải thay đổi cách nghĩ cách làm để mang lại hiệu quả cao hơn chứ không nên bằng lòng với những kết quả xóa đói giảm nghèo quá khiêm tốn đã làm được trong suốt thời gian qua kể từ ngày huyện được thành lập. Đã có khá nhiều phân tích cặn kẽ và đầy tính thuyết phục về nguyên nhân của tình trạng đói nghèo ở đây, trong đó các ý kiến chỉ tập trung nhìn nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về người nghèo, đó là trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, thiếu vốn cũng như kiến thức và kinh nghiệm làm ăn, tập quán sản xuất và sinh hoạt lạc hậu, đông con, bệnh tật thường xuyên, chi phí cho việc điều trị và đi lại lớn nên không có khả năng tích lũy tái sản xuất mở rộng. Đa số người nghèo vẫn mang tư tưởng mặc cảm tự ty, cam chịu với cái đói cái nghèo, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, chưa có ý thức tự vươn lên. Mặt khác do địa bàn sinh sống chủ yếu tập trung ở vùng núi cao, vùng biên giới, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, bị cô lập với thế giới bên ngoài nên việc giao lưu học hỏi, tiếp cận với nền văn minh vẫn còn nhiều hạn chế cũng tác động không nhỏ làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo. Có thể nói, đây là những nguyên nhân cơ bản, có tính chất phổ biến và mục tiêu xóa đói giảm nghèo cũng chỉ có thể thực hiện được khi giải quyết một cách căn cơ những vấn đề đó. Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là sự nghiệp của toàn dân, do đó trong chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, Chính phủ yêu cầu phải huy động tất cả mọi nguồn lực của toàn xã hội vào quá trình thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, cần đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân, đây chính là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cũng đã chỉ rõ, công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp tích cực của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, đồng thời phải phát huy vai trò làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch, đến tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá hiệu quả của chương trình. Như vậy, trọng tâm của chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ vẫn là hướng về người nghèo, vì người nghèo và để người nghèo chủ động giải quyết những vấn đề cụ thể của mình. Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư từ nhiều nguồn lực cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cần khơi dậy ý thức tự vươn lên của người nghèo, trên cơ sở những chính sách đặc biệt ưu đãi, để người nghèo tự quyết định vận mệnh của mình, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ chứ không phải làm thay. Tuy nhiên đây là vấn đề rất khó, ngoài tâm lý thụ động, e ngại, chưa làm quen với cơ chế quản lý mới, người dân vẫn mang tư tưởng thụ động trong việc tiếp cận các chủ trương, chính sách cũng như vận dụng các chính sách đó vào cuộc sống. Để thay đổi cách nghĩ cách làm phù hợp với chủ trương xóa đói giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, trước hết người nghèo phải nắm bắt được một cách đầy đủ các chủ trương, chính sách, những thông tin cơ bản từ chương trình này, từ đó mới có cơ sở xây dựng được kế hoạch, tổ chức thực hiện và cuối cùng là giám sát, đánh giá kết quả. Nói tóm lại, hơn lúc nào hết, đây là lúc phải thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Để làm được điều đó trước hết các địa phương phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc cơ chế thông tin công khai, minh bạch. Đây là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo sự chủ động tham gia của người dân vào chương trình xóa đói giảm nghèo. Lâu nay, tại nhiều địa phương, quy chế dân chủ vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, yêu cầu công khai minh bạch vẫn còn nhiều bất cập. Từ đó, người dân không có điều kiện để được thảo luận và thực hiện quyền kiểm tra giám sát. Rất nhiều dẫn chứng để minh họa thực tế này, đó là hệ thống kênh mương được xây dựng thấp hơn đồng ruộng không thể nào “dẫn thủy nhập điền”, rồi ruộng khai hoang xong nhưng không có nước để sản xuất, trạm biến áp nằm ở vùng thấp trũng rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ, xây chợ tốn hàng trăm triệu đồng nhưng không có người vào họp, đình chợ chỉ để trâu bò trú mưa… Đó là hậu quả của kiểu “tư duy dự án” và không “lấy dân làm gốc”, tai hại hơn, những cách làm áp đặt này không chỉ gây tốn kém mà còn làm giảm mất lòng tin của người dân về những chương trình mục tiêu đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại huyện Đakrông nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về việc người dân trong các vùng thụ hưởng dự án chưa được thông tin đầy đủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, ngay cả những chính sách hỗ trợ đời sống và sản xuất rất thiết thực như làm nhà ở, hỗ trợ cây con giống, lương thực cho các xã vùng biên giới để trồng và giữ rừng mà người dân vẫn chưa nắm bắt được một cách rõ ràng. Thực tế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chương trình vì ngay từ đầu người dân đã không được tham gia vào dự án một cách chủ động. Và khi chưa có thông tin đầy đủ, người dân sẽ không thể có sự hợp tác với chính quyền các cấp để thực hiện. Cũng vì thiếu sự hợp tác từ cộng đồng nên tư tưởng trông chờ ỷ lại càng có cơ hội để sinh sôi nảy nở. Nhiều nơi người dân vẫn xem xóa đói giảm nghèo là chuyện của nhà nước, của chính quyền các cấp. Để giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, những năm qua nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hết sức ưu đãi, nhiều người cho rằng Nghị quyết 30a của Chính phủ như là một liều thuốc đặc hiệu và đây là cơ hội tốt nhất mà người nghèo cần phải nắm lấy. Nhưng để mỗi người dân đều nhận thức được điều này thì chính quyền địa phương các cấp cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trên cơ sở xây dựng cơ chế thông tin công khai minh bạch, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy thực sự quyền làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá hiệu quả. Chỉ khi người dân chủ động tham gia và cộng đồng trách nhiệm thì Nghị quyết 30a mới có thể thực hiện thành công. HOÀNG ĐỨC