Cập nhật:  GMT+7

Rà soát thực trạng vùng sản xuất để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội phát triển cây cà phê

Hôm nay 9/12, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị tổ chức hội nghị truyền thông về quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) và đánh giá kết quả đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tính đến năm 2025. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị.

Rà soát thực trạng vùng sản xuất để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội phát triển cây cà phê

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: L.A

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, tính đến năm 2025, trong giai đoạn 2017 - 2024 đã thực hiện trồng mới và tái canh được 1.089 ha cà phê, đạt 57% kế hoạch.

Diện tích đốn đau trẻ hóa vườn cây được 200 ha, đạt 44% kế hoạch, tập trung vào 10 xã, thị trấn trồng cà phê chủ lực trên địa bàn huyện Hướng Hóa, bao gồm: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh. Tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2024 hơn 145,7 tỉ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ của Nhà nước hơn 7,4 tỉ đồng; nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và đối ứng của người dân gần 138,3 tỉ đồng.

Theo đánh giá, đề án đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, chuyển giao kỹ thuật, có cơ chế chính sách hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các gói tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đến các chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ. Đã trẻ hóa được một phần diện tích vườn cây cà phê già cỗi, nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi.

Đến nay, hầu hết các vườn cà phê tái canh đều sinh trưởng tốt, nhiều vườn đã cho thu hoạch, năng suất từ 15 - 17 tấn quả tươi/ha, cao hơn các vườn cà phê già cỗi (10 - 15 năm tuổi) từ 1,2 - 1,5 lần, đạt mục tiêu đề án đưa ra. Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng và khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Về quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR), đây là quy định mới nhất của Ủy ban Châu Âu (EC) liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững. Theo quy định EUDR, Châu Âu cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó.

Quy định này có hiệu lực từ sau ngày 30/12/2025 đối với các nhà điều hành, thương nhân lớn và 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Để thích ứng với quy định EUDR đối với ngành hàng cà phê và các hàng hóa, sản phẩm khác trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về việc triển khai Khung hành động thực hiện thích ứng với Quy định xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đang tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Rà soát thực trạng vùng sản xuất để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội phát triển cây cà phê

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: L.A

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, cà phê là một trong 6 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Phát triển sản xuất cà phê có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh, nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo QP - AN vùng biên giới.

Do vậy, để tiếp tục phát triển ngành hàng cà phê bền vững, thích ứng với quy định EUDR, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR trên địa bàn tỉnh; chủ trương định hướng, chính sách phát triển cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định về sản xuất, xuất khẩu ngành hàng cà phê và các hàng hóa, sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng.

Giao UBND huyện Hướng Hóa trên cơ sở định hướng quy hoạch cà phê của cả nước, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn trên cơ sở quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện tiến hành rà soát quy hoạch, lựa chọn và định hình quy hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản giai đoạn 2025 – 2030, định hướng 2050.

Sở Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở đánh giá kết quả tái canh cà phê giai đoạn 2017 - 2025 rà soát thực trạng vùng sản xuất cà phê để tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội; triển khai các giải pháp nhằm phát triển cà phê đặc sản, cà phê nông lâm kết hợp, định hướng đưa sản phẩm cà phê đặc sản xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Tiếp tục thu hút, mời gọi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư hình thành các vùng trồng, xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm cà phê đặc sản. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối cà phê chất lượng cao, đặc sản.

Khuyến khích các hình thức liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp với nông dân, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ.

Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị tiếp tục quan tâm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đẩy mạnh tái canh diện tích cà phê già cỗi, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về quy trình sản xuất, thu hái và chế biến cà phê. Đầu tư hoàn thiện dây chuyền, công nghệ chế biến đáp ứng quy định về môi trường và yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Lê An

Tin liên quan:
  • Rà soát thực trạng vùng sản xuất để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội phát triển cây cà phê
    Hướng Hóa rà soát, thu hồi cây cà phê giống kém chất lượng

    Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2023, huyện Hướng Hóa cấp 332.000 cây cà phê giống cho nông dân trong huyện theo chương trình tái canh cà phê. Sau khi nhận giống, nhiều nông dân phản ánh giống cây kém chất lượng, không đảm bảo khi trồng trên thực địa. Trong ngày 10 và 11/10, lực lượng chức năng đã rà soát, thu hồi hàng chục nghìn cây cà phê giống kém chất lượng.

  • Rà soát thực trạng vùng sản xuất để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội phát triển cây cà phê
    Đánh giá đặc thù về cảm quan sản phẩm cà phê Khe Sanh

    Hôm qua 1/4, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa phối hợp với Sở KH&CN Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa và Công ty TNHH Pun Coffee tổ chức hội nghị đánh giá đặc thù về cảm quan sản phẩm cà phê Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị.

  • Rà soát thực trạng vùng sản xuất để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội phát triển cây cà phê
    Cà phê đặc sản Khe Sanh - Hiện thực và triển vọng

    Cà phê đặc sản là sản phẩm cà phê phải đạt được ít nhất 80/100 điểm theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản Thế giới (SCA) xét trên 10 tiêu chí về chất lượng và hương vị. Hiện thị phần cà phê đặc sản chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới, nhưng lại có giá trị cao gấp nhiều lần so với sản phẩm cà phê thông thường. Do vậy, phát triển cà phê đặc sản được xem là hướng đi triển vọng, mở ra cơ hội nâng cao hình ảnh cà phê Khe Sanh, đồng thời cải thiện thu nhập cho nông dân.


Lê An

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long