Khắc ghi lời dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn
(QT) - Đến xã Triệu Thành, Triệu Phong (Quảng Trị) hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự khởi sắc từng ngày của địa phương trên nhiều lĩnh vực. Để có được kết quả đáng tự hào đó, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, giúp đỡ tích cực của các cấp, các ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Triệu Thành đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để xây dựng và phát triển quê hương toàn diện, xứng đáng với lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong những lần về thăm, động viên, khích lệ bà con quê nhà vươn lên trên khó khăn, xây dựng cuộc sống no ấm, mạnh giàu.
|
Ông Nguyễn Đính cầm kỷ vật con sư tử đá hồi tưởng lại những kỷ niệm gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng con cháu |
Cho đến bây giờ, những người vinh dự được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn trong những lần đồng chí về thăm Triệu Thành hay tại thủ đô Hà Nội vẫn còn nhớ rõ ràng hình ảnh, lời nói, sự quan tâm và những việc làm đáng kính của đồng chí cho quê hương. Tổng Bí thư Lê Duẩn là người rất gần gũi, yêu thương và chăm lo đời sống của người dân trong nước nói chung, bà con quê nhà nói riêng. Mỗi khi thấy dân vất vả, nghèo khó, đồng chí động viên, suy nghĩ cách giúp đỡ bà con, mỗi khi hay tin cuộc sống của dân tiến bộ đồng chí phấn khởi. Ông Nguyễn Đính, nguyên Chủ tịch UBND xã Triệu Thành, hiện là Bí thư Chi bộ thôn An Tiêm là một trong số người vinh dự được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn 3 lần (2 lần đồng chí về thăm Triệu Thành năm 1976 và 1983, 1 lần gặp đồng chí tại thủ đô Hà Nội năm 1985). Đối với ông Đính, những lần được đồng chí tiếp chuyện, dặn dò, động viên xã nhà phát huy nội lực, sớm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu…là động lực để ông phấn đấu trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó để có những phương cách giúp dân thay đổi nhận thức trong làm ăn, xây dựng quê hương phát triển. Ông Đính nhớ lại, vào năm 1976, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê, khi ấy ông đang là Ủy viên thư ký của xã, được phân công nhiệm vụ làm công tác bảo vệ đoàn công tác của Trung ương do Tổng Bí thư Lê Duẩn làm trưởng đoàn. Lần đó, Tổng Bí thư ân cần gọi ông và nhiều cán bộ, nhân dân lại gần và căn dặn mọi người cần phải xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ cán bộ xã, trong nhân dân thật vững bền để xây dựng Triệu Thành ngày càng đi lên. Đặc biệt, đồng chí lưu ý đến vấn đề phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho dân. Sau chuyến thăm ấy, Tổng Bí thư trở về Hà Nội chỉ đạo cho huyện Đông Cao, tỉnh Thái Bình tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ Triệu Thành cách làm ăn hiệu quả. Nhờ sự giúp sức của huyện Đông Cao, ít lâu sau xã Triệu Thành thành lập Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Hậu Kiên chuyên làm nghề dệt màn, vải thô và khăn. HTX TTCN Hậu Kiên làm ăn hiệu quả, thu hút nhiều lao động địa phương và các địa phương lân cận như thị xã Quảng Trị, Hải Lăng có thêm công ăn việc làm, thu nhập khá. Tuy nhiên, do sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, năm 1990 HTX TTCN Hậu Kiên giải thể. Năm 1983, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm lại Triệu Thành và đưa một số hộ dân ở quê đi xây dựng kinh tế mới ở Nông trường Cao su Thuận Lợi (Sông Bé). Sau chuyến thăm này, đồng chí thường xuyên gửi lời thăm hỏi đến bà con quê nhà. “Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được 3 lần gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn. Lần gặp nào đồng chí cũng quan tâm, dặn dò cần xây dựng tình đoàn kết để tạo nên sức mạnh xây dựng quê hương. Năm 1985, sau cơn bão số 5 tàn phá làm Triệu Thành tổn thất nặng nề về người và của, tôi và một số đồng chí trong Đảng ủy xã được Trung ương triệu tập ra Hà Nội báo cáo hậu quả của bão và Tổng Bí thư trực tiếp gặp gỡ, nắm bắt tình hình. Sau đó, đồng chí mời chúng tôi về nhà ăn cơm, chuyện trò, hỏi thăm đời sống người dân quê nhà. Đặc biệt đồng chí dặn xã làm thế nào đừng để thủy lợi Nam Thạch Hãn chạy qua địa bàn Triệu Thành bị hư hỏng để duy trì tưới tiêu cho nông nghiệp, tạo ngành nghề để lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định, cần quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tốt hơn. Dịp này, Tổng Bí thư tặng tôi 1 cuốn sách đường lối cách mạng miền Nam và 1 con sư tử bằng đá. Đây là những kỷ vật tôi quý trọng và giữ gìn cẩn thận, mỗi lần thấy kỷ vật, trong tôi lại sống lại những ngày được gặp đồng chí vậy”, ông Đính chia sẻ. Đối với ông Nguyễn Ngọc Tánh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã thì ký ức về những lần được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn còn đậm nét. Cũng như ông Đính, ông Tánh vinh dự được gặp Tổng Bí thư 3 lần. Ông Tánh vui vẻ kể: “Điều tôi ấn tượng mỗi khi được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn là phong thái nhanh nhẹn, luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ và nhân dân Triệu Thành. Năm 1983, khi đồng chí về thăm quê, tận mắt thấy đập thủy lợi Nam Thạch Hãn hoạt động hiệu quả, tưới tiêu đến từng ruộng đồng, lúa xanh tươi tốt, đồng chí mừng quá mà bật khóc. Sau đó đồng chí dặn dò chúng tôi cần duy trì, bảo vệ và phát huy lợi ích từ đập thủy lợi này để đảm bảo cho việc tưới tiêu nông nghiệp. Rồi đồng chí đi thăm chợ, đến từng thôn, xóm hỏi chuyện người dân, dặn bà con phải sống tình cảm, đoàn kết, yêu thương nhau. Đối với lãnh đạo xã, đồng chí nói: “Quê mình còn nghèo lắm, nhất là sau chiến tranh, cần có cách giúp dân vượt qua nghèo khó”. Năm 1985, tôi cùng đoàn công tác của xã ra Hà Nội, được Tổng Bí thư mời về nhà ăn cơm cùng gia đình. Bữa cơm giản dị mà rất ấm cúng. Khi chia tay, Tổng Bí thư không quên gửi lời chúc sức khỏe đến nhân dân Triệu Thành, mong bà con quê hương chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống ấm no. Xuất phát từ tình cảm quý báu của Tổng Bí thư Lê Duẩn, niềm tin, tình cảm của nhân dân đối với đồng chí, nhiều năm qua, nhân dân Triệu Thành đã phấn khởi tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, quyết tâm phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương phát triển”. Những lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn được thế hệ trước truyền đạt cho thế hệ sau và là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân Triệu Thành khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế của địa phương. Đến nay, nhờ phát huy tốt nội lực, Triệu Thành đạt đã được nhiều kết quả trên nhiều phương diện. Phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Thành luôn đoàn kết, nhất trí cao trong xây dựng và phát triển quê hương. Hiện nay, lao động thương mại, dịch vụ, ngành nghề của xã chiếm trên 80%, gần 20% lao động nông nghiệp. Cơ sở vật chất, hạ tầng của xã được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập đầu người đạt 25 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Đầu năm 2015, Triệu Thành đã hoàn thành 18/19 tiêu chí và phấn đấu quí II/2015 sẽ hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. 5 năm liền từ 2009-2014, Đảng bộ xã liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được tỉnh, huyện tặng cờ thi đua và khen thưởng. Bài, ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG