Cập nhật: Thứ 7, 17/02/2018 | 06:11 GMT+7

Người Quảng Trị thành danh ở trong và ngoài nước

* Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự

(QT Xuân) - Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lạc Hồng sinh năm 1962 ở xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, là con thứ 3 trong một gia đình có 5 người con. Năm 1953, cha ông tập kết ra Bắc, làm cán bộ Sở Công an Hà Nội. Năm 1963, cha ông vào công tác tại chiến trường Quảng Trị, trải qua các chức vụ: Trưởng Công an huyện, Chủ tịch, Bí thư huyện Triệu Hải. Sau đó năm 1983 ông trở ra miền Bắc làm Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Luật cho đến khi nghỉ hưu.

Gia đình Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng hiện ở tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp THPT (năm 1979) với truyền thống của gia đình và nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với đất nước ông quyết định thi vào Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện KTQS). Sau 5 năm học với kết quả tốt nghiệp loại khá và nhận bằng kỹ sư Súng pháo, ông được giữ lại trường và được phân công về Khoa Vũ khí, Học viện KTQS làm công tác giảng dạy bộ môn Vũ khí. Năm 1988 được Bộ Quốc phòng cử đi nghiên cứu sinh tại Học viện kỹ thuật quân sự Brno, Cộng hoà Séc.

Do có sự biến động về chính trị tại các nước Đông Âu, năm 1991 ông trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy, nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ. Năm 1997 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Học viện KTQS với đề tài “Nghiên cứu nâng cao độ chính xác của đạn tên lửa không điều khiển khi phóng loạt đặt trên nền đất”. Trong quá trình công tác tại Học viện, ông được giao đảm nhận các công việc: Chủ nhiệm bộ môn Vũ khí (1998-2002); Phó Chủ nhiệm Khoa Vũ khí (2002-2003); Chủ nhiệm Khoa Vũ khí (2004-2008); Trưởng Phòng đào tạo sau đại học (1/2009-12/2010); Phó chủ nhiệm kỹ thuật Quân khu 4 (1/2011-12/2011); Phó Giám đốc Học viện KTQS (từ 12/2011 đến nay). Năm 2004 ông được công nhận chức danh PGS thuộc lĩnh vực Cơ khí Động lực. Năm 2008 được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, năm 2015 được công nhận chức danh Giáo sư thuộc lĩnh vực Cơ khí Động lực.

Trong quá trình công tác, Thiếu tướng luôn nỗ lực hoàn thành tốt và toàn diện các nhiệm vụ của nhà giáo, của cán bộ quản lý Học viện, thể hiện tâm huyết, yêu nghề, hết lòng vì học viên; bồi dưỡng được nhiều học viên giỏi. Ông hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, gồm 3 hướng dẫn chính và 3 hướng dẫn phụ; hiện nay đang hướng dẫn chính 5 nghiên cứu sinh khác. Bên cạnh đó ông còn hướng dẫn 44 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ. Chủ trì 4 đề tài KHCN các cấp đã nghiệm thu gồm: 1 đề tài độc lập cấp Nhà nước; 3 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; tham gia 15 đề tài cấp Bộ Quốc phòng. Đã công bố 25 bài báo, báo cáo khoa học được đăng trên các tạp chí, hội nghị khoa học chuyên ngành có uy tín. Chủ biên 2 giáo trình, tham gia biên soạn một số giáo trình và tài liệu tham khảo.

Được biết Học viện KTQS là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam.

Các công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông là “Nghiên cứu động lực học và độ chính xác bắn của tên lửa khi phóng loạt”, “Nghiên cứu động lực học và độ chính xác bắn của vũ khí lắp trên phương tiện cơ động” và “Nghiên cứu lĩnh vực đo lường, thử nghiệm vũ khí”. Thiếu tướng cho biết, ông rất tâm huyết với công trình “Nghiên cứu nâng cao độ chính xác của đạn tên lửa không điều khiển khi phóng loạt đặt trên nền đất”. Đây là công trình có ý nghĩa khoa học cao, có ý nghĩa thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải tiến vũ khí trang bị, nâng cao độ chính xác bắn với tính cơ động. Công trình này đã giúp ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước và là tài liệu công bố trong 2 giáo trình phục vụ đào tạo đại học, sau đại học tại Học viện KTQS và các trường kỹ thuật trong quân đội. Bên cạnh đó, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ cao phục vụ trường bắn súng bộ binh” cũng là một công trình có ý nghĩa thực tiễn cao. Công trình đã ứng dụng các thiết bị công nghệ cao về công nghệ thông tin, truyền dẫn, vật liệu để chế tạo thành công hệ thống huấn luyện súng bộ binh cho bộ đội, hệ thống kiểm tra báo điểm cho bắn đạn thật súng bộ binh. Công trình này đã được ứng dụng tại các đơn vị của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 từ năm 2009.

Trong quá trình công tác, Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng nhiều lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp Học viện 5 lần, giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng 1 lần. Ngoài ra ông còn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp KHCN; Huy chương Vì sự nghiệp GD&ĐT, Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ. Được phong Thiếu tướng năm 2014.

Tình cảm với quê hương Quảng Trị của ông không kém phần sâu nặng. Dù bận rộn công việc nhưng hàng năm ông vẫn sắp xếp để về thăm quê từ 1 đến 3 lần. Ông mong muốn quê nhà ngày càng đổi mới, phát triển, cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

* Người Việt Nam đầu tiên làm thống đốc bang ở nước ngoài

Gần đây có một người Quảng Trị xa quê khá nổi tiếng, không phải trên thương trường mà trên chính trường, đó là ông Lê Văn Hiếu, Thống đốc bang Nam Úc (South Australia), là người Việt Nam đầu tiên làm thống đốc bang ở nước ngoài.

Ông Hiếu sinh năm 1954 tại Quảng Trị, vợ ông tên là Phương Lan, đến định cư ở Australia vào tháng 11/1977. Gia đình ông sinh sống tại tiểu bang Nam Úc từ đó cho tới nay. Những năm đầu mới sang Úc, vợ ông làm việc trong một nhà máy dệt, còn ông theo học ngành kinh tế và kế toán tại Viện Đại học Adelaide (thành phố, thủ phủ của bang Nam Úc). Sau khi ra trường, ông tiếp tục học và được cấp bằng Cao học quản trị hành chánh (MBA), rồi làm việc cho một công ty kế toán tại Adelaide trước khi trở thành một giám định viên thuế vụ cho Văn phòng Thuế vụ liên bang. Năm 1991 ông tham gia Ủy ban Thanh tra và Giám sát công ty thị trường chứng khoán và đầu tư thuộc Chính phủ liên bang Úc, với tư cách là một chuyên viên thẩm tra thị trường đầu tư và tài chính. Một năm sau được bổ nhiệm làm Giám đốc thanh tra cho ASIC tại Adelaide.

Khi ông bắt đầu đi làm thì vợ ông có điều kiện đi học trở lại ở Viện Đại học Nam Úc và tốt nghiệp ngành Xã hội học. Hiện nay bà Phương Lan đang làm việc cho Văn phòng Phục hồi năng lực thuộc Bộ Y tế liên bang Úc. Năm 1995 ông được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng đa văn hóa và sắc tộc sự vụ Nam Úc. Năm 2003 được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch và năm 2006 được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Hội đồng này. Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban đa văn hóa và sắc tộc của bang, ông đã tích cực làm việc nhằm thu hẹp khoảng cách giữa cộng đồng người nước ngoài và dân bản địa, bên cạnh đó cũng đấu tranh cho quyền lợi của những người nghèo, người già và cả cộng đồng người khuyết tật ở Australia. Ông từng được trao thưởng huân chương vì công tác xuất sắc và là tiến sĩ danh dự tại Đại học Adelaide năm 2008 cũng như tại Đại học Flinders năm 2011.

Ông Lê Văn Hiếu trở lên nổi tiếng ở Úc sau khi được Nữ hoàng Anh Elizabeth II bổ nhiệm Phó Thống đốc bang Nam Úc vào ngày 31/8/2007. Năm 2014 ông được bổ nhiệm Thống đốc bang Nam Úc, trở thành người gốc Việt giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy các chính phủ nước ngoài và cũng là người gốc châu Á đầu tiên giữ chức vụ quan trọng này trong lịch sử của tiểu bang.

Quê hương. Ảnh: Trà Thiết

Nam Úc là tiểu bang có dân số 1,6 triệu người, chiếm dưới 8% dân số toàn quốc và xếp thứ 5 trong số các bang và lãnh thổ. Bang Nam Úc là một trung tâm kinh tế lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên, có thế mạnh về nông nghiệp với các sản phẩm nổi tiếng như lúa mỳ, rượu vang, chế biến lương thực và cũng là trung tâm công nghiệp của Úc với nền công nghiệp chế tạo linh kiện điện tử, công nghiệp quốc phòng phát triển. Đa số cư dân Nam Úc cư trú tại thủ phủ bang là Adelaide, các cư dân còn lại cư trú tại những khu vực phì nhiêu dọc duyên hải đông nam và sông Murray. Hàng năm có hàng nghìn học sinh khắp nước Úc và nhiều nước trên thế giới đến bang Nam Úc để học tập bởi các trường đại học ỏ đây có nhiều kinh nghiệm đào tạo, chất lượng giáo dục tốt, chương trình giảng dạy phù hợp với lựa chọn của người học. Nam Úc là nơi có nhiều trường đại học danh tiếng thế giới, cùng hệ thống giáo dục trung học và cao đẳng nổi tiếng. Cơ sở giáo dục lâu đời nhất của Úc là Đại học Adelaide thành lập năm 1874. Hơn 170 năm qua, Adelaide đã hỗ trợ hết mình cho những sinh viên theo học tại đây. Thành phố Adelaide có hơn 100 người nhận học bổng Rhodes và 3 người được giải thưởng Nobel. Sinh viên du học bang Nam Úc có thể lựa chọn nhiều chương trình học đa dạng khác nhau, được học tập trong một môi trường thân thiện, năng động và đa văn hoá. Bên cạnh đó, sinh viên có cơ hội được học liên thông tại các trường đại học danh tiếng. Trong số hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Australia thì số sinh viên đang học ở bang Nam Úc là hơn 1.300 sinh viên. Hiện nay có khoảng 300.000 người Việt đang sinh sống làm ăn ở Úc, trong đó riêng bang Nam Úc là 13.000 người.

Làm Thống đốc 2 năm, đến năm 2016 ông Lê Văn Hiếu dẫn đầu đoàn bang Nam Úc đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp. Ông cũng dành thời gian để nói chuyện với sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội, đi thăm và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng chưa có dịp ghé thăm quê nhà Quảng Trị. Một đồng chí lãnh đạo của tỉnh có được số điện thoại của ông và mời ông đến thăm Quảng Trị, ông hứa sẽ sắp xếp thời gian để trở lại quê nhà trong một thời điểm phù hợp. Mong rằng trong thời gian tới với cương vị của mình, ông sẽ có nhiều hoạt động thắt chặt mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Úc, đồng thời có những đóng góp cho sự phát triển của quê hương Quảng Trị.

Hoàng Nam Bằng



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tiếc Thương Giáo sư- Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh
22:35 01/03/2024

Giáo sư - Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh sinh ngày 10/11/1933 tại làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12 giờ 55 phút ...

Danh hiệu và danh dự
21:37 25/11/2022

Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ TP. Hà Nội) và các đơn vị liên quan đang làm quy trình thu hồi danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” đối với ông Nguyễn Quang ...

Võ Thục Khánh Huyền - Tài năng Toán học trẻ

Võ Thục Khánh Huyền - Tài năng Toán học trẻ
17:22 15/02/2018

(QT Xuân) - Tôi có ấn tượng mạnh với vẻ bề ngoài trông khá chậm chạp nhưng tư duy rất nhanh, thông minh và sắc sảo của Võ Thục Khánh Huyền. Trước khi gặp em, thầy Dương Châu...

Làng trong tôi là nỗi nhớ

Làng trong tôi là nỗi nhớ
23:23 13/02/2018

(QT Xuân) - Đứa em đi xuất khẩu lao động tận Hàn Quốc, 3 cái tết rồi chưa có dịp về thăm nhà. Những ngày cuối năm, cu cậu hết gọi điện lại nhắn tin, điện thoại, facebook báo...

Lan tỏa tình yêu sách

Lan tỏa tình yêu sách
02:26 12/02/2018

(QT Xuân) - Ở tuổi 17, Phan Đăng Nhật Minh (sinh năm 2000), trú tại thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng đã gặt hái những thành tích khiến nhiều người thán phục. Kết quả ấy có...

Thời tiết

26°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long