Mấy lời cùng Báo Quảng Trị
(QT) - Tôi may mắn có mặt tại Quảng Trị sau ngày giải phóng (1972) và 1/7/1989 khi tỉnh được tái lập. Nghĩa là trong một thời gian dài, tôi là người đọc gắn bó và là người bạn thân thiết trực tiếp chứng kiến sự trưởng thành của tờ Báo Quảng Trị, một tờ báo mà mình thật lòng yêu mến. Vì vậy lời đầu tiên là chúc mừng sự trưởng thành rõ rệt của báo. Rõ ràng là từ nội dung đến hình thức, từ thể loại đến các chuyên mục, từ số lượng đến chất lượng, Báo Quảng Trị đã liên tục phát triển và tự khẳng định qua từng năm tháng. Từ những vấn đề lớn cần định hướng, cần tuyên truyền đến các thông tin cần thiết của đời sống thường nhật đều đã được báo quan tâm và nỗ lực thực hiện. Vì vậy Báo Quảng Trị không chỉ là tiếng nói của Đảng, của chính quyền mà thực sự đã là diễn đàn của nhân dân. Cảm nhận của tôi là Báo Quảng Trị đã gắn bó mật thiết với đời sống quê hương và góp phần đắc lực cho sự phát triển của mảnh đất quê nhà. Công lao, sự đóng góp đó là to lớn và xứng đáng được tôn vinh. Đặc biệt là với các sự kiện lớn, các vấn đề mới cũng như khi gặp những thử thách to lớn bởi thiên tai... sự đóng góp của báo vừa rất kịp thời vừa có hiệu quả rõ rệt. Cũng chính từ sự lăn lộn trong thực tiễn đó, anh chị em phóng viên đã vừa làm tốt nghĩa vụ công dân vừa khẳng định bản lĩnh và tài năng nghề nghiệp của mình. Sự thực là càng ngày Báo Quảng Trị càng được nhiều người yêu mến và tin cậy. Tôi nghĩ đó là thước đo khách quan và vì vậy là niềm vui, niềm tự hào của một tờ báo.
 |
Các chiến sĩ Hải quân đảo Trường Sa Lớn đọc Báo Quảng Trị - Ảnh: ĐÀO TÂM THANH |
Tôi là một cộng tác viên, nghĩa là một người làm báo nghiệp dư. Tôi viết báo từ chính yêu cầu công việc mà cá nhân đảm trách và vì một số vấn đề tâm huyết. Thường thì một tháng viết 1 - 2 bài, có tháng không. Tổng số khoảng hơn 40 bài. Về số lượng thì ít và về chất lượng thuộc loại bình thường. Điều tôi mừng nhất là tác dụng thực tế của các bài viết đó. Chẳng hạn khi nghiên cứu về lịch sử địa phương, tôi đã viết về Bùi Dục Tài và kiến nghị đặt một giải thưởng lớn về sự học mang tên cụ. Rất mừng là đã được tỉnh chấp nhận và đã có giải thưởng thường niên rất ý nghĩa. Khi nghiên cứu về xã hội học, tôi thấy sau chiến tranh, vấn đề người khuyết tật là vấn đề xã hội lớn nên đã viết bài và kiến nghị tổ chức đại hội văn nghệ - thể thao người khuyết tật để đem lại niềm tin cho chính họ và cộng đồng. Và thật hạnh phúc khi Đại hội lần thứ I của cả nước được tổ chức ở tỉnh Quảng Trị và đã thành công rất tốt đẹp (năm 1997). Đề tài mà tôi viết nhiều nhất là về di tích lịch sử, về giáo dục, về khuyến học kèm theo là các đề nghị về đổi mới cách nghĩ, kiến nghị các mô hình và cách làm. Tôi nghĩ đề tài mình chọn có thể chưa hấp dẫn, nội dung trình bày chưa sâu sắc, cách viết chưa hay nhưng với cả tấm lòng và được cuộc sống chấp nhận là một hạnh phúc lớn. Bởi vì nghĩ đến cùng làm báo là vì đời, cho đời chứ đâu phải vì mình và cho mình. Tôi chân thành cảm ơn Báo Quảng Trị đã đồng hành và hợp tác có hiệu quả với tôi trong công việc chung, báo đã sử dụng, khích lệ, cổ vũ tôi khi tôi là một người viết nghiệp dư. Một số anh em nói với tôi nên có kiến nghị, đề xuất với báo về hướng phát triển trong hiện tại và tương lai. Tôi thấy rất khó vì nói một cách dân dã “không nên múa rìu qua mắt thợ”. Tuy nhiên tâm sự chân tình lại là điều có thể. Tôi có một cơ may là được anh Phan Quang - một cây đại thụ và nguyên là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng tuyển tập của ông với đề tặng rất tình cảm: “Tăng anh T.S.T, người bạn nhiều đồng cảm về những chuyện thế sự”. Do hiểu biết ít, tôi không hiểu hết những gì ông đã viết trong 900 trang sách đó nhưng nó giúp tôi nẩy ra một số ý để tâm sự hôm nay. Về tính chiến đấu của báo chí và sự dũng cảm của người phóng viên, trong sách anh đã bàn nhiều về quyền năng của báo chí, cái mà phương Tây gọi là “quyền lực thứ 4” (chỉ đứng sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp). Anh kể năm 2006 thế giới có cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở Nigeria. Nhưng có một bài báo viết rằng, người đẹp cả thế giới về đây, tiên tri Muhammad tha hồ mà chọn người tình. Muhammad là người sáng lập ra đạo Hồi, là nhà tiên tri tối thiêng liêng. Còn đạo Hồi lại là đạo rất nghiêm ngặt trong quan niệm về tình ái. Một người phụ nữ đạo Hồi ngoại tình sẽ bị xử án tử hình, bị trói ở ngã tư, mọi người đi qua ném đá cho đến chết. Bài báo trở thành “quả bom” khi nội dung xem là báng bổ thánh thần đó đã tạo nên những cuộc bạo loạn đổ máu có nguy cơ lan ra cả nước. Cuộc thi hoa hậu buộc phải khẩn cấp chuyển qua Luân Đôn. Anh cũng dẫn lời Bác Hồ: “Cây bút là một vũ khí sắc bén, bài báo là lời hịch quần chúng đoàn kết chống đế quốc, phò chính trừ tà”. Và về mặt xã hội: “Một bài báo có thể nâng người ta đứng dậy sau một thất bại đau đớn nhưng cũng có thể làm tan nát một cuộc đời, một gia đình”. Quyền năng của báo chí thật to lớn nhưng anh phủ định khái niệm “quyền lực thứ 4”. Bởi vì, ở Việt Nam mọi quyền lực thuộc về nhân dân nên cần hiểu nhân dân ủy quyền cho báo chí quyền để báo chí giám sát và phản biện xã hội. Nghĩa là ông đã xác định trách nhiệm to lớn của báo chí theo một cách hiểu khác. Với cách tiếp cận đó quyền năng và trách nhiệm trở thành anh em song sinh. Từ đó ông khen các nhà báo Việt Nam hiện nay vừa có tâm, vừa có tài, vừa rất dũng cảm. Lòng dũng cảm đó là ý chí bảo vệ chân lý, vì lý tưởng chân - thiện - mỹ của những nhà báo chân chính. Tôi nghĩ rằng trong thực tế buồn khi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn diễn ra phổ biến như hiện nay, việc đề cao tính chiến đấu của báo chí và sự dũng cảm của phóng viên là rất cần thiết, là vừa đúng vừa trúng. Cảm nhận của tôi là Báo Quảng Trị “hiền lành quá”, “tròn trĩnh quá”. Chúng ta đã tâm huyết và có nhiều đóng góp trong nhiều mặt nhưng trên lĩnh vực chống “nội xâm” còn quá êm ả, chưa tương xứng với yêu cầu. Tôi hiểu rằng việc này không dễ và thậm chí phải chịu những “đòn phản kích” nhưng khi toàn Đảng, toàn dân đã đồng lòng tuyên chiến với bọn “nội xâm” thì báo chí cũng là mặt trận và các phòng viên phải là các chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận ấy. Về sự phong phú, đa dạng và chiều sâu của nội dung, cây đại thụ báo chí này đã nói rằng, ngoài yêu cầu chính xác, kịp thời, báo chí phải phản ảnh được muôn mặt của đời sống. Yêu cầu về thông tin là rất phong phú, đa dạng nên ngoài những điều cấm theo Luật Báo chí cần phải phấn đấu để đáp ứng. Rất nhiều vấn đề của đời thường phải được khai thác nhưng không được tầm thường. Ông khái quát cả cuộc đời hơn 50 năm làm báo của mình bằng 4 từ với ý nghĩa đó: “Đọc - Đi - Nghĩ - Viết”. Là người trực tiếp soạn thảo Quy chế về đạo đức người làm báo ông đã dành nhiều chỗ nói về những yêu cầu cao của nghề cao quý này. Một trong những vấn đề rất lớn là hiểu cho thật đúng và cách trình bày sao cho hiệu quả xã hội đạt ở mức tối ưu nhất. Bởi vì sự thật bao giờ cũng chỉ có một nhưng hiểu về nó không bao giờ là một. Người Đức nói “Một nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Hay “Người dại là người nói tất cả những gì mình biết - Người khôn là người biết tất cả những gì mình nói”. Ernest Hemingway đã từng khuyên: “Thấy, nghe, hiểu rồi mới viết nhưng nhớ là chỉ viết sau khi hiểu chứ không phải trước khi hiểu”. Chế Lan Viên thì khẳng định: “Nếu chỉ thấy và nghe mà không hiểu thì viết ra sẽ không bôi đen cũng tô hồng thôi”. Nhưng thế nào là hiểu theo ý nghĩa đầy đủ của từ này. Đây là điểm rất khó, nhất là đối với các nhà báo trẻ. Theo anh Phan Quang chỉ có cách là nhà báo phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh, nhất là bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp. Anh viết: “Làm báo là làm văn hóa. Nhà báo là nhà văn hóa dù họ không tự xưng hay mạo nhận nhưng đó là sự thực hiển nhiên”. Theo anh, để là nhà văn hóa đích thực thì ngoài nền tảng tri thức thì điều cốt lõi là cái tâm nhân bản. Đó là kết quả một quá trình dài, liên tục tự học, tự rèn nghiêm túc. Bởi vì ăn đong, ở xổi thì không bao giờ có được văn hóa thâm hậu, nhân bản và đích thực. Ông cũng nhắc nhở: “Trái tim nhầm chỗ để trên đầu” rất dễ dẫn đến sự sai lạc, thiếu khách quan khi hành nghề. Nhắc lại những điều này để xin được nói hai nguyện vọng. Một là: Báo Quảng Trị đã có tiến bộ rất nhiều trong việc mở rộng và đa dạng hóa nội dung tờ báo. Với nhiều chuyên mục và tờ báo cuối tuần là một nỗ lực lớn khá thành công. Theo hướng này, tiếp tục mở rộng thêm để làm cho tờ báo thêm phong phú thì báo sẽ càng cần thiết và thân thiết hơn với người đọc. Hai là: Báo Quảng Trị không chạy theo xu hướng “giật gân, câu khách” là rất tốt. Người đọc cũng khá yên tâm vì tính chính xác và kịp thời. Tuy nhiên vẫn thấy một số bài đơn giản, sơ lược và “công thức” quá. Có lẽ người viết phải lao tâm khổ tứ để có chiều sâu hơn và cũng phải tìm được cấu trúc, cách phô diễn “buộc” người đọc phải nghĩ và cảm nhiều hơn thì hiệu quả mới cao. Nói như anh Phan Quang: Viết về đời thường mà không tầm thường, viết từ những việc nhỏ mà chứa đựng ý tưởng lớn... Bài báo là một tác phẩm nghệ thuật không hư cấu. Tôi và nhiều người mong Báo Quảng Trị sẽ ngày càng có nhiều bài báo bay. Một nhà văn lớn của Nga từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn”. Với báo chí việc chọn được chi tiết đắt giá, đúng bản chất và nhiều ý nghĩa rồi chọn được cách dẫn dắt, phân tích sẽ nâng cao rất nhiều giá trị bài báo. Văn học và báo chí có chung một người mẹ: ngôn từ. Cân nhắc để dùng từ một cách “đắt” nhất và vận dụng nghệ thuật tu từ học một cách nhuần nhuyễn chắc chắn sẽ là một cách để có được bài báo hay. Có người nói: “Viết cho người ta thích thì dễ nhưng viết cho người ta trọng mới khó”. Tôi nghĩ khác, cả hai yêu cầu (thích và trọng) đều khó và nếu biết làm cho người thích (theo nghĩa chân chính của nó) thì người ta càng trọng. Vì vậy, cùng với sự đổi mới ngày càng hiệu quả về nội dung càng nên đặt ra yêu cầu nỗ lực đổi mới về nghệ thuật thì vị trí và tác dụng của tờ báo càng được khẳng định ở mức cao hơn. TRƯƠNG SĨ TIẾN