Cập nhật:  GMT+7

“Sứ trình thi tập” và hành trình trở về

Gần 230 năm “lưu lạc” trong văn đàn với phần tên tác giả khuyết danh, thậm chí có lúc nhầm lẫn của Phan Thanh Giản hay Nguyễn Đề, mãi đến năm 2023, nhờ sự nỗ lực của GS. Trần Ích Nguyên (Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan) và cộng sự, tập thơ “Sứ trình thi tập” của Phó Đốc học Quốc Tử Giám Nguyễn Thế Trực đã được trả lại tên của chính chủ. Đầu tháng 7 vừa qua, tập thơ trở về với một diện mạo mới qua cuốn sách “Danh nhân Nguyễn Thế Trực và Sứ trình thi tập” phiên bản tiếng Việt, như một sự tri ân của hậu thế dành cho bậc tiền nhân.

“Sứ trình thi tập” và hành trình trở về

Cuốn sách “Danh nhân Nguyễn Thế Trực và Sứ trình thi tập” - Ảnh: M.N

Ngày giỗ Tổ của dòng họ Nguyễn Thế (làng Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (cũ), nay là xã Lệ Thủy, tỉnh Quảng Trị) năm nay dường như đông con cháu về dự hơn và không khí thêm phần linh thiêng, xúc động. Dịp này, hậu duệ dòng họ đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Danh nhân Nguyễn Thế Trực và Sứ trình thi tập” (do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành vào tháng 7/2025) để con cháu đời sau hiểu rõ công trạng của cha ông, lan tỏa tinh thần hiếu học, yêu nước, yêu quê hương.

Trưởng họ Nguyễn Thế, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thế Hoàn cho biết: “Nguyễn Thế Trực (1745 - 1807) còn có tên khác là Nguyễn Viết Trực là ông tổ đời thứ 8 của dòng họ Nguyễn Thế, làng Lộc An. Là con cháu hậu duệ, chúng tôi vô cùng tự hào về phẩm chất cũng như sự đóng góp của ông cho quê hương, đất nước. Ông thực sự là một tấm gương tận trung với vua, tận hiến cho đất nước, phụng sự hết mình cho cả ba triều đại (Chúa Nguyễn - Tây Sơn - Nguyễn).

Sứ trình thi tập” (năm 1793) của Nguyễn Thế Trực được đánh giá là một trong những tác phẩm thơ văn đi sứ tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ này. Dẫu vậy, số phận của tập thơ rất đặc biệt với nhiều nghi vấn tồn tại xung quanh tác giả thật sự, dẫn đến sự dè dặt trong quá trình nghiên cứu, khai thác giá trị của tập thơ. Câu chuyện tìm lại tác giả cho “Sứ trình thi tập” là cả một quá trình dài đầy nỗ lực của GS. Trần Ích Nguyên và cộng sự, cùng mối cơ duyên với TS.Trần Thị Xuân (Đại học Hamburg, Đức), TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP. Huế).

Tháng 7/2023, GS. Trần Ích Nguyên cùng cộng sự đã đến Lệ Thủy (cũ) thăm mộ danh nhân Nguyễn Thế Trực và trao bản sao “Sứ trình thi tập” cho Trưởng họ Nguyễn Thế - TS. Nguyễn Thế Hoàn. Tháng 7/2024, cuốn sách “Sứ trình thi tập của Nguyễn Thế Trực cùng sử liệu gia tộc” do GS. Trần Ích Nguyên chủ biên đã được Lạc Học thư cục ấn hành tại Đài Loan.

Và trong dịp giỗ Tổ năm 2024, cuốn sách được các cộng sự của giáo sư kính dâng cho hương hồn tổ tiên dòng họ Nguyễn Thế và danh nhân Nguyễn Thế Trực. Tuy nhiên, “Sứ trình thi tập” là tác phẩm chữ Hán, nếu như không có bản dịch tiếng Việt chuẩn xác thì sẽ rất khó để có thể hiểu được phẩm giá, tư tưởng của vị sứ thần thời Tây Sơn.

Cuốn “Danh nhân Nguyễn Thế Trực và Sứ trình thi tập” do GS. Trần Ích Nguyên chủ biên, TS. Lê Phương Duy và TS. Phan Thị Thu Hiền dịch chú, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh giới thiệu và hiệu đính. Hậu duệ dòng họ Nguyễn Thế cùng dịch giả Hàn Vu Thủy và Trần Lê Văn dịch thơ. Phần phụ lục là bản sao “Sứ trình thi tập” ký hiệu A.1123, hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhằm cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu.

TS. Trang Thu Quân - cộng sự của GS. Trần Ích Nguyên từ Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan - cho biết: Hơn 30 năm qua, GS. Trần Ích Nguyên đã có nhiều công trình cộng tác với các học giả và cơ quan nghiên cứu của Việt Nam để công bố và khảo cứu tư liệu Hán văn Việt Nam. Cuốn sách “Danh nhân Nguyễn Thế Trực và Sứ trình thi tập” đã mở ra một hướng hợp tác mới giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) để công bố, khảo cứu và dịch chú các tập thơ đi sứ của những sứ thần Việt Nam. Những năm tới, hy vọng các công trình tương tự nghiên cứu về hành trình đi sứ, phiên dịch chú thích các tập thơ đi sứ của những vị sứ thần khác tiếp tục được xuất bản tại Đài Loan và Việt Nam.

Có thể nói, đây là công trình hợp tác rất ý nghĩa không chỉ giữa những nhà nghiên cứu trong nước, mà cả nước ngoài, mở ra một hướng đi mới trong liên kết, hợp tác về nghiên cứu văn học nói riêng, các ngành khoa học, xã hội nhân văn nói chung. Và phải nhắc đến sự hỗ trợ tích cực, đồng hành về cả tinh thần và tài chính của dòng họ Nguyễn Thế trong hành trình đưa di sản của tiền nhân về với quê hương, thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với tổ tiên.

Theo nhận định của PGS. TS Trần Thị Băng Thanh trong lời giới thiệu cuốn sách, phát hiện của GS. Trần Ích Nguyên đã cung cấp cho văn học sử, giới nghiên cứu và độc giả một “gương mặt mới” trong dòng thơ đi sứ thời Tây Sơn. Tuy tập thơ có số lượng thơ không nhiều, nhưng đã góp thêm một tiếng thơ riêng vào thành tựu văn học Tây Sơn. Qua đó lưu giữ những dữ liệu góp phần cho việc nghiên cứu quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời Tây Sơn, trong khi sử liệu về thời kỳ này rất thiếu.

Còn theo hậu duệ của dòng họ Nguyễn Thế - nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, nguyên Trưởng văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung, cuốn sách “Danh nhân Nguyễn Thế Trực và Sứ trình thi tập” sẽ giúp các bạn trẻ học hỏi được nhiều điều từ chính cuộc đời của danh nhân và những tác phẩm thơ của ông. Học ở ông, một con người làm quan qua cả ba triều đại đều được trọng dụng, tài giỏi, khoan hòa, chính trực... Và không ít bài thơ từ “Sứ trình thi tập” đã minh chứng cho tình yêu quê hương, đất nước của danh nhân Nguyễn Thế Trực, bởi trên hành trình đi sứ xa xôi, ông vẫn luôn đau đáu hướng về quê nhà. Những câu chuyện đó tiếp tục được nhà báo Nguyễn Thế Thịnh gửi gắm đến các bạn trẻ tại các lớp học báo chí - truyền thông mà ông là giảng viên thỉnh giảng.

Mai Nhân

Tin liên quan:
  • “Sứ trình thi tập” và hành trình trở về
    Ra mắt sách “Danh nhân Nguyễn Thế Trực và Sứ trình thi tập”

    Sáng nay 9/7, nhân dịp giỗ Tổ, dòng họ Nguyễn Thế (thôn Lộc An, xã Lệ Thủy) tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Danh nhân Nguyễn Thế Trực và Sứ trình thi tập”. Ông Trần Hải Châu, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình (cũ); đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan và và đông đảo con cháu dòng họ Nguyễn Thế; đại diện Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan và khoa Văn học, Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự.

  • “Sứ trình thi tập” và hành trình trở về
    Hành trình truyền cảm hứng và đam mê học tập

    Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Quảng Trị đã gặt hái mùa vàng bội thu với 27 học sinh đoạt giải trong đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 23 học sinh đoạt giải, số lượng và chất lượng các giải cao nhất từ trước đến nay. Vượt qua những khó khăn do COVID-19, đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT của tỉnh Quảng Trị đã giành được thành tích cao, truyền cảm hứng và niềm đam mê học tập, tự tin chinh phục tầm cao tri thức mới.


Mai Nhân

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Người thầy tâm huyết với môn bơi

Người thầy tâm huyết với môn bơi
2025-07-20 05:45:00

QTO - Nhiều năm qua, anh Phạm Chí Thanh (SN 1989), giáo viên Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (iSchool Quảng Trị) luôn dành trọn tâm...

Những con đường xuôi ngược

Những con đường xuôi ngược
2025-07-20 05:30:00

QTO - Thành phố Đông Hà cuối ngày luôn khoác lên mình tấm áo của sự hối hả. Những dòng xe cộ miệt mài trôi, mang theo bao phận đời lướt qua nhau. Cúc, mười...

Sống vui, sống khỏe cùng phong trào đạp xe

Sống vui, sống khỏe cùng phong trào đạp xe
2025-07-19 05:15:00

QTO - Những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao trong cộng đồng người cao tuổi tại Quảng Trị ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đa dạng,...

Nghỉ hè cùng... hò khoan

Nghỉ hè cùng... hò khoan
2025-07-19 05:10:00

QTO - Những ngày hè không chỉ là khoảng thời gian để các bạn nhỏ tạm quên áp lực học hành, thỏa sức với niềm đam mê thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, mà còn có...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long