{title}
{publish}
{head}
Về thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng những ngày này, ai cũng đều cảm nhận được sự đổi thay vượt bậc bởi bộ mặt nông thôn trù phú, an lành, đáng sống đang hiện hữu trong mỗi ngôi nhà khang trang, trên các tuyến đường bê tông rộng rãi, bên những khóm hoa sắc thắm ven đường và cả trong ánh mắt lấp lánh niềm vui của người dân quê nhà... Tất cả thành quả đó đều bắt đầu từ khát vọng phát triển của mỗi người dân thôn Lam Thủy.
Chương trình văn nghệ tại Lễ đón nhận thôn Lam Thủy đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu -Ảnh: N.T.A
Hương ước làng Lam Thủy ghi rõ: Vào đầu thế kỷ thứ XIV, Chúa Chiêm Thành là Chế Mân đã dùng đất châu Ô, châu Lý làm vật dẫn cưới Huyền Trân Công Chúa (1306). Năm Đinh Mùi (1307), mùa xuân, tháng giêng, Vua Trần Anh Tông ban Chiếu đổi hai châu Ô, châu Lý thành châu Thuận, châu Hóa. Vua sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó; đồng thời cho dân ở các vùng châu Hoan, châu Diễn vào đây để khai phá vùng đất mới.
Trong cuộc di dân này có Ngài họ Ngô, tên Nam, tự Tráng đã dừng chân cắm mốc giới ở một vùng đất phì nhiêu nhưng còn hoang vắng, đó là làng Lam Thủy ngày nay. Đến nay, toàn thôn có 17 xóm bố trí thành 11 khu dân cư với 11 đội sản xuất, là một trong những thôn có địa bàn khá rộng, nằm ở trung tâm của xã; diện tích tự nhiên 594,8 ha, trong đó đất trồng lúa 220 ha. Thôn Lam Thủy có 635 hộ với 2.820 nhân khẩu.
Theo sổ bộ của làng và các sử liệu khác thì tên làng Lam Thủy đã có khoảng sáu trăm năm. Chừng ấy thời gian tồn tại và phát triển, làng Lam Thủy cùng với 5 làng trong xã Hải Vĩnh (trước đây) đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, bảo vệ và xây dựng quê hương.
Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, làng Lam Thủy là địa bàn tranh chấp ác liệt giữa ta và địch, nơi đọ sức không chỉ súng đạn mà cả lòng quả cảm. Làng đã có gần 130 người dân được suy tôn liệt sĩ, 57 thương binh, gần chục bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen.
Làng Lam Thủy đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhì, hạng Ba; đặc biệt, làng đã góp phần xứng đáng để xã nhà vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đến với Lam Thủy là đến với mảnh đất lịch sử. Đó là khu vực Trằm Đeng, năm xưa là nơi tập kết bao đoàn quân để từ đó tỏa đi tiêu diệt quân thù; đó là Chùa Lam Thủy, nơi bàn bạc việc quân, nuôi giấu cán bộ cách mạng; một xóm Tả oai hùng, một xóm Cồn quật khởi, một xóm Hói thầm lặng sẻ chia, một đôi bờ Bắc-Nam sông Vĩnh Định từng đưa bao đoàn quân ra trận... Mỗi tên đất, tên làng mà khi nhắc đến bạn bè xa gần đều liên tưởng đến những chiến công vang dội...
Sau ngày quê hương giải phóng, thôn Lam Thủy cũng như mọi miền quê khác, hậu quả của cuộc chiến tranh để lại quá nặng nề. Để xây dựng quê hương ở một làng quê “thiên” không thời, “địa” không lợi, câu trả lời là chỉ có khơi dậy sức mạnh yếu tố “nhân hòa”, đồng tâm hiệp lực để nhân lên khát vọng phát triển, trong đó nhiệm vụ quan trọng là hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới.
Anh Võ Công Trong, Trưởng thôn Lam Thủy cho biết: Xác định xây dựng thôn nông thôn mới là một công việc không dễ nên ngay từ đầu, cấp ủy, ban công tác mặt trận thôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời tập trung rà soát, đánh giá thực trạng, đối chiếu với các tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu để xem xét, ưu tiên thực hiện tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó thực hiện sau.
Đối với những việc thuộc hộ gia đình thì giao cho các gia đình đảm nhận thực hiện, việc nào thuộc tập thể, thôn sẽ phát động toàn dân và huy động cán bộ, đảng viên, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú và con em quê hương cùng chung tay tham gia. Với cách làm sáng tạo đó, thôn Lam Thủy đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Nhờ vậy, đến năm 2024, thôn Lam Thủy có nền kinh tế phát triển, đảm bảo đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Bộ mặt nông thôn mới khởi sắc, đường làng, ngõ xóm thoáng đãng, rộng rãi. Cảnh quan nông thôn sạch đẹp. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong sản xuất đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế; hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng đáp ứng tưới tiêu khoa học. Trên địa bàn thôn hiện có nhiều gia trại và 1 trang trại chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn; có sản phẩm muối lạc rong biển đạt OCOP 3 sao và các sản phẩm như ớt bột, giá đỗ, sen, ném, gạo... chất lượng cao được thị trường ưa chuộng. Kinh tế hộ gia đình phát triển.
Hợp tác xã Lam Thủy được UBND tỉnh công nhận là hợp tác xã tiên tiến cấp tỉnh. Nhiều năm qua, hợp tác xã đã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bình quân hằng năm sản xuất 30 ha lúa giống, bán ra 270 tấn thóc giống, 1.350 tấn thóc thịt, phát triển nhiều mô hình như ném vùng cát 5 ha , trồng ớt an toàn 1,7 ha, chuyển đổi sen, cá 3,5 ha. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại thôn Lam Thủy đạt 60 triệu đồng; tỉ lệ nghèo đa chiều giảm còn 3%.
Để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng sự phát triển, thôn Lam Thủy đã vận động người dân hiến 2.772 m2 đất để mở đường giao thông. Trong 3 năm gần đây, thôn Lam Thủy đã xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường đạt chuẩn giao thông nông thôn, 2 km đường cấp phối ra vùng cát, 2 nhà tránh lũ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 1 điểm tập kết rác thải và nhiều công trình khác như: điểm hoạt động văn hóa, thể thao, điện chiếu sáng đường quê, cổng chào, bến nước.... góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt của quê hương.
Cùng với phát triển kinh tế, các thể chế văn hóa từng bước được xây dựng hoàn thiện, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao. Thôn hiện có 2 nhà văn hóa vừa là nơi để phòng tránh thiên tai, 7 điểm hoạt động thể thao, 1 điểm vui chơi và hoạt động thể thao cho người già và trẻ em, 2 cụm loa truyền thanh,16 cổng chào, 5 bảng pa nô cổ động, 38 bảng khẩu hiệu, 16 bảng đèn led, 17 m giàn vòm trang trí đèn led. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, dân vũ được duy trì và phát triển.
Hằng năm, đã duy trì các giải đấu bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền truyền thống, cờ tướng và các trò chơi dân gian. Thôn Lam Thủy đã liên kết mở 3 lớp đào tạo nghề, khuyến khích học nghề, xuất khẩu lao động, chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Lao động tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản 331 người, công nghiệp - xây dựng 573 người, dịch vụ 48 người và 248 người là cán bộ, công chức, viên chức... của các trường học, cơ quan trên địa bàn thôn.
Việc chỉnh trang nông thôn được chú trọng. Nhiều hộ gia đình đã loại bỏ vườn tạp, nuôi trồng cây, con có giá trị kinh tế cao. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm. Toàn thôn hiện có 18 điểm có bể chứa thu gom rác và xử lý riêng. Những năm qua, thôn đã tổ chức trồng cây xanh, xây dựng các đường hoa kiểu mẫu, làm cho làng quê xanh, sạch, đẹp hơn. Hiện đã có 8/11 khu dân cư lắp đặt biển chỉ dẫn ngõ xóm, biển số nhà từ nguồn vốn xã hội hóa. Toàn dân tích cực chỉnh trang nông thôn, xây dựng, sửa sang nhà cửa, tường rào, trồng cây xanh.
Đến mùa xuân Ất Tỵ này, một hành trình mới đang mở ra, những thành tích mới chào mừng 50 năm ngày giải phóng Hải Lăng sẽ được lập, bởi người dân Lam Thủy hôm nay bên cạnh khát vọng lớn còn có thêm niềm tin vững chắc về công cuộc đổi mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình của quê hương, đất nước.
Nguyễn Trí Ánh
QTO - Xác định xây dựng mô hình “Công dân học tập” là nền tảng, là thành tố hạt nhân cấu thành nên “Xã hội học tập” (XHHT), thời gian qua, Hội Khuyến học...
QTO - Kế thừa và phát huy tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, sống nghĩa tình, gắn bó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Quảng Trị...
QTO - Khi đất trời rộn rã vào xuân, nhà nhà, người người sum vầy đón chào năm mới với bao niềm tin và hy vọng thì gác lại niềm vui, niềm hạnh phúc riêng...
QTO - Những ngày đầu xuân Ất Tỵ - 2025, nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống, trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi trên...
QTO - Được rèn luyện, trưởng thành và cống hiến trong môi trường quân ngũ là nguyện vọng của ngày càng nhiều thanh niên khắp các địa phương. Đặc biệt không...
QTO - “AI không thể thay thế con người. AI chỉ có thể thay thế những người không biết sử dụng nó” - Đó là quan điểm chung của cán bộ, giáo viên Trường Liên...
QTO - Những năm qua, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến, xuân về, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên...
QTO - Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu trở lại làm việc, học tập ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước...
QTO - Trong 50 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Hải Lăng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm vượt qua thử thách, khó...
QTO - Niềm đam mê cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Trần Ngọc Tuấn Anh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Bùi Dục Tài, huyện Hải Lăng biến ước mơ...
QTO - Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư mới này kế thừa các quy định...
QTO - Mua muối lộc cầu may, lì xì đầu năm mới, đi lễ chùa để dâng hương, cầu nguyện những điều may mắn cho bản thân, gia đình, xin chữ - cho chữ thư pháp,...