Cập nhật:  GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 9 vừa mới tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp

Thủ tướng cho rằng, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân - Ảnh: CP

Phiên họp đã xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 3 dự án luật, 2 đề nghị xây dựng luật. Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc, yêu cầu xây dựng các luật.

Cương quyết xóa bỏ cơ chế xin cho và môi trường phát sinh tham nhũng

Đối với Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật PPP và Luật Đấu thầu, Thủ tướng yêu cầu rà soát, bám sát các chủ trương mới trong các nghị quyết, kết luận của Đảng để cụ thể hóa; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; cái gì hiệu quả nhất, tốt nhất cho đất nước thì làm, cái gì tốt thì kế thừa, cái gì chưa tốt thì sửa đổi, luôn đổi mới, cái gì thấy đúng thì cương quyết làm; trường hợp quy định khác các luật hiện hành thì phải xác định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo đảm thống nhất trong quá trình thi hành.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát; tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm để bảo đảm linh hoạt. Đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục rườm rà, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan các cấp; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin cho và môi trường phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dễ dẫn tới sai phạm, khuyết điểm, mất cán bộ; rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án đầu tư công vào khai thác.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, huy động năng lực quản lý và nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư. Sử dụng nguồn vốn ODA không dàn trải, tập trung cho một số dự án lớn, trọng điểm mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái. Bổ sung các cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả công việc cũng như giám sát, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện khen thưởng, kỷ luật phân minh trong việc thực hiện đầu tư công.

Giảm chi thường xuyên, tập trung cho đầu tư phát triển

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Chứng khoán; Luật Quản lý thuế, Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý triệt để những vướng mắc, điểm nghẽn trong thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích, huy động có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh mới.

Về nội dung sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước; sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng tăng thu, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chi hiệu quả, giảm chi thường xuyên, tập trung cho đầu tư phát triển, tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển phải tăng cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên; bảo đảm linh hoạt trong sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh thu thuế với thương mại điện tử, hoàn thuế nhanh.

Về nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, phải rà soát kỹ các quy định để tạo thị trường giao dịch thuận lợi, cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả. Đối với Luật Kế toán, cần thận trọng làm rõ các nguyên tắc áp dụng chuẩn mực kế toán để thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Về nội dung sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cần tháo gỡ nút thắt pháp lý để đẩy mạnh hợp tác công tư, tăng cường các hình thức “đầu tư công, quản lý tư” như với sân vận động, bảo tàng, nhà khách..., “đầu tư tư, sử dụng công” như với các công sở..., “lãnh đạo công, quản trị tư” với các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Về nội dung sửa đổi Luật Dự trữ Quốc gia, cần bảo đảm dự trữ phù hợp, linh hoạt, thuận tiện, kịp thời trong quá trình thực hiện xuất cấp dự trữ đối với các tình huống khẩn cấp.

Tạo điều kiện để cơ quan báo chí tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất

Về đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh cần bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý và phát triển hoạt động báo chí; sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng chuyển đổi số báo chí và giữ vững bản chất, phát huy vai trò báo chí cách mạng; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Mục tiêu là xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, truyền thông đa phương tiện phục vụ đắc lực, hiệu quả lợi ích quốc gia, dân tộc; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; xây dựng cơ chế, chính sách để bảo đảm cho các cơ quan báo chí hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao trong công tác thông tin tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, có thêm nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng cho các cơ quan báo chí và người hoạt động báo chí; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phù hợp.

Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển

Kết luận chung phiên họp, Thủ tướng cho rằng, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới.

Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, khuyến khích người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Mục tiêu là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng các dự án luật phải quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong thực tiễn và trình bày, lập luận thuyết phục, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Đồng thời, xây dựng quy định phải rõ ràng nhưng không quá cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Cùng với đó, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian. Kiểm soát quyền lực; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật.

BT


BT

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long