
{title}
{publish}
{head}
QTO - Từ thực tế triển khai tự chủ tài chính ở các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, cơ chế này đã tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng khám chữa bệnh (KCB) theo hướng tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, các bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã gặp không ít khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Thu không đủ chi
TTYT huyện Cam Lộ hiện có 182 nhân viên, kể cả ở cấp xã. Sau nhiều năm ảnh hưởng bởi COVID-19, đơn vị mới dần phục hồi hoạt động ổn định được khoảng hơn 7 tháng nay. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị hằng ngày cao nhất mới đạt khoảng hơn 80%. Trong khi việc tự chủ tài chính có nghĩa là phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị, vậy nên sự giảm sút số lượng bệnh nhân cũng đồng nghĩa với giảm nguồn thu.
Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ tập trung khám, chữa bệnh cho Nhân dân - Ảnh: Đ.V
Bác sĩ CKI Nguyễn Quảng, Giám đốc TTYT Cam Lộ cho hay: “Dù đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng hiện tại tình hình tự chủ tài chính của đơn vị vẫn còn gian nan vì thu không đủ chi. Ngoài lương ra thì cán bộ, viên chức, nhân viên không có khoản thu nhập tăng thêm nào khác. Trong 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), đến dịp Tết nhưng đơn vị cũng không thể có khoản nào để hỗ trợ cho anh em. Riêng Tết 2023 vừa rồi, cố gắng lắm đơn vị mới xoay xở được để hỗ trợ mỗi người được 1 triệu đồng ăn Tết”, ông Quảng cho biết.
Thực trạng khó khăn của đơn vị, theo ông Quảng nguyên nhân một phần cũng bởi giá dịch vụ y tế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ. Cấu thành giá có 7 thành phần nhưng hiện mới tính chỉ có 4 phần, trong khi đó, để hoạt động thì đơn vị tốn rất nhiều chi phí như: chi phí quản lý, đầu tư phần mềm - phần cứng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực, công tác PCCC, thu gom, xử lý rác thải, nước thải…
Một nghịch lý gây khó khăn nữa, theo ông Quảng là dù cơ sở vật chất, trang thiết bị KCB được nhà nước đầu tư ban đầu, sau một thời gian sử dụng thì xảy ra hỏng hóc, xuống cấp nhưng lại không được bố trí chi phí bảo trì, bảo dưỡng, khấu hao tài sản. “Như đơn vị chúng tôi, thời gian qua các loại máy như siêu âm, Xquang, nội soi… nhiều lần hư hỏng phải mang đi tận Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh mới sửa được, rất tốn kém và vất vả.
Cùng với đó, nhiều hạng mục trụ sở, phòng ốc cũng xuống cấp không có điều kiện nâng cấp nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác KCB”, ông Quảng cho biết thêm. Theo ông Quảng, việc áp dụng cơ chế tự chủ làm cho đơn vị “giẫm chân tại chỗ” về mặt chuyên môn cũng như về hoạt động tài chính.
Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh, bệnh viện là đơn vị đặc thù vừa thực hiện KCB, điều trị vừa dự phòng, đòi hỏi được quan tâm nhiều hơn nhưng hiện mức đầu tư về dự phòng rất hạn chế, không đáp ứng thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị phải vận động, tìm nguồn đầu tư khác để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bác sĩ Trường giải bày: “Đối tượng phục vụ của bệnh viện trên 90% là bệnh mãn tính, điều trị dài ngày, thậm chí suốt đời. Trong khi bệnh viện chỉ điều trị một thời gian ngắn, sau đó tiếp tục chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân tại cộng đồng hoặc tại cơ sở y tế trong thời gian 6 tháng nữa nhưng không có thêm nguồn chi phí nào.
Bên cạnh đó, đối tượng phục vụ đa số là người nghèo, yếu thế; đối tượng bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, việc giao tiếp với bệnh nhân khó khăn, nguy cơ cao, điều kiện chăm sóc, triển khai dịch vụ không thuận lợi. Bệnh viện trải qua hơn 3 năm được giao nhiệm vụ chính là phòng, chống COVID-19, nguồn thu hầu như không có nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của đơn vị; cơ sở vật chất phục vụ chuyên môn xuống cấp nghiêm trọng.
Dù đơn vị cố gắng tìm nguồn để đầu tư sửa chữa nhưng vẫn không đảm bảo yêu cầu KCB. Nguồn thu không có cũng đã khiến đời sống của cán bộ, viên chức, nhân viên gặp nhiều khó khăn. Đến nay đã có 3 bác sĩ nghỉ việc và 1 bác sĩ đang chuẩn bị xin nghỉ vì thu nhập thấp, nhiều áp lực”.
Với những khó khăn gặp phải, bác sĩ Trường kiến nghị: “Cho đơn vị thực hiện tự chủ mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị, hóa chất; thực hiện cơ chế phù hợp về tài chính, về tuyển dụng, biên chế; có chính sách phù hợp với đơn vị đặc thù như bệnh viện lao vừa phòng, chống dịch vừa điều trị; có cơ chế, chính sách hỗ trợ máy móc, trang thiết bị dự phòng cho tuyến dưới để bù đắp hư hao trong 3 năm hầu như không sử dụng vì tập trung công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19”…
Những khó khăn, vướng mắc tại TTYT huyện Cam Lộ và Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh cũng là thực trạng chung của phần lớn các cơ sở y tế đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong toàn tỉnh, cần sớm được quan tâm tháo gỡ.
Để y tế công lập tự chủ “sống” được
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Lâm Chi cho rằng, tự chủ tài chính là chủ trương đúng, tuy nhiên khi triển khai lại gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở các bệnh viện, TTYT cấp tỉnh, cấp huyện mà ngay cả các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K…
Nguyên nhân được các bệnh viện chỉ ra trong quá trình triển khai là do cơ chế thực hiện tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, có nơi chưa phân định rõ nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng, tính đủ.
Các bệnh viện được giao tự chủ tài chính song chưa tự chủ trong tổ chức bộ máy, con người, bố trí nhân sự, biên chế, chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, đặc biệt là các chuyên gia, thầy thuốc giỏi chưa hợp lý.
Các đơn vị tuyến y tế cơ sở, TTYT huyện đa chức năng, ngoài KCB còn phải đảm nhiệm công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế nên rất khó khăn cho công tác tự chủ của đơn vị nếu không được sự đầu tư đúng mức của nhà nước tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Để tháo gỡ những khó khăn tự chủ tài chính cho các cơ sở y tế, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Lâm Chi, cần phải thay đổi cách thức phân bổ, sử dụng ngân sách để đảm bảo nguồn lực ngân sách được đến đúng địa chỉ và sử dụng một cách hiệu quả nhất; tiếp tục thực hiện quan điểm đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển, y tế cơ sở là nền tảng đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống y tế.
Cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng để điều tiết, ưu tiên ngân sách, tăng định mức chi từ ngân sách cho các đơn vị khó khăn hoặc có cơ chế đặc thù về thu nhập cho cán bộ y tế vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ chế tự chủ, thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề, là điều kiện căn bản để đẩy mạnh cơ chế tự chủ; nâng cao chất lượng chuyên môn và năng lực quản trị bệnh viện khi thực hiện cơ chế tự chủ.
Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh - Ảnh: Đ.V
Ngoài các nội dung kiến nghị nêu trên, ông Hà Lâm Chi đề xuất: “Ngành y tế cũng kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tích cực hoàn thiện, đồng bộ về cơ chế chính sách tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Sửa đổi và hoàn thiện một số nội dung quy định trong Nghị định 60/2021/ NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với đặc thù ngành y tế, như: trích các quỹ, quy định về hệ số lương tăng thêm; quy định về liên doanh, liên kết, xã hội hóa lĩnh vực y tế; về nộp thuế doanh nghiệp...
Nghiên cứu xây dựng khung giá dịch vụ KCB trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí KCB, hoặc có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo cho các đơn vị tự chủ có nguồn thu ổn định để phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”.
Đức Việt - Minh Đức
QTO - Tự chủ bệnh viện là chính sách “cởi trói” cho ngành y tế thay cơ chế “bao cấp” nhà nước quyết định tất cả mọi hoạt động từ chuyên môn đến nhân sự, tài chính… Tuy nhiên, để phát huy được nội lực của bệnh viện, cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn, bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai nhằm giúp hệ thống y tế công lập hoạt động hiệu quả. Trong đó, việc đầu tư xây dựng bệnh viện có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực tốt cần ưu tiên hàng đầu để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
QTO - Với những cách làm hay, phù hợp thực tế, những năm qua, các câu lạc bộ (CLB) người cao tuổi giúp người cao tuổi (NCT) trên địa bàn huyện Hải Lăng đã...
QTO - Thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Nơi đây, thiên nhiên đẹp hoang sơ, con người hiền...
QTO - Từ những ngày đầu thành lập vào năm 1998 với nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến nay, Trường Mầm non Hoa Mai (Gio Linh) đã từng bước khẳng định uy tín,...
QTO - Thời gian qua, phong trào xung kích bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ Quảng Trị phát triển rất mạnh mẽ. Đáng chú ý là các cấp bộ đoàn đã tích cực tham gia...
QTO - Không còn chìm trong bóng tối, đến giờ, nhiều tuyến đường quê trên địa bàn tỉnh đã sáng ngời ánh điện. Để mang ánh sáng văn minh đến với người dân,...
QTO - Tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh hiện đang bảo vệ, trưng bày 7 tấm bia đá đặc biệt, ghi chiến công oanh liệt của 7 anh hùng liệt sĩ chống Pháp...
QTO - Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội đồng hương Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh (1983 – 2023) được tổ chức trọng thể vào sáng 26/2/2023 tại khu du lịch...
QTO - Được thành lập vào năm 1983, 40 năm qua, Hội đồng hương Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh đã quy tụ, gắn kết được con em Quảng Trị tham gia sinh hoạt và...