Cập nhật: Chủ nhật, 03/09/2017 | 10:18 GMT+7

Khai thác giá trị quá khứ cho hiện tại và tương lai

(QT) - Trong bức thư gửi hội thảo du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội vừa tổ chức tại Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã nhấn mạnh: “Du lịch hoài niệm trước hết giúp các cựu chiến binh, các thanh thiếu niên được trở lại chiến trường xưa, thăm các đồng chí, đồng đội, các lớp cha anh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Du lịch hoài niệm sẽ giúp mọi người được đi thăm, đi viếng các di tích lịch sử của cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, giúp bạn bè thế giới, kể cả các cựu chiến binh ở bên kia trận tuyến trở lại chiến trường để gặp gỡ, hòa giải và gắn bó tình yêu thương giữa con người với con người, giữa dân tộc với nhau”.

Thành Cổ Quảng Trị, một địa chỉ du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội -Ảnh: THÀNH DŨNG

12 năm hình thành và phát triển, đến nay Du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” đã trở thành một thương hiệu nổi trội của tỉnh Quảng Trị, mang lại nhiều ý nghĩa về chính trị và xã hội sâu sắc. Sau khi công bố tổ chức chương trình Du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” vào năm 2006, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thương hiệu du lịch mới “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”.

Trên cơ sở đó, địa phương đã có những định hướng phát triển mạnh loại hình du lịch này, xác định bước đi phù hợp cho từng giai đoạn; tổ chức nghiên cứu, điều tra, khảo sát một cách cơ bản, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh; thực hiện đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích tiêu biểu; xây dựng, quảng bá thương hiệu loại hình du lịch hoài niệm. Để phát triển ngành du lịch nói chung và Chương trình Du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” nói riêng, tỉnh đã từng bước xây dựng hoàn thiện hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách.

Theo thống kê của các ngành chức năng, trong giai đoạn từ năm 2005-2017, tổng số vốn ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội có tác động đến phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách đầu tư trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và cơ sở hạ tầng khác như giao thông, điện, nước... khoảng 700 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh cũng phát triển khá nhanh với sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 178 cơ sở lưu trú, đặc biệt, Quảng Trị là nơi duy nhất của cả nước có Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ, hàng năm đón tiếp và phục vụ trên 8.500 lượt người. Số lượng các nhà đầu tư kinh doanh đến đăng ký đầu tư tại các khu kinh tế-thương mại trong tỉnh cũng tiếp tục tăng, hiện tại có 20 dự án đã và đang đầu tư tại các khu du lịch- dịch vụ với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3.335 tỉ đồng. Từ đó đã bước đầu gắn kết hiệu quả hơn quá trình xây dựng, phát triển loại hình du lịch hoài niệm với phát triển các loại hình du lịch khác như văn hóa tâm linh, sinh thái biển, Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Song song với hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, các hoạt động phục vụ nâng cao hiệu ứng thúc đẩy hỗ trợ Chương trình Du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” đã được đẩy mạnh. Với sự hỗ trợ của cấp trên, thời gian qua nhiều lễ hội cách mạng đã được tổ chức thành công trên địa bàn tỉnh, thu hút đông đảo du khách trở về chiến trường xưa. Tiêu biểu như các lễ hội: “Thống nhất non sông”, “Thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn”; các chương trình truyền hình như “Huyền thoại Trường Sơn”, “Khúc tráng ca về một dòng sông”, “Khát vọng hòa bình”... đã được tổ chức trang trọng, quy mô, tạo ấn tượng sâu sắc và sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả để triển khai chương trình du lịch hoài niệm. Thị xã Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ triển khai Chương trình “Đêm hoa đăng” trên sông Thạch Hãn vào ngày rằm hàng tháng, các dịp lễ, tết. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Cựu chiến binh tỉnh... đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Về nguồn, hành trình về với Trường Sơn, lễ báo công...tại các di tích lịch sử, các nghĩa trang liệt sĩ, thu hút sự tham gia của hàng ngàn đoàn viên, hội viên.

Hàng năm có trên 100 đoàn đại biểu thanh niên các tỉnh, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp với trên 10.000 đoàn viên, thanh niên đến thăm viếng các nghĩa trang và di tích lịch sử kết hợp tặng quà cho các đối tượng chính sách khó khăn. Các đoàn thể, tổ chức xã hội, tôn giáo cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động như hành hương về chiến trường xưa, lễ cầu siêu, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị. Tính chung trong 12 năm (từ 2005- 2017), tổng lượng khách đến Quảng Trị theo Chương trình Du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” đạt trên 9 triệu lượt, doanh thu xã hội ước đạt 2.140 tỉ đồng.

Đối tượng của du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” chủ yếu là những cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ, do vậy để xây dựng chương trình du lịch hoài niệm thành thương hiệu, có quy mô, và phát triển bền vững trong thời gian tới thiết nghĩ cần triển khai nhiều giải pháp. Trước hết tiếp tục thực hiện bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, nâng cao tính bền vững, đồng thời phát huy giá trị to lớn của hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Trên cơ sở dự án quy hoạch các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng cần có sự kết hợp khéo léo, hợp lý và hiệu quả giữa hoạt động bảo tồn, tôn tạo với khai thác phát huy giá trị di sản vào phát triển kinh tế, nhất là hoạt động dịch vụ- du lịch.

Quá trình xây dựng quy hoạch cần nghiên cứu một cách khoa học, phân định rõ các khu chức năng, xác định phạm vi, khu vực cần bảo tồn, tôn tạo, các khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ- du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đem lại hiệu ứng tích cực. Đặc biệt là bảo tồn và khơi dậy “tính thiêng” của di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, tạo ra những địa chỉ đỏ để tri ân, tưởng niệm và tôn vinh những người con yêu quý của đất nước đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng các tour du lịch đặc thù của chương trình du lịch hoài niệm phù hợp với từng đối tượng khách như: khách du lịch nội địa; khách quốc tế; khách cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa; khách hoài niệm, nghiên cứu tìm hiểu về sức mạnh và cội nguồn chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Kết hợp phát triển loại hình du lịch hoài niệm với du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển đảo và du lịch Hành lang kinh tế Đông-Tây nhằm tạo sự phong phú, đa dạng về sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách...

Để Chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” phát triển bền vững cũng cần quan tâm huy động mọi nguồn lực, nhất là từ nguồn xã hội hóa để đầu tư phát triển du lịch. Tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đầu tư kinh doanh các dịch vụ du lịch, khu nghỉ dưỡng...Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, chú trọng đến công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch hoài niệm.

Quá khứ vẻ vang của dân tộc là những trang sử mãi mãi lưu danh trong lịch sử cách mạng của đất nước, thực hiện Chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” là một cách khai thác quá khứ cho hiện tại và tương lai, góp phần làm cho những trang sử hào hùng của cha ông mãi vô giá với thời gian.

Lệ Như



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng
03:10 03/09/2017

(QT) - Trong những năm qua, để phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng khảo sát, kêu gọi đầu tư nhằm phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng...

Thời tiết

26°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long