Tết Rồng kể chuyện “Rồng lửa”
(QT Xuân 2012) - Tháng 4/1971, sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chúng tôi được lệnh rút về hậu cứ (Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) để bổ sung quân và rút kinh nghiệm, tổ chức huấn luyện theo định hướng mục tiêu tác chiến trong chiến dịch mới. Cứ theo “thông lệ”, sau chiến dịch đánh giao thông chặn viện trên trục đường 9, lần này, bài tập huấn luyện sẽ lại là“chặn đầu, khóa đuôi, chia cắt” đội hình cơ giới như vừa mới thực thi trên đường 9, và vẫn còn “nóng sốt”. Vậy nhưng khác hẳn với những dự đoán của các “tham mưu con”, bài tập lần này có vẻ như là bài đánh công kiên khi “đạo cụ” cho bài tập lại là những tuyến rào thép gai, những lô cốt, công sự… cùng những thuật ngữ, cửa mở, cường tập, thọc sâu với phương châm: quyết, vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt (sau này đưa áp dụng vào giảng dạy tại các học viện…bỏ chữ quyết, còn lại cụm từ: Vây, lấn, tấn , phá, triệt, diệt)… Tóm lại, những “nguyên liệu” làm nên cái món “công đồn, diệt điểm” có vẻ đã đủ đầy, ngoại trừ những ống bộc phá, một vũ khí tự tạo đã trở thành “kinh điển” trong chiến thuật phá rào, mở cửa công đồn. Cứ vậy, lính ta cho dù vẫn bán tín bán nghi, đoán già đoán non rằng: Đánh công kiên sao không dùng bộc phá ống? Không đánh công kiên sao lại lập sa bàn hàng rào, công sự?...
 |
Thăm Bảo tàng Quảng Trị. Ảnh: VMH |
Đem chuyện này thắc mắc với cấp trên, những tưởng câu trả lời sẽ đơn giản như một cộng một bằng hai, vậy nhưng lần này, câu trả lời như nửa chừng, và có vẻ rất… bí hiểm, rằng: Các bộ phận hãy cứ tập nhuần nhuyễn công đoạn thọc sâu, chia cắt trong bài tập đánh công kiên vào cụm cứ điểm. Còn công đoạn đột phá mở cửa lần này sẽ có “rồng lửa” thực hiện !? Còn “rồng lửa” hay là vũ khí mới thì phải đợi đến thời gian cuối thời gian tập huấn. Lúc đó các đồng chí sẽ được làm quen, theo đúng tinh thần mắt thấy, tay sờ vào “rồng lửa” trước khi nhận nhiệm vụ với mục tiêu cụ thể. Nghe vậy, biết vậy, dù chưa thỏa sự tò mò của các “tham mưu con”, nhưng quân lệnh “bất khả từ”, các buổi tập vẫn diễn ra với tinh thần “Thao trường ta đổ mồ hôi/Chiến trường ta sẽ bớt rơi máu đào”. Cho đến tuần thứ 3, các đại đội trong tiểu đoàn được lệnh tập trung về đồi sim cao nhất trong dãy đồi được chọn làm thao trường. Tới nơi, đã thấy tiểu đoàn trưởng cùng một anh chàng lính cao nhỏng lúi húi bên “một đống” các ống tre dài khoảng một mét… Tuy không ai bảo ai, nhưng lính ta cứ xì xầm: Tưởng gì, rốt cuộc cũng lại là… bộc phá ống. Có điều lạ, các ống bộc phá “đạo cụ” lần này không được nối thêm cái đầu bằng gỗ vót nhọn cho dễ xuyên rào như cách tạo bộc phá ống “kinh điển”. Có vẻ như không bỏ sót một lời xầm xì của cánh lính trong đội hình, sau lời giới thiệu ngắn như không thể… ngắn hơn của thủ trưởng tiểu đoàn, anh chàng lính cao nghều đi cùng với tư cách là trợ lý quân giới (trợ lý vũ khí đạn) nhanh chóng cầm lên một ống tre và khẳng định: - Đúng, đây là một ống bộc phá, nhưng là 1 trong 80 ống bộc phá được nén thuốc nổ C4 trong “bộ” vũ khí có tên FR, loại vũ khí “đột phá khẩu” mới . Như không để ý đến vẻ ngạc nhiên của những người lính đứng thành khối “khán giả”, người trợ lý quân giới lấy ra một cuộn dây dù, sợi to bằng cán liềm và lần lượt lấy từng “ống tre” kết vào sợi dây, mỗi ống dãn cách chừng hơn một mét, và chỉ một loáng sau, dây ống đã hoàn thành, trông như dây pháo ngày tết.
 |
Ký ức chiến tranh. Ảnh: LBD |
Vẫn lời giới thiệu của người trợ lý quân giới, vũ khí FR sẽ là chuỗi các ống nổ dài được nối liên kết trong khoảng 100 mét giữa một đoạn dây dù với tổng chiều dài chừng hơn 300 đến 500 mét được kéo bằng động cơ có động cơ DKB (tên lửa kéo, còn gọi là Kachiusa do Việt Nam sản xuất). Với dây chuỗi ống nổ liên kết như dây pháo tống, được bố trí phù hợp với cự ly theo tính toán chính xác từng mét và sau khi được kích hoạt, nó sẽ tự động tạo ra một chuỗi nổ liên tục, phá mở một khoảng rào dài trên dưới 100 mét, rộng khoảng 5 mét. Tính về “công lực” dây nổ này hoàn toàn thay thế cho 80 người lính xung kích lần lượt ôm bộc phá lên phá từng đoạn rào theo cách cổ điển để bộ đội tấn công đánh chiếm cứ điểm. Nhưng điều quan trọng hơn, nếu tính về “sinh lực”, nó làm giảm hẳn khả năng thương vong cho 80 người lính… Tháng 6 năm 1971 Sau khi hoàn thành “khóa học” về “thân thế, công năng” các loại “rồng lửa” FR, chúng tôi được lệnh vào chiến dịch với mục tiêu cụ thể là đánh chiếm cao điểm 544 (Fulơ) – con mắt thần quan trọng bậc nhất trong uyến hàng rào điện tử Mc.Namara (Do Robert Mc.Namara - bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ đề xướng và trực tiếp chỉ đạo thực hiện từ năm 1966). Để có thể vừa phá mở qua 7 lớp rào thép gai, vừa tạo nên một vệt công phá sâu, cắt ngang toàn bộ cụm công sự, trận địa pháo trên dỉnh cao điểm, tạo chuỗi nổ bất ngờ với sức công phá lớn, liên tục uy hiếp đối phương, thay vì sử dụng FR-A (chỉ phá được hàng rào thép gai), cấp trên quyết định cho sử dụng FR-B với khả năng mở cửa rộng 4- 6m, sâu hơn 100 m rào dây thép gai, vừa có khả năng hủy triệt để các loại mìn và phá hủy các công sự… Theo tính toán chi tiết các thông số cự ly do anh em trinh sát thu thập mới nhất, phương án hiệp đồng chiến đấu giữa bộ phận sử dụng FR-B với lực lượng tấn công sau mở cửa được vạch ra chi tiết. Theo đó tiểu đoàn 2 sẽ có một bộ phận gọn nhẹ bí mật chiếm vị trí áp sát tuyến rào phía đông bắc cao điểm, và bằng mọi giá giữ vững vị trí này để đêm đến, đơn vị sẽ tập kết quân và “gùi” từng khúc thân “rồng lửa ” FR-B lên tiếp cận hàng rào. Tại vị trí này, đuôi “rồng” sẽ được cài buộc vào một chiếc neo chôn sâu vào đất, phần đầu “rồng” gắn vào thân quả tên lửa DKB được đặt trên chiếc bệ phóng tự tạo bằng cách khoét vào đất thành hình máng nghiêng 45 độ… và với các tính toán chi li từng mét… Sau khi phát hỏa, chiếc tên lửa DKB kéo theo dây nổ bay cắt ngang qua đỉnh 544, khi hết tầm dây neo, sẽ tự “hạ” cả thân “rồng” phủ suốt từ đầu hàng rào ngoài cùng đến hết phần đỉnh cao điểm, vừa đủ để các quả nổ sau khi bị tời đột ngột lên cao, các quả sắt nối vào nụ xòe theo lực đối trọng sẽ tự kích nổ gây cháy dây cháy chậm để khi thân “rồng” vừa chạm đất sẽ lần lượt phát nổ theo chiều ngược lại điểm xuất phát. Lần đó, với nhiệm vụ được phân công, tôi đã dẫn theo 3 tay súng trong trung đội lên chiếm lĩnh đồi thám báo, để rồi như dự đoán, sau một ngày quần nhau với 2 đại đội lính ngụy để giữ bàn đạp cho đơn vị tập kết quân và vũ khí theo phương án, đến khi đạn hết, cả hai người còn lại đều bị thương, tôi đã quyết định thực hiện phương án 2, gọi pháo 120 của ta bắn thẳng vào trận địa,chấp nhận hy sinh để giữ bàn đạp đến đêm cho đơn vị bí mật đưa “rồng lửa” vào áp sát mục tiêu. Đêm đó, do bị thương nặng và ngất lịm đến sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, nhận ra mình đang nằm cùng các thương binh khác trong hầm phẫu tiền phương. Kế bên là Trương Hùng Biểu, anh bạn thân cùng đại đội, tay bó trong băng đang ngồi dựa lưng vào vách hầm phẫu. Thấy tôi ú ớ hỏi về trận đánh đêm qua, Biểu xuýt xoa: “Tiếc quá, Dương bị thương ra sớm, nếu không sẽ được thấy “rồng lửa” của mình công phá 544 thế nào”. Bồng bềnh trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, qua tiếng Biểu đều đều thuật chuyện, tôi đã“nghe thấy” sau tiếng ùm phát nổ, quả DKB phun dài đuôi lửa màu cam kéo theo dây nổ FR-B xé gió qua đỉnh cao điểm cho đến hết tầm, khi tiếng hú của quả tên lửa chưa hết, đã nghe liên tục tiếng nổ ầm ầm nối chuỗi liên hoàn theo một máng lửa ngầu đỏ cuồn cuộn đúng như một con rồng lửa khổng lồ chụp cắt ngang cao điểm 544… và rồi tiếng khẩu lệnh xung phong, tiếng súng tiểu thanh, tiếng loa gọi hàng của các hướng xung kích ran lên khắp cao điểm từng được coi là “bất khả xâm phạm”. Vâng, mãi cho đến cuối năm, khi đọc lại bài thơ của người lính già đơn vị kể về trận đánh chiếm cao điểm 544 ngày đó, một trận đánh hiệp đồng giữa bộ binh xung kích dày dạn kinh nghiệm công đồn với tiếng nổ, sức công phá áp đảo của vũ khí mới mà ngay cả đám hàng binh ngụy cũng phải kinh hoàng rằng: B52 của quân giải phóng thật khủng khiếp như một con rồng lửa. Vâng, thời chiến tranh chống Mỹ, tại Quảng Trị đã xuất hiện rồng lửa như vậy. LÊ BÁ DƯƠNG