Cập nhật: Chủ nhật, 14/04/2019 | 05:52 GMT+7

Nơi tình người tỏa sáng

(QT) - Hơn 40 bệnh nhân bị bệnh tâm thần phân liệt được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh là những phận đời đáng thương. Nhưng ít ra, khi được đưa vào đây, dưới sự chăm sóc tận tình của cán bộ, nhân viên trung tâm, họ đã có những tháng ngày bình yên, có những phút giây được trở thành những con người bình thường khi thoát khỏi “vùng hoang tưởng”. Nơi đây, tình người luôn tỏa sáng…

Bệnh nhân nam sinh hoạt tập thể​

*Mỗi bệnh án, một phận đời

N. ở Triệu Phong là một trong số ít ỏi các bệnh nhân nữ được đưa vào trung tâm. Một người phụ nữ nào đó có thai ngoài ý muốn, đã sinh ra em rồi mang bỏ trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng. Có hai vợ chồng quê ở Quảng Trị hay tin, vào tận nơi xin nhận em làm con nuôi. Họ cưới nhau đã lâu nhưng không có con. Tuy nhiên, những tháng ngày hạnh phúc trong vòng tay ba mẹ nuôi không kéo dài được lâu. Học lớp 11, người nhà phát hiện em bị bệnh tâm thần phân liệt, đưa vào điều trị tại Huế. Thời gian đó, vợ chồng ba mẹ nuôi li hôn, mẹ bỏ vào Nam lập gia đình mới, ba cũng lập gia đình và cả hai đều có con với chồng, vợ mới. N. được trung tâm đón từ Huế ra chăm sóc. Bệnh của N. là luôn hoang tưởng được gặp người yêu và được yêu. Người yêu ở đây chính là các nhân vật trong phim mà N. đã từng xem. Ngoài câu chuyện đó, điều em quan tâm nhất mỗi lần gặp cán bộ, nhân viên của trung tâm là câu hỏi: Sao ba và các chị (họ) không về thăm con? Trong kí ức lúc nhớ lúc quên, đó là những gì em nhớ và khao khát nhất.

B. đến từ Gio Linh được coi là bệnh nhân “thông minh” nhất trung tâm vì thành tích học tập trong quá khứ. Người thanh niên này sinh ra trong một gia đình có ba làm nghề giáo. Từ nhỏ B. đã học rất giỏi, lên cấp 3 thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Con đường học hành trải rộng với sự kì vọng của gia đình, thầy cô và bạn bè khi B. tiếp tục thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Vậy nhưng căn bệnh tâm thần phân liệt đã kéo em ra khỏi những ước mơ về một tương lai dài rộng phía trước, đẩy gia đình em vào tận cùng nỗi đau. 7 năm bị bệnh nằm ở nhà, ba mẹ dù rất đau lòng cũng phải xích em lại một chỗ, mỗi lần nhìn con là một lần nước mắt rơi. Được đưa vào trung tâm, những ngày đầu B. luôn gây náo loạn, không chịu hợp tác hoặc ngồi im lặng suốt cả ngày.

Bệnh nhân H. quê ở Vĩnh Thành, Vĩnh Linh có vóc dáng nhỏ bé. Hoàn cảnh gia đình H. bi đát nhất so với những bệnh nhân ở trung tâm này. Nhà có ba chị em thì cả ba đều bị tâm thần. Một gia đình ở nông thôn, thu nhập chỉ trông chờ vào mảnh ruộng và hoa màu trong vườn thì đó là gánh nặng khủng khiếp. Vậy mà sau này, ba H., là trụ cột trong gia đình cũng bỏ mẹ con H. về thế giới bên kia. Bệnh nặng cùng sự thiếu thốn về kinh tế cũng như người trông coi, H. bỏ nhà lang thang đầu đường xó chợ. Người nhà tìm về được dăm ba bữa H. lại bỏ đi. Cơ thể gầy gò là hậu quả của những ngày lang thang, bữa đói nhiều hơn bữa no. Mẹ H. phần phải vất vả mưu sinh, phần còn lo cho hai em của H. nằm một chỗ nên không có thời gian chăm sóc em. Cuối cùng, gia đình phải cầu cứu trung tâm, nhờ đưa H. vào đây chữa trị.

Bệnh nhân T. luôn hoang tưởng có người giết mình. Vì thế, một ngày cách đây đã lâu, trong cơn hoang tưởng của bệnh tật, T. đã cầm dao đâm những nhát chí mạng vào người vợ của mình, đẩy gia đình vào tận cùng bi kịch. Vào trung tâm được hơn 9 tháng, T. luôn gây sự với người khác, vì hoang tưởng mình là đại ca. Còn bệnh nhân Đ. vừa bị tâm thần, vừa nghiện rượu. Bệnh nhân này đã có một thời gian dài điều trị ở Khoa Tâm thần của Bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Vậy nhưng hiện tại, Đ. là bệnh nhân có nhiều tiến bộ nhất ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1.

Bệnh nhân nữ chuẩn bị bữa ăn trưa​

Không thể kể hết ra đây hồ sơ của 45 người bệnh được điều trị ở trung tâm này. Chỉ biết đằng sau mỗi hồ sơ bệnh án là số phận của một con người, một gia đình với nỗi đau và bi kịch giống nhau. Không ai chọn lựa được số phận để sinh ra. Những người bệnh này cũng thế. Có lẽ, trong phút giây tỉnh táo hiếm hoi nào đó, họ cũng muốn mình trở thành những con người bình thường để không là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Đưa người bệnh thoát khỏi “vùng hoang tưởng”

“Chào nhà báo! Nhà báo đi viết bài à?”.

Giật mình với câu chào hỏi hết sức bình thường của một người bệnh, quay sang hỏi anh Trần Văn Thành, giám đốc trung tâm thì được giải thích: “Nếu điều trị ổn định, nhìn bề ngoài khó phát hiện ra người bị bệnh tâm thần phân liệt. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong việc giúp người bệnh ổn định là đưa họ thoát khỏi vùng hoang tưởng của bản thân bằng các hoạt động lao động trị liệu, sinh hoạt tập thể và có sự giao tiếp trong quá trình làm việc. Các hoang tưởng thường sẽ nổi dậy trong môi trường một mình, không có sự giao tiếp”.

Sau câu chào hỏi đó, nhiều bệnh nhân vây quanh để được trò chuyện với người lạ. Bệnh nhân H.: “Tui cũng là nhà báo đây. Tui công tác ở trên mạng đó”. Bệnh nhân N.: “Tui là đồng hương đây, chị nhận ra tui không?”. Bệnh nhân L.: “Hồi nớ tui đi bộ đội, bắn được rất nhiều giặc…”. Mới nghe chừng đó cũng đủ để người lần đầu đặt chân đến đây cảm thấy bấn loạn. Vậy nhưng với những cán bộ ở trung tâm, đó là chuyện thường ngày vì họ chính là những người tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất.

Tham dự một buổi sinh hoạt tập thể của bệnh nhân tâm thần phân liệt, ai cũng ngạc nhiên khi thấy hơn 30 bệnh nhân nam xếp hàng rất trật tự và tuân thủ theo sự điều hành của Nguyễn Thị Duyên, cán bộ điều dưỡng phụ trách chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nam. Nhưng để có được trật tự đó, các cán bộ, nhân viên ở đây đã có những nỗ lực và sự chịu đựng hơn người. Không ai nghĩ một cô gái duyên dáng, nhỏ nhắn như Duyên lại có thể làm việc trong môi trường này, quản lí hơn 30 bệnh nhân nam mắc bệnh tâm thần phân liệt. Đâu chỉ tập cho bệnh nhân sinh hoạt nền nếp và cho uống thuốc đều đặn, cô còn phụ tắm rửa, vệ sinh đối với những trường hợp bệnh không thể tự lập trong khâu vệ sinh thân thể. Duyên sinh năm 1989, quê ở Gio Linh, gắn bó với trung tâm từ ngày mới thành lập. Duyên chia sẻ: “Ngày đầu mới nhận việc cũng vất vả lắm, nhất là những lúc bệnh nhân lên cơn, không tuân thủ sự điều hành của mình. Đến bây giờ vất vả cũng chưa vơi vì chăm một người bệnh bình thường đã khó, chăm một bệnh nhân tâm thần còn khó hơn gấp bội lần. Nhưng khó làm mãi cũng thành quen…”. Nhìn bệnh nhân sinh hoạt trật tự, khu nhà ở sạch sẽ, ngăn nắp là thấy được sự tận tâm với công việc của Duyên và đồng nghiệp. Chừng đó thời gian gắn bó với công việc, tuy chưa dài nhưng cũng đủ để cô rút ra những kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, đó là cứng rắn nhưng phải nhẹ nhàng. Người tâm thần tuy bị bệnh nhưng có ý thức tập thể cao, chỉ cần nhìn nhiều người cùng làm một việc gì đó là họ sẵn sàng bắt chước. Vì vậy, thời gian đầu, để bệnh nhân đi vào nền nếp, Duyên chọn ra một số người bị bệnh thể nhẹ, hướng dẫn họ làm để người khác làm theo. Người tâm thần phân liệt đang ở trạng thái bình thường có thể đột ngột chuyển sang bất bình thường nên nhân viên phải có thêm kinh nghiệm “nhìn mặt đoán tâm tính” để có cách ứng xử linh hoạt.

Các bệnh nhân tham gia hoạt động lao động trị liệu​

Với Lê Thành Phương, nhân viên Phòng Quản lí, bảo vệ thì tuần làm việc đầu tiên kể từ ngày trung tâm tiếp nhận bệnh nhân là khoảng thời gian không thể quên. Dù trước đó được đi tập huấn tại một số trung tâm về cách chăm sóc, quản lí người bệnh tâm thần nhưng khi bắt tay vào công việc mới thấy được sự vất vả. Suốt một tuần, cán bộ nhân viên phải trực cả ngày lẫn đêm, luôn trong tình trạng căng thẳng. Không ai nghĩ một thanh niên cao to như Phương, từng học Khoa Giáo dục thể chất, lại bị bệnh nhân tấn công “như cơm bữa” trong những ngày đầu trung tâm đi làm hoạt động. Nhớ lần bệnh nhân B. mới vào trung tâm, vệ sinh ra giữa nền nhà nên anh đến nhắc nhở. Bất thình lình, B. tung nắm đấm như trời giáng vào miệng Phương khiến anh bị chảy máu, xây xẩm mặt mày. Chưa hết, có lần vào phòng người bệnh, khi đang quan sát xem bệnh nhân ở vị trí nào, đang làm gì thì một người bệnh đã rình núp sau cánh cửa từ lúc nào, lao ra đánh tới tấp vào người khiến anh phải gắng chịu đau và chống đỡ chứ không được đánh trả lại.

So với những ngày đầu vào trung tâm, được uống thuốc đều đặn và tham gia nhiều hoạt động tập thể, nhiều bệnh nhân có tiến triển rõ rệt. Có người cha già từ Gio Linh vào thăm con, nhìn con tiến bộ trông thấy đã làm một bài thơ rất xúc động đọc tặng cán bộ, nhân viên ở đây rồi òa khóc nức nở. Hơn 7 năm cực chẳng đã phải xích con một chỗ, ông như đứt từng khúc ruột. Nay nhìn con chịu giao tiếp với mọi người, rồi tham gia lao động, sinh hoạt tập thể, ông thấy những ngày cuối đời đã thanh thản phần nào. Một bệnh nhân người dân tộc thiểu số sau một thời gian điều trị bệnh ổn định được gia đình đón về nhưng nhất quyết không chịu về, cứ ôm mặt khóc liền mấy ngày vì lí do “không muốn rời xa những người bạn cùng phòng, không muốn rời xa cán bộ, nhân viên trung tâm”. Nhiều bệnh nhân sau thời gian điều trị ổn định, gia đình đều muốn đón về để chăm sóc. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thành: Khi bệnh nhân được về với cộng đồng thì vai trò của gia đình rất quan trọng, đặc biệt phải cho uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn để bệnh không tái phát.

Sắp đến, Trung tâm bảo trợ xã hội 1 Quảng Trị sẽ tiếp nhận người nghiện ma túy đến điều trị cắt cơn, giải độc. Công việc của cán bộ, nhân viên ở đây sẽ nhiều hơn và khó khăn cũng nhân lên bội lần. Trong khi một số trung tâm ở các tỉnh lân cận chỉ nhận người bệnh đã được điều trị tại Huế vì khó khống chế cơn loạn thần thời gian đầu thì Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Quảng Trị lại ưu tiên nhận người bệnh từ cộng đồng. Điều đó cho thấy tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây rất cao. Ngoài một khuôn viên rộng rãi phủ đầy cây xanh mà cán bộ, nhân viên trung tâm tự tay chăm trồng, cuộc sống sinh hoạt trật tự, sạch sẽ của người bệnh, tình cảm của bệnh nhân và gia đình họ đã nói lên một điều rằng, nơi nào tình người được sưởi ấm, nơi đó sẽ bình yên và hạnh phúc.

Phan Hoài Hương



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Biến đồi hoang thành nơi có của ăn của để
22:10 03/09/2024

Từ vùng đất đồi dốc bỏ hoang, nông dân Hồ Xa Nát, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm cải tạo, ...

Lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện
22:45 01/04/2025

Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động, nên phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn huyện Triệu Phong luôn được lan tỏa rộng khắp, ngày ...

Trao mái tóc, lan tỏa tình yêu thương
22:10 12/12/2023

Với người phụ nữ, mái tóc chính là vẻ đẹp mang lại sự tự tin. Thế nhưng với bệnh nhân ung thư phải điều trị bằng hóa chất, họ phải đau đớn từ bỏ đi mái tóc ...

Xuân ấm tình người ở bệnh viện
22:40 25/02/2024

Dịp đầu năm, ai cũng mong mỏi được về sum họp bên gia đình, người thân, nhưng đối với những bệnh nhân nặng phải ở lại điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì ...

Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái
22:21 04/05/2023

Trong những năm qua, ngoài việc chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu ...

Lan tỏa tình yêu thương
22:00 13/02/2023

Ngoài làm tốt công tác dạy và học, những năm qua, Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong có nhiều hoạt động tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó ...

Đưa hình ảnh Quảng Trị đi muôn nơi

Đưa hình ảnh Quảng Trị đi muôn nơi
6:19 sáng Thứ 5

QTO - Với sự sáng tạo, năng động, biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội trong thời đại 4.0, nhiều người trẻ ở Quảng Trị có những cách làm riêng để quảng...

Xây ước mơ từ gian khó

Xây ước mơ từ gian khó
00:21 06/04/2019

(QT) - Có được thành công như ngày hôm nay, anh Nguyễn Hữu Tùng (sinh năm 1983), Giám đốc Công ty cổ phần Tổ chức sự kiện VNT, thành phố Đông Hà luôn cảm ơn mọi khó khăn, thử...

Ghi ở Sa Trầm

Ghi ở Sa Trầm
08:13 29/03/2019

(QT) - Trầm, Cóc, Tà Mên, Bù, Ngược, A La, Tà Rẹc… và nhiều địa danh xa xôi, hiểm trở khác của các xã Ba Nang, Tà Long, huyện Đakrông, chỉ thoáng nghe đã thấy diệu vợi, hoang...

Sắc hoa giấy vùng biên

Sắc hoa giấy vùng biên
07:50 29/03/2019

(QT) - Đến thị trấn vùng biên giới Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sắc màu rực rỡ của các loài hoa giấy. Từ trong ngõ hẻm đến mặt phố đều ngập...

Thao thức vì thổ cẩm

Thao thức vì thổ cẩm
23:12 22/03/2019

(QT) - Chị Kăn Phúc không nhớ hết số đêm mình thao thức nghĩ cách lưu giữ, nâng tầm nghề dệt thổ cẩm quê mình. Dẫu biết niềm đam mê của mình phải đối mặt với rất nhiều khó khăn...

Không thể lãng quên

Không thể lãng quên
00:21 16/03/2019

(QT) - Kí ức về tuổi thơ và một thời trai trẻ đã phai nhạt dần sau ngày ông Lê Quang Hiếu bị thương trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Thế nhưng, những hình ảnh, âm thanh...

Vượt qua nỗi đau bom mìn

Vượt qua nỗi đau bom mìn
23:55 15/03/2019

(QT) - Vụ tai nạn bom mìn năm 10 tuổi đã đẩy Hồ Văn Lai (sinh năm 1990), trú tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh xuống hố sâu tuyệt vọng. Nhưng không chấp nhận gục...

Thời tiết

26°C - 36°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 25°C - 33°C
    Có mây, không mưa
  • 26°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
POWERED BY
Việt Long