Cập nhật: Thứ 6, 01/11/2019 | 06:04 GMT+7

Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền

(QT) - Kiểm soát quyền lực là vấn đề quan trọng nhằm ngăn chặn, hạn chế việc lạm dụng quyền lực, thâu tóm quyền lực để làm những việc có lợi cho cá nhân hoặc một nhóm người nào đó, gây tổn hại đến lợi ích của tập thể, nhà nước, vi phạm pháp luật.

Lạm dụng quyền lực và tha hóa quyền lực là việc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không hết hoặc vượt quá quyền lực được trao trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc lạm dụng quyền lực nếu không bị kiểm soát chặt chẽ sẽ gây nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội. Thực tế cho thấy nhiều cán bộ đã lợi dụng quyền lực để làm những việc mưu cầu lợi ích riêng tư. Đó là việc đề ra và quyết định các chủ trương đầu tư để nhận các khoản “lại quả” cực kì lớn, trong lúc hiệu quả đầu tư không rõ ràng, dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, sống dở, chết dở, phải đắp chiếu. Đó là việc đạo diễn, ra các văn bản trái với quy định của pháp luật để mua bán, giao dịch giữa các doanh nghiệp của nhà nước với doanh nghiệp tư nhân gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, điển hình là vụ Mobifone mua AVG, cán bộ chủ chốt của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được tiền hối lộ hàng triệu đô la Mỹ.

Đó là việc làm ngơ, tiếp tay cho những việc làm sai trong việc tổ chức đánh bạc trực tuyến khiến Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Trung tướng Phan Văn Vĩnh của Bộ Công an bị xét xử trước pháp luật. Không ít cán bộ lợi dụng quyền lực khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát hàng hóa để thu lợi cho cá nhân, như vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc; là vụ việc nhiều cán bộ hải quan nhận hối lộ, nhận tiền bôi trơn như trường hợp của Nguyễn Trường Duy, Đội Kiểm soát hải quanCục Hải quan TP. Hồ Chí Minh bị kiểm tra phát hiện 64 phong bì trị giá gần 1 tỉ đồng ở trong nhà chưa được tẩu tán. Việc lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực khi không được ngăn chặn kịp thời đã làm cho một số cán bộ lãnh đạo của UBND TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh giao các khu đất vàng cho cá nhân, doanh nghiệp tư nhân khiến nhà nước thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng không dễ gì khắc phục được và bản thân một số vị nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch UBND ở 2 thành phố nêu trên vướng vào vòng tù tội...

Các vụ kỉ luật và xét xử một số cán bộ cao cấp thời gian qua càng cho thấy vấn đề kiểm soát quyền lực trở nên bức bách hơn bao giờ hết. Muốn kiểm soát quyền lực thì phải thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân; thông qua việc tranh cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lí công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được trao quyền lực; thông qua việc kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, của nhân dân, của công luận; thông qua việc trao đổi, góp ý để nhân dân thể hiện chính kiến của mình trong quá trình tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại vấn đề: Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, để những người làm chức ấy không thể tham nhũng, tiêu cực được?

Đặc biệt trong công tác cán bộ, việc lợi dụng quyền lực để bổ nhiệm, tác động cho người thân, người quen, người cùng nhóm lợi ích… gây ra những hậu quả khôn lường đã được chỉ rõ, như việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ có nhiều sai phạm, làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; bổ nhiệm “hot girl” Sở Xây dựng Thanh Hóa và nhiều trường hợp khác bổ nhiệm người nhà, con cháu, họ hàng giữ các chức vụ quan trọng trong các đơn vị, địa phương đã được báo chí phản ánh thời gian qua.

Trước thực trạng đó, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ: Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị phải thực hiện việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết. Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm UBKT cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, đơn vị. Để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ. Quy định cũng nêu rõ: Người làm công tác cán bộ và nhân sự liên quan nếu có hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền sẽ bị xử lí rất nghiêm.

Cụ thể, cán bộ, đảng viên chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ngoài việc bị xử lí kỉ luật theo quy định hiện hành thì tùy mức độ kỉ luật còn bị kỉ luật bằng hình thức khiển trách (không đưa vào quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch trong thời gian 18 tháng kể từ ngày quyết định kỉ luật có hiệu lực, không bố trí công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra); cảnh cáo (không đưa vào quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch trong thời gian 30 tháng kể từ ngày quyết định kỉ luật có hiệu lực. Xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, không bố trí công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra); cách chức (không đưa vào quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch trong thời gian 60 tháng kể từ ngày có quyết định kỉ luật có hiệu lực, không bố trí công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra); khai trừ đảng, buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng. Cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ và các biểu hiện vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lí, nghiêm cấm giữ lại để xử lí hành chính nội bộ…

Cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Phải kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền một cách có hiệu quả mới đẩy lùi được vấn nạn tham nhũng, cửa quyền, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Phước An



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tăng mức phạt, tăng ý thức chấp hành luật

Tăng mức phạt, tăng ý thức chấp hành luật
10:05 tối Thứ 6

QTO - Một trong những nội dung được dư luận quan tâm nhất trong thời gian gần đây là việc tăng mức phạt vi phạm giao thông được quy định tại Nghị định...

“Đất của vua, chùa của làng”

“Đất của vua, chùa của làng”
00:29 26/10/2019

(QT) - Ba năm trước, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ khi tròn 100 tuổi (năm nay Ngài đã 103 tuổi) trả lời báo Giác Ngộ khi được hỏi: “Tự cày cấy nuôi thân, chạy đua với thời gian để...

Loạn số liệu, nhiễu thông tin

Loạn số liệu, nhiễu thông tin
23:11 18/10/2019

(QT) - Chất lượng môi trường không khí ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thời gian qua là tiêu điểm chú ý của không chỉ người dân sinh sống và làm việc tại hai thành phố này....

Thời tiết

18°C - 23°C
Nhiều mây, không mưa
  • 17°C - 23°C
    Có mây, không mưa
  • 18°C - 23°C
    Có mây, có mưa rào
POWERED BY
Việt Long