Cập nhật: Thứ 6, 16/03/2012 | 11:03 GMT+7

Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới ở miền núi

(QT) - Hướng Hóa (Quảng Trị) là một huyện miền núi với phần đông dân số là đồng bào dân tộc người Vân kiều, Pa kô, đời sống kinh tế khó khăn cũng như nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc thực hiện bình đẳng giới. Nhờ có hướng đi đúng đắn và những nỗ lực không ngừng của các ban, ngành, đoàn thể, đời sống của phụ nữ dân tộc nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bất bình đẳng giới đối với phụ nữ miền núi thường do ba nguyên nhân chính: Không có trình độ; do hoàn cảnh xã hội, điều kiện gia đình; do phong tục tập quán lạc hậu ràng buộc. Những năm trước đây, năng lực của người phụ nữ dân tộc vẫn chưa được công nhận, sau khi lập gia đình, người phụ nữ có nghĩa vụ phải phục vụ và phụ thuộc vào gia đình nhà chồng, không được ra ngoài xã hội, ngược lại cộng đồng cũng không chấp nhận người phụ nữ dám “vượt rào” đem tiếng nói ra ngoài xã hội. Câu nói “Một người đàn bà giỏi không bằng một người đàn ông dốt” của người đồng bào dân tộc thiểu số trước đây là minh chứng rõ rệt cho sự bất bình đẳng giới và sự thua kém về vị thế của người phụ nữ so với nam giới.

Nhờ thực hiện bình đẳng giới, phụ nữ miền núi đã có thể tự chủ về kinh tế.

Trong cuộc sống gia đình, người phụ nữ cũng không được nắm quyền, không được phép giữ tiền, quyết định chi tiêu, mua bán, tất cả mọi việc trong nhà đều do người chồng quyết định. Những người đàn ông cho rằng, người phụ nữ không biết chữ, không biết nhận mặt tiền, không biết giao lưu sẽ dễ bị lừa đảo, gian lận trong khi tham gia mua bán. Do đó, chị em thường mang tâm lý tự ti, mặc cảm bản thân mình thua kém so với đàn ông và thường bị đối xử không công bằng. Chị Hồ Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa cho biết: “Trước đây mỗi lần tổ chức tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt thì hầu hết là nam giới tham gia trong khi người phụ nữ là lao động chính trong nhà, vậy là những kỹ thuật tập huấn không được đặt đúng người. Nhưng để phụ nữ tham gia tập huấn thì những người chồng lại không thích. Trước sự bất bình đẳng giới, hội phụ nữ các cấp đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, Luật Bình đẳng giới, đặc biệt là tổ chức các lớp học xóa mù cho chị em phụ nữ”. Với các lớp học xóa mù, chị em phụ nữ tham gia ngoài học chữ còn được học đếm, nhận mặt tiền, mặt cân... giúp chị em mua bán, trao đổi thuận tiện hơn. Phong trào xóa mù được chị em phụ nữ tích cực đón nhận và tham gia đầy đủ, nhiều lớp học diễn ra vào buổi tối nhưng chị em vẫn không ngại vất vả. Sau khi chị em nắm vững kiến thức căn bản, Hội LHPN huyện còn tập huấn kỹ thuật canh tác các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như sắn, chuối, bời lời... hướng dẫn cách chăm sóc trâu, bò, lợn, dê... để người phụ nữ có thể làm chủ về kinh tế, có khả năng quản lý tiền bạc cũng như chi tiêu trong gia đình, từ đó tiếng nói của chị em trong gia đình mới có trọng lượng để quyết định những vấn đề quan trọng như mua sắm vật dụng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi... Theo lời giới thiệu của chị Thủy, chúng tôi đến thăm xã A Xing, xã có thành tích nổi trội trong công tác bình đẳng giới. Anh Hồ A Dược, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu cho Hội Phụ nữ xã nên hướng dẫn cụ thể về nhiều phương diện, cách thức tổ chức, tuyên truyền, hội họp..., vấn đề bình đẳng giới ở xã cũng theo đó tiến triển theo hướng tích cực, so với những năm trước đã có nhưng chuyển biến rõ rệt”. Bên cạnh đó, chính quyền xã A Xing còn đưa ra các hoạt động thiết thực phối hợp với Hội Phụ nữ xã, lồng ghép các buổi tuyên truyền với các buổi họp mặt thôn; tổ chức các lớp dạy xóa mù, các lớp tập huấn. Đặc biệt là ưu tiên đối tượng phụ nữ trong các chương trình phi chính phủ như chương trình “Phát triển kinh tế gia đình do phụ nữ làm chủ” của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam, trong đó chú trọng đến phát triển đàn trâu, bò, trồng sắn, nuôi lợn. Chương trình được triển khai từ năm 2005 và đạt được kết quả khá khả quan, nhiều chị em phụ nữ theo đó đã xây dựng được nhà kiên cố, phát triển đàn bò, đàn lợn. Chị Hồ Thị Chanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tâm sự: “Ban đầu công tác bình đẳng giới cũng gặp rất nhiều khó khăn, chị em phụ nữ còn nhiều bỡ ngỡ và bị những phong tục tập quán lạc hậu trói buộc. Muốn thay đổi điều đó là một quá trình khó khăn, nhưng nhất định phải làm và làm được”. Rồi chị chia sẻ một thông tin rất thú vị, cho đến nay xã đã có 27 lao động là các nữ thanh niên tham gia lao động cho các công ty, doanh nghiệp ở các thành phố lớn, nhiều nhất trong các xã vùng Lìa. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi trước đây chị em vẫn không quen với việc giao lưu bên ngoài chứ đừng nói đến tham gia lao động ở một môi trường mới. Những chị em ở nhà cũng không chịu thua kém trong phát triển kinh tế, điển hình như chị Hồ Thị Thanh trồng 2 ha cao su thu nhập hàng năm đạt gần 200 triệu đồng; bà Y Chuẩn chăn nuôi đàn bò hơn 20 con, nuôi 2 con học đại học; bà Y Thiêm làm giàu từ cây bời lời và chăn nuôi lợn gà... Câu chuyện giữa chúng tôi bị cắt bởi những chiếc xe máy đỗ xịch xuống sân UBND xã. Chị Chanh giải thích: “Mấy hôm nay chị em phụ nữ đang luyện tập văn nghệ chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, giờ sắp nghĩ rồi nên chồng họ đến đón về đấy” Và đó cũng chính là minh chứng sinh động nhất trong việc thực hiện bình đẳng giới, nhất là sự đổi thay trong nhận thức của nam giới ở miền cao này. Bài, ảnh: MINH HIỂN



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tập trung tuyên truyền về bình đẳng giới
22:45 20/11/2023

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, Tháng hành ...

Cháo chân chó, món ăn lợi sữa

Cháo chân chó, món ăn lợi sữa
22:24 15/03/2012

(SK&ĐS) - Thiếu sữa hay không có sữa sau đẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau như tắc tia sữa hoặc do chính khí, huyết người mẹ quá hư suy hoặc do kinh can bị uất trệ mà không...

Thịt dê bổ thận khí

Thịt dê bổ thận khí
22:21 15/03/2012

(SK&ĐS) - Các bộ phận của con dê như thịt dê, xương dê, thận dê, dương vật dê… đều có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh. Trong thịt dê rất phong phú albumin, chất béo, canxi,...

POWERED BY
Việt Long