Cập nhật:  GMT+7

Huyền thoại làng hầm

(QT) - Làng hầm Vĩnh Linh là một hệ thống các công trình kiến trúc kì vĩ được tạo lập trong lòng đất bằng những công cụ thô sơ tự tạo và nghị lưc phi thường của quân và dân vùng địa đầu tuyến lửa để chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chiến thắng kẻ thù trong điều kiện không thể tồn tại an toàn trên mặt đất trước cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt của bom đạn Mỹ. Không chỉ là chiến lũy đánh giặc như ở địa đạo Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), hệ thống làng hầm, địa đạo Vĩnh Linh là hình ảnh độc đáo của những làng quê đi vào trong lòng đất với đầy đủ các công trình thiết yếu có giá trị to lớn về mặt lịch sử, quân sự, văn hóa, khoa học…., được ví như “lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất giấu kín biết bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và của thời đại mà nó được sinh ra”.

Tồn tại hay không tồn tại

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Vĩnh Linh có vị trí lịch sử đặc biệt quan trọng, là đầu cầu giới tuyến, tiền đồn của miền Bắc XHCN, hậu phương lớn trực tiếp chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam. Vì vậy, khi phát động cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành mục tiêu hủy diệt của bom đạn Mỹ. Đế quốc Mỹ đã sử dụng tất cả các loại máy bay, tàu chiến, kể cả máy bay ném bom chiến lược B52 để bắn phá, ném bom mọi lúc, mọi nơi không kể là mục tiêu quân sự hay dân sự trên đất lửa Vĩnh Linh.

Du khách đến tham quan địa đạo Vịnh Mốc

Theo số liệu thống kê, từ năm 1964 đến năm 1972, mãnh đất địa đầu giới tuyến này hứng chịu hơn nửa triệu tấn bom các loại, tính bình quân mỗi người dân ở đây phải đội trên đầu 7 tấn bom và 10 quả đại bác. Cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt của đế quốc Mỹ đã đặt con người Vĩnh Linh trước thử thách nghiệt ngã của sự sống còn: tồn tại hay không tồn tại, đi hay ở lại? Với quyết tâm “Một tấc không đi, một li không rời, mỗi làng là một pháo đài chiến đấu”, “Tất cả vì miền Nam ruột thit”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh đã ra chủ trương quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực, biến Vĩnh Linh trở thành quê hương của hầm, hào, địa đạo. Hầm tại đồi nương, đồng ruộng; hầm di động trú tránh bom đạn; hầm trở thành nhà ở, nơi hội họp, sinh hoạt tập thể; hầm dùng để làm bệnh viện, trường học, nhà trẻ; hầm để làm kho chứa vũ khí, lương thực; hầm để cho súc vật ở…

Giai đoạn 1965-1968, toàn huyện Vĩnh Linh đã đào được 91.840 căn hầm, 2.098 km giao thông hào. Từ hầm, hào, tiểu đạo, trung đạo phát triển lên thành những địa đạo quy mô hơn, được nối thông với nhau bằng đường hầm, giao thông hào. Những xã địa hình đất đai không cho phép đào địa đạo như Vĩnh Chấp, Vĩnh Thái, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy thì liên hệ các xã khác để có phần đất cho nhân dân đào địa đạo phục vụ việc trú ẩn. Hệ thống hầm, hào, địa đạo cứ thế phát triển hoàn thiện trở thành những làng hầm, là hình ảnh thu nhỏ của làng quê ở trong lòng đất, trong đó đường hầm chính là đường làng, mỗi nhánh tiểu đạo là một ngõ, mỗi ngách là một căn hộ gia đình … Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh phân bổ đều khắp gần 70 làng của 15/22 xã, thị trấn với 114 địa đạo lớn nhỏ. Chức năng chính của địa đạo là phòng tránh hiệu quả bom mìn, nhưng tùy vào thực tiễn cuộc sống sản xuất và chiến đấu mà các làng hầm, địa đạo có thêm chức năng khác nhau, như: địa đạo phục vụ nhu cầu trú ẩn, sinh hoạt của nhân dân; địa đạo phục vụ nhu cầu canh gác, trực chiến của lực lượng dân quân; địa đạo phục vụ nhu cầu trú ẩn, làm việc của cơ quan nhà nước; địa đạo của các lực lượng vũ trang chủ lực đóng trên địa bàn. Trong số đó có các địa đạo lớn tiêu biểu như: Địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) có hệ thống đường hầm trục chính dài 1.060m; địa đạo Công an nhân dân vũ trang Hiền Dũng (xã Vĩnh Hòa) dài 2.301m; địa đạo Đội 7, 8, 9 Thủy Trung (xã Vĩnh Trung) dài 2.010m; địa đạo Mỹ- Tú qua hai làng Thủy Tú và Mỹ Duyệt (xã Vĩnh Tú) dài 3,5km; địa đạo Hòa Lý (xã Vĩnh Quang) dài 1.500m…

Suốt thời gian từ 1965-1972, đã có 63 em bé được sinh ra trong lòng địa đạo và nhờ có hệ thống làng hầm phòng tránh hoàn thiện này mà quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển toàn bộ cuộc sống xuống lòng đất, bảo toàn lực lượng sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lập nên “lũy thép” kiên cường hai lần được Bác Hồ gửi thư khen; “Đánh cho giặc Mỹ tan tành/ Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”.

Kỳ tích độc đáo

Thực tiễn đào hầm phòng tránh bom đạn, bám trụ sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu với khẩu hiệu “tay cày tay súng, giặc đến chiến đấu, giặc đi sản xuất” của quân và dân Vĩnh Linh không chỉ đáp ứng yêu cầu trú ẩn an toàn của con người, súc vật và tài sản, mà còn tổ chức được cuộc sống chiến đấu dưới lòng đất trong một thời gian dài. Nghệ thuật chuyển moi hoạt động vào lòng đất của quân và dân Vĩnh Linh cũng rất sáng tạo và linh hoạt. Làng hầm là hình ảnh độc đáo của làng quê trong lòng đất được tạo lập khoa học, hợp lý để phòng thủ chống giặc; mỗi làng quê là môt pháo đài chiến đấu và cả Vĩnh Linh trở thành lũy thép kiên cường.

Một đoạn giao thông hào trong hệ thống địa đạo Vịnh Mốc

Cùng với ý chí chiến đấu quật cường và nghị lực phi thường, tinh thần kiên cường bám trụ, Vĩnh Linh đã tạo ra một hệ thống làng hầm liên hoàn, kì vĩ trong lòng đất và là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam nhằm không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân tuyến lửa trước sự hủy diệt của bom đạn, mà còn có vai trò quan trọng trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện cho Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam. Đặc biệt, các xã như Vĩnh Nam, Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim có hàng chục địa đạo nối thông với nhau bởi một hệ thống đường hầm chằng chịt; một số đia đạo được đào nhiều tuyến, nhiều tầng ở những độ sâu khác nhau, có nơi sâu đến 23m so với mặt đất, được thiết kế khoa học, hợp lý. Tiêu biểu cho hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là địa đạo Vịnh Mốc. Đây là địa đạo có cấu trúc, quy mô lớn, sâu từ 10-23m, trục đường chính dài 768m, cao từ 1,5- 1,8m, rộng 1- 1,2m. Địa đạo có 13 cửa, 7 cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi. Hai bên trục đường hầm cứ cách 3- 5m có những ô được khoét sâu vào làm căn hộ cho các gia đình. Địa đạo chia làm 3 tầng: tầng một là nơi sinh sống của nhân dân; tầng hai là nơi đóng trụ sở của Đảng ủy, Ủy ban và lực lượng vũ trang; tầng ba là nơi cất giấu hàng hóa, vũ khí phục vụ cho việc chiến đấu, chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam. Trong địa đạo có đẩy đủ những công trình thiết yếu được bố trí hợp lý như: giếng nước, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà trẻ, trạm gác, trạm phẫu thuật, hội trường hội họp và biểu diễn văn nghệ… để cho con người sống, tồn tại và phát triển, ổn định cuộc sống trong thời gian dài.

Có thể khẳng định, sự ra đời và tồn tại của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của thế kỷ XX như một huyền thoại. Mỗi hầm hào, mỗi mét địa đạo được làm nên trong bối cảnh chiến tranh ác liệt là kỳ tích độc đáo thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức, tài sản và cả máu của người dân tuyến lửa để tồn tại, bám trụ chiến đấu và chiến thắng bom đạn hủy diệt, thể hiện sức mạnh chiến tranh nhân dân và là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn mãi với thời gian. Một du khách Australia thăm địa đạo Vịnh Mốc ngày 16/12/1994 đã viết: “Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất của thế kỷ 20 và là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của loài người trong cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn”. Còn một du khách Đức đã sững sốt trước công trình kỳ vĩ này thốt lên rằng: “Đã nhiều năm tôi nghi ngờ về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Làm sao một nước nhỏ và nghèo lại có thể đánh thắng một nước lớn và giàu có như nước Mỹ? Nhưng khi tới đây, chui qua 70m đường hầm, tôi đã tự trả lời được câu hỏi đó”.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặc cách công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1976; Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2014. Với tầm vóc và giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh trở thành chứng tích tiêu biểu giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần yêu chuộng hòa bình cho thế hệ trẻ; là điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và thế giới. Đây là di sản văn hóa vô cùng quý giá về ý chí quật cường, vượn lên đấu tranh vì quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân Vĩnh Linh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung mà quá khứ để lại cho hôm nay và mai sau.

KHÁNH NGỌC


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Du lịch Homestay ở làng Ban Phu

Du lịch Homestay ở làng Ban Phu
2017-01-31 14:17:04

(QT) - Trong những ngày cùng Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị dự Hội nghị Hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông 3 tỉnh Savannakhet- Quảng...

Người Quảng Trị ở Salavan

Người Quảng Trị ở Salavan
2017-01-31 14:08:17

(QT) - Biết tôi có ý định tìm hiểu về cộng đồng người Quảng Trị ở tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào, anh Nguyễn Ân, người có thâm niên gần 4 năm là nhân viên thị trường của một...

Sống khỏe nhờ cây rừng

Sống khỏe nhờ cây rừng
2017-01-31 14:01:36

(QT) - Bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị sống và lao động gắn bó với núi rừng Trường Sơn. Bởi gần gũi với cỏ cây, hoa lá nên người dân nơi đây đã tìm...

Những lần đến Quảng Trị

Những lần đến Quảng Trị
2017-01-31 13:48:54

(QT) - Lần tôi chạm Quảng Trị đầu tiên là đầu năm 1976. Theo ba về quê. Xe khách chạy xuyên đêm từ Vinh vào Huế. Trước đó chúng tôi đi tàu Thanh Hóa - Vinh. Từ Vinh vào, chạy...

Quảng Trị - Mảnh đất sâu nặng ân tình

Quảng Trị - Mảnh đất sâu nặng ân tình
2017-01-31 13:44:49

(QT) - Dọc theo lãnh thổ Việt Nam, Quảng Trị nằm thắt lại trên chiều dài Bắc- Nam của giang sơn hình chữ S. Trải qua nhiều thời đại, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, con...

Rạng danh quê nhà

Rạng danh quê nhà
2017-01-30 22:46:13

(QT) - Tuy khác biệt về tuổi đời, xuất thân, hoàn cảnh sống… nhưng họ gặp nhau ở sự nỗ lực vươn lên để trở thành những người con ưu tú, làm rạng danh quê hương.

Miền đất biểu tượng của khát vọng hòa bình

Miền đất biểu tượng của khát vọng hòa bình
2017-01-29 23:00:30

(QT) - Không phải bây giờ mà từ lâu Quảng Trị được nhắc đến như là một biểu tượng khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của đất nước. Cái mảnh đất nhỏ bé, nơi oằn vai của...

Sắc xuân đất nước

Sắc xuân đất nước
2017-01-29 22:55:18

(QT) - Những ngày gần cuối năm, tôi có chuyến đi đến các vùng đất địa đầu Tổ quốc. Tôi đã đến Sa Vĩ, Móng Cái, Quảng Ninh và Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang, cảm nhận sắc xuân đất...

Quê hương nghĩa nặng, tình sâu

Quê hương nghĩa nặng, tình sâu
2017-01-27 23:28:14

(QT) - Những ngày này, khi mùa xuân đang về, trên quê hương Triệu Phong rợp màu cờ hoa mừng Đảng, mừng xuân và hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn. Anh...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết