Cập nhật: Thứ 4, 04/04/2012 | 13:02 GMT+7

Khai thác tiềm năng văn hóa để phát triển du lịch ở Quảng Trị

(QT) - Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, trí tuệ và tình cảm của một xã hội hay một nhóm xã hội. Ngoài nghệ thuật và văn học, văn hóa bao gồm cả lối sống, cách chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng. Tùy thuộc vào sự tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội mà mỗi quốc gia, dân tộc và vùng lãnh thổ có những nét sắc thái văn hóa đặc thù riêng. Quảng Trị là vùng đất của những lễ hội. Mỗi lễ hội mang nét văn hóa và giá trị riêng ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân khai hoang, lập ấp; lễ hội tri ân những vị anh hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn Tổ quốc; lễ hội cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Trong quá trình tiếp biến văn hóa, nhiều lễ hội văn hóa mới được hình thành càng làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa dân tộc. Trên địa bàn Quảng Trị có nhiều lễ hội dân gian tiêu biểu như: lễ hội đua thuyền, cướp tù, chợ đình Bích La; lễ hội mang màu sắc tôn giáo, dân tộc như: Lễ hội Kiệu La Vang, Ariêuping- mừng lúa mới... Đặc biệt Quảng Trị có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các lễ hội mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, tiêu biểu là lễ hội “Thống nhất non sông”, lễ hội tri ân Tháng Bảy, lễ hội văn hóa- du lịch “Nhịp cầu Xuyên Á”...

Lễ hội Ariêuping ở miền cao Quảng Trị - Ảnh: MINH ĐỨC

Văn hóa Quảng Trị mang đậm tính chất văn hóa làng. Làng là một thiết chế xã hội, một đơn vị tổ chức chặt chẽ của nông thôn Việt Nam, qua biến chuyển của thời gian, nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc vẫn được gìn giữ. Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, khóm chuối, rặng tre luôn là hình ảnh thân thuộc đối với mỗi người dân Quảng Trị. Du khách đến với làng Việt sẽ được đắm chìm trong không gian thanh bình của làng quê yên ả; được nghe những làn điệu dân ca đằm thắm, được thưởng thức những điệu múa đặc sắc mang đậm hơi thở cuộc sống. Nổi bật như: Dân ca Bình Trị thiên, hò Chèo Cạn, hò Như Lệ, hò đưa linh... Về với làng Việt ở Quảng Trị du khách cũng có dịp tìm hiểu kỹ thuật sản xuất các mặt hàng thủ công, thỏa sức mua sắm những sản vật của địa phương như dệt thổ cẩm, mây tre đan, chạm khảm... Quảng Trị là một tỉnh có nhiều dân tộc và tôn giáo. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng. Đến với các tộc người thiểu số Vân kiều, Pa kô, du khách sẽ được trở về với không gian văn hóa còn lưu giữ nét hoang sơ, được chiêm ngưỡng kiến trúc xây dựng độc đáo như nhà sàn, nhà dài, được nghe tiếng hát mang âm hưởng của núi rừng, những điệu múa đắm say cùng những nghi lễ đậm chất huyền bí... Các tôn giáo Quảng Trị có những nét văn hóa- tâm linh khá độc đáo. Nổi bật nhất là các lễ hội như: Lễ Phật Đản của Phật giáo và Kiệu La Vang của Thiên Chúa giáo... Truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm đã hình thành nên hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ và độc đáo. Tiêu biểu nhất là di tích cầu Hiền Lương- sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, Tà Cơn, Khe Sanh- Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh, đảo Cồn Cỏ... Mỗi địa danh, mỗi di tích mà mỗi lần nhắc đến đều gây xúc động và niềm tự hào mạnh mẽ. Hệ thống di tích văn hóa lịch sử dày đặc ở Quảng Trị có giá trị tinh thần vô giá, là cơ sở hình thành các chương trình du lịch hồi tưởng, hoài niệm, tâm linh có sức hấp dẫn mãnh liệt. Các giá trị văn hóa đã trở thành nền tảng tinh thần và động lực để Quảng Trị xây dựng và phát triển đi lên. Đối với hoạt động du lịch, văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự hình thành sản phẩm du lịch. Tuy vậy, để khai thác đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch là điều không hề đơn giản. Những năm qua, cùng với các sản phẩm du lịch khác, du lịch văn hóa đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến với Quảng Trị. Nhiều tour du lịch hấp dẫn đã được hình thành như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “Một ngày ăn cơm 3 nước”, du lịch Caravan... Thế nhưng, một điều dễ dàng nhận thấy là sản phẩm du lịch ở Quảng Trị còn đơn điệu, nhiều sản phẩm na ná giống nhau, chưa tạo được thương hiệu mạnh; giữa cơ quan quản lý văn hóa, bảo tàng, di tích- danh thắng và các công ty du lịch còn hoạt động riêng lẻ, chưa tạo được sự liên kết, tiếng nói chung trong hoạt động du lịch... Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm khai thác tiềm năng văn hóa để phát triển du lịch trên địa bàn Quảng Trị: Một là, cần kết hợp chặt chẽ giữa khai thác và bảo vệ các giá trị văn hóa. Mối quan hệ biện chứng của du lịch và văn hóa là mối quan hệ tương tác, phối hợp, bổ trợ lẫn nhau. Văn hóa là tác nhân quan trọng cho phát triển du lịch và ngược lại, phát triển du lịch tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Điều đó có nghĩa là trong quá trình khai thác các giá trị văn hóa phục vụ mục đích du lịch cần phải hết sức chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, tránh các tác động tiêu cực làm cho văn hóa bị mai một, biến dạng so với nguyên bản, bị thương mại hóa. Đồng thời, có kế hoạch đầu tư trở lại để bảo tồn và phát triển văn hóa, làm cho văn hóa được phát triển và thăng hoa. Hai là, nghiên cứu, lồng ghép các tour du lịch văn hóa hiện có của Quảng Trị với mỗi vùng miền trong nước và khu vực Tiểu vùng sông Mê kông để trở thành những tour du lịch chung của khu vực trên nguyên tắc tôn trọng định hướng du lịch của mỗi nước, song có sự điều chỉnh nhằm hạn chế sự trùng lặp về sản phẩm du lịch; khai thác có hiệu quả nhất những giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Trị cũng như các tỉnh, thành trong nước và mỗi địa phương, mỗi quốc gia trong vùng. Ba là, kết hợp du lịch văn hóa với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm. Không ngừng sáng tạo đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa nhằm tạo thêm nhiều sự chọn lựa cho du khách, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của các loại khách. Đoạn tuyệt với cách làm tour đơn giản, chuyên biệt, độc lập, khô cứng; cần sáng tạo và linh hoạt trong tổ chức tour du lịch văn hóa, sự kết hợp khai thác các sản phẩm du lịch đặc sắc và có tính đặc thù của Quảng Trị và từng vùng miền, từng quốc gia. Bốn là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, liên kết để phát triển là xu thế tất yếu. Vì vậy, cần tăng cường liên kết cơ quan quản lý du lịch quốc gia, các cơ quan xúc tiến du lịch, các công ty lữ hành của Quảng Trị, các địa phương bạn, các nước Tiểu vùng sông Mê kông trong hoạt động khai thác du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng nhằm xây dựng chiến lược phát triển du lịch, tạo sự ổn định của hệ thống dịch vụ sử dụng, mức giá cạnh tranh với các điểm đến khác, liên tục có sự phối hợp trong vấn đề tạo ra sản phẩm chung cũng như việc nghiên cứu đổi mới sản phẩm văn hóa- du lịch. Năm là, Quảng Trị và các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây cần xây dựng và triển khai chiến lược quảng bá tuyên truyền hình ảnh đất nước, con người truyền thống văn hóa và tiềm năng du lịch của mình một cách sâu rộng trên phạm vi khu vực và quốc tế. Theo đó, các địa phương trên toàn tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây tích cực tuyên truyền, quảng bá văn hóa đặc sắc và thế mạnh về du lịch của mình, quảng bá những nét tương đồng văn hóa đặc sắc và tiềm năng du lịch của các quốc gia khác trong vùng, tạo ra sức mạnh chung, có sức lan tỏa mạnh mẽ thu hút du khách khát khao khám phá. Sáu là, văn hóa do nhân dân sáng tạo ra nên văn hóa là của nhân dân. Vì vậy, Quảng Trị cần có những chính sách, những giải pháp tạo điều kiện để nhân dân được trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch văn hóa nhằm tạo ra môi trường du lịch-văn hóa cộng đồng phát triển bền vững. Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch là một hướng đi đúng trong hoạt động du lịch cũng như trong công tác bảo tồn, tôn tạo, xây dựng và phát triển văn hóa. Quảng Trị cần có định hướng đúng và giải pháp hữu hiệu để văn hóa và du lịch đồng hành theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả. TS NGUYỄN VĂN DÙNG (Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Quảng Trị)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Liên kết để khai thác tiềm năng du lịch
06:26 04/03/2023

Quảng Trị có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nhưng kết quả của ngành du lịch tỉnh nhà vẫn chưa tương xứng. Vì vậy, để khai thác tối đa những thế ...

Khai thác tiềm năng du lịch giáo dục
22:19 03/05/2023

Trên cơ sở kết nối các điểm di tích lịch sử và những điểm đến đang được giới trẻ yêu thích ở khu vực miền Tây Quảng Trị, thời gian qua, tour du lịch trải ...

Khởi sắc Tà Rụt

Khởi sắc Tà Rụt
10:45 tối qua

QTO - Mặc dù là địa phương ở vùng núi, phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng những năm gần đây, bức tranh KT-XH ở xã Tà Rụt, huyện...

Chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững

Chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững
10:35 tối qua

QTO - Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, hình ảnh người phụ nữ không chỉ gắn liền với gian bếp, thửa...

Người cựu chiến binh có duyên với đất

Người cựu chiến binh có duyên với đất
03:17 03/04/2012

(QT) - Sau gần hai chục năm lăn lộn với đất và cây, ông Hồ Văn Kha, thôn An Nha (xóm Kinh tế mới) xã Gio An (Gio Linh, Quảng Trị) ngẫm thấy mình rất có duyên với mảnh đất kinh...

Hồi sinh Tây Gio Linh

Hồi sinh Tây Gio Linh
00:59 02/04/2012

(QT) - Từ một vùng đất hoang tàn sau chiến tranh, miền Tây Gio Linh (Quảng Trị) đã hồi sinh một cách mạnh mẽ. Bây giờ lên vùng đất này nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước màu xanh...

Gương sáng trên Nông trường Trường Sơn

Gương sáng trên Nông trường Trường Sơn
00:59 02/04/2012

(QT) - Những ngày đầu tháng 3/2012, tôi có dịp trở lại Gio An, Gio Linh (Quảng Trị). Đứng trên vùng đất này, có thể cảm nhận rõ rệt về sự thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ....

POWERED BY
Việt Long