Cập nhật: Thứ 6, 30/05/2014 | 08:39 GMT+7

Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để giảm nghèo bền vững

* Đồng chí HOÀNG NAM, Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) trả lời phỏng vấn - Thưa đồng chí! Cuối năm 2008, Đakrông cùng với 61 huyện nghèo trong cả nước được thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ để giảm nghèo nhanh và bền vững. Đề nghị đồng chí cho biết khái quát một số kết quả quan trọng mà huyện đã đạt được từ chương trình trong hơn 5 năm qua?

- Kể từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt về nhiều mặt của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban ngành, các nhà hảo tâm cùng quyết tâm nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, Đakrông đã phát huy tinh thần sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a/ NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Đakrông đã thu được những thành tựu hết sức quan trọng trên các lĩnh vực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ trên 70% khi thành lập huyện (1997) đến năm 2013 giảm còn 30,56%. Đặc biệt, trong giai đoạn 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a (2008-2013) tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 5,69%, cao hơn so với chỉ tiêu của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh đặt ra đối với huyện nghèo (chỉ tiêu đề ra là giảm 4%/năm). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá trị sản xuất) tăng cao qua các thời kỳ. Giai đoạn 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a (2009-2013), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 16,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người (theo giá trị sản xuất) tăng gấp 2,95 lần, từ 2,5 triệu đồng/ người/ năm cuối năm 2007 lên 7,37 triệu đồng/ người/ năm cuối năm 2013. Tổng thu ngân sách gấp 4,78 lần, từ 75,440 tỉ đồng cuối năm 2007 lên 361,065 tỉ đồng cuối năm 2013. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn năm 2013 gấp 7,1 lần, từ 1,964 tỉ đồng cuối 2008 tăng lên 13,970 tỉ đồng năm 2013. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, người dân đã có ý thức vươn lên tự thoát nghèo. Việc trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đã thay đổi phong tục tập quán canh tác lạc hậu, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, độ che phủ rừng đạt 62,5%, nạn phá rừng làm rẫy đã được hạn chế ở mức thấp. Ngoài ra, trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội đều đã có sự thay đổi vượt bậc. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 90/102 thôn bản với 85% hộ gia đình đã được dùng điện lưới quốc gia; 70% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp, nhà ở giáo viên, thiết bị trường học được từng bước đầu tư xây dựng, bổ sung hoàn thiện dần theo hướng chuẩn hóa. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, chống mù chữ, đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và có 4 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,73% năm 1997 xuống còn 1,93% năm 2013. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 46% xuống còn 24%. 100% các thôn bản và cơ quan đơn vị đã phát động xây dựng làng văn hóa, đơn vị văn hóa, trong đó 133 làng, đơn vị văn hóa (71 làng, 62 đơn vị) đã được công nhận văn hóa. Việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội thu được nhiều kết quả tích cực. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng- an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt được nhiều kết quả nổi bật. Khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở Đakrông - Ảnh: MT

- Nghị quyết 30a có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo; góp phần đưa huyện giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Đakrông là huyện miền núi, chủ yếu đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ sản xuất hạn chế nên quá trình triển khai thực hiện thường gặp vướng mắc, khó khăn ở khâu nào? Cách giải quyết ra sao, thưa đồng chí? - Mục tiêu và cơ chế chính sách đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a rất rõ ràng và thiết thực. Song, với đặc thù huyện miền núi mới được thành lập chưa lâu, diện tích rộng, địa hình phức tạp, chủ yếu núi đá, đất sản xuất hiếm, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên chính sách hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng hầu như xây dựng mới hoàn toàn, suất đầu tư lớn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Ngoài ra, bão lụt kèm theo lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra làm thiệt hại nhiều công trình thủy lợi, dân sinh... Các chính sách hỗ trợ sản xuất cũng gặp một số khó khăn do trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất khó thực hiện hiệu quả, tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo còn khá phổ biến trong nhân dân…Diện tích rừng giao khoán ngày càng xa vùng dân cư, khối lượng kiểm tra, đánh giá kết quả bảo vệ rừng hàng năm lớn trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch khoán bảo vệ rừng theo đề án. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ Chương trình 30a được phân bổ thấp hơn nhiều so với nhu cầu vốn của đề án được duyệt. Đặc biệt, từ khi huyện nằm trong danh sách các huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a, nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án ODA, NGOs…bị cắt giảm dẫn đến tổng mức đầu tư trên địa bàn giảm hơn so với trước khi có Nghị quyết 30a. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện một số mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Để khắc phục những khó khăn trên, công tác đầu tư được tiến hành trọng điểm, tránh dàn trải, tiếp tục đưa các dịch vụ đến với người dân, đồng thời với việc di chuyển nhân dân để cung cấp các dịch vụ thông qua các dự án sắp xếp lại dân cư, di dân, tái định cư. Tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, giúp nhân dân dần tự lập, vươn lên thoát nghèo. Song song với việc tiếp tục hỗ trợ các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo là hỗ trợ những hộ biết làm ăn để phát triển một số mô hình kinh tế dễ nhân rộng trong nhân dân. Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu đồng thời chủ động, tích cực vận động, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ từ nguồn ODA, NGOs và các nguồn hợp pháp khác nhằm huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo trong Đề án “ Giảm nghèo nhanh và bền vững”. - Thưa đồng chí, huyện đã có những cách làm như thế nào để triển khai các chương trình giảm nghèo có hiệu quả? - Chương trình xoá đói giảm nghèo (XĐGN) được thực hiện theo cơ chế phối hợp liên ngành, theo từng nội dung, từng dự án. Để thực hiện có hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí chương trình, huyện đã quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung sau: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá ở tất cả các cấp; tăng cường sự tham gia của cộng đồng và người dân trong hoạt động giám sát việc thực hiện chương trình. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc triển khai thực hiện chương trình XĐGN. Gắn việc thực hiện nhiệm vụ XĐGN với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở để người dân, thôn, xã trực tiếp tham gia vào xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án XĐGN. Thực hiện công khai, minh bạch các chương trình, dự án đầu tư, các chính sách hỗ trợ trực tiếp, nhất là nguồn tài chính, các chế độ liên quan đến lợi ích của người nghèo để thực hiện việc giám sát của dân. Kiện toàn bộ máy thực hiện XĐGN các cấp, tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách về XĐGN, các mô hình XĐGN. Đồng thời, chỉ đạo kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở. Tăng cường trách nhiệm chính quyền cơ sở, cộng đồng xã hội và của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo; Nhà nước hỗ trợ, nhưng cần xác định giảm nghèo là việc của bản thân người nghèo, hộ nghèo, phải làm cho người nghèo, hộ nghèo tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình giảm nghèo ở các cấp trong giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020, xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể, phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các ngành, các địa phương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường vai trò tham gia của các hội, đoàn thể, mỗi đơn vị gắn với một địa phương nhằm giám sát, đánh giá và hỗ trợ địa phương khó khăn và có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời phối hợp và phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thểchính trị- xãhội trong thực hiện công tác XĐGN. Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộlà biện pháp hữu hiệu nhất để người dân tham gia XĐGN có hiệu quả. Phát huy dân chủ ở cơ sở trong quátrình xây dựng các quyết định, mục tiêu, kế hoạch, trong đánh giá, bình xét hộ nghèo, trong việc hưởng thụcác chính sách; thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, các chương trình dựán, nguồn lực đầu tư, đối tượng được hưởng…nhằm tạo nên sức mạnh, hiệu quả của chương trình XĐGN. -Để tạo thế và lực mới cho huyện Đakrông phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, huyện tập trung vào những giải pháp nào, thưa đồng chí? - Trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây thực hiện Nghị quyết 30a, Đakrông đã có những bước chuyển mình vượt bậc, diện mạo của huyện đã thay đổi khá nhiều. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là những sự thay đổi chưa thực sự bền vững. Chủ yếu đem lại nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ trực tiếp, các chính sách an sinh xã hội. Đakrông vẫn chưa tự đứng vững trên đôi chân của mình, ít nhất là trong một thời gian rất dài. Giải pháp cho Đakrông, tôi nghĩ là cần một sự phát triển bền vững. Hay nói cách khác, Đakrông phải biết kết hợp hài hòa giữa các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội hiện tại của Chính phủ, của Nghị quyết 30a và các cơ hội phát triển, nghĩa là tận dụng các tiềm năng, thế mạnh của mình, cùng với sự hỗ trợ, sự đầu tư phát triển nhiều hơn, mang tính đột phá của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp chính như sau: Một là, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án được hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhất là các chính sách an sinh xã hội, theo hướng phân quyền, trao quyền cho người dân. Các dự án đều khuyến khích sự tham gia của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nghiệm của người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân. Đặc biệt khi người dân thực sự là chủ thể, tính tự ti, mặc cảm, tư tưởng trông chờ, ỷ lại sẽ dần được loại bỏ. Người dân sẽ có ý thức tự lập, tự vươn lên, theo tôi đây là một trong những vấn đề mấu chốt. Hai là, song song với các chính sách hỗ trợ trực tiếp, các chính sách an sinh xã hội, cần tăng cường vận động các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho phát triển (giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng thị trường, thương hiệu cho sản phẩm), giúp cho sản phẩm làm ra của người dân trở thành hàng hóa. Qua đó, động viên người dân tham gia phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững thay vì thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ. Ba là, tạo môi trường cho sự phát triển bền vững thông qua việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, với sự hỗ trợ, đầu tư mang tính đột phá của tỉnh, của Trung ương và các tổ chức quốc tế. Sự kiện Chính phủ công bố Quyết định nâng cửa khẩu chính La Lay lên cửa khẩu Quốc tế vào cuối tháng 6 tới đây sẽ tạo cơ hội và điều kiện rất lớn cho hội nhập khu vực và phát triển kinh tế, thương mại mậu biên, tạo tiền đề cho phát triển khu vực La Lay - Tà Rụt. Đây là một sự đầu tư chính sách phát triển, mang tính đột phá của Chính phủ và hiệu quả đem lại dự kiến sẽ là sự phát triển bền vững cho huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Ngoài ra, nằm tại giao điểm của hai hành lang kinh tế (EWEC qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và PARA EWEC qua cửa khẩu Quốc tế La Lay), Đakrông có thể tận dụng lợi thế của một huyện giàu bản sắc văn hóa truyền thống và tiềm năng du lịch để phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các tổ chức xã hội khác. - Xin cảm ơn đồng chí ! M.T (thực hiện)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững
22:37 08/12/2024

Thời gian qua, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Quảng Trị huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ ...

Vươn lên vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
22:50 29/10/2024

Nhắc tới huyện miền núi Đakrông, trước đây, mọi người thường nghĩ đến một vùng đất nghèo khó, lạc hậu. Để thay đổi góc nhìn ấy, thời gian qua, cán bộ, người ...

Khát vọng cống hiến

Khát vọng cống hiến
04:36 26/05/2014

(QT) - Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” qua nhiều năm triển khai thực hiện đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, thấm sâu, tỏa rộng...

Thời tiết

27°C - 37°C
Ít mây, trời nắng nóng gay gắt
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 26°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long