Cập nhật: Thứ 4, 26/11/2014 | 08:38 GMT+7

Nhận diện lợi ích nhóm, kiên quyết đấu tranh với nhóm lợi ích tiêu cực hiện nay

(QT) - “Lợi ích nhóm” là một cụm từ, một thuật ngữ đang được nhắc đến nhiều trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, phân cấp đầu tư chưa phù hợp; có nơi, có lúc còn bị chi phối bởi tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm”. Theo nguyên nghĩa, lợi ích nhóm là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡlẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó. Xét về mục đích và tính chất, lợi ích nhóm có thể phân chia thành hai loại: lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực. Lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của một nhóm người. Trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khác nhau, việc hình thành lợi ích nhóm tích cực là một nhu cầu khách quan, chính đáng, tự nhiên. Lợi ích của các thành viên trong tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật... cũng là lợi ích nhóm tích cực. Như vậy, lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, phù hợp, hướng tới và hài hòa với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc và quốc gia.

Công viên Lê Duẩn, thành phố Đông Hà - Ảnh: THÀNH DŨNG

Lợi ích nhóm tiêu cực là lợi ích cục bộ của những đơn vị, địa phương, của những nhóm người xác định, xung đột, mâu thuẫn với lợi ích chung của nhân dân, của xã hội và thậm chí với quốc gia, dân tộc. Lợi ích ở đây không chỉ là lợi ích vật chất mà nó còn bao hàm tất cả những gì mà người ta muốn có, như danh tiếng, quyền lực, sự thuận lợi, thăng tiến, vị trí làm việc cho bản thân và người thân trong gia đình... Ở mức độ cao thường là lợi ích chỉ phục vụ cho một nhóm người nhất định, tính cố kết, liên thông, móc ngoặc chặt chẽ, khép kín và tinh vi hơn. Khác với các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Ca-na-đa và nhiều quốc gia khác, nơi mà ở đó các nhóm lợi ích chủ yếu thường nằm bên ngoài quyền lực muốn tác động vào chính sách của chính phủ để có lợi cho nhóm phải thông qua các vận động hành lang (lobby), ở Việt Nam, các nhóm lợi ích phần lớn nằm bên trong các cơ quan công quyền, hoặc có sự liên hệ chặt chẽ đến các cơ quan, tổ chức nhà nước. Thực tế này nói lên tính nguy hiểm và khó kiểm soát đối với các nhóm lợi ích tiêu cực ở nước ta hiện nay. Những nhóm lợi ích hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ việc, vây quanh một số cá nhân quyền lực nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo quan hệ cá nhân, có thể đặt quan hệ trực tiếp, hay qua con cái, thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Trên thực tế, một trong những biểu hiện của các nhóm lợi ích tiêu cực là những người có chức vụ, quyền hạn có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, thậm chí tạo ra các doanh nghiệp “sân sau”, cấu kết chặt chẽ với nhau để đưa các dự án, đầu tư hấp dẫn cho mình. Họ tận dụng tối đa cơ chế xin - cho để trục lợi, thao túng chính sách, thị trường, nhằm mang lại lợi ích cho nhóm. Từ một số vụ án lớn như ở Ban Quản lý các dự án 18 (PMU 18 - Bộ Giao thông vận tải), với những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, đấu thầu, tổ chức xây dựng các công trình giao thông, đến các vụ tham nhũng lớn ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam -Vinashin, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines; Công ty Cho thuê tài chính II của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, liên quan đến nhiều cán bộ có chức có quyền, cả cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật, gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng... Rồi vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm cấu kết buôn tiền trái phép, thông qua việc sở hữu chéo ngân hàng, thao túng thị trường gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước và doanh nghiệp… Biểu hiện lợi ích nhóm trong trong việc xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật để có những điểm sai về nội dung, trái luật, không phù hợp về tính hợp hiến, hợp pháp, từ đó tạo việc lách luật, làm luật vì lợi ích nhóm. Hay biểu hiện của lợi ích nhóm trong công tác tổ chức cán bộ dễ thấy là việc tạo quan hệ, móc ngoặc với những người có chức, có quyền quyết định để được bố trí, đề bạt, luân chuyển vào các vị trí mong muốn trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác đó, mà chỉ nhằm mục đích cho người của mình, người thân quen, đồng hương, chiến hữu ở những vị trí được coi là “béo bở”, hoặc để cho dễ sai khiến trong thực hiện công việc chung vì lợi ích riêng. Khi lợi ích nhóm tiêu cực chi phối, tác động sẽ làm méo mó chính sách, suy yếu tổ chức đảng, chính quyền, đe dọa sự lành mạnh của nền kinh tế, phát sinh tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Vì vậy lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích tiêu cực, cần phải lên án, cần phải đấu tranh, ngăn chặn, tiến đến loại bỏ . Để ngăn chặn sự hình thành, phát triển của các nhóm lợi ích tiêu cực, cần có những giải pháp đồng bộ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Muốn vậy, cần một hệ thống giải pháp hoàn chỉnh, đồng bộ. Nhưng trước hết cần có hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đầy đủ, thống nhất ở các lĩnh vực, không còn kẽ hở để lợi dụng, lách luật, nhằm trục lợi cá nhân . Nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về tác hại của nhóm lợi ích tiêu cực và lợi ích nhóm tiêu cực để từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, quy định, quyết định cũng như tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 14/5/2011 và Quy định số 101-QĐ/ TW của Ban Bí thư, ngày 7/6/2012, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, xử lý kiên quyết, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, nhất là thực hiện 19 điều quy định đảng viên không được làm. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và cơ quan công quyền. Nêu cao vai trò của báo chí trong tuyên truyền, phát hiện những biểu hiện tiêu cực của nhóm lợi ích, làm trong sạch các tổ chức đảng, bộ máy chính quyền. TỪ QUANG HOÁ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

POWERED BY
Việt Long