Cập nhật: Thứ 4, 24/03/2021 | 05:57 GMT+7

Tăng cường xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch

QTO - Trong bối cảnh hội nhập, mức sống và thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu khám phá và du lịch đến những vùng đất mới ngày càng tăng. Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bằng việc hoạch định và triển khai các giải pháp đồng bộ để ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao đời sống Nhân dân.

Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm đến thu hút khách tham quan trong và ngoài nước - Ảnh: H.T​

Nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển

Là cầu nối 2 miền Bắc - Nam trên các trục giao thông mang tính huyết mạch của quốc gia về đường bộ, đường sắt và đường biển, là điểm đầu phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, có hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, có thể thấy, Quảng Trị hội tụ đầy đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi ” để khai thác và phát triển du lịch.

Với hệ thống di tích lịch sử cách mạng đồ sộ gắn liền với các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, trong đó có những địa danh nổi tiếng như Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Cồn Tiên, Dốc Miếu.., Quảng Trị là bảo tàng sinh động nhất lưu giữ các di tích, chứng tích chiến tranh, đó là cơ sở để tạo nên sản phẩm du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” độc đáo. Đặc biệt, Quảng Trị có 75 km bờ biển dài với những cảnh quan đẹp, còn nguyên sơ cùng những bãi tắm nổi tiếng như Vĩnh Thái, Cửa Tùng, Cửa Việt, Triệu Lăng, Mỹ Thủy, Cồn Cỏ; với Rú Lịnh, trằm Trà Lộc và những cánh rừng nguyên sinh, suối nước nóng Đakrông, khu vực Rào Quán - Khe Sanh, thác Tà Puồng, động Brai… để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh. Ngoài ra, Quảng Trị còn có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tôn giáo; du lịch nghiên cứu văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; các lễ hội truyền thống cách mạng; các lễ hội tôn giáo gắn với Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, nhà thờ La Vang,…

Với tiềm năng, lợi thế của mình, du lịch Quảng Trị đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn, du khách trong và ngoài nước và đang từng bước phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 hình thành Khu Du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - đảo Cồn Cỏ. Đến năm 2025 hoàn thành về cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, nhất là tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; hình thành các tour, tuyến du lịch chủ đạo, xây dựng và khẳng định thương hiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đến năm 2030 hoàn thành về cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho giai đoạn tiếp theo nhằm thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động.

Theo thống kế của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tốc độ tăng trưởng khách du lịch trung bình giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh là 7%/năm, trong đó khách quốc tế là 3,25%/năm, khách du lịch nội địa là 9%/năm. Nhiều sản phẩm du lịch mới được quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch như: Tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm ở Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Khu Resort Sepon (Cửa Việt), chợ Lao Bảo; tổ chức đón tiếp và lễ viếng cho du khách vào buổi tối tại Thành Cổ Quảng Trị; tổ chức tuyến phố lễ hội ở thị xã Quảng Trị; Khu du lịch sinh thái Klu (Đakrông), trằm Trà Lộc (Hải Lăng), các bãi tắm Trung Giang, Gio Hải, Cang Gián, Thủy Bạn (Gio Linh) bước đầu được chỉnh trang trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ được đưa vào khai thác, mở ra hướng phát triển mới của du lịch biển, đảo với rất nhiều tiềm năng.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, triển khai đầu tư dự án với tổng số vốn đăng ký 6.500 tỉ đồng. Trong đó đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược như: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn AE, Công ty Cổ phần Tập đoàn Pacific Health Care, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn Châu Á - Thái Bình Dương... làm cho hoạt động đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nhất là các khu du lịch ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt. Đặc biệt, trong năm 2019 đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương hỗ trợ 2 nhà đầu tư dự án là Khu đô thị sinh thái biển AE resort Cửa Tùng và Khu du lịch nghỉ dưỡng Biển Vàng khởi công, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày lập lại tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong việc triển khai các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, việc tích cực thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư đã góp phần phát triển cơ sở vật chất, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó tạo nên diện mạo khởi sắc cho ngành du lịch của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị như: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”, “Cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây”, kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”. Nhiều khu, điểm du lịch quan trọng cũng đã được hình thành và ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhiều sản phẩm du lịch mới được quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Cùng với đó, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung luôn được coi trọng và phát huy.

Nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2020, ảnh hưởng của COVID-19 khiến lượng khách đến với Quảng Trị và doanh thu du lịch giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 (khách quốc tế giảm trên 86%, khách nội địa giảm 71%). Để thực hiện các giải pháp kích cầu, tạo sức bật nhằm thúc đẩy và khôi phục các hoạt động du lịch phát triển trở lại, trong năm 2020, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lễ hội “Vì Hòa bình” tại tỉnh Quảng Trị; triển khai thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích hệ thống các công trình dẫn nước cổ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã Gio An, huyện Gio Linh... Tổ chức khảo sát, kiểm tra quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; khảo sát hang động ở thôn Trỉa, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa; tuyến du lịch đường bộ và đường thủy lên chiến khu Ba Lòng, huyện Đakrông; khảo sát các điểm du lịch phía Tây. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, nhất là 2 tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế; tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch và tổ chức đoàn Famtrip khai trương tour du lịch đảo Cồn Cỏ, mùa du lịch biển. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án du lịch trong thời gian qua đã đến khảo sát và lập kế hoạch đầu tư tại Quảng Trị.

Phải nhìn nhận một thực tế rằng, tuy đã có bước phát triển nhất định, nhưng hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư để phát triển du lịch trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả so với tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Chưa tận dụng được các cơ hội, sự kiện lớn của tỉnh để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh địa phương nhằm xúc tiến thu hút đầu tư phát triển, trong đó có phát triển du lịch. Do kinh phí cho hoạt động xúc tiến du lịch hằng năm còn quá hạn hẹp (khoảng 500 triệu đồng) nên công tác quảng bá, xúc tiến mới chỉ tham gia một số hội chợ trong nước, một số ấn phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch chứ chưa tổ chức được các hội thảo, hội nghị xúc tiến ở nước ngoài và các thị trường lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch chưa thật sự quan tâm đến việc xúc tiến, quảng bá, nên kinh phí đầu tư vào lĩnh vực này còn ít. Tình hình thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng mới dừng ở số lượng đăng ký đầu tư, vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm do giá cả tăng cao, khó khăn về tài chính, nhiều dự án còn kéo dài thời gian đầu tư.

Thời gian tới, trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án của trung ương và của tỉnh, Quảng Trị cần thực hiện đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng phát triển du lịch nội địa, xây dựng sản phẩm du lịch có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp với du lịch Hành lang kinh tế Đông -Tây, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực động lực phát triển du lịch, nhất là các khu du lịch - dịch vụ ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; chú trọng khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng quốc gia đặc biệt, xây dựng các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại các đô thị, khu du lịch trọng điểm để tạo điểm vui chơi giải trí thu hút khách du lịch.

Cần tạo ra được sản phẩm du lịch đặc trưng bằng cách tập trung phát triển du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng, trở thành thương hiệu du lịch hòa bình của tỉnh, có sức lan tỏa trong cả nước. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung kêu gọi một số nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực và bề dày kinh nghiệm đến đầu tư tạo bước phát triển đột phá. Xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch, đặc biệt trước mắt tập trung kích cầu du lịch nội địa; đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết với các tỉnh miền Trung và các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây để phát triển du lịch.

Và chắc chắn rằng, muốn thu hút du khách trong, ngoài nước đến với Quảng Trị nhiều hơn thì ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền rất cần sự chung tay phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các đơn vị kinh doanh, các phương tiện thông tin đại chúng và mỗi người dân, để mỗi du khách đến Quảng Trị sẽ là cầu nối trong việc xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của Quảng Trị đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Thu Hạ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hướng Hóa, khơi dậy tiềm năng du lịch
07:43 08/03/2024

Những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn, huyện Hướng Hóa đón lượng khách du lịch lớn chưa từng có từ trước đến nay tham quan, trải nghiệm, nghỉ ...

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới
11:15 tối Thứ 6

QTO - Thực hiện phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị luôn đồng hành, chung sức với...

Thời tiết

21°C - 27°C
Nhiều mây, không mưa
  • 22°C - 28°C
    Có mây, không mưa
  • 22°C - 28°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long