{title}
{publish}
{head}
Niềm vui được mùa như vẫn đang hiện hữu trên nụ cười của mỗi người dân thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông. Đã lâu lắm rồi, cái tên lúa Ra dư - niềm tự hào của đồng bào Pa Kô nơi đây - mới được nhắc đến nhiều như thế.
Vui mùa lúa Ra dư
Bước qua tháng 11, khi chút nắng ấm cuối mùa vương đầy trên lá, bông lau nở trắng rừng, dưới chân núi, lúa bắt đầu óng vàng là lúc đồng bào Pa Kô, ở A Ngo bước vào vụ thu hoạch lúa.
Niềm vui của người dân khi được mùa lúa Ra dư - Ảnh: DO HỘI LHPN XÃ A NGO CUNG CẤP
Lần đầu tiên sau nhiều năm bị mai một, cây lúa Ra dư - vật thiêng của Giàng - lại được mùa. Tỉ mẫn cắt từng nắm bông lúa bỏ vào gùi, chị Hồ A Ríp, thôn A Đeng hớn hở khoe: “Năm nay lúa Ra dư xanh tốt, hạt vàng mẩy, nhà nào cũng nhiều lúa nên ai cũng phấn khởi!”. Cạnh thửa ruộng của chị Ríp, nhiều đồng bào Pa Kô khác cũng đang thu hoạch lúa, tiếng nói cười vang vọng cả góc rừng.
Năm nay đã ở tuổi 80 nhưng bà Hồ Thị Hệp, thôn A Đeng, không nhớ rõ lúa Ra dư xuất hiện từ bao giờ. Trong ký ức của mình, bà chỉ nhớ rằng từ khi còn nhỏ đã theo mẹ lên rẫy trỉa lúa rồi đợi ngày vác gùi đi thu hoạch. Những mùa vàng trĩu hạt của lúa Ra dư cứ thế lớn dần theo ký ức tuổi thơ bà.
Bà Hệp kể rằng, đối với người dân A Đeng, Ra dư không đơn giản là lương thực mà còn là “ngọc trời”, là vật phẩm không thể thiếu để cúng Giàng trong dịp lễ cơm mới hoặc tiếp khách quý. Ngày trước, lúa Ra dư trồng trên rẫy nên sinh trưởng theo quy luật tự nhiên của đất trời, bà con không hề sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Hạt lúa Ra dư sau khi được gửi vào lòng đất tự nảy mầm, hút dưỡng chất, tắm nước từ những cơn mưa rừng mà vươn mầm xanh cùng trời đất. Vậy nên hạt gạo Ra dư dẻo, ngon, mang vị đặc trưng của núi rừng.
Vốc nắm lúa Ra dư no nắng sớm trên tay, bà Hệp cho hay: “Bao năm rồi, hôm nay người Pa Kô chúng tôi mới được sống trong bầu không khí rộn ràng của ngày mùa với lúa Ra dư. Vụ lúa năm nay, nhà mình trồng 2 sào, mảnh ruộng nào cũng được mùa, hạt trĩu bông. Giàng thương cho lúa được mùa, báo hiệu một năm bản làng no ấm”.
Giải đáp thêm những thắc mắc của chúng tôi về lúa Ra dư, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã A Ngo Hồ Thị Miềm, chia sẻ: “Ra dư còn được gọi là “thóc thiêng”, có hạt gạo to, dẻo, màu hồng thẫm, khi nấu lên hạt cơm rất thơm và không bị khô. Lúc ăn nhai kỹ mới thấy vị ngon thấm vào đầu lưỡi.
Từ xa xưa, người dân A Ngo đã biết chọn những chân đất màu mỡ, tầng dày để trỉa hạt Ra dư. Thời gian sinh trưởng của lúa tầm 6 tháng nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Do người Pa Kô quan niệm đây là loại “thóc thiêng” nên trong quá trình trồng, trỉa và gom thóc, người dân đều phải tổ chức cúng Giàng. Khi tuốt lúa về, bà con làm lễ cơm mới để cầu cho lúa nặng hạt, chắc bông, tuốt sao cho gùi đừng cạn, đừng vơi, hạt bằng thúng, nắm bằng bồ.
Lễ cúng kéo dài từ 2-4 ngày, trong mâm cúng không thể thiếu dé lúa Ra dư nặng hạt nhất được bà con tuốt về để dâng lên các vị thần. Tuốt lúa xong, trước khi đưa về nhà, người dân làm lễ rước thần lúa về nhà với nguyện ước thần về cho no ấm, hạnh phúc, cầu cho lúa về tới nhà không bị chuột tha, chim cắp. Gạo Ra dư đưa về nhà được cất kỹ ở một nơi cao ráo hoặc giã xong thì cho vào gùi để lên tra.
Hành trình khôi phục lúa bản địa
Mặc dù là giống lúa quý, chất lượng gạo tốt nhưng lúa Ra dư kén đất, chu kỳ sinh trưởng dài nên người dân địa phương dần ít trồng hơn trước, thậm chí nhiều người còn bỏ vì năng suất thấp. Đứng trước nguy cơ mai một của giống lúa quý, là một người con của bản làng, nhiều lần chị Miềm trăn trở tìm giải pháp để khôi phục giống lúa truyền thống của địa phương. Chị Miềm chia sẻ: “Những năm trước, tôi cùng bà con trong thôn gom giống lúa Ra dư để trồng cả trên rẫy và ruộng nước ở dưới chân núi. Tuy nhiên, vụ nào lúa cũng mất mùa, hạt lép do thời tiết không thuận lợi hoặc chọn mùa vụ không phù hợp. Do Ra dư là cây “lúa thiêng” nên theo quan niệm của dân bản, lúa ưng ai thì cho hạt nhiều, không ưng thì cho hạt lép”.
Người dân thôn A Đeng, xã A Ngo, thu hoạch lúa Ra dư - Ảnh: L.N
Đầu năm 2023, được sự hỗ trợ của LHPN tỉnh, sự quan tâm của chính quyền địa phương, cây lúa Ra dư bản địa đã được khôi phục. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thúy Nga chia sẻ: “Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, đầu năm 2023, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 100 triệu đồng để thực hiện mô hình khôi phục lúa Ra dư bản địa tại xã A Ngo.
22 hộ dân tham gia mô hình trên diện tích 1,5 ha”. Trên cơ sở kinh nghiệm sẵn có của người dân, cùng với bài học rút ra từ các vụ mùa trước đó, bà con đã có sự thay đổi phù hợp từ khâu gieo hạt đến điều chỉnh lượng phân bón, mực nước cho từng chân ruộng. Chị Hồ A Ríp cho biết thêm: “Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật canh tác, chăm sóc nên lúa Ra dư vụ này được mùa lớn, năng suất cao hơn nhiều so với các vụ trước. Hiện nay, gia đình tôi đã giữ lại những bông tốt nhất để làm giống cho vụ tiếp theo”.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng lúa Ra dư, chị Miềm bộc bạch: “Điều quan trọng nhất để lúa Ra dư cho năng suất cao là phải gieo trồng đúng thời vụ. Thời gian gieo phù hợp nhất là từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, thời điểm này có mưa giông, độ ẩm vừa đủ để cây nảy mầm tốt. Để quá trình chăm sóc diễn ra thuận lợi, chúng tôi đã thành lập nhóm trồng lúa Ra dư, tổ chức họp thường xuyên để triển khai các kỹ thuật mới, hướng dẫn cách chăm sóc hiệu quả, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hay trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy, sau gần 6 tháng chăm sóc đã cho “quả ngọt” với mùa vàng bội thu. Bà con bản trên bản dưới rất phấn khởi vì giống lúa truyền thống của bản đã được khôi phục”.
Để lúa Ra dư vươn xa
Những ngày cuối năm, thôn A Đeng bừng nắng xuân ấm áp. Sau khi hong khô lúa cất vào bồ, kịp chọn những bông mẩy nhất giữ làm giống cho vụ sau, bà con lại háo hức chuẩn bị cho Tết ăn cơm mới.
“Từ ngày thu hoạch, hay tin lúa Ra dư được mùa, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng mua gạo Ra dư với giá khá cao, từ 30.000-50.000 đồng/kg nhưng không có để bán, do mỗi hộ chỉ làm được khoảng 2 sào. Là giống lúa chống chịu sâu bệnh tốt nên quá trình chăm sóc, bà con hạn chế bón phân và tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, do vậy đây là một loại gạo sạch, rất an toàn cho sức khỏe. Với sự giúp đỡ của Hội LHPN tỉnh, trong vụ tới, chúng tôi tiếp tục động viên người dân mở rộng diện tích trồng lúa Ra dư, vừa đảm bảo lương thực, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân từ cây trồng truyền thống”, chị Miềm chia sẻ.
Lúa Ra dư sau khi tuốt về được phơi cẩn thận trước khi cất vào bồ và chuẩn bị cho Tết ăn cơm mới - Ảnh: L.N
Lúa Ra dư không chỉ gắn với truyền thống của bà con dân tộc vùng cao A Ngo mà còn là một trong những giống lúa có phẩm cấp đứng hàng đầu các giống lúa địa phương. Là cây trồng truyền thống bị lãng quên được phục hồi lại theo hướng canh tác tự nhiên, ít rủi ro, sản phẩm gạo sạch. Đây chính là lợi thế để xây dựng thương hiệu cho giống lúa bản địa, góp phần nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh lương thực cho người dân vùng biên giới.
Cùng với đó, địa phương cũng cần có phương án, kế hoạch dài hạn trong việc phát triển lúa Ra dư theo hướng hữu cơ sinh học, chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho người dân trên địa bàn, đồng thời có hướng quảng bá phù hợp để sản phẩm gạo Ra dư tiếp tục vươn xa.
Lệ Như
QTO - Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị đã tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông, từ đường tỉnh đến đường huyện,...
QTO - Giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn được xem là yếu tố quan trọng, giúp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền...
QTO - Thú chơi cây cảnh là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn xưa. Ngày nay xã hội phát triển, thú chơi này mở rộng ra mọi đối tượng...
QTO - Xứ Cùa là tên gọi thân thương mà người dân địa phương vẫn thường dùng để gọi hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Nhiều người yêu vùng đất...
QTO - Ở miền Tây Vĩnh Linh hiện có một con đường đang xây dựng nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Đây là con đường đường...
QTO - Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc vì sao đoạn đường tránh qua địa bàn huyện Gio Linh được lựa chọn đầu tư trước, mà lẽ ra phải chọn đoạn...
QTO - “Kỷ cương, trách nhiệm; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả; thi đua nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác...
QTO - Cho rằng Trạm thu phí BOT Quảng Trị đặt tại vị trí chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cuộc sống của chính...
QTO - Những năm qua, Hội Nông dân huyện Gio Linh luôn quan tâm đến việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả cho hội viên, nông dân. Với sự...
QTO - Năng lực cạnh tranh quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp (DN). Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực, triển khai các...
QTO - Ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1737/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng...
QTO - Từng dồn sức học tập để không phải vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng rồi cái duyên lại đưa chị Trần Thu Trang (sinh năm 1984), trú...