{title}
{publish}
{head}
Mười năm kể từ khi thầy giáo Hà Công Văn ra đi, trong tôi vẫn chưa nguôi mơ ước về một tượng đài tri ân những thầy cô cắm bản. Sự hy sinh của các thầy cô nơi rẻo cao này quá lớn lao, bởi không chỉ là cuộc đời, tuổi xuân họ đã dâng hiến cho rẻo cao mà còn vì rất nhiều thầy cô đã mãi mãi nằm lại trong những cánh rừng vì sốt rét, vì lũ cuốn. Và nguyên mẫu của bức tượng sẽ là hình ảnh thầy Hà Công Văn tay cầm sách, tay cầm rựa, sau lưng đeo gùi, vây quanh thầy là những học trò rẻo cao...
Tiếng trống trường của thầy Hà Công Văn sẽ còn vọng mãi -Ảnh: L.Đ.D
Trong sổ tay ghi chép của tôi luôn có những cột mốc gắn với những sự kiện đặc biệt và những con người đặc biệt. Có thể đó là thói quen nghề nghiệp. Nhưng đôi khi điều đó lại hiện lên rất đúng thời điểm như được nhắc nhở bởi một tâm cảm khó giải thích.
Như tháng 11 năm nay, tháng 11 nhắc đến ngày nhà giáo và trong những “note” (ghi chú) được đánh dấu nhân vật trong lĩnh vực giáo dục mà mình được tiếp cận có tên một người thầy được người dân Quảng Trị nhắc đến nhiều: thầy Hà Công Văn.
Dĩ nhiên thầy Văn cũng được nhắc đến rất nhiều trên các tờ báo trong hành trình gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp gieo chữ vùng cao. Nhưng dịp tháng 11 này rất đặc biệt bởi năm nay vừa tròn 10 năm thầy ra đi. Thầy ra đi cũng vào một ngày tháng 11 của năm 2014, chỉ hơn một tuần sau ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Mười năm trôi qua, nhưng câu chuyện về thầy vẫn được nhắc, được kể trong những bản làng rẻo cao, trong tâm tình của thầy cô đồng nghiệp. Như một danh ngôn, rằng con người ta chỉ thực sự chết khi không còn ai nhớ đến. Bởi thế, nhân 10 năm ngày thầy giáo, Anh hùng lao động Hà Công Văn ra đi, câu chuyện về thầy cũng là một cách tri ân những cống hiến trọn đời của thầy cho giáo dục vùng cao Quảng Trị.
Đúng ngày chủ nhật cuối tháng 11 của mười năm trước, 30/11/2014, tôi nhận được tin của người bạn từ Đakrông gọi về báo rằng những người dân bản đi đường phát hiện một nạn nhân nằm bất tỉnh ở cây số 34 trên đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Húc Nghì. Người dân nhận ra ngay đó là thầy giáo Hà Công Văn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Đakrông và đưa thầy đi cấp cứu. Người thân của thầy Hà Công Văn cho biết sáng 30/11, thầy vào xã A Bung, huyện Đakrông thăm một người bạn và đầu giờ chiều, trên đường về nhà, do mưa to che khuất tầm nhìn, thầy không nhìn thấy một lượng đất đá bị sạt lở giữa đường nên va vào và ngã xuống rãnh thoát nước gần đó bất tỉnh. Đến 4 giờ sáng ngày 1/12/2014, thầy giáo Hà Công Văn mất trên đường chuyển tuyến vào Bệnh viện Trung ương Huế.
Thầy Hà Công Văn ở Húc Nghì hơn 20 năm trước -Ảnh: L.Đ.D
Cũng rất lạ khi một người thầy tận hiến với vùng cao lại chọn ngày ra đi vào đúng ngày cuối cùng của “tháng Nhà giáo”. Và nơi thầy ngã xuống vì tai nạn cũng là vùng đất thầy đã gắn bó suốt 37 năm của đời nghề.
Hơn 30 năm trước, khi lần đầu gặp thầy Văn giữa heo hút rừng xa, những câu chuyện đời được thầy rỉ rả kể đã in sâu vào ký ức nghề nghiệp của tôi. Cứ hình dung gần 40 năm trước, một sáng tháng 9 năm 1977, một thầy giáo trẻ quê ở Quảng Bình vừa ra trường đã nhận quyết định điều động lên dạy học ở Tà Long, một xã vùng cao nơi miền Tây Quảng Trị.
Với chiếc ba lô lính đựng đúng một bộ đồ, mấy cuốn sách, thầy Văn lội bộ mấy chục cây số đường núi tìm đến xã. Nếu chỉ có thế thì rất nhiều thế hệ thầy cô giáo cũng đã lên đây. Khác chăng, nhiều thầy cô sau vài năm “nghĩa vụ” lại về xuôi, còn thầy Văn, kể từ buổi sáng tháng 9/1977 ấy cho đến ngày cuối tháng 11/ 2014, sau hơn 37 năm gắn bó đời mình với miền Tây Quảng Trị, đã đột ngột ra đi để lại bao đớn đau cho học trò, đồng nghiệp và bà con Pa Kô, Vân Kiều dọc dài suốt một dãy Trường Sơn.
Bây giờ đường Hồ Chí Minh đã thênh thang chạy ngang qua các bản làng, còn hơn 40 năm trước, chỉ vẹt lau lách mà đi. Một lần chị Tuyên - vợ của thầy Văn từ Quảng Bình vào thăm chồng, vào tới Tà Long, thấy một người mang gùi cầm rựa từ núi xuống, chị hỏi đường về trường. Người đàn ông chỉ dẫn cụ thể, chị Tuyên theo đó về khu tập thể giáo viên đợi chồng.
Anh em giáo viên bảo chị ngồi đợi, thầy Văn đang lên nương. Lát sau thì thầy về. Hóa ra người đàn ông mang gùi lúc nãy chỉ đường cho chị chính là thầy Văn. Thầy nhận ra vợ mình nhưng chị Tuyên thì không thể nhận ra chồng, cũng tại anh muốn đùa, nói bằng tiếng Pa Kô mà anh đã thạo như tiếng mẹ đẻ. Chị Tuyên ôm chồng khóc. Chị nói với anh: Dạy đủ thời gian “nghĩa vụ” trên miền núi thì xin chuyển về quê chứ anh. Anh Văn ậm ừ. Chị Tuyên không biết lẽ ra chồng mình đã được chuyển về, nhưng trong trường có một thầy giáo bị sốt rét, rụng hết tóc, nên suất về xuôi của thầy Văn nhường cho anh bạn đồng nghiệp, còn mình tình nguyện ở lại. Hình như núi rừng Đakrông đã là định mệnh đời thầy.
Tròn 10 năm gắn bó xây dựng trường Tà Long ổn định, đến năm 1987, thầy Văn được điều về trường Húc Nghì, một nơi còn gian khó hơn cả Tà Long. Cũng từ đây, thầy đã sáng tạo ra mô hình “nội trú dân nuôi” mà bây giờ đang được coi là giải pháp để học sinh miền núi có thể theo học. Những bản xa, các điểm trường miền núi chỉ dạy tới lớp 1, lớp 2, muốn học lớp 3, lớp 4, lớp 5 phải ra trung tâm xã học. Thầy Văn vận động bà con đốn cây dựng lều cho các em có chỗ ở, thầy trò cùng lội suối bắt cá, lên nương trồng rau, cuối tuần băng rừng về nhà xin thêm gạo, nếu thiếu nữa, thầy cô sẽ cùng san sẻ. “Nội trú dân nuôi” đã bắt đầu như thế ở Húc Nghì gần hai mươi năm trước rồi dần dần lan rộng ra nhiều nơi khác.
Và không dừng lại ở đó, khi những đứa học trò học xong tiểu học mà chưa có trường cấp 2, chính thầy Văn đã nghĩ ra chuyện mở “lớp nhô”, nghĩa là các em sẽ học lớp 6, lớp 7 do chính các thầy cô cấp 1 dạy trong lúc chờ mở trường cấp 2. Thầy Văn chia sẻ: “Đưa được các em ra đây học hết lớp 5 là cả một nỗ lực. Nếu không cho các em học tiếp lớp nhô cấp 2, trở về bản chờ cho có trường thì vài năm sau kiến thức, chữ nghĩa đã dạy mấy năm tiểu học coi như về số “mo”!”. Nhờ “nội trú dân nuôi”, nhờ “lớp nhô” mà hàng trăm học sinh Pa Kô, Vân Kiều đã đi xa hơn, học tiếp trung học phổ thông ở trường nội trú tỉnh và vào được đại học. Nhiều học trò của thầy Văn đã trở thành những cán bộ nòng cốt ở rẻo cao quê nhà. Hết lòng chăm lo cho những đứa trẻ vùng cao Quảng Trị như thế nhưng ít ai biết nỗi đau của thầy. Khi thầy Văn sống heo hút ở chốn núi rừng ấy, con trai út của thầy ở quê nhà ra đi vì bạo bệnh mà thầy không kịp về. Khi nhận được tin tìm về quê thì đứa con trai tội nghiệp đã lặng im trong đất!
Tròn một năm sau khi thầy giáo Hà Công Văn ra đi, Nhà giáo Nhân dân Lê Phước Long, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị ra Quảng Bình dự đám giỗ thầy. Khi ra mộ thắp nhang, ông thấy mộ phần của thầy chỉ là nấm đất đơn sơ. Với tư cách là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Trị, ông Long đã đứng ra vận động hội và các đồng nghiệp của thầy Văn hỗ trợ kinh phí để xây cho thầy một nấm mộ. Khi thầy nằm xuống, chính tình thương và sự quý mến với thầy đã góp nên từng viên gạch để xây cho thầy và cả bố mẹ thầy những ngôi mộ khang trang. Chỉ riêng chi tiết này thôi đủ để hiểu thầy đã sống một cuộc đời thanh bạch đến nhường nào.
Lê Đức Dục
Khi tham gia bảo hiểm sức khỏe, người tham gia không chỉ được bảo vệ tài chính trước các rủi ro sức khỏe mà còn tận hưởng nhiều ưu điểm và quyền lợi hấp dẫn. Dưới đây là những...
QTO - Chuyện trạng Vĩnh Hoàng chủ yếu diễn ra ở 2 thôn Huỳnh Công Tây và Tây Ba của xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, là nét văn hóa dân gian độc đáo được lưu...
QTO - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được lực lượng chức năng triển...
QTO - Trước tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có những diễn biến phức tạp, Công an tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh với...
QTO - Nhiều năm nay, Hội Doanh nghiệp Quảng Trị tại Đà Nẵng là mái nhà chung, điểm tựa cho những người con làm ăn xa quê. Từ hoạt động của hội, các hội...
QTO - Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh luôn chú trọng đến công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai bằng nhiều cách làm hay, hoạt động thiết...
QTO - Được giao nhiệm vụ bảo vệ và quản lý đoạn biên giới thuộc địa bàn “nóng” về các loại tội phạm trên tuyến biên giới khu vực phía Tây Quảng Trị, suốt...
QTO - Những năm qua, Công đoàn Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) đã phát huy vai trò, trách nhiệm, phối hợp với chuyên môn xây dựng chế độ chính...
QTO - Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng...
QTO - Đảm nhận vai trò là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Tấn Hải là cán bộ công...
QTO - Khu phố 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong có 246 hộ. Đây là khu phố có nhiều trục đường lớn đi qua, gần chợ trung tâm huyện, có Cụm công nghiệp...
QTO - Gắn bó với ngành giáo dục hơn 6 năm, cô Ngô Thị Tuyết Trinh (30 tuổi), giáo viên môn Toán kiêm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hiếu Giang, phường Đông...