Phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy nhanh công tác giảm nghèo
* NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
|
Xóa đói giảm nghèo là chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN. Nhà nước đã cụ thể hóa bằng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đồng thời đã tập trung nguồn lực thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đối với một bộ phận nhân dân nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng mang tính nhân văn sâu sắc, phát huy bản chất tốt đẹp của dân tộc, góp phần phát triển đất nước ổn định, bền vững. Đối với tỉnh Quảng Trị, Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo trước đây và nay là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong việc chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV xác định: “Tích cực giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; huy động các nguồn lực, đầu tư hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, tăng cường các dịch vụ công cho người nghèo, vùng nghèo, đối tượng chính sách… để tạo nhiều việc làm mới và thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt từ 2,5% - 3%, trong đó vùng miền núi phấn đấu đạt trên 4%/năm”... Trong những năm qua, ngoài việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 80/2011/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện Đakrông theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2012/ NQ-HĐND ngày 13/4/2012 thông qua Đề án về giảm nghèo bền vững đối với 9 xã và 23 thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao giai đoạn 2012-2015 từ 50% trở lên. Đây được xem là một một chính sách lớn của tỉnh nhằm đẩy mạnh công cuộc xoá đói giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhanh, mạnh mẽ về đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, đồng bào dân tộc ít người ở những địa phương ngoài Nghị quyết 30a. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua còn nhiều khó khăn, thiên tai liên tục xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhà nước và nhân dân; tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên và sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp; sự tham gia, vận động, giám sát của MTTQ và các hội, đoàn thể; sự phối hợp tích cực trong tổ chức triển khai của các ngành và địa phương, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, đạt được nhiều kết quả, cụ thể: Cùng với việc tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sát sao hơn, cụ thể hơn. Những chính sách giảm nghèo do Chính phủ ban hành đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng triển khai đồng bộ cùng với nguồn kinh phí huy động từ ngân sách nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi, hạ tầng cơ sở, các cơ sở dịch vụ sản xuất, đời sống người dân được nâng cao, đời sống các hộ nghèo được cải thiện rõ rệt. Các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã đưa chương trình giảm nghèo vào trong Nghị quyết của Đảng bộ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình; việc phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành rõ ràng; một số chính sách, dự án đã được kế hoạch hoá từ cấp xã đến cấp tỉnh trên cơ sở xã hội hoá các hoạt động, xã hội hoá các nguồn lực: tỉnh, huyện, xã và nhân dân cùng tham gia. Chương trình giảm nghèo đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng đông đảo của toàn xã hội. Các phong trào “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh... đã thu hút đông đảo sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của chương trình, mang lại hiệu quả thiết thực. Về thực hiện các chính sách, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, trong đó thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công nhưng vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo; đồng thời, tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo; ban hành một số các chính sách hướng tới người nghèo, cận nghèo như các chính sách về tín dụng, y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, tạo việc làm… nhằm giúp giảm nghèo bền vững đã được người dân đồng tình và đánh giá cao. Theo đó, tỉnh cũng quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn vốn thực hiện đáp ứng được yêu cầu đề ra, đảm bảo tính kịp thời trong thực hiện chi trả, hỗ trợ đối tượng theo quy định. Nhìn chung, người nghèo, người cận nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước, cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện, thị xã, thành phố giảm nhanh, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện.
|
Đồng chí Vương Đình Huệ, UVTƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư và lãnh đạo tỉnh thăm quan mô hình trồng tiêu tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Về mục tiêu giảm nghèo, mặc dù gặp khó khăn về kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhưng trong 4 năm (2011- 2014), thông qua tác động, hiệu quả việc thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo, toàn tỉnh có 13.074 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 19,70% năm 2011 xuống còn 11,76% năm 2013 và ước còn 9,54% vào cuối năm 2014 (Bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,54%). Kết quả giảm nghèo được đánh giá cơ bản phản ánh đúng thực chất đời sống của người dân; đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, Đề án giảm nghèo bền vững đối với các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% đã đạt được một số kết quả bước đầu; tỷ lệ giảm nghèo ở vùng thuộc đề án nhanh hơn so với những năm trước. Đời sống của người nghèo được cải thiện một bước về điều kiện sống, nhận thức của người nghèo được nâng lên, người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; một số nhu cầu thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, tạo thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng nghèo đói, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của gia đình và bản thân. Chương trình giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền; người nghèo đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn xảy ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quyết liệt; việc triển khai một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo còn chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình giảm nghèo ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa làm chuyển biến nhận thức của nhân dân trong công tác giảm nghèo; tình trạng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước ở một số nơi còn khá nặng nề. Công tác giảm nghèo ở các địa phương miền núi, các xã bãi ngang ven biển chưa thực sự bền vững. Công tác bình xét, xác nhận hộ nghèo ở một số nơi độ chính xác chưa cao; việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo còn có những hạn chế chậm được khắc phục như hỗ trợ lương thực cho người nghèo, cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế... Để phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm hộ nghèo từ 2,5 - 3,0%/năm theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về công tác giảm nghèo, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 1. Tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá... tại các địa phương, trong đó đặc biệt ưu tiên cho những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. 2. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác giảm nghèo. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo, các chính sách, đề án về giảm nghèo tại các địa phương, cơ sở, nhất là những vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm phát hiện những hạn chế, tồn tại trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kịp thời chỉ đạo uốn nắn những tồn tại, hạn chế để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo trong thời gian tới. 3. Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân đói nghèo để phân loại hộ nghèo, từ đó có những điều chỉnh hợp lý trong chính sách hỗ trợ, đưa ra được các giải pháp cụ thể, có tác động trực tiếp vào nguyên nhân gây ra nghèo đói như: thiếu vốn, thiếu phương tiện và kỹ thuật sản xuất, do thất nghiệp, thiếu việc làm... để có biện pháp hỗ trợ vốn vay, đất sản xuất, tập huấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... cho từng nhóm đối tượng đói nghèo do các nguyên nhân trên gây ra nhằm giúp họ thoát nghèo. Đồng thời, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, học nghề, giải quyết việc làm; ưu tiên dành những nguồn hỗ trợ từ các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các quỹ xã hội… giúp đỡ cho các đối tượng là hộ nghèo thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Phải có sự phân định và tách biệt rõ ràng nhóm đối tượng cần sự trợ giúp về trợ cấp xã hội như người khuyết tật, người cao tuổi để tránh việc người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm làm chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự vươn lên thoát nghèo. Các cấp, các ngành phải quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững; xác định rõ trách nhiệm, chủ động thực hiện những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và sự phân công, có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ; kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là bố trí cán bộ có kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác giảm nghèo ở cơ sở, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp. 5. Phải thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Trong quá trình thực hiện phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội, gắn kết chương trình, dự án khác với chương trình mục tiêu giảm nghèo. Công tác giải ngân nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi phải được gắn liền công tác tập huấn khuyến nông - lâm - ngư, đào tạo nghề, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho hộ nghèo. 6. Tập trung ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; chú trọng huy động các nguồn lực ngoài ngân sách như: Quỹ vì người nghèo, sự hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ nước ngoài… hỗ trợ cho nhân dân ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, những xã, thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% 7. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, công khai trong quá trình điều tra, xác nhận hộ nghèo để có những thông tin, số liệu hộ nghèo phản ánh đúng thực chất về kết quả giảm nghèo trên địa bàn thời gian qua. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, vận động nhân dân tự nguyện, phấn đấu ra khỏi diện hộ nghèo. 8. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống dạy nghề, đào tạo nghề phải gắn với sản xuất, với nhu cầu của từng đối tượng và nhu cầu giải quyết việc làm của họ; tổ chức sơ kết, tổng kết, kịp thời nhân rộng mô hình, điển hình làm ăn hiệu quả. 9. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để trợ giúp đối tượng người nghèo như: hỗ trợ y tế, giáo dục; giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ các nguyên nhân rủi ro.