Cập nhật: Thứ 5, 09/04/2009 | 22:13 GMT+7

Lòng tự trọng

Không có gì bực mình hơn là vào một buổi sáng đẹp trời nào đó ngồi nhâm nhi ly cà phê cùng bạn bè, đang nghêu ngao đủ thứ chuyện trên trời dưới đất thì bỗng nhiên một người ăn xin đến, chìa ra trước mặt mình cái nón cũ nát và một khuôn mặt cũng không sáng sủa hơn cái nón bao nhiêu để cầu xin tình thương của người đời. Tình thương, cái đó thì ai chẳng có. Mà người ta có khó khăn người ta mới gói ghém chút lòng tự trọng vào trong lòng để ngửa tay cầu xin người khác. Thành ra, không cho, thấy mình cũng tệ. 1, 2 nghìn tiền lẻ có đáng gì. Có khi chỉ một phút cao hứng trên bàn nhậu lại mất không biết bao nhiêu 1, 2 nghìn đó. Thì cho, coi như bỏ ra chút tiền để mua cho mình niềm vui vì đã làm được một việc tốt, dù nhỏ. Nhưng, cho rồi đôi khi lại thấy mình sai lầm. Bởi vì, ngồi uống một ly cà phê hết 5 nghìn bạc mà phải đón nhận không biết bao nhiêu cái nón cũ nát tìm đến. Có người nói vui, bỏ 1, 2 nghìn thì mua được một niềm vui nho nhỏ, nhưng bỏ quá nhiều lần 1, 2 nghìn như thế thì lại mua lấy sự bực mình. Người khó khăn ở đâu sao mà nhiều thế, hết người này đến người khác thay nhau tìm đến. Già có, trẻ em có, phụ nữ có, tàn tật có, lành lặn có. Tóm lại, đủ mọi thành phần, hình dáng và hoàn cảnh, miễn sao thật bi đát là được. Khó khăn, cơ nhỡ thật thì không nói làm gì, đằng này thật giả lẫn lộn, giả có khi còn nhiều hơn thật. Nhiều người đang xem ăn xin là một "nghề" chứ không phải là một việc vạn bất đắc dĩ nữa, thế mới bực mình. Có người bạn ở xa đến, nói cà phê ở quê mình là cà phê 4 trong 1. Bởi vì ngồi uống hết một ly cà phê mà không có thêm "món ăn xin", "món vé số" và "món đánh giày" thay nhau đến quấy rầy còn hơn cả ăn vạ thì lại thấy thiếu thiếu cái gì đó. Nghe, mà buồn. Tôi lại nhớ đến bà cụ May, một phụ nữ bán vé số mà tôi đã gặp cách đây mấy năm. Cả đời cụ nghèo, chồng mất, một mình cụ làm đủ nghề để nuôi 2 đứa con. Nay tuổi ngoài 70, con cái đều có vợ con, nhà cửa ổn định, đứa ở Tây Nguyên, đứa ở Đông Hà nhưng ngày nào cụ cũng dậy sớm cầm xấp vé số đi bán. Anh con trai nhiều lần van nài mẹ ở nhà để con cái phụng dưỡng. Cả đời mẹ khổ rồi, giờ con cái đã có của ăn của để, việc gì mẹ phải chịu khổ. Cụ bảo, mẹ còn làm được thì cứ để mẹ làm cho vui tuổi già. Hơn nữa, đi bán mỗi ngày kiếm 1, 2 chục nghìn mua cho cháu miếng bánh rồi phụ thêm cho cái chút ít cũng tốt. Giờ mà bắt mẹ ngồi nhà rồi ăn bám vào con cái thì mẹ buồn đến chết mất. Thế là cụ đi bán, không kèo nài, không vồ vập, ai muốn mua thì cứ gọi, không thì cụ đi. Nhiều lần tôi tìm đến quán cà phê quen thuộc để xem mấy năm nay cụ May có còn đi bán vé số nữa không. Cụ vẫn bán, mặc dù bước chân có vẻ chậm hơn trước. Gặp người quen, cụ cười, hỏi thăm vài ba câu, rồi đi (cụ không bao giờ mời vì biết tôi không bao giờ mua vé số). Chợt nghĩ, nếu ai cũng giàu lòng tự trọng như cụ May thì quê mình chắc sẽ không còn cà phê 4 trong 1 nữa. Nghĩa là sẽ ngon hơn. Và nhiều người cũng sẽ bớt bực mình. THÚY AN



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Loại trừ bệnh sốt rét: Về đích sớm

Loại trừ bệnh sốt rét: Về đích sớm
10:15 tối qua

QTO - Đặt mục tiêu phấn đấu loại trừ sốt rét (LTSR) vào năm 2026, nhưng ngày 30/6/2025, tỉnh Quảng Bình (cũ) đã được Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng...

Tin ở ngày mai!

Tin ở ngày mai!
10:30 tối Thứ 2

QTO - Từng thu mình trong im lặng và tổn thương sau biến cố gia đình, Hồ Thành Đô (SN 2010), cậu bé người Bru-Vân Kiều ở bản Cây Cà, xã Trường Sơn đã dần...

POWERED BY
Việt Long