Cập nhật:  GMT+7

Ngành y tế nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe con người, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, nhiều nội dung biến đổi khí hậu (BĐKH) bước đầu đã được tích hợp, lồng ghép với một số chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển của ngành y tế.

Ngành y tế nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu

Cán bộ y tế điều tra ca bệnh bạch hầu -Ảnh: T.H

Ở Việt Nam, những năm qua, thời tiết diễn biến cực đoan, nắng nóng, rét kéo dài, mưa bão bất thường với tần suất xuất hiện bão tăng về cường độ dẫn tới ngập lụt trên diện rộng. Tác động của BĐKH ở Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân; tỉ lệ mắc các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường... gia tăng.

Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, đồng thời xuất hiện các dịch bệnh mới như COVID-19, SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1. Dự báo trong những năm tới có thể xuất hiện nhiều bệnh dịch mới khác.

Tại Quảng Trị, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng trầm trọng. Những biến đổi về thời tiết cộng với tình trạng ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân và cộng đồng.

Tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, một số bệnh dịch cũ bùng phát, xuất hiện các bệnh như ung thư, tim mạch, bệnh liên quan đến tình trạng ô nhiễm thực phẩm, các bệnh chuyển hóa..., tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng.

Trước thực trạng đó, từ năm 2019 đến tháng 6/2023, ngành y tế đã lồng ghép thực hiện các hoạt động về phòng, chống thiên tai vào các dự án, chương trình, hoạt động chuyên môn hàng năm của ngành và theo Nghị quyết số 87/NQHĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2016, định hướng đến 2030.

Cùng với đó, việc tăng cường năng lực cho hệ thống y tế, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành y tế đã được quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường, ngành đã ban hành quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản tại trạm y tế xã. Đến nay, gần 100% người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.

Hệ thống chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được triển khai thực hiện, tiếp cận tới đông đảo người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Ngành y tế đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi và người khuyết tật.

Công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe để chống chịu với các tác động của BĐKH cũng được đẩy mạnh như xây dựng, ban hành hướng dẫn cho cán bộ y tế và người dân về chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng, mùa lạnh, hướng dẫn xử lý nước.

Ngoài ra, ngành Y tế Quảng Trị cũng đã có nhiều nỗ lực trong ngăn chặn các loại bệnh tật nói chung và dịch bệnh liên quan đến BĐKH nói riêng, đặc biệt đạt nhiều thành công trong phòng ngừa và kiểm soát COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật được giao là đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động BĐKH. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm tra, hướng dẫn, giám sát hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng dẫn vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước trước, trong và sau bão lũ.

Đồng thời truyền thông, đưa tin hướng dẫn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng bị ảnh hưởng.

Thực hiện cấp phát hóa chất làm trong và khử trùng nước uống cho cộng đồng tại các vùng ngập lụt. Tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng…

Hằng năm, ngành y tế tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên người. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch phòng chống dịch chung và các dịch bệnh như tay chân miệng, Sởi-Rubella, Viêm gan A, phòng chống dịch bệnh mùa hè, phòng chống dịch bệnh nhân các ngày lễ lớn…

Thực hiện rà soát và chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, phòng chống thiên tai…

Các hoạt động bảo vệ môi trường được ngành đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc phân loại, xử lý rác thải y tế và xử lý chất thải lỏng y tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng, hệ thống chất thải rắn y tế. Hầu hết các cơ sở y tế, bệnh viện đã thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, xử lý phù hợp; chất thải y tế nguy hại được thu gom, xử lý bằng lò đốt tại các bệnh viện lớn hoặc tại các cơ sở xử lý tập trung trên địa bàn.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh hoạt động giám sát nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá tác động ô nhiễm môi trường trong các cơ sở y tế, đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, ngành nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe, thích ứng với tác động của BĐKH thông qua việc phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chuyên ngành về công tác ứng phó với BĐKH. Tăng cường hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, các biện pháp ứng phó với nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH.

Nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, ngành y tế cũng đang đẩy mạnh việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh, đồng thời từng bước xây dựng phương án vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở để đưa đến khu vực xử lý.

Chú trọng giảm chất thải nhựa tại các cơ sở khám, chữa bệnh như thay thế hộp nhựa bằng hộp thủy tinh, kim loại; thực hiện mua sắm xanh và sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng và thân thiện với môi trường.

Các đơn vị thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy.

Các bệnh viện, cơ sở y tế tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy...

Để nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH, ngành y tế đặt mục tiêu đến năm 2030 phải nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó với BĐKH. Phấn đấu 100% cán bộ y tế được truyền thông, tập huấn về ứng phó với BĐKH của ngành y tế; 100% các huyện, thị xã và thành phố có tổ chức hoạt động giáo dục, truyền thông về BĐKH và sức khỏe cho cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thống y tế cơ sở, trong đó ít nhất 80% cơ sở y tế xây mới có áp dụng các giải pháp nhằm ứng phó với tác động của BĐKH, 70% trạm y tế xã, phường tại các địa bàn dễ bị ảnh hưởng do tác động của BĐKH có đủ năng lực và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng hiệu quả với các tình huống thiên tai và thời tiết cực đoan.

Phan Thanh Hải

Tin liên quan:
  • Ngành y tế nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu
    Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu

    Thời gian qua, dịch bệnh cùng mưa lũ kéo dài không những ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của người dân nói chung mà còn ảnh hưởng đến sự bất bình đẳng, tính dễ bị tổn thương về mọi mặt trong đời sống kinh tế, xã hội của phụ nữ nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, việc ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, khẳng định vai trò tiên phong của họ trong phục hồi kinh tế trở thành một yêu cầu cấp thiết, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp hết sức quan tâm.

  • Ngành y tế nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu
    Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

    Những năm gần đây, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt, dữ dội hơn. Mùa mưa bão năm nay miền Trung hứng chịu nhiều thiệt hại. Như mưa lũ vừa xảy ra ở TP. Đà Nẵng, người ta nói rằng hàng trăm năm mới có một trận mưa như thế, gây thiệt hại lớn về tài sản, đã có người chết ngay trên đường phố, nơi từ trước đến nay chưa từng biết lũ là gì. Trước đó, cơn lũ kinh hoàng đã quét qua thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vùi lấp, cuốn trôi nhiều tài sản, nhà cửa của dân. Hay như khi bão số 4 (Noru) chưa vào đất liền nhưng một cơn lốc xoáy đã ập vào thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị làm sập, tốc mái hàng trăm nhà dân, quầy hàng, ki ốt tại chợ thị trấn, thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhân dân… Có thể nói thiên tai diễn ra trên diện rộng, từ miền núi, đồng bằng đến đô thị, đòi hỏi các ngành chức năng, mỗi địa phương phải đề cao cảnh giác, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng bất thường.


Phan Thanh Hải

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết