Tản mạn về nghề từ một chuyến đi
(QT Xuân 2012) - Như một tất yếu, khi đã cùng sống, cùng sẻ chia trong gian khó thì sự cảm thông và gắn bó thường rất sâu đậm. Ta gặp điều đó khi nhà thơ Hữu Thỉnh viết bài thơ tặng thầy mình nhân ngày 20/11, có đoạn: ...Đời mau quá, tóc thầy khói phủ Giáo án mong manh, bão giật đời thường Cây trước cửa, gió ở ngoài trang vở Thầy một mình vật vã với văn chương Đang mưa bão, đường về ngập nước Giở trang Kiều thầy giảng, chạnh lòng đau! Thương cái đau của Thúy Kiều, từ sự liên tưởng, nhà thơ “chạnh lòng đau” cho thầy mình giữa đêm lạnh “vật vã” với giáo án cùng những gian khó thường nhật. Tôi không có vinh dự được dạy nhà thơ nhưng cũng là thầy giáo ở thời điểm nhà thơ Hữu Thỉnh là học trò nên với những gì đã trải nghiệm, tôi hiểu được nỗi lòng của thế hệ học sinh “mang mũ rơm đi học trên đường dài” của 46 năm trước. Đúng là đã có một thời bom đạn, khoai sắn qua ngày mà tình thầy trò thật đẹp.
 |
Tiếng trống trường - Ảnh: LÊ ĐÌNH CẢNH |
Tháng 11 năm nay, trong tâm trạng đó, tôi háo hức vượt hơn 700 km để về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường cấp 3 Hạ Hòa - Phú Thọ. Đây là nơi tôi đã dạy và cũng đã học được rất nhiều điều quý giá. Với tôi đây là nơi gắn với hai sự khởi đầu to lớn: Khởi đầu nghề nghiệp với những kỷ niệm sâu sắc và khởi đầu cuộc sống gia đình với những kỷ niệm ngọt ngào. Vì vậy tôi xem mảnh đất trung du này là quê hương thứ hai hay nói như Chế Lan Viên: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn... Quả thật, tình đồng nghiệp, tình thầy trò và tình dân là một tài sản tinh thần quý giá “kết tủa” trong tôi, một động lực cho tôi đi tới trong những năm tháng sau đó khi đi B, đi K và làm các công vụ khác nhau. Năm tháng đã không thể xóa nhòa ký ức đó. Ở tuổi đời 50, trường đã có những đóng góp to lớn nên Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Từ mái nhà chung này, hàng vạn học sinh đã bước vào cuộc sống, không ít em đã trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, nhà khoa học, danh nhân tên tuổi và biết bao em khác đang là cán bộ, chiến sĩ, người lao động xuất sắc, tin cậy trên các mặt trận. Nửa thế kỷ với một mái trường bị bom Mỹ đánh sập 1965, rồi 10 năm phải vượt sông sơ tán vào tận chân núi và rồi mái trường cao tầng to đẹp hôm nay, có biết bao điều xúc động tại nơi này. Trong 2 ngày lưu lại mái trường xưa, tôi được dự nhiều hoạt động và nhiều cuộc tiếp xúc. Đã có thật nhiều xúc động mà cho đến lúc cầm bút viết những dòng này vẫn còn nóng hổi trong tôi. Trước lễ 1 ngày, nhà trường tổ chức viếng đền Mẫu Âu Cơ. Sau 43 năm trở lại nơi này, trước mắt tôi, ngôi đền nhỏ, đơn sơ ngày trước nay đã là khu đền lớn (2 ha) đẹp và trang trọng. Theo cổ sử, Mẹ Âu Cơ đã chọn Hạ Hòa làm nơi cư trú, nuôi dạy khôn lớn 50 người con trai để rồi họ góp phần làm nên thời kỳ lịch sử Hùng Vương sáng chói. Đền thiêng đã 3 lần được sắc phong của Triều Lê và Triều Nguyễn. Tôi cùng các học sinh cũ mà tôi chủ nhiệm 46 năm trước kính cẩn dâng hương, vái lạy người Mẹ Dân tộc. Lòng tôi dâng lên niềm tự hào khi nghĩ rằng không mấy nước có huyền thoại về người mẹ chung của cả dân tộc để rồi mỗi con dân đất Việt dù ở bất kỳ đâu cũng là “đồng bào” (cùng từ 1 bào thai). Vậy nên đoàn kết dân tộc đâu chỉ là yêu cầu chính trị mà còn một đạo lý, một tình cảm tự nhiên của mỗi người. Tối hôm đó, tôi đi thăm một số em mà theo lời các bạn là “khó khăn nhất” trong số học sinh cũ của tôi. 46 năm trước các em là những học sinh ngoan, chăm học, có em được tập thể tín nhiệm bầu làm cán bộ đoàn (lúc ấy tôi là Bí thư Đoàn trường). Trong thời gian xa cách, tôi hình dung về các em nếu không thành đạt thì cũng phải vào loại khá. Nhưng trước mặt tôi hôm nay là những khuôn mặt khá gầy, có phần già so với cái tuổi ngoài 60 của mình và đặc biệt là có em sống độc thân, có em lại quá thiếu thốn. Qua các bạn cùng lớp cũ, tôi được biết các em bị lỡ làng quá nhiều, từ việc học đến chuyện lập gia đình và rồi với khó khăn của gia cảnh, những cơ hội cứ tuột dần khỏi tay. Vậy nhưng các em vẫn đến dự lễ và chủ động đến thăm tôi một cách chân tình. Nghĩa là các em hoàn toàn không trách cứ gì nhà trường và các thầy cô. Trong cuộc sống đúng là ở bấy kỳ đâu cũng có một số cá biệt gặp những rủi ro như vậy. Vậy mà tôi cứ trằn trọc với câu hỏi: “Không biết có điều gì cần làm cho các em lúc ấy mà nhà trường và thầy cô đã không làm hoặc không kịp làm? Cũng như bao nghề khác, nghề thầy có thành công mà cũng có chưa thành công; có kỷ niệm vui và cũng có kỷ niệm buồn. Người thầy không trực tiếp quyết định được số phận của mỗi học sinh nhưng dấu ấn để lại trong đời họ khá rõ nét. Hôm sau trên đường về, tôi đi cùng xe với 4 học sinh cũ. Trong số đó có 1 em là nhà khoa học Nông nghiệp. Em đã học đại học và lấy bằng tiến sĩ ở Liên Xô, đã được phong phó giáo sư. Sau khi dạy đại học em về Bộ NN&PTNT làm Giám đốc Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghê. Em đã nghỉ hưu và nay ở tuổi 64 đang sử dụng tri thức của mình đi giúp đỡ các tỉnh phát triển nông nghiệp. Đến nhà em, tôi nói: “Thầy ghen với em đó, vì 64 tuổi rồi mà còn được chăm sóc mẹ 99 tuổi”. Em cười thật hiền, đáp: “Thầy nên nói là ghen với em vì 64 tuổi rồi mà được mẹ chăm mới đúng”. Bên ấm trà, trong không khí ấm áp cùng gia đình, em tâm sự: “Từ 1968 sang Liên Xô học đến hôm nay, em vẫn nhớ như in hình ảnh thầy say sưa, hùng hồn giảng cho bọn em về “Dáng đứng Việt Nam”. Hình ảnh anh Trỗi, chị Sứ, những người cộng sản bất khuất trong ngục tù Côn Đảo luôn luôn cổ vũ, thôi thúc chúng em”. “Sau khi nghỉ hưu em đã đi giúp quê em, các tỉnh phía Bắc, mấy tỉnh Tây Nguyên; sắp tới, em muốn vào Quảng Trị vì đây là mảnh đất anh hùng nhưng đau thương và cũng là quê hương của thầy mình. Có thể em không làm được điều gì lớn nhưng sẽ cố gắng làm cho được một số việc hữu ích”. Tôi vừa mừng cho em về thành đạt và cũng rất cảm kích trước câu nói ân tình đó. Tôi nghĩ cuộc đời sẽ thú vị biết bao khi những điều tốt đẹp được giữ gìn và được sinh thành trong tiến trình đi tới. Trong thời gian ở Hà Nội, tôi và 4 em học sinh cũ đi thăm 2 thầy cùng dạy trước đây đang lâm bệnh nặng. Người thứ nhất là thầy hiệu trưởng nay đã 83 tuổi vừa bị xuất huyết não. Thầy gầy và quá yếu, nhưng vẫn rất tỉnh táo và đầy nghị lực. Thầy nói với sự bình tĩnh vốn có: “Mình rất thanh thản, nếu có đi sẽ đi trong sự thanh thản đó. Bởi vì gia đình, các cháu đã trưởng thành; về nghề nghiệp, gần 60 năm mình đã tận lực cống hiến”. Người thứ hai là thầy dạy môn Lịch sử, là người bạn thân nhất thời cùng dạy của tôi. Thầy đã 76 tuổi, bị bệnh tim và nay phổi đã xẹp đang phải mệt nhọc thở ô xy. Nước mắt thầy trào ra, môi liên tục mấp máy nhưng không phát được thành tiếng. Chúng tôi đứng lặng nhìn các thầy rồi mắt cứ nhòa đi và lệ chảy... Đứng trước sân của nhà cấp cứu bệnh viện Việt- Xô, tôi nói với các em: “Các em biết không, đã có 2 loại nước mắt đấy. Nước mắt của chúng ta là nước mắt của thương cảm, còn nước mắt của hai thầy là nước mắt của hạnh phúc khi ở giờ phút này được nắm bàn tay ấm áp của đồng nghiệp và học trò”. Tiễn tôi về lại Quảng Trị, gần 30 em học sinh cũ ở Hà Nội (hầu hết đã nghỉ hưu) tổ chức một buổi gặp với lý do: Ngày 20/11 không gặp được thầy. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ thời chống Mỹ rồi đối chiếu với sự trưởng thành của các em hôm nay, tôi thấy mừng và xúc động quá. Tôi tự nói với lòng mình: Người ta nói hạnh phúc của người thầy là ở sự phát triển của học trò, điều ấy thật đúng. Trước mắt tôi là các em đã lên ông, lên bà nên tôi nảy ra đề xuất mới. “Từ nay, thầy đề nghị các em gọi thầy là “anh” cho gần gũi”. Một em nữ (là nhà báo) đáp ngay: “Xin thầy đừng bắt chúng em làm điều trái với lòng mình. Chúng em hiểu, chữ “Thầy” không đồng nghĩa với quyền lực, càng không đồng nghĩa với tiền bạc. Chúng em gọi “Thầy” bởi đằng sau đó là tình cảm kính trọng và biết ơn; và khi thầy xưng “Thầy” là cả yêu thương và trách nhiệm. Vì vậy xin thầy rút lui ý kiến”. Cả tập thể vỗ tay và “ra nghị quyết” phản đối. Tôi lặng đi trong xúc động. Các em ùa tới, em thì tặng hoa, em thì tặng quà... Tôi thấy thật hạnh phúc với nghề “Trồng người” giàu đạo lý và tình thương mà mình là một thành viên. Ngày tôi trở lại Đông Hà là ngày Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Tại đây, tôi được một người bạn già đưa cho xem bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết tặng thầy mình là giáo sư Hoàng Như Mai. Tôi cũng là học trò của thầy Mai nên say sưa đọc. Thế là trong 4 ngày tôi đã ở hai vị thế: 3 ngày trước là thầy để tiếp nhận tình cảm của học trò còn hôm nay là học trò hướng tâm về thầy cũ của mình. Tôi đồng cảm sâu sắc với nhà thơ khi anh nói: Thầy gắn bó với mình suốt đời. Cái giọng nói một đời không quên được Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt Suốt bao năm rồi ấm mãi trong lòng son. Và sự thật chia sẻ với anh về nỗi niềm khi thầy trò tái hợp: Con ngước lên gặp ánh mắt thầy Đầm ấm quá, con thành trẻ nhỏ. Cho nên anh hoàn toàn đúng khi khẳng định: Con nghe rất nhiều trong lặng im Thầy thấu cả những điều con chưa nói Phút giao cảm thầy là tia nắng rọi Con- cây xanh đang nảy lộc trong đời. Tôi đã từng tin và hôm nay lại càng tin rằng: Tình cảm tốt đẹp thầy- trò được khẳng định từ bao đời không những sẽ được giữ gìn mà còn được phát triển với những nét đẹp mới. Và đó là một đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội lành mạnh, dân chủ, văn minh và hướng thiện mà tất cả chúng ta đang hướng tới. TRƯƠNG SỸ TIẾN