{title}
{publish}
{head}
Những ngày qua, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hết sức bức xúc do không thể ra khơi đánh bắt, gây thiệt hại đến kinh tế của ngư dân. Nguyên nhân là do thiết bị giám sát hành trình (GSHT) được lắp đặt trên tàu cá của ngư dân bất ngờ mất kết nối.
Cá đầy khơi, tàu nằm cảng
Thời điểm này đang là chính vụ khai thác cá Nam nhưng tại các cảng cá, khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh không khí hết sức trầm lắng, số tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ngày 26/4, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị khi vừa trở về sau chuyến biển hơn 15 ngày, ngư dân Bùi Khánh Quốc ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, thuyền trưởng tàu cá QT 95979TS công suất 820 CV, chiều dài 24 m cho biết, tàu cá của ông rời cảng vào ngày 10/4 trực chỉ ngư trường Hoàng Sa.
Thiết bị GSHT do VNPT cung cấp hiện đang mất kết nối - Ảnh: L.A
Đến khoảng 23 giờ ngày 15/4, ông phát hiện thiết bị GSHT trên tàu cá của ông bị mất kết nối, không có tín hiệu. Mất nhiều giờ loay hoay sửa chữa, hết lau sim, thay dây điện, nổ máy tàu để sạc pin cho thiết bị nhưng vẫn không khắc phục được, đến gần sáng ngày 16/4, qua máy thông tin liên lạc tầm xa ICOM, ông mới biết được các tàu cá xung quanh cũng đều bị tình trạng này.
Do đây là chuyến biển để được nhận hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định số 48/2010/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên ông được hướng dẫn chuyển sang sử dụng thiết bị VX 1700 để nhắn tin về bờ.
Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế do thiết bị VX 1700 hoạt động không ổn định, nhất là khi thời tiết xấu. Ngoài ra, ngư dân bắt buộc phải đưa tàu cá trở về bờ để sửa chữa trong vòng 10 ngày kể từ khi thiết bị GSHT bị hỏng. Đáng nói hơn là sau khi trở về bờ thì tàu cá của ông buộc phải nằm bờ, không được ra khơi trở lại do thiết bị GSHT không hoạt động.
“Từ đầu năm đến nay tàu cá làm nghề lưới rê bùng nhùng của tôi đi được 5 chuyến biển, thu được bình quân mỗi chuyến biển từ 150 – 200 triệu đồng. Bây giờ không thể ra khơi thì không chỉ tôi mà 8 bạn thuyền cũng không có thu nhập. Ngoài ra tiền hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước cho chuyến biển vừa rồi lên đến 100 triệu đồng cũng không biết có được nhận không do thiết bị GSHT bị sự cố như vậy”, ông Quốc cho hay.
Cũng chung tâm trạng bức xúc, ngư dân Nguyễn Ngọc Thiên, chủ tàu cá số hiệu QT 96869TS công suất 720 CV, chiều dài 18 m ở tại thị trấn Cửa Việt cho biết, tàu cá của ông thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT mới đủ điều kiện vươn khơi.
Ngày 16/4, sau khi cảng cá Bến cá chợ Cửa Việt và tiếp xong nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm cho chuyến biển mới thì ông nhận được thông báo thiết bị GSHT không có tín hiệu. Tàu cá của ông không đủ điều kiện vươn khơi.
Những tưởng, sự cố liên quan đến thiết bị GSHT sẽ sớm được khắc phục. Tuy nhiên, đã hơn 10 ngày trôi qua, thiết bị GSHT vẫn chưa có tín hiệu khiến ông Thiên đứng ngồi không yên.
Theo ông Thiên, với việc vay 2 tỉ đồng từ ngân hàng, vay nóng bên ngoài để đóng tàu, mua sắm ngư lưới cụ, bình quân mỗi tháng ông phải trả lãi trên dưới 20 triệu đồng, chưa kể tiền gốc.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho chuyến biển này, chưa tính chi phí nhiên liệu, chỉ riêng tiền đá lạnh, các nhu yếu phẩm đã bốc lên tàu, ứng trước cho bạn thuyền, ông đã phải chi ra gần 40 triệu đồng.
Do vậy, tàu nghỉ đi biển ngày nào trong thời điểm mùa đánh bắt cá Nam đang vào chính vụ đồng nghĩa với việc gia đình ông “ôm nợ” ngày đó.
“Đáng nói là phía đơn vị cung cấp dịch vụ không hề có thông báo nào đến người dùng chúng tôi. Trong khi ngư dân chúng tôi là người trả tiền lắp thiết bị, trả tiền thuê bao hằng tháng”, ông Thiên bức xúc nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 122 tàu cá đang sử dụng thiết bị GSHT tàu cá do Tổng Công ty dịch vụ viễn thông (VNPT Vinaphone) đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cung cấp, chiếm khoảng 2/3 số tàu cá bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT của tỉnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Nhiều tàu cá đã nằm tại các khu neo đậu cả chục ngày nay. Ngoài ra, hiện vẫn còn 3 tàu cá của tỉnh rời cảng vào ngày 15/4 đi đánh bắt xa bờ. Cả 3 tàu cá này đều sử dụng thiết bị GSHT do VNPT Vinaphone cung cấp và đều mất tín hiệu kết nối. Trong khi theo quy định, khi tàu cá mất kết nối sẽ không có căn cứ để hỗ trợ chi phí nhiên liệu. Không thu được đồng nào từ việc khai thác hải sản nhưng tiền lãi, tiền gốc vay đóng tàu, mua ngư lưới cụ vẫn phải đóng khiến nhiều chủ tàu hết sức bức xúc. Đặc biệt, đây lại đang là thời điểm chính vụ cá Nam, một trong 2 vụ đánh bắt chính trong năm.
Chủ tàu “ôm nợ”
Không chỉ ngư dân trong tỉnh, mà nhiều tàu cá của ngư dân ngoại tỉnh cũng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi cập cảng bán hải sản và “mắc kẹt”. Tiền ăn, tiền sinh hoạt phát sinh khiến nhiều chủ tàu phải lo chi phí cho bạn thuyền về quê, chỉ để lại 1 – 2 người ở lại trông coi tàu cá. Để giữ bạn nghề, các chủ tàu đều phải ứng trước tiền công từ 10 – 12 triệu đồng/người/tháng mặc dù không biết đến lúc nào tàu cá của họ mới tiếp tục được vươn khơi.
Đang neo đậu tại cảng cá Bến cá chợ Cửa Việt, ông Lê Bá Khỏe ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, chủ tàu cá số hiệu NA 90213TS cho biết, ngày 18/4 tàu cá của ông cập cảng để bán hải sản và tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm.
Tuy nhiên, do thiết bị GSHT không có tín hiệu nên phải neo đậu tại đây từ ngày 18/4 đến nay. Tiền ăn uống, chi phí các loại mỗi ngày cũng tốn vài triệu đồng. Chưa kể chỉ đi lại loanh quan trong khu vực cảng cá nên 8 lao động trên tàu ai cũng chán nản muốn về quê để nghỉ ngơi. Cực chẳng đã ông đành phải tạm chi cho mỗi bạn nghề 5 – 7 triệu đồng để về quê. Trên tàu chỉ còn lại 2 cha con ông ở lại trông coi.
Theo ông Khỏe, với nghề lưới chụp, bình quân mỗi chuyến biển của ông chỉ từ 4 – 5 ngày. Vụ cá Nam năm nay đang thuận lợi, trừ chi phí mỗi chuyến ông lại từ 100 – 150 triệu đồng. Chuyến nào may mắn thì có thể được 300 – 400 triệu đồng. Đang phấn chấn vì đánh bắt thuận lợi thì thiết bị GSHT gặp sự cố mất kết nối. Chủ tàu như ông không những thất thu mà còn phải ứng trước tiền lương cho bạn nghề.
“Giờ chỉ mong phía nhà cung cấp dịch vụ sớm hoàn thành việc sửa chữa thiết bị hoặc các cơ quan chức năng có giải pháp khác để ngư dân chúng tôi tiếp tục được vươn khơi. Không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình mà còn góp phần hiện diện, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”, ông Khỏe nói.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự là ông Lê Văn Đức, chủ tàu cá NA 90288TS ở tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Nghề lưới chụp của ông, nếu thuận lợi có thể lãi 200 – 300 triệu đồng/chuyến biển từ 5 – 7 ngày. Nhưng nay, biển không đi được, một mình ông ở lại canh tàu còn các bạn nghề đã bỏ về quê. Đây là lỗi do đơn vị cung cấp nhưng ngư dân lại là người phải chịu hậu quả. “Không những không được ra khơi mà tôi còn phải chi trước tiền lương từ 10 – 12 triệu đồng/người cho các bạn nghề. Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì không biết rồi họ có quay lại làm nghề với mình nữa không, nhất là trong thời điểm bạn nghề đi biển đang khan hiếm như hiện tay”, ông Đức lo lắng.
Chưa thể khắc phục ngay sự cố
Cảng trưởng Cảng cá Cửa Việt Trần Thiện Nhân cho hay, hiện tại nhu cầu ra khơi đánh bắt vụ cá Nam của ngư dân là khá lớn. Từ ngày 15/4 đến nay, bình quân mỗi ngày tại đơn vị có khoảng 10 tàu cá trong tỉnh và ngoại tỉnh đăng ký rời cảng.
Tuy nhiên, vì lý do an toàn và theo Luật Thủy sản 2017, các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cơ quan chức năng không thể cho phép các tàu cá này rời cảng. Việc này phần nào đã làm thiệt hại kinh tế của ngư dân như lỡ chuyến biển, tăng phí tổn đá lạnh, dầu.
“Số lượng tàu cá dùng thiết bị GSHT của nhà cung cấp VNPT Vinaphone là khá lớn. Nhưng hiện sự cố đang được khắc phục rất chậm, rất cần sự vào cuộc vận động của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhằm không để phát sinh các vụ việc tiêu cực”, ông Nhân cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty TNHH Đại Đoàn Thắng, đơn vị quản lý cảng cá Bến cá chợ Cửa Việt thông tin, hiện tại có gần 20 tàu cá ngoại tỉnh đang neo đậu tại cảng cá do không được phép ra khơi.
Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng cá do những tàu cá khác không có chỗ để cập cảng bốc dỡ hải sản và tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Mà còn tiểm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
“Nên chăng có giải pháp phù hợp để các tàu cá ngoại tỉnh được rời cảng để trở về địa phương neo đậu”, ông Thức đề xuất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho biết, sự cố thiết bị GSHT do VNPT Vinaphone cung cấp bị mất kết nối bắt đầu từ 23 giờ 30 phút ngày 15/4 do lỗi vệ tinh Thuraya 3 của đối tác đã gây ảnh hưởng đến toàn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS dẫn tới toàn bộ tàu cá đang lắp đặt thiết bị GSHT của VNPT Vinaphone không có tín hiệu.
Đây là đơn vị cung cấp thiết bị cho 122/184 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT trên địa bàn tỉnh. Để không gián đoạn hoạt động khai thác trên biển của ngư dân, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển và các đơn vị liên quan thông báo đến các chủ tàu, thuyền trưởng được biết nếu tàu cá đang hoạt động trên biển, thiết bị GSHT bị hỏng hoặc mất kết nối thì thuyền trưởng, chủ tàu phải khắc phục sự cố nói trên và phải sử dụng các thiết bị ghi lại vị trí tàu cá; báo cáo cho cơ quan quản lý cảng cá khi tàu cập cảng; sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác báo cáo vị trí tàu cá về cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Thủy sản tỉnh 6 giờ/lần trên các kênh tần số: 8081 kHz bằng máy thông tin liên lạc VX 1700 và phải đưa tàu cá về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị GSHT tàu cá bị hỏng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Phòng Khách hàng – Tổ chức - Doanh nghiệp, Trung tâm Kinh doanh VNPT Quảng Trị cho hay, dù là đơn vị cung cấp dịch vụ mạng viễn thông nhưng VNPT Quảng Trị không thể có phương án khắc phục bởi Thuraya 3 là vệ tinh mà Tập đoàn VNPT thuê của đối tác nước ngoài.
Trước sự cố nói trên, đến nay, đối tác này cũng chưa có phản hồi đến lúc nào sẽ khắc phục được. Đáng nói là thiết bị GSHT này chỉ sử dụng được thẻ sim của VNPT Vinaphone, không tương thích với mạng viễn thông khác nên khi xảy ra sự cố không thể chuyển hướng sang sử dụng mạng của nhà cung cấp khác được.
“Đây là sự cố lần đầu tiên xảy ra, ngoài tầm kiểm soát nên đơn vị cũng chưa có hướng xử lý cụ thể mà phải đợi hướng dẫn của Tập đoàn. Sắp tới nếu được đề xuất, chúng tôi sẽ kiến nghị các phương án dự phòng theo hướng điều chỉnh để các thiết bị có thể dùng chung mạng viễn thông khi sự cố xảy ra”, ông Hùng cho hay.
Khi được hỏi, thời gian các thiết bị GSHT bị mất tín hiệu, ngư dân có phải trả tiền cước phí hay không và có được bồi thường thiệt hại hay không, ông Hùng cho biết, điều này phải căn cứ theo hợp đồng và thuộc thẩm quyền, quyết định của Tập đoàn VNPT.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, trước thực tế 122 tàu cá của địa phương và hàng chục tàu cá ngoại tỉnh đang neo đậu tại các cảng cá, khu neo đậu, không thể ra khơi do thiết bị GSHT mất kết nối, để hạn chế ảnh hưởng đến công tác quản lý, giám sát tàu cá và sản xuất của ngư dân, ngày 25/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy sản hướng dẫn các phương án xử lý trong trường hợp những ngày tới thiết bị giám sát hành trình vẫn tiếp tục mất tín hiệu.
Cụ thể, hướng dẫn địa phương có cho phép tàu cá rời cảng đi khai thác hải sản được hay không? Đối với tàu cá hoạt động trên biển sử dụng dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS bị mất kết nối quá 10 ngày kể từ khi thiết bị GSHT tàu cá bị mất kết nối có bị xử lý theo quy định hay không?
“Theo Nghị định 26/NĐ-CP quy định: Thuyền trưởng phải đảm bảo thiết bị GSHT tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng... phải đưa tàu cá về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị GSHT tàu cá bị hỏng. Nếu theo quy định này thì các tàu cá của ngư dân hiện đang lắp đặt thiết bị của VNPT sẽ không được ra khơi mặc dù đây không phải là lỗi của ngư dân và cũng chưa biết lúc nào nhà cung cấp mới khắc phục được sự cố”, ông Vinh cho hay.
Lê An
QTO - Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị đã tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông, từ đường tỉnh đến đường huyện,...
QTO - Giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn được xem là yếu tố quan trọng, giúp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền...
QTO - Những ngày này, cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng đang phải trải qua đợt nắng nóng hết sức gay gắt với nền nhiệt độ trong ngày có lúc lên đến...
QTO - Huyện Gio Linh có bờ biển dài 15km với nhiều bãi tắm đẹp. Thời gian qua, huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả nhằm từng bước...
QTO - Giao thông được ví như là mạch máu của nền kinh tế và phải đi trước một bước. Nhận thức được tầm quan trọng, hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng...
QTO - Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhưng những bước tiến của du lịch biển Quảng Trị trong thời gian qua vẫn chưa như mong muốn. Làm...
QTO - Trong phát triển kinh tế, sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao...
QTO - Thời gian qua, huyện Gio Linh triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn;...
QTO - Cảng Cửa Việt có diện tích 42.000 m2 , 1 bãi chứa hàng rộng 7.200 m2 ; có 3 cầu cảng dài 228 m, độ sâu luồng theo thiết kế 5,6...
QTO - Lâu nay, kinh tế hộ gia đình được xem là nền tảng vững chắc trong xây dựng và phát triển KT - XH tại các địa phương. Nhờ lựa chọn phát triển mô hình...
QTO - Đảo Cồn Cỏ có vị trí thuận lợi về địa kinh tế, vừa gần đất liền, vừa mở hướng vươn khơi để phát triển kinh tế biển đảo, thuận lợi cho phát triển giao...
QTO - Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm...