Cập nhật: Thứ 5, 12/01/2012 | 05:35 GMT+7

Khát vọng vùng Lìa

(QT) - Dấu vết của công cuộc khai phá vùng Lìa vẫn còn hằn nguyên trên suốt chặng đường dài từ ngã ba đường 9 vào các xã A Dơi, Pa Tầng (Hướng Hóa, Quảng Trị). Tuyến giao thông của vùng Lìa đã bị băm nát bởi hơn hai mươi năm qua phải gồng mình gánh chịu những chuyến hàng lên ngược về xuôi trên hành trình độc đạo. Một người bạn đồng hành nói vui với tôi rằng, trước đây còn tránh ổ trâu ổ voi, nhưng nay thì không còn có chỗ để tránh nữa, 40 km đường Lìa đã bị cày nát, không ít đoạn phải mò mẫm lái xe đi trong bùn lầy. Tuy nhiên, ngày ngày những chuyến xe hàng nặng nhọc vẫn phải lê lết trên con đường đã không còn nguyên hình hài.

Cao su tiểu điền ở A Dơi.

Có thể nói rằng, sự nhiệt huyết của con người để đánh thức tiềm năng, thế mạnh vùng Lìa trong những năm qua là không thiếu, đồng thời với việc tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng Lìa đã được triển khai với những ý tưởng táo bạo. Tuy nhiên dự án mía đường, dự án phát triển cây cao su, cây ăn quả ở vùng Lìa những năm trước đều không mang lại kết quả như nhiều người mong muốn, nguyên nhân thất bại thì có nhiều nhưng điều dễ dàng nhìn thấy được đó là sự nóng vội, chủ quan, duy ý chí, thiếu sự điều tra nghiên cứu một cách cặn kẽ tập quán canh tác, các điều kiện tự nhiên - xã hội cụ thể để có những bước đi đúng đắn, phù hợp lòng dân. Thật khó có thể thống kê một cách đầy đủ những hậu quả do cách làm nóng vội để lại nhưng không khó nhìn thấy nhiều cơ hội đã lần lượt qua đi và người dân vùng Lìa vẫn phải sống trong tình trạng đói nghèo, thiếu thốn. Anh bạn đồng nghiệp nói với tôi rằng, vùng Lìa có một sức sống kỳ lạ. Sức sống ấy được bật dậy ngay từ trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Với hai mùa mưa nắng, thiên nhiên gần như lấy đi tất cả những gì mà nó mang lại và rồi luồn lách trong sự vần vũ ấy của tự nhiên, con người vùng Lìa đã vượt qua và tồn tại với bao nỗi vất vả nhọc nhằn. Như để bù lại những thiệt thòi của con người đang sinh sống trên mảnh đất này, tạo hoá đã mang lại cho họ nguồn đất đai phì nhiêu hiếm có. Vẫn là cây sắn, cây lương thực chủ lực của đồng bào vùng cao nhưng sắn ở vùng Lìa thì chẳng nơi nào sánh được, nó dễ trồng như cây cỏ trong rừng nhưng lượng tinh bột và độ dẻo ngon thì không thể có ở bất cứ nơi nào. Điều lý tưởng là mùa thu hoạch lại đúng vào mùa khô, chỉ cần thái mỏng vứt ra rẫy là sau một ngày đã khô nỏ. Đã bao đời nay, người Vân kiều, Pa cô vùng Lìa sống được là nhờ cây sắn, nhưng sống được một cách đàng hoàng và không ít người đã thoát nghèo, đã giàu lên nhờ cây sắn thì chỉ bắt đầu từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị đi vào hoạt động. Với công suất 150 tấn tinh bột/ngày, nhà máy này đã tiêu thụ một lượng sắn không nhỏ của bà con vùng Lìa.

Đường vào vùng Lìa đã xuống cấp nghiêm trọng.

Từ chỉ vài trăm héc ta đến nay người dân vùng Lìa đã trồng gần 5.000 ha để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Sắn không chỉ xoá đói giảm nghèo mà còn giúp hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc ít người nơi đây trở nên giàu có. Mỗi gia đình ở đây chỉ cần trồng từ 2 đến 3 ha sắn giống mới là đã thu về mỗi năm từ 50 đến 60 triệu đồng. Sắn đã mang lại cho hàng ngàn gia đình vùng Lìa cuộc sống no đủ, khá giả nhưng không thể cứ độc canh cây sắn, mấy năm trở lại đây huyện Hướng Hoá đã nghĩ đến chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng canh tác nông nghiệp bền vững. Được sự hỗ trợ từ dự án đầu tư mô hình bố trí lại dân cư vùng biên giới, khai thác vùng gò đồi của Chính phủ và dự án đa dạng hoá nông nghiệp, từ năm 2005 cây cao su đã được đưa vào trồng lại tại A Dơi. Phải nói rằng, đây không phải là lần đầu tiên cây cao su được đưa vào vùng Lìa. Cách đây hơn 15 năm, Công ty Cao su Quảng Trị đã mạnh dạn chọn vùng Lìa làm nơi phát triển cây cao su trong ý đồ chiến lược phát triển cây cao su đầy tham vọng ở vùng biên giới và vươn sang nước bạn Lào. Tuy nhiên do giá cao su biến động bất lợi cùng với cách làm thiếu thận trọng, vội vàng, cây cao su đã lỗi hẹn với vùng Lìa. Cho đến nay những cây cao su còn lại ở vùng Lìa đã trở thành “cổ thụ” nhưng sự giàu có từ cây cao su mang lại cho người dân nơi đây vẫn đang còn là một ẩn số. Hiện nay tại xã A Dơi đã có gần 600 ha cây cao su đã được đưa vào trồng, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã từng bước làm quen với cây cao su tiểu điền. Ngay dưới vườn cao su, người dân địa phương đang tận dụng đất để trồng xen cây sắn rất có hiệu quả, mỗi héc ta cây cao su khi cây chưa khép tán nếu trồng xen sắn mỗi năm cũng thu được trên 20 triệu đồng. Bên cạnh cây cao su, cây sắn cao sản, cây cà phê đang là cây trồng có nhiều triển vọng tốt đẹp ở vùng Lìa. Hàng trăm gia đình ở xã Pa Tầng đã xóa đói giảm nghèo bền vững nhờ cây cà phê catimor. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chất lượng cà phê catimor ở vùng Lìa mà cụ thể là ở Pa Tầng không hề thua kém cà phê ở Khe Sanh và vùng Tây Nguyên, năng suất bình quân xấp xỉ 10 tấn/ha. Từ việc trồng cà phê theo hợp đồng của công ty, nhiều hộ gia đình ở đây đã giàu có lên sau mấy vụ cà phê trúng mùa, trúng giá, đã có một số hộ gia đình đồng bào Vân kiều mạnh dạn tích luỹ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng mới cây cà phê vì theo họ nếu không nhanh chóng thay đổi phương thức canh tác lạc hậu thì không thể nào xoá đói giảm nghèo được. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hoá, hiện nay vùng Lìa vẫn còn khá lớn diện tích đất chưa được khai thác phù hợp, đó là chưa nói vẫn còn không ít diện tích những cây trồng khác không mang lại hiệu quả nhưng chưa thanh lý được. Và cũng trên vùng đất giàu tiềm năng này vẫn còn khoảng hơn một phần ba trong số hơn 12.000 người dân các dân tộc Vân kiều, Pa cô đang sống trong tình trạng đói nghèo. Việc từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây trồng vật nuôi phù hợp vào sản xuất thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo đang mở ra nhiều triển vọng cũng như cơ hội lớn cho người dân nơi đây. Để khai thác tốt nhất tiềm năng thế mạnh vùng Lìa, vấn đề đặt ra là không chỉ tập trung vào các giải pháp phát triển kinh tế mà còn cần tiến hành các giải pháp nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thực hiện tốt các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân… Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lạc vào “lãnh địa” giáng hương cổ thụ
22:10 31/05/2024

Cách đây mấy chục năm, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô của nhiều bản làng nằm dọc theo dòng sông Sê Pôn cứ ký thác cuộc sống khó nghèo của mình vào những cánh ...

Hàng tết đã sẵn sàng

Hàng tết đã sẵn sàng
23:15 10/01/2012

(QT) - Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đang đến gần. Do quá trình chuẩn bị khá chu đáo nên đến thời điểm này nguồn hàng hóa phục vụ tết trên thị trường rất dồi dào và đảm bảo chất...

Nồng cay mứt gừng Mỹ Chánh

Nồng cay mứt gừng Mỹ Chánh
04:30 10/01/2012

(QT) - Những ngày giáp tết về thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã nghe dậy mùi nồng cay của món mứt gừng truyền thống. Nghề làm mứt gừng ở thôn Mỹ Chánh...

Thời tiết

17°C - 20°C
Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 16°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
POWERED BY
Việt Long