Mở rộng đào tạo dự nguồn lao động tham gia XKLĐ sang Hàn Quốc
(QT) - Tạo việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay là nhiệm vụ quan trọng vừa vì mục tiêu an sinh xã hội, vừa là động lực của sự phát triển. Đặc biệt, thực hiện công tác XKLĐ, trong thời gian qua ở tỉnh Quảng Trị đã có hàng nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đây được coi là một giải pháp quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững... Thời gian gần đây, một số thị trường như Malaysia, Qatar, Ả Rập Xê-út...có mức thu nhập không cao, lương dao động từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng nên thị trường XKLĐ ở những nước này đã không còn hấp dẫn đối với số đông người lao động. Chính nhờ có chính sách mở cửa giữa Việt Nam và Hàn Quốc nên những năm qua có rất nhiều công ty của Hàn Quốc đang cần tuyển nguồn nhân lực của Việt Nam sang làm việc. Chính vì vậy, bên cạnh những nước có thu nhập cao như Nhật Bản, thì Hàn Quốc là nước mà nhiều lao động Việt Nam ao ước được sang làm việc và XKLĐ sang Hàn Quốc là một hướng mà đông đảo thanh niên và người lao động của cả nước nói chung, của tỉnh Quảng Trị nói riêng quan tâm.
 |
Người lao động học tiếng Hàn tại Trung tâm GTVL Quảng Trị. |
Tuy vậy, để đáp ứng được yêu cầu của công việc thì ngoài phải đáp ứng một số bắt buộc như đảm bảo sức khỏe và độ tuổi, người lao động phải biết tiếng Hàn và Hàn Quốc quy định từ năm 2006, người lao động nước ngoài vào Hàn Quốc làm việc phải qua kỳ thi sát hạch tiếng Hàn, người nào đạt yêu cầu mới được đưa vào danh sách tuyển chọn. Là một trong những thị trường luôn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam với yêu cầu không quá cao về tay nghề, ngoại ngữ, lao động sang Hàn Quốc làm việc luôn có mức thu nhập cao, khoảng từ 15 - 25 triệu đồng/người/tháng, nếu được làm thêm giờ thì người lao động có thể kiếm được thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/tháng sau khi trừ tất cả các chi phí cá nhân cần thiết. Ngành nghề tuyển dụng ở Hàn Quốc gồm có 4 nhóm lĩnh vực chủ yếu: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và ngư nghiệp (nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản). Trong 4 ngành nghề trên, ngành sản xuất chế tạo có thu nhập vượt trội hơn cả. Ông Võ Văn Hoàn, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) tỉnh cho biết: “Xu thế lao động của tỉnh Quảng Trị hiện nay là hạn chế đến thị trường có thu nhập thấp mà chủ yếu là tập trung đi Hàn Quốc, vì đây là một những thị trường có thu nhập cao hơn hẳn các nước khác”. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ- TB&XH, trong 6 năm qua, từ năm 2006 đến 2011, toàn tỉnh có khoảng 400 lao động được ký hợp đồng và sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, chiếm khoảng 25% trong tổng số lao động đi XKLĐ ở nước ngoài. Ngoài ra, kỳ thi chứng chỉ tiếng Hàn theo chương trình EPS vào cuối năm 2011 do Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc tổ chức, tỉnh Quảng Trị có trên 200 lao động đã trúng tuyển kỳ thi tiếng Hàn này và đã hoàn thiện thủ tục, đang chờ phía chủ tiếp nhận sang làm việc. Như vậy, thị trường Hàn Quốc sẽ dần dần đứng đầu danh sách những quốc gia mà lao động tỉnh Quảng Trị được nhập cảnh sang làm việc. Với tính cần cù, chịu khó, thật thà và chăm chỉ làm việc nên lao động Quảng Trị được các chủ sử dụng đánh giá cao và có nhu cầu tuyển dụng đông hơn so với các tỉnh khác. Mặc dù đã có bước chuyển tích cực về số lượng, tuy nhiên, XKLĐ sang Hàn Quốc ở tỉnh vẫn còn những hạn chế. Theo quy định, công dân Việt Nam từ 18 đến 39 tuổi, đủ sức khỏe để học tập và lao động, không vi phạm pháp luật, không bị Việt Nam cấm xuất cảnh và Hàn Quốc cấm nhập cảnh đều có thể đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Khi các ứng viên có đầy đủ các tiêu chuẩn này thì có quyền học tiếng Hàn ở bất cứ một cơ sở nào theo Chương trình KLPT, sau đó được đăng ký hồ sơ dự kiểm tra tiếng Hàn tại Sở LĐ-TB&XH (hoặc Trung tâm GTVL tỉnh) tại địa phương nơi cư trú. Khi có Thông báo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐ- TB&XH), người lao động được tham gia kỳ thi tiếng Hàn để lấy Chứng chỉ tiếng Hàn EPS-KLT. Đợt thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn EPS-KLT dành cho tất cả lao động Việt Nam có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc được tổ chức hàng năm. Sau khi kiểm tra nếu đạt thì người lao động sẽ được cấp chứng chỉ tiếng Hàn - KLPT và làm hồ sơ dự tuyển theo qui định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy vậy, trên thực tế ở tỉnh Quảng Trị công tác đào tạo để dự nguồn lao động đi XKLĐ sang Hàn Quốc vẫn còn quá ít ỏi, cung vẫn chưa đáp ứng với cầu; nhu cầu dự tuyển đi Hàn Quốc là rất lớn, nhưng khả năng đào tạo tiếng Hàn để tạo nguồn dự tuyển sang nước này chưa đáp ứng so với nhu cầu xã hội. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất Trung tâm GTVL có tổ chức đào tạo tiếng Hàn. Hàng năm, số lượng lao động đăng ký học tiếng Hàn tại Trung tâm GTVL tỉnh rất đông, nhưng năng lực đào tạo của Trung tâm GTVL chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Bởi vậy, Sở LĐ-TB&XH phải xây dựng chỉ tiêu đào tạo, sau đó xét tuyển danh sách những người đăng ký. Ví dụ như đợt tuyển sinh đào tạo tiếng Hàn cuối năm 2011, toàn tỉnh có trên 600 hồ sơ đăng ký học tiếng Hàn tại Trung tâm GTVL, nhưng năng lực đào tạo của Trung tâm GTVL chỉ được phép tuyển chọn 200 người trong số đó để đào tạo. Số còn lại khoảng 400 người, nếu những người nào biết rõ chủ trương, chính sách XKLĐ ở Hàn Quốc thì họ chủ động đi học tiếng Hàn ở các cơ sở đào tạo ở các tỉnh, thành phố khác. Đối với nhiều người dân và thanh niên, việc đi XKLĐ sang Hàn Quốc vẫn còn là cái gì đó “rất khó” và xa lạ. Không được học tại địa phương, nhiều người phải đi học tiếng Hàn ở các tỉnh, thành phố khác là một việc phải quan tâm, bởi vì chi phí học khá tốn kém so với những người đi học tại địa phương. Anh Lê Văn Hiếu ở thôn Lễ Môn, xã Gio Phong (Gio Linh) là một ví dụ. Anh Hiếu cho biết: Năm 2010 anh đăng ký đi học tiếng Hàn tại Trung tâm GTVL Quảng Trị nhưng không được xét tuyển. Sau đó, nhờ thông tin bạn bè, anh đi học tiếng Hàn ở Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngoài tiền học phí, tiền ăn đắt đỏ ở thành phố, anh còn phải tốn khá nhiều tiền để thuê phòng trọ trong thời gian 3 tháng học. Dù hết sức tằn tiện, nhưng tổng chi phí cho việc học hành của anh đã tiêu tốn không dưới 15 triệu đồng... Mặt khác, do điều kiện học ở xa, bản thân người lao động như anh Hiếu còn bị lãng phí về thời gian (do mỗi ngày chỉ học một buổi) mà theo anh, nếu học gần nhà thì thời gian rảnh rỗi đó anh còn có thể làm được rất nhiều công việc giúp đỡ gia đình... Chất lượng lao động qua đào tạo tiếng Hàn cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mặc dù lao động Quảng Trị luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn, nhưng thực tế khi nhập cảnh vào Hàn Quốc nhiều lao động thường gặp khó khăn trong các tình huống giao tiếp với chủ, thậm chí có những lao động không nói được một câu tiếng Hàn nào. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó nguyên nhân từ năng lực đào tạo tiếng Hàn của địa phương. Như vậy, có một thực trạng là việc dạy và học tiếng Hàn của tỉnh vẫn hạn chế nhiều so với các địa phương khác, nếu không chấn chỉnh sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách XKLĐ ở địa phương... Nghệ An, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào XKLĐ, trong đó chủ yếu là đi Hàn Quốc. Thu nhập của người lao động từ XKLĐ đã có đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở một số vùng quê. Chính nhờ có chính sách, cơ chế thông thoáng cho các cơ sở đào tạo được tham gia đào tạo tiếng Hàn nên số lao động được đi Hàn Quốc của các tỉnh này lúc nào cũng đông. Lấy ví dụ như kỳ thi tiếng Hàn cuối năm 2011, tỉnh Nghệ An có trên 12 nghìn lao động của địa phương đăng ký tham dự, Hà Tĩnh có gần 9 nghìn lao động đăng ký, trong khi đó số lượng của Quảng Trị chỉ được khoảng 600 người, trong đó số được đào tạo tại Trung tâm GTVL tỉnh khoảng 300 - 350 người, số còn lại phải đi học ở xa. “Việc xã hội hóa trong dạy tiếng Hàn ở tỉnh Quảng Trị hiện nay là rất cần thiết”, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Cường đã khẳng định như vậy. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH cần khuyến khích mở rộng đào tạo tiếng Hàn tại Quảng Trị để ngày càng có nhiều con em của tỉnh được tham gia xuất khẩu lao động ở thị trường này... Để tháo gỡ những hạn chế nêu trên, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả con em của tỉnh Quảng Trị được học tiếng Hàn tại địa phương, giảm bớt chi phí học vì không phải đi học ở xa, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tuyên truyền, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn có điều kiện đều được tham gia dạy tiếng Hàn. Trong khi tại địa phương còn thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Hàn, một hình thức được xem là hướng mở cho các cơ sở, đó là thông qua hình thức liên kết đào tạo với các trường, trung tâm có năng lực và chuyên môn đào tạo trong lĩnh vực tiếng Hàn ở các tỉnh, thành phố khác để góp phần tăng nhanh số lượng đào tạo tiếng Hàn cho người lao động của tỉnh. Các cơ sở dạy nghề có thể liên kết dạy tiếng Hàn ngay tại khu vực trung tâm ở các huyện, thị xã, những nơi có số lượng đông người lao động có nguyện vọng đi XKLĐ sang Hàn Quốc để giảm bớt chi phí đi lại của người lao động địa phương. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo tiếng Hàn có thương hiệu, năng lực và kinh nghiệm tốt ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An... muốn được liên kết với các cơ sở đào tạo ở tỉnh để không chỉ đào tạo theo giáo trình chuẩn EPS - KLPT cho người lao động có nhu cầu tham gia chương trình dự tuyển xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc mà những đơn vị này còn giảng dạy tiếng Hàn cho tất cả các đối tượng, những người có nhu cầu học để hiểu biết ngôn ngữ tiếng Hàn, để đi thăm thân hay du lịch sang Hàn Quốc... Hiện nay xuất khẩu lao động vẫn được xem là một hình thức xóa đói giảm nghèo nhanh và hiệu quả, đặc biệt đối với thị trường lao động Hàn Quốc. Tuy nhiên, để phát triển thị trường này, cần có chỉ sự đạo của tỉnh đối với các cơ quan chức năng, sự nhận thức đúng đắn về thực trạng nêu trên của các cấp, các ngành đối với công tác XKLĐ. Cùng với giải pháp trên thì công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ sang Hàn Quốc cần tiến hành thường xuyên để mọi người dân nắm được chủ trương, chính sách, đồng thời phải công khai, minh bạch về tuyển dụng, các khoản chi phí để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động... Bài, ảnh: ĐÌNH THI